Liên hoan Xiếc quốc tế 2022: Cơ hội nâng tầm xiếc phát triển

Vừa qua, Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022 do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTTDL tổ chức đã thành công khi trở thành một trong những sự kiện nghệ thuật quốc tế nổi bật trong bối cảnh nghệ thuật xiếc trên thế giới đang dần hồi phục và phát triển sau suốt hơn 2 năm bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID - 19.

Tiết mục Dây căng cao của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.- Ảnh Thủy Dương

Liên hoan là cuộc tranh tài của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 9 đơn vị nghệ thuật, trong đó có 4 đơn vị nghệ thuật trong nước (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và 5 đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ các nước: Canada, Belarus, Lào, Campuchia, Ai Cập. Sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật của các nghệ sĩ xiếc trong nước và quốc tế đã được khán giả nhiệt tình ủng hộ với những tràng vỗ tay cổ vũ. Các nghệ sĩ quốc tế cũng rất hạnh phúc được biểu diễn trong không khí nhiệt thành này. Trưởng đoàn Xiếc quốc gia Ai Cập Waild Taha phát biểu: “Tôi cảm nhận được sự nồng hậu đón tiếp của Ban Tổ chức cũng như sự cổ vũ của khán giả Việt Nam dành cho nghệ sĩ Ai Cập qua các phần thi. Khán giả và nghệ sĩ của Việt Nam đều rất “fair-play”. Qua các tiết mục dự thi tại Liên hoan, các nghệ sĩ của Ai Cập học hỏi được rất nhiều từ cách tổ chức, dàn dựng tiết mục cho tới kỹ thuật biểu diễn của các đồng nghiệp”. 

Không chỉ bó hẹp trong không gian rạp xiếc, trong không gian phố đi bộ cuối tuần, chương trình chào mừng với các màn diễu hành và biểu diễn của toàn bộ các đoàn nghệ thuật tham dự cũng đã thu hút và tạo sự hứng khởi cho hàng ngàn du khách trong và ngoài nước. Với cách thức tổ chức như vậy, Liên hoan đã tạo được một cú hích, sự hứng thú đối với xiếc trong đông đảo công chúng khi chính khán giả là đối tượng thụ hưởng và phấn khởi trong thời gian này.

Tiết mục Nhào lộn của các nghệ sĩ đến từ Campuchia.- Ảnh: Thủy Dương

Với thực tiễn biểu diễn tại Liên hoan, với lợi thế chủ nhà cùng nỗ lực và sự đầu tư của các đoàn xiếc Việt Nam cho sân chơi lớn sau đại dịch, hầu hết các tiết mục của Việt Nam đều mang tính hoành tráng, sử dụng nhiều đạo cụ phức tạp với số lượng diễn viên đông đảo. Có thể lấy đại diện là Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đơn vị có bề dày nhất trong làng xiếc Việt với sự tham gia ở nhiều tiết mục có những độ khó được nâng cao như tiết mục Dây căng cao, các nghệ sĩ biểu diễn với độ khó, độ nguy hiểm khiến khán giả nghẹt thở khi nhịp nhàng thể hiện các động tác chồng người 2 lớp - 3 lớp, đi trên dây, xe đạp trên dây… ở độ cao rất lớn. Đạo diễn Ngọc Anh cho biết, đơn vị cũng đã từng biểu diễn tiết mục Xe đạp chồng người, Xe đạp đế rồi, nhưng với việc nghệ sĩ bịt mắt, chủ động dừng lại khi đi tới giữa dây lại là sự khó khăn, tăng mức độ kỹ thuật rất lớn. Tiết mục đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ rất chăm chỉ luyện tập, dũng cảm vượt khó mà còn phải có tinh thần đồng đội lớn thì mới có thể biểu diễn ăn nhịp, phối hợp tốt được. Hay tiết mục Đu nón, các nữ nghệ sĩ cũng đã mang tới những điều phi thường khi thực hiện các kỹ thuật cắn răng trụ trên đu, dùng tóc làm trụ để câu treo bạn diễn với những động tác kỹ thuật mà hiện nay trên thế giới chưa từng có. Đó là lý do 2/4 nữ nghệ sĩ tham gia trong tiết mục Đu nón là Phạm Thị Hướng và Chu Hồng Thuý đạt giải Huy chương Vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 tại Liên bang Nga, vượt qua nhiều cường quốc xiếc trên thế giới để giành giải cao nhất. Với tiết mục Đu quăng, tạo hình diễn viên rất bắt mắt, thu hút được sự chú ý của công chúng khi sử dụng ngoại hình phim Avatar. Sự phối hợp giữa đu và nhào lộn với những động tác cực kỳ chuẩn xác ở tầm cao từ 3 đến 5m không có dây bảo hiểm đã tạo nên những giây phút hồi hộp đến nghẹn thở và sau đó là sự tán thưởng của người xem. 

Tiết mục Tung bóng của nghệ sĩ Ai Cập.- Ảnh: Thủy Dương

Bên cạnh đó, các đơn vị khác cũng rất tích cực với các tiết mục được chăm chút, nâng cao tiêu chí kỹ thuật, sự phối hợp những tiết mục từng được đưa đi dự thi Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021 như Lời của biển, Âm vang cổng trời (Trư?ng Trung c?p Ngh? thu?t Xi?c v? T?p k? Vi?t Nam),ờng Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam), Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) hay Hương sắc vùng cao (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội)… được người xem và giới chuyên môn đánh giá cao. Theo NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Xiếc Việt Nam đã đi đúng hướng khi các tiết mục được dàn dựng luôn đề cao tính mạo hiểm và sự dũng cảm để chinh phục khán giả. Tuy nhiên để đạt tới sự mạo hiểm ấy thì người nghệ sĩ cũng đã phải có đủ trình độ đẳng cấp cao để tạo nên sự mạo hiểm và đó chính là kết tinh của sự khổ luyện không ngừng nghỉ, tạo nên những chính xác tuyệt đối. Xu thế thứ hai đó là các tiết mục xiếc Việt Nam đã tăng các yếu tố giải trí và sự hỗ trợ của công nghệ, chính điều này đã nâng tầm cho các tiết mục xiếc, vượt xa cách làm xiếc truyền thống đơn lẻ, diễn trò nhỏ lẻ như những năm trước đây.

Bà Stefanova Veneta Raycheva, Giám đốc nhân sự và Giám đốc nghệ thuật của Công ty Stefani Art Stars, Bungaria - thành viên trong Hội đồng nghệ thuật Liên hoan đánh giá: Tôi rất ấn tượng với các tiết mục xiếc của nghệ sĩ xiếc Việt Nam tại liên hoan lần này bởi họ đã có làm rất khác với xiếc Châu Âu đó là khai thác rất tốt những nét văn hoá truyền thống của Việt Nam từ trang phục, âm nhạc cho đến ý tưởng dàn dựng. Đó cũng là điểm giúp cho nghệ sĩ xiếc Việt Nam thành công trên trường quốc tế nói chung và tại Liên hoan xiếc quốc tế 2022 nói riêng. 

Với các đơn vị quốc tế, đa phần mang những tiết mục gọn nhẹ để phù hợp điều kiện di chuyển nhưng các bạn cũng thể hiện được sự điêu luyện và sáng tạo, có dấu ấn bản sắc của quốc gia. NSND Tạ Duy Ánh - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đã “điểm tên” những Đu quăng (Campuchia), Dây da (Lào), Xe chỉ (Ai Cập), Dây lụa (Canada), Đu vòng (Belarus) như những tiết mục điển hình tại Liên hoan. Ông cho rằng, “So với kỳ thi trước (năm 2019), chất lượng Liên hoan Xiếc quốc tế lần này đã được nâng cao một cách rõ rệt. Nhiều vị giám khảo khá ngạc nhiên vì nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Điều đó không khỏi khiến chúng tôi khó khăn trong việc phân định các giải thưởng, nhưng cũng vì thế mà sự kiện thêm phần hấp dẫn". 

Tiết mục Đu quăng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam - Ảnh: Thủy Dương

Tuy nhiên, cũng như Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế vừa qua, niềm vui chưa thực trọn vẹn khi khác với các Liên hoan Xiếc quốc tế trước đây, Liên hoan năm nay thiếu vắng những nghệ sĩ của các nền nghệ thuật xiếc phát triển mạnh như Nga, Trung Quốc, Mông Cổ, Pháp, Cuba, Mỹ... Còn nhớ ấn tượng rất sâu sắc của khán giả đối với những tiết mục của các nước lớn này khi các nghệ sĩ diễn như không diễn, diễn mà vẫn biểu đạt rất tốt và tiết tấu tiết mục ăn khớp với từng nốt nhạc. Liên hoan năm nay, các tiết mục của các bạn quốc tế dù vẫn được đánh giá cao về kỹ năng kỹ xảo, nhưng vẫn còn sự tiếc nuối không nhỏ khi không có sự so sánh ở tầm vóc cao hơn trên đấu trường quốc tế cho các nghệ sĩ Việt.

Phát biểu bế mạc Liên hoan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định: “Điều lớn nhất mà chúng ta có được từ Liên hoan chính là tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật xiếc tại Việt Nam và thế giới trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ hội tốt để nghệ sĩ các nước trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo nhằm xây dựng nghệ thuật xiếc ngày càng phát triển”, Thứ trưởng nhấn mạnh, để nghệ thuật xiếc ngày càng phát triển, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng cần quan tâm một số nội dung trọng tâm, như: giữa phần kỹ thuật và phần thể hiện của một số tiết mục phải gắn bó chặt chẽ hơn; tăng cường tính kỹ thuật nhằm tiếp cận với trình độ của quốc tế; tiếp tục quan tâm đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các tiết mục; có chính sách đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các diễn viên trẻ, tài năng về làm việc tại các liên đoàn, các đoàn nghệ thuật xiếc; tăng cường các tiết mục mang ý nghĩa giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ gắn với nền văn hóa dân tộc; lan tỏa đến công chúng các tiết mục đạt chất lượng tốt tại Liên hoan.

Tiết mục Màu của gió của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam - Ảnh Thanh Hà

3 giải Vàng tại Liên hoan thuộc về các tiết mục Dây căng cao (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Lời của biển (Trư?ng Trung c?p Ngh? thu?t Xi?c v? T?p k? Vi?ờng Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam). 8 tiết mục khác giành giải Bạc (trong đó có 2 tiết mục của Lào và Ai Cập) và 3 tiết mục giành giải Đồng. Ngoài ra, Liên hoan cũng trao 3 giải cá nhân cho một số nghệ sĩ ở các nội dung dàn dựng, huấn luyện tiết mục.

Ban Tổ chức còn trao các giải cho thành phần sáng tạo: Giải Dàn dựng xuất sắc cho nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) với tiết mục Dây căng cao; giải Huấn luyện xuất sắc cho nghệ sĩ Ngô Lê Thắng và Thái Quyết Trường (Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) với tiết mục Âm vang cổng trời; giải Nhóm nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc cho nhóm nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam với tiết mục Chiến binh không gian.

Giám khảo Stefanova Veneta Raycheva, Giám đốc nhân sự và Giám đốc Nghệ thuật của Công ty Stefani Art Stars (Bulgaria) trao giải thưởng cho Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng (Việt Nam) vì đóng góp to lớn cho sự phát triển của nghệ thuật xiếc Việt Nam và hợp tác quốc tế. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tặng bằng khen cho đoàn nghệ thuật Xiếc Canada.

Liên hoan Xiếc Quốc tế tại Việt Nam được tổ chức 3 năm 1 lần, nhằm tạo điều kiện để cho diễn viên ngành Xiếc Việt Nam có cơ hội để giao lưu, học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo nhằm xây dựng nghệ thuật xiếc phát triển. Đồng thời Liên hoan cũng là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị.

 NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;