Mấy kiến giải về văn hóa trong giao lưu, hội nhập thời hiện đại

Giao lưu, hội nhập văn hóa với thế giới là một trong những lĩnh vực quan trọng trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ, được ban hành và triển khai thực hiện từ năm 2009. Trong gần 10 năm qua, hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nhập văn hóa đã tạo nên nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng không phải không còn những tồn tại cần quan tâm. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 cũng đã nhận định: “Giao lưu văn hóa còn thiếu chủ động; chưa tạo được nhiều nguồn lực để mở rộng hợp tác, giao lưu… Tăng cường, chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa… Xây dựng cơ chế phối hợp để triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa…”. Ở đây, từ cái nhìn đa chiều, chúng tôi đưa ra mấy kiến giải về văn hóa trong giao lưu, hội nhập quốc tế nhằm góp phần vào công tác bổ khuyết và thực thi Chiến lược phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

 

     1. Ý niệm về tính nhân văn và toàn cầu hóa

     Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, toàn cầu hóa là sự quan hệ qua lại, quá trình giao lưu giữa các nền văn hóa, sự phát triển, bổ sung cho nhau ở cuối TK XX và tiếp tục sâu sắc hơn, đa diện hơn ở TK XXI, là biểu hiện chung của tính nhân loại, không phải là khuynh hướng toàn cầu đơn cực, mà là tính cộng đồng nhân loại. Đó là nơi gặp gỡ tính đặc sắc, nét độc đáo, sự bình đẳng văn hóa, phong tục, ngôn ngữ và dân tộc đa số và thiểu số, nơi để các nền văn hóa tôn trọng cái khác biệt, cái lạ của người, để người tôn trọng cái khác biệt, yếu tố lạ của ta.

     Không phải ngẫu nhiên mà trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ (2009) cũng như các văn kiện tại Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) đã có nhiều đoạn nói đến văn hóa và mối quan hệ giao lưu, hội nhập giữa nước ta và các nước. Phần II của Báo cáo Chính trị ghi rõ: “Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển,…Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức”. Phần VI và IX của văn kiện nhấn mạnh sự gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển du lịch theo chiều sâu nhằm truyền bá rộng rãi các giá trị văn hóa trong công chúng, đặc biệt lớp trẻ và người nước ngoài, đồng thời thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực giao lưu quốc tế, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế.

     Tất cả những luận điểm đó giúp chúng tôi triển khai vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa và văn hóa nghệ thuật.

     Mặt ưu trội của toàn cầu hóa là mở rộng biên giới văn hóa dân tộc vượt khỏi giới hạn bản địa, vừa bảo tồn và phát triển tính hiện đại của văn hóa dân tộc. Toàn cầu hóa trong văn hóa nghệ thuật được gọi là bản địa hóa. Ở đây không có rào cản; không ai ngăn cấm một nước này có thể học tập những tinh hoa của một nước khác phù hợp với truyền thống, tâm lý của dân tộc mình. Điều quan trọng đối với văn hóa thời đại chúng ta là tránh tư duy theo lối đơn thuần kinh tế, chạy theo khuynh hướng thực dụng, sa đà vào chủ nghĩa vật chất. Phải coi trọng đời sống văn hóa cũng có giá trị ngang bằng với đời sống vật chất. Nếu không vậy, thì các giá trị nhân văn sẽ bị hạ thấp, và lúc ấy con người sẽ không còn là con người nữa, mà là nửa người nửa thú.

     Trong khi mở rộng không gian văn hóa giữa các nước, toàn cầu hóa đã góp phần làm dân chủ hóa các sản phẩm văn hóa nhờ công nghệ thông tin, kinh tế tri thức, internet, văn hóa mạng và nhiều phương tiện truyền thông khác. Người ta bắt đầu nói đến tri thức là quyền lực; người ta cũng nói đến quyền lực mềm của văn hóa đang tạo ra ảnh hưởng lớn hơn quyền lực chính trị hay quân sự.

     Tuy nhiên, toàn cầu hóa trong văn hóa nghệ thuật là con dao hai lưỡi. Nó đang tạo ra các xu hướng đối nghịch: trao thêm quyền (dân chủ hóa các sản phẩm văn hóa, sản phẩm truyền thông điện tử…) và tước bỏ quyền (văn hóa đọc bị thu hẹp…); gia tăng dân chủ (những trang web cá nhân, những blogger tự do) và áp đặt văn hóa đơn cực (chủ yếu là văn hóa Mỹ và các nước lớn); dân chủ hóa và độc quyền hóa. Dù đã tiên liệu quy luật phá vỡ xã hội truyền thống và hiện đại hóa thiếu định hướng của toàn cầu hóa, các nước đang phát triển như nước ta dễ dàng tụt hậu xa hơn, thách thức gay gắt hơn. Vì vậy, khi nói đến toàn cầu hóa, ngoài tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, nhân dân các nước đang ý thức sâu sắc xu hướng toàn cầu hóa nhân văn. Ở đó, con người là sản phẩm quý nhất của văn hóa. Ở đó các thành tựu của văn hóa dân tộc trở thành thành tựu của loài người, còn những giá trị văn hóa loài người làm phong phú hơn văn hóa dân tộc.

     Để xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (2011) Đảng và nhân dân ta đồng thuận nêu lên tám phương hướng cơ bản mà trong đó phương hướng ba: xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phương hướng năm: thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế… là cơ sở lý luận giúp chúng tôi quán triệt, triển khai và luận giải về mặt thực tiễn trong bài viết này.

     2. Luồng gió mới từ một nền văn minh trời Tây

     Nhờ xu thế giao lưu thông thoáng với nhiều nước châu Âu với mục đích tiếp nhận tri thức, học thuật, công nghệ của họ mà vào những năm 20, 30, 40 TK XX một thời đại mới trong văn hóa đã ra đời. Trước hết là nói đến sự tiếp nhận lý luận nghệ thuật phương Tây qua phương pháp so sánh: Nghề hát bội của ta và nghề diễn kịch của người châu Âu (1913) của Nguyễn Văn Vĩnh. Trong bài Bàn về tiểu thuyết (1921), Phạm Quỳnh đã so sánh văn tự sự của ta, của Tàu khác xa với văn Tây, cho rằng “văn Tây có cái vẻ đột ngột tự nhiên… văn Tây vẫn có ý nhanh nhẹn hoạt bát… Cái đặc sắc của văn tiểu thuyết Tây là vừa dùng lối tự sự lại biết khéo tham bác các lối tả cảnh, tả tình…” (1). Nhân luận về chính học và tà thuyết trong quốc văn, trong Kim Vân Kiều, Ngô Đức Kế khen văn chương quốc âm của Nguyễn Du là “hay thiệt”, nhưng từ đó một số văn sĩ đi đến sùng bái, tán dương coi Truyện Kiều là “khai hóa cho quốc dân” là quá quắt. Đối với cụ, “học nghĩa lý, danh từ khoa học, luân lý, cách trí, chính trị, phép luân lý, phép ký sự để xem sách vở ngôn luận của ta cho hiểu, để đem tư tưởng sở đắc trong Pháp học mà phát ra làm trước thuật ngôn luận của ta” (2), không còn là câu hỏi nữa. Huỳnh Thúc Kháng trong Không nên khinh lối văn châm phúng cổ vũ lối văn nước Âu Mỹ hay ở nước ta đều cần thể loại này, ở phương Đông có Đông Phương Sóc, Trang Tử, ở phương Tây có La Fontaine đều là những “tay văn châm phúng đã chiếm một địa vị trọng yếu trong làng văn” (3). Vào những năm 30 TK XX, trong bài Hùng tráng ca Việt Nam và hùng tráng ca Âu Tây, Thiếu Sơn cho rằng, trường ca của nước ta thường phản ánh lịch sử, trong lúc trường ca châu Âu nghiêng về thần thoại về vũ trụ quan và tôn giáo. Xuân Diệu thừa nhận: “Chúng ta nay chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây, nhưng chúng ta phải “ngoan” lên nhiều lắm, đã tỉnh dậy nhiều lắm, đã không nô lệ cho văn học nước ngoài” (4). Lan Khai nhắc lại trong hai bài liền: Cái nguy mất gốc Tính cách Việt Nam trong văn chương (1939) với quan điểm dân tộc độc lập. Mỗi dân tộc có một tinh thần riêng. Mất tinh thần ấy là một nguy cơ: “Dưới sức tràn lấn của châu Âu dân Việt Nam mất chủ quyền về chính trị. Sự thiệt thòi ấy mở đầu cho bao nhiêu sự thiệt thòi khác” (5). Dẫn lại cuốn sách Nụ cười và nước mắt của một hạng thanh niên của GS, TS Nguyễn Mạnh Tường kể về một cậu học trò sang Pháp học, thành tài, hạnh phúc, khôn ngoan, ăn chơi phóng đãng, nhưng không có ích cho ai cả; chỉ vì cậu không dính líu gì đến xã hội Việt Nam, không nghĩ đến sự trở về nước. Nhưng khi đã về tổ cũ, về với gia đình, quê hương thì cậu chẳng khác gì người khách lạc vào thế giới xa lạ.

     Một luồng gió mới trong giao lưu văn hóa Đông - Tây từ đầu những năm 30 trở đi là ảnh hưởng tích cực của lý luận mác xít. Đề tựa cho cuốn Duy tâm và duy vật của Hải Triều, Phan Văn Hùm “tán dương cái thuyết biện chứng phép duy vật mà ông Hải Triều đã theo, và tôi đương học” (6). Trong bối cảnh xã hội giữa lúc bao nhiêu ngụy thuyết duy tâm, thần bí làm tác hại xã hội như một thứ nha phiến hoặc khuynh hướng duy vật thô sơ, máy móc “mất đường tiến hóa” thuyết biện chứng phép duy vật chưa hề bị khoa học đánh đổ mà lại được nhìn nhận kể cả các nhà khoa học tự nhiên. Còn Hồ Xanh coi cuốn sách nói trên như một chiếc máy thu thanh, đã thu tiếng sóng dồn dập nhân loại phương Tây từ đầu TK XIX. Nhờ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác mà trong nhiều cuộc tranh luận, Thiếu Sơn phải “ngả mũ cúi đầu hàng”, Phan Khôi phải “bỏ sào huyệt mà chạy với tàn quân”… và về sau cả Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư và các nhà lý luận khác, nếu coi nghệ thuật là thuần túy, chỉ coi nghệ thuật là cái đẹp đích đến cái có ích thì không còn cái đẹp nữa, như quan niệm của Theophile Gautier xướng lên giữa TK XIX đều bị phê phán.

     Cuốn Văn sĩ và xã hội (1937) của Hải Triều được coi là hiện tượng gây chấn động dư luận xã hội đương thời khi nhà lý luận giới thiệu sự nghiệp của ba đại văn hào thế giới là M. Gorki, R.Rolland và H.Barbusse với bạn đọc Việt Nam. Trong lời tựa cho cuốn sách nói trên, Hải Thanh viết: Họ là “những nhà văn hào của hạng người nghèo khổ, đã vạch sẵn con đường nghệ thuật giúp vào sự tiến hóa lịch sử. Họ đã làm tròn cái phận sự của nhà văn đối với xã hội nhân quần. Sự nghiệp của họ hết sức lớn lao oanh liệt, cuộc đời của họ đầy rẫy những sự hy sinh, chính quân thù của họ cũng phải phục” (7). Ảnh hưởng của lý luận và mỹ học macxit vào ba thập kỷ đầu TK XX đối với văn hóa nước ta phải kể đến cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, kéo dài từ năm 1935 đến 1939. Trong quá trình tranh luận, giữa họ có nhiều kiến giải tương đồng dẫn đến điểm hội tụ: đó là tầm nhìn văn hóa rộng, ý thức dân tộc, lòng yêu nước, sự tôn vinh quốc văn dân tộc, sự tự ý thức về văn hóa tranh luận.

     Ảnh hưởng của các nhà thơ, nhà văn châu Âu đối với từng cá nhân văn nghệ sĩ nước ta cũng có những cung bậc khác nhau. Xuân Diệu được Lưu Trọng Lư ví như “một người học trò của “trường học mới”, một người tìm nguồn sống ở đôi vú sữa phương Tây… một tâm hồn đã nhuần tắm trong luồng tư tưởng xán lạn tưng bừng của André Gide hay Oscar Wilde” (8). Thơ của chàng thi sĩ trẻ tuổi này đến với bạn đọc thật lạ lẫm, đến nỗi trên báo Ngày nay, một người bạn Xuân Diệu đã hạ một câu cụt ngủn: “Thơ Xuân Diệu “tây” quá! Nhưng có lẽ “tây” một cách thành thục” (9). Hoàng Ngọc Phách là “một thiếu niên học thức, giàu tình cảm, ưa văn chương, lại có tính quan sát chuyện đời… sẵn lòng hâm mộ Paul Bourget nên phương pháp viết truyện là một phương pháp khoa học… Nhà tiểu thuyết họ Hoàng đọc nhiều sách Tây nên chịu ảnh hưởng của phái lãng mạn, nhất là của Vigny, Lamartine, có khả năng quan sát trong giới trẻ mà ông thường giao du, ý muốn giáo dục luân lý bằng tâm lý học mà viết ra Tố Tâm”(10), thiên tình sử vượt lên trên những quan niệm đương thời về tình yêu, gia đình, hạnh phúc, có giá trị nhất định. Hán Quỳ trong bài viết ngắn đăng trên Tràng An số 108 (1936) đã khẳng định những nhà thơ có tài như Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp với nhiều thi phẩm có giá trị đã làm cho Thơ Mới có dáng dấp về thi pháp thơ Pháp năm 1830. Ông mạnh dạn viết: “Mỗi lúc đọc thơ Thế Lữ, tự nhiên tôi nghĩ đến Lamartine… Thế Lữ bắt đầu một kỷ nguyên mới về thi ca. Thanh niên ta hồi đó đang còn bỡ ngỡ trước những tấn kịch thảm khốc dễ làm cho họ chán đời, thì thi sĩ Thế Lữ đã kịp thời an ủi họ”. Nếu như Thế Lữ “ru” người ta, thì Huy Thông mạnh mẽ và mới lạ hơn. Lê Tràng Kiều ví Huy Thông là nhà thơ ly tao và hùng tráng có dáng dấp V.Huygô (cả về lứa tuổi lẫn tài năng). Cũng như Alfret do Musset, Nguyễn Nhược Pháp đã dám cười khi người ta sẵn sàng theo Thế Lữ hay “hậm hực như mang hận chiến sĩ” theo Huy Thông; Musset nói truyện Y Pha Nho, Ý đại lợi thì Nhược Pháp kéo chúng ta về “ngày xưa”, ngày xưa cũng là một xứ lạ đối với hiện tại của nước ta (11).

     Ảnh hưởng của Lưu Trọng Lư đối với tư tưởng duy lý phương Tây có khác với Xuân Diệu. Học giả Trần Thanh Mại trong bài Lưu Trọng Lư - thi sĩ giang hồ (Tiếng thu, Tô Văn Đức xuất bản) hạ bút: “Lắm câu thơ của Lư có những âm hưởng của thơ Đường nó dịu dàng phơn phớt, mát mẻ, lơ thơ mà hay gợi cho người đọc những nỗi u hoài mênh mang, bát ngát, những nỗi nhớ nhung nhẹ nhẹ xa xăm: Sớm vin nhành liễu so màu tóc/ Chiều ngắt hoa lê đo nụ cười/ Người đẹp bên sông sầu chửa biết/ Bên sông ngày lượm lá bàng rơi!” (Lá bàng rơi).

     Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong tiểu luận Trên đường nghệ thuật (1940) đã khéo léo vẽ lên một bức tranh toàn cảnh, về vấn đề dịch thuật dưới thời Pháp thuộc. Trước hết là thực trạng sách dịch, vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa những thứ tiểu thuyết ái tình, tiểu thuyết trinh thám cốt để câu khách lớp trẻ, nhưng lại thiếu những cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, những sách về triết học, khoa học nhằm phổ biến những tư tưởng tiến bộ của Âu Tây. Khi đọc được những dòng chữ sau trên tạp chí Nam Phong, nhà văn hết sức đồng tình: “Chúng ta không có những sách dịch đúng đắn, những thứ sách để di dưỡng tinh thần… Còn đến những sách về triết học, khoa học, tuyệt nhiên không thấy có. Có lẽ những sách này không ai dịch nổi chăng?”. Đúng vậy! Một nền giáo dục mà chỉ coi tiếng Việt như một thứ ngoại ngữ, thậm chí ở Đại học Hà Nội tiếng Việt không có trong chương trình, một nền quốc văn bị số đông hờ hững do trình độ thấp, đó là chưa kể đến những người nệ cổ. Nhà văn đề nghị giới học thuật, văn nhân quan tâm đến hai đối tượng: đó là việc dịch sách cổ bằng Hán học của bậc tiền nhân, và sách chữ Pháp, bởi sách của các nhà văn Pháp (cả dịch thuật lẫn sáng tác) là những kho tư tưởng rất quý của loài người. Nhờ sách chữ Pháp mà phần đông những người Tây học nước ta hiểu biết văn chương rất đặc biệt của Anh, của Mỹ, của Đức và của nhiều nước khác (12). Di sản văn hóa đầu TK XX tính có hàng trăm tác giả, hàng mấy chục nghìn tác phẩm lớn, nhỏ. Tất cả đã góp phần phục hưng văn hóa lấy ý thức dân tộc độc lập, lòng yêu nước, thương nòi làm cội nguồn, là cơ sở và tiền đề của một giai đoạn văn hóa mới vào những năm 40 TK XX với Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và sự ra đời của Hội Văn hóa cứu quốc.

(Còn nữa)

_____________

1, 2. Nhiều tác giả, Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr.254, 369.

3. Nhiều tác giả, sđd, tập II, tr.154.

4, 5, 12. Nhiều tác giả, sđd, tập IV, tr.153, 201, 354.

6, 7, 8, 9, 10, 11. Nhiều tác giả, sđd, tập III, tr.273, 540, 17, 18, 135, 488.

 

Tác giả: Hồ Sĩ Vịnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

 

;