Lòng tự trọng

Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Đó là một đức tính nhằm giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình, dù ở bất cứ đâu hay hoàn cảnh nào. Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, có tư tưởng nhân nghĩa, không bao giờ làm điều xấu, việc ác với bất cứ ai.

Từ xưa đến nay, lòng tự trọng luôn được ông bà, cha mẹ coi trọng, trong việc giáo dục dạy dỗ con cháu như: “Giấy rách phải giữ lấy lề” hay “Đói cho sạch, rách cho thơm” v.v... Lòng tự trọng khác với tính tự ái, nhiều người, thường hay nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau. Lòng tự trọng là coi trọng nhân nghĩa, phẩm cách và giá trị con người của mình, với mục đích là vì người khác, tôn trọng người khác, tôn vinh nét đẹp cho xã hội, cho cộng đồng. Nói cách khác, lòng tự trọng chính là bản chất văn hóa và tinh thần nhân văn của mỗi con người. Những người có lòng tự trọng họ thường thể hiện bằng những lời nói, cử chỉ, hành vi lịch thiệp, nhã nhặn, từ tốn, biết tự kiềm chế, họ được tiếp thụ bởi sự giáo dục đúng đắn, chu đáo, tốt đẹp ngay từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Ba môi trường giáo dục này có tính quyết định rất lớn đến nhân cách của một con người. Còn tính tự ái là chỉ biết yêu chính bản thân mình, cho mình là trên hết, chỉ cốt được lợi cho riêng mình, bất chấp danh dự và quyền lợi chính đáng của người khác. Nó là “mảnh đất” màu mỡ sinh ra những thói hư, tật xấu, tính hẹp hòi, ích kỷ. Tuy nhiên, bản thân mỗi người cũng phải biết tự điều chỉnh hành vi của mình theo truyền thống đạo lý dân tộc và lối sống có văn hóa, mới có thể trở thành con người lương thiện, tử tế và có lòng tự trọng. Có thể nêu ra rất nhiều biểu hiện của lòng tự trọng như: Không tham tiền bạc, của cải bất chính; nhặt được của rơi, trả lại người mất. Lỡ va quệt xe cộ vào người đi đường thì đỡ người ta dậy, hỏi han và xin lỗi, hoặc đưa vào bệnh viện. Khi tham gia giao thông luôn thực hiện tốt văn hóa giao thông. Ăn nói lịch sự, khiêm nhường; cử chỉ đứng đắn, hiền hòa. Sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, không làm việc gì trái với lương tâm, đạo đức.

Một xã hội mà cái ác, cái xấu ngang nhiên tồn tại và lấn lướt cái tốt, cái đẹp là một xã hội rất đáng lo ngại. Trái lại, sống trong một xã hội càng có nhiều người có lòng tự trọng thì xã hội càng tốt đẹp, cuộc sống sẽ vô cùng hạnh phúc, đất nước mới phát triển phồn thịnh và bền vững. Uy tín, dân tộc càng được nâng cao, bạn bè quốc tế càng kính trọng, tin yêu và cảm phục.

VÕ HOÀNG NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025

;