Người kiến tạo tranh dân gian Đông Hồ trong không gian hiện đại

Tranh Đông Hồ vốn là một dòng tranh dân gian của Việt Nam, xuất xứ từ làng Đông Hồ, nay thuộc khu phố Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước kia, tranh được bán ra chủ yếu phục vụ vào dịp Tết Nguyên đán để người dân mua về dán tường trang trí trong không gian nhà ở của mỗi gia đình đón Xuân đầu năm mới, cầu mong vinh hoa phú quý, tấn tài tấn lộc...Tranh Đông Hồ vốn rất gần gũi với cuộc sống người Việt, từng đi vào thơ, văn... Ngày nay, tập tục mua tranh treo ngày Tết đã bị mai một, làng nghề làm tranh cũng thay đổi rất nhiều.

NNUT Nguyễn Hữu Quả tặng tranh dân gian Đông Hồ cho khách quốc tế tại bờ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong chương trình hoạt động Liên hoan văn hóa Việt - Nhật, nhân dịp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - NNUT Nguyễn Hữu Quả

Làng tranh Đông Hồ, xưa kia có 17 dòng họ làm tranh dân gian, nay chỉ còn 2 dòng họ giữ nghề và sống bằng nghề, đó là dòng họ Nguyễn Hữu và Nguyễn Đăng. Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Hữu Quả (sinh năm 1963), là cháu/ con đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Hữu và là con trai thứ hai của cố NNƯT Nguyễn Hữu Sam. Hằng ngày, ông vẫn miệt mài cùng vợ con bên những tờ giấy dó, cái bàn in tranh và cây bút vẽ... Tuổi thơ của ông lớn lên trong mùi thơm của hồ làm từ gạo nếp, ngủ ngon trong âm thanh giã nghiền vỏ điệp. Mê tranh từ nhỏ, mới lên 7, lên 8 ông Quả đã được gia đình cho tiếp xúc với nghề làm tranh Đông Hồ thông qua các công việc phụ giúp như tô màu, phơi tranh và thu dọn. 12 tuổi, ông đã quen với cách tô màu tranh, thuộc từng khuôn in các loại để biết tranh nào khuôn ấy, khuôn nào in trước, khuôn nào in sau. Mỗi bức tranh, ông được hướng dẫn với nhiều công đoạn. Cách quét màu phải nhẹ nhàng, đều tay, sao cho màu thấm vào tranh không nhiều quá, không ít quá để bức tranh phẳng như lụa. Thường một bức tranh phải có 5 màu chủ đạo nên phải có 5 bản khắc, 5 lần in. Màu đậm in trước, màu nhạt in sau. Độ lệch các bản màu càng ít thì chất lượng tranh càng cao. In xong các bản màu, cuối cùng mới in bản nét (màu đen), định hình hoàn hảo với đầy đủ gam mầu và các đường nét của một bức tranh Đông Hồ truyền thống. Bản nét có nét to đậm, mềm mại bao quanh những mảng màu to bẹt, đồng bộ, tạo thành một đường viền làm bức tranh sắc nét. Khâu cuối cùng gọi là đồ tranh, tức là chấm sửa cho hoàn thiện. Nguyễn Hữu Quả từng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán Nông nghiệp - Trường Đại học Tài chính - Kế toán, vốn sáng dạ, nhanh mắt, nhanh tay lại chịu khó học hỏi nên dần dà ông thực hành không mấy khó khăn...Năm 1986, Nguyễn Hữu Quả đã từng là xã viên của HTX sản xuất Tranh dân gian Đông Hồ. Đến năm 1990, HTX sản xuất Tranh dân gian Đông Hồ tự giải thể. Dưới sự dẫn dắt của người cha là cố NNƯT Nguyễn Hữu Sam, trong cùng  một  gia đình nghệ  nhân làng  nghề, người con trai thứ hai và cô con dâu cả đã quyết chí nối nghiệp cha tiếp tục duy trì công việc làm tranh. Năm 2020, bà Nguyễn Thị Oanh và ông Nguyễn Hữu Quả được vinh danh là NNƯT. Đến tháng 3 năm 2024, chồng bà Oanh cùng con trai ông Nguyễn Hữu Quả được công nhận danh hiệu nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh. Đến nay, nhiều cháu nội, cháu ngoại nhờ được ông/cha truyền dạy cho từng công đoạn làm tranh, cũng đã rất thạo nghề. 

Hiện nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai thứ của cố NNƯT Nguyễn Hữu Sam cũng là chủ của một cơ sở sản xuất tranh Đông Hồ nổi tiếng trong làng. Ngôi nhà của gia đình NNƯT Nguyễn Hữu Quả đã trở thành một trong những địa chỉ văn hóa hấp dẫn thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài tới tìm hiểu, nghiên cứu, thưởng ngoạn và đặt hàng, mua tranh. Dẫu có lúc thị trường khó khăn nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả và gia đình vẫn tiếp nối nghề của cha ông. Ngoài các bản khắc cổ của cha ông trao truyền, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả trong những năm qua, với tình yêu và sự tâm huyết với nghề đã sáng tạo thêm hàng nghìn bản phục chế và khắc mới. Gia đình ông đã trở thành điểm trưng bày hàng trăm bản khắc phiên bản tranh theo mẫu cổ, những bức tranh lung linh sắc màu, như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một dòng tranh truyền thống. Có thể kể đến một số nội dung  ông đã sáng tạo thêm như: “Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô”, "Uy chấn sơn hà", "Kim Hầu hiến phúc", "Tam Dương nghênh phúc", “Quan họ giao duyên”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa”,… Không chỉ bảo tồn, khôi phục và phát huy dòng tranh truyền thống, ông và gia đình còn đau đáu nỗi niềm là làm thế nào sáng tạo thêm nhiều đề tài mới có tính ứng dụng cao trong đời sống hiện đại và có thể quảng bá rộng rãi hơn những nét tinh hoa và giá trị dân gian độc đáo trong tranh dân gian của làng Đông Hồ đến với những bạn bè trong nước và quốc tế.

Để kiến tạo/thiết kế ra những mẫu tranh khổ lớn theo đơn đặt hàng của các hoạ sĩ đồ họa/ kiến trúc sư... khi họ đặt ra yêu cầu muốn sử dụng hình ảnh/ sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ truyền thống trong không gian hiện đại, ông và các thành viên trong gia đình đã nhiệt tình đón nhận và miệt mài hăng say trong niềm đam mê sáng tạo, cho dù công việc này rất tốn thời gian, thậm chí mất cả tháng để hoàn thiện. Đây cũng là bước/ công đoạn ra mẫu đòi hỏi những nghệ nhân có hiểu biết sâu rộng về nghề nghiệp và tay nghề cao, mỗi tranh vẫn phải dùng tới 5 bản khắc gỗ khác nhau, trong đó, mỗi bản là một mẫu thiết kế cũng là một bản màu khác nhau để tạo thành một tờ/ bức tranh hoàn chỉnh và vẫn đảm bảo theo đúng phong cách của tranh dân gian Đông Hồ cổ xưa, là dùng những nguyên liệu tự nhiên để tạo màu, như: đỏ, vàng, xanh, đen... in trên giấy điệp (nguyên liệu giấy dó được bồi điệp) sản phẩm khi được nghiệm thu vẫn đảm bảo được hồn cốt của dòng tranh dân gian Đông Hồ, là linh hồn của văn hóa/ tinh hoa dân tộc Việt. Đôi khi phải vẽ chi tiết tranh rồi tô màu bằng tay. Song nếu không dùng màu truyền thống từ nguyên liệu tự nhiên thể hiện trên giấy dó được can ghép thành khổ to và bồi điệp thì không thể coi đó là tranh dân gian Đông Hồ truyền thống. NNƯT Nguyễn Hữu Quả chia sẻ: Không có nghề nào nhàn hạ, nghề này cũng được coi là một trong những nghề vất vả, kỹ nghệ nhất ở chỗ cái cũ vẫn giữ, nhưng phải thêm cả nét mới. Làm nghề mà không phát triển thì sao tồn tại được... Ông đưa ra ví dụ: đây là bức tranh Vinh quy bái tổ của các cụ ngày xưa, còn đây là bản tôi mới sáng tác, dù sáng tạo vẫn phải giữ bản sắc cha ông để lại. 

Khi tác giả bài viết đưa vấn đề này trao đổi với KTS Nguyễn Huy Phách, ông cũng nhận xét: "Sử dụng hình ảnh/sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ truyền thống trong không gian hiện đại vẫn là từ cái gốc của tranh dân gian Đông Hồ nhưng qua lăng kính cũng như góc nhìn mới, trẻ trung, hiện đại hơn, dễ tiếp cận với công chúng, sản phẩm có tính ứng dụng cao trong nội thất của nhà ở hiện đại đang là xu thế chung của các kiến trúc sư hiện nay".

Được làm hoàn toàn thủ công với các công đoạn tỉ mỉ, vì thế những bức tranh ông Quả làm ra đều giữ được tinh hoa, kỹ thuật của tranh Đông Hồ cổ. Những bản in gỗ gia đình ông coi như báu vật, có những bản in có tuổi đời hàng trăm năm vẫn được ông và gia đình gìn giữ, như một cách thức tiếp nối nghề của cha ông. Nhiều thời điểm thị trường đầu ra rất khó khăn nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả và gia đình vẫn tiếp nối nghề của cha ông. Ngoài các bản khắc cổ điển, trong những năm qua, NNƯT Nguyễn Hữu Quả đã sáng tạo thêm hàng nghìn bản phục chế và khắc mới cùng nhiều những sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong đời sống hiện đại, phục vụ kịp thời nhu cầu thẩm mỹ mới lạ của mỗi gia đình. 

Không chỉ tích cực trong công tác bảo tồn và phát triển dòng tranh Đông Hồ truyền thống, NNƯT Nguyễn Hữu Quả và gia đình còn tích cực tham gia các hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian và tìm đầu ra cho tranh Đông Hồ ở trong nước và các nước trên thế giới. Đặc biệt, năm 2015, gia đình ông đã trao tặng 26 bức tranh dân gian Đông Hồ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tạo điều kiện quảng bá di sản và được sự hỗ trợ của các cơ quan hữu trách, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đã mở một cuộc triển lãm riêng Tranh dân gian Đông Hồ - Việt Nam tại Bảo tàng trường Đại học Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải - Trung Quốc); mang tranh Đông Hồ sang Liên bang Nga để tham dự Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga. Tranh Đông Hồ cũng thu hút sự quan tâm của giới trẻ nhiều hơn. Một số bạn trẻ đã ứng dụng các hoa văn tranh dân gian vào lĩnh vực thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất, thủ công mỹ nghệ... làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cho biết: Để tranh Đông Hồ thích ứng được với thị hiếu trong xã hội hiện đại, nghệ nhân và gia đình đã luôn coi trọng công việc sáng tạo ra những mẫu tranh phù hợp với thị hiếu hiện đại và tìm cách tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm. Chúng tôi đã tiến hành sáng tạo ra lịch tranh Đông Hồ, làm sổ tay, bưu thiếp giấy dó kết hợp với tranh Đông Hồ xen kẽ theo chương mục bên trong và thử nghiệm sáng tạo ra dòng tranh tô màu trên chất liệu giấy dó bên cạnh hai dòng tranh khắc gỗ và in nét thủy mặc truyền thống theo cách mở rộng kích cỡ, hình nét, kiểu dáng phù hợp với không gian ứng dụng trong những ngôi nhà kiến trúc hiện đại... như: khu nghỉ dưỡng Rừng quốc gia Cúc Phương gần 100 phòng nghỉ; Nhà hàng Trạng nguyên - Terra An Hưng; Nhà khách Chính phủ và các bộ ngành TW, các tỉnh, thành phố... Ngoài ra, chúng tôi còn ký hợp đồng tư vấn, cung cấp tranh cho rất nhiều công ty trang trí nội, ngoại thất và thiết kế trình bày bao bì mang hình ảnh và chất liệu tranh dân gian Đông Hồ, từ các túi quà tặng đến các cấu kiện như vách ngăn, tủ tường… cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

NNƯT Nguyễn Hữu Quả chia sẻ: “Trong làng giờ không còn nhiều người mặn mà với nghề tranh, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người chuyển hẳn sang làm hàng mã. Thu nhập của người làm tranh dao động từ 6-10 triệu đồng/tháng không phải con số hấp dẫn, đặc biệt là đối với những người trẻ. Nếu không vì trân trọng nếp nghề của cha ông, không vì những tâm huyết của cha mình thì tôi chắc không theo nghề cho đến bây giờ. Những gì mà cha tôi để lại là niềm tự hào của gia đình, của dòng họ, tôi sẽ lưu truyền để con cháu mai sau phải luôn ghi nhớ”. 

Đứng trước thách thức lớn của sự tồn vong hay phát triển của một làng nghề từng nức tiếng xứ Kinh Bắc, nhiều năm qua, NNƯT Nguyễn Hữu Quả cùng gia đình đã tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy cho hàng nghìn “học viên” yêu mến dòng tranh Đông Hồ ở khắp mọi miền trên cả nước thông qua các tour du lịch tham quan làng tranh Đông Hồ. Chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ - 2025, ngoài việc chuẩn bị một số lượng hàng lớn (sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ) kịp thời trả đủ cho các đơn hàng và đáp ứng nhu cầu của du khách, gia đình ông cũng đã triển khai thực hiện  dự án xây dựng tour du lịch kết nối Đông Hồ tạo thành lộ trình du lịch hấp dẫn du khách về với làng nghề truyền thống - Tranh dân gian Đông Hồ trên vùng đất thị xã Thuận Thành - Bắc Ninh quê hương.

NHO THUẬN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025

;