Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, nhiều lĩnh vực đang đối mặt với những thách thức và cơ hội mới. Sự giao thoa văn hóa dẫn đến sự đa dạng hóa trong nghệ thuật, nhưng cũng đặt ra bài toán về việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong những năm gần đây, khuynh hướng kết hợp giữa yếu tố dân tộc và hiện đại trong sáng tác và biểu diễn múa đã trở thành một trào lưu nổi bật, thu hút sự chú ý của nhiều nghệ sĩ và khán giả. Xu hướng này không chỉ làm phong phú thêm nội dung và hình thức của các tác phẩm múa, mà còn tạo ra một cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp công chúng hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa dân tộc.
Tác phẩm thơ múa Nàng Mây
Chào đón khuynh hướng mới
Trong bối cảnh hội nhập văn hóa và sự phát triển không ngừng của dòng chảy nghệ thuật thế giới, nghệ thuật múa của Việt Nam cũng đang trải qua sự biến đổi mạnh mẽ nhằm đổi mới và khẳng định bản sắc dân tộc. Trong những năm gần đây, khuynh hướng kết hợp giữa yếu tố dân tộc và hiện đại trong sáng tác và biểu diễn múa đã trở thành một trào lưu nổi bật, thu hút sự chú ý của nhiều nghệ sĩ và sự quan tâm theo dõi của khán giả. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam: “Nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay có sự giao thoa giữa yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại. Hai yếu tố này là hiện thân của giá trị bản sắc văn hóa và tính thời đại. Sự tích hợp hai yếu tố trong một tác phẩm đưa nghệ thuật múa Việt hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật nhân loại, đồng thời làm giàu vốn truyền thống dân tộc.”
Vở ballet Đông Hồ
Sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và hiện đại trong sáng tác và biểu diễn múa không chỉ phản ánh sự sáng tạo và đổi mới, mà còn thể hiện sự tôn trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong nghệ thuật múa. Trong quá trình này, các nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm và thử nghiệm những phương thức mới để hòa quyện yếu tố dân tộc vào trong các màn biểu diễn đương đại. Việc này không chỉ dừng lại ở vấn đề sử dụng trang phục truyền thống, đạo cụ hay nhạc cụ, mà còn bao gồm cả việc khám phá và làm mới ngôn ngữ, động tác múa; ý tưởng mới, cách dẫn dắt và kể câu chuyện mới mẻ, thu hút, khiến khán giả cảm thấy vừa thấy lạ, vừa thấy quen.
Đứng trước khuynh hướng kết hợp giữa yếu tố dân tộc và hiện đại trong nghệ thuật múa, với vai trò là cơ quan đầu ngành của ngành múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã luôn nỗ lực xây dựng một môi trường nghệ thuật đa dạng, giúp nghệ thuật múa Việt Nam không chỉ giữ gìn bản sắc, mà còn hòa nhập và phát triển. Tác phẩm múa Seasan công diễn thành công trong đêm khai mạc Tuần lễ múa Việt Nam diễn ra vào tháng 10/2024 tại tỉnh KonTum vừa qua là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của lãnh đạo Hội. Vở diễn do biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và Tổng đạo diễn. Trong 60 phút, “Seasan” đưa khán giả thăng hoa trong không gian nghệ thuật được kết nối theo 5 cảnh Mạch nguồn, Lửa thiêng, Yaly, Lời ru của rừng, Theo ánh mặt trời. Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ: “Vở múa được dựng theo phương pháp tương tác và ngẫu hứng. Đây là một trong những phương pháp từ Contemporary Dance (Múa đương đại) vận dụng vào sáng tác và trình diễn với múa các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, B’râu, Rơ Măm và tương tác với không gian bản địa nhà Rông Kon Klor.” Tác phẩm không chỉ khắc họa vẻ đẹp của các phong tục tập quán truyền thống, mà còn phản ánh sự hòa nhịp giữa thiên nhiên và con người, từ đó truyền tải thông điệp về sự giao thoa văn hóa và tôn vinh bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện đại.
Tác phẩm Lụa mây của NSND Phạm Anh Phương đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2023
Sự táo bạo, tiên phong trong tìm tòi, khám phá của lãnh đạo Hội và thế hệ nghệ sĩ đi trước đã mở ra những hướng đi mới, khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục khai phá và phát triển các hình thức biểu diễn đa dạng hơn. Tác phẩm thơ múa Nàng Mây của biên đạo múa Nguyễn Hải Trường vừa giành giải Vàng tại Liên hoan Múa quốc tế năm 2024 cũng là một sự tìm tòi, sáng tạo theo hướng kết hợp ngôn ngữ múa dân gian với múa đương đại nhằm tôn vinh nghề truyền thống mây tre đan của Việt Nam. Câu chuyện về đời sống văn hóa gắn với nghề truyền thống đã được kể bằng sự sáng tạo, mới lạ, từ ngôn ngữ, chất liệu, tạo hình, đến âm nhạc, đạo cụ… đã gợi nhiều tò mò và ấn tượng cho khán giả trong nước và quốc tế. Tác phẩm cũng truyền tải thông điệp gìn giữ bản sắc và phát triển bền vững nghề truyền thống, đồng thời nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt ra quốc tế, đóng góp vào việc làm và kinh tế cho người dân làng nghề.
Nàng Mây cũng khiến chúng ta nhớ đến vở ballet Dó của Nghệ sĩ Ưu tú Phan Lương và biên đạo múa Vũ Ngọc Khải được công diễn vào tháng 5/2024. Với ý tưởng đưa chiếc nơm đánh cá của nông dân Việt Nam lên sân khấu, các biên đạo đã để cho chiếc nơm - một ngư cụ giản đơn, gần gũi, thân thương trong đời sống của nông thôn Việt có thể đối thoại cùng ballet phương Tây và âm nhạc cổ điển hàn lâm trước sự ngỡ ngàng, thích thú của khán giả trong nước và quốc tế. Vở diễn đã thành công trong việc tạo ra sự kết nối độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, mang lại cho người xem những trải nghiệm nghệ thuật sâu sắc và mới lạ.
Vở múa Sesan
Một số tác phẩm khác gần đây cũng đã thành công trong việc kết hợp giữa yếu tố dân tộc và hiện đại trong cách kể câu chuyện văn hóa Việt Nam tới khán giả như: như kịch múa Nguồn sáng (Phạm Anh Phương), tổ khúc múa Đông Hồ (Nguyễn Ngọc Anh), Dệt lanh (Kiều Lê), Ngô trên đá (Nguyễn Minh Thông), Vòng quay thuyền thúng (Nguyễn Hữu Từ), Mẹ mặt trời (Trần Xuân Thanh)…
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức vào tháng 10/2024, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Văn Quang, nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam nhận định: Có một lực lượng biên đạo trẻ đã và đang tiếp bước các thế đi trước sáng tạo những tác phẩm múa chất lượng, có giá trị, có tầm nhìn. Họ tiếp cận được làn sóng mới, đưa chất liệu múa các dân tộc trở thành những chuyển động múa phù hợp, khiến tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại, nhưng không mất đi bản sắc, phong cách, tâm hồn.
Có thể nói, dòng ngôn ngữ múa mới đã mang đến hơi thở đương đại cho lĩnh vực nghệ thuật múa ở Việt Nam. Sự mới mẻ đó thể hiện ở luật động, tạo hình múa; tính phức điệu; tính ngẫu hứng, tương tác; tính đột biến ấn tượng và quy luật mở trong tư duy phát triển ngôn ngữ… Bên cạnh đó là những trào lưu, xu hướng sáng tạo mang tính đột phá như việc kết hợp với các hình thức nghệ thuật khác như nhảy đương đại, âm nhạc điện tử, nghệ thuật thị giác,… Những yếu tố này không chỉ làm phong phú thêm ngôn ngữ múa mà còn tạo ra những trải nghiệm mới lạ cho khán giả.
Một vài thách thức
Việc kết hợp yếu tố dân tộc và hiện đại trong một tác phẩm múa không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một trong những thách thức lớn nhất là làm sao để duy trì được tính nguyên bản và bản sắc của các điệu múa dân tộc, trong khi vẫn phải đảm bảo tính mới mẻ và sáng tạo. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ múa có sự tinh tế và hiểu biết sâu sắc về cả múa truyền thống và hiện đại, cũng như cội nguồn văn hóa của dân tộc. Các nghệ sĩ cần có khả năng phân tích và nhận diện những giá trị cốt lõi trong các điệu múa truyền thống, đồng thời tìm ra cách để làm mới chúng mà không làm mất đi bản chất và ý nghĩa gốc. Thực tế thời gian qua cũng đã xuất hiện không ít tiết mục gây cảm giác “sống sượng” bởi sự kết hợp thiếu tinh tế giữa các dòng ngôn ngữ múa cùng các giá trị thẩm mỹ khác nhau đã tác động tới hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm.
Vở ballet Dó
Ngoài ra, việc tìm ra sự cân bằng giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại cũng là một thách thức lớn. Các nghệ sĩ cần phải tránh việc làm mất đi bản chất của các điệu múa dân tộc, trong khi vẫn phải đảm bảo rằng các yếu tố hiện đại được tích hợp một cách tự nhiên và hợp lý. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, khả năng thử nghiệm và sự hợp tác chặt chẽ giữa các nghệ sĩ, biên đạo và nhà nghiên cứu.
“Tiếp thu múa hiện đại của phương Tây giúp cho biên đạo múa có thêm chất liệu, phương tiện để sáng tạo, không thể phủ nhận những giá trị của múa hiện đại mang lại, bởi nó bổ sung những yếu tố mới cho sáng tạo tác phẩm, mang hơi thở hiện đại, tấm gương phản chiếu thời đại, phản ánh khả năng khám phá kỳ diệu của cơ thể, khả năng tư duy, sáng tạo cách nghĩ, cách thể hiện đa chiều phù hợp với xã hội đương đại, tuy nhiên không nên lạm dụng, sao chép một cách thái quá để đánh mất bản sắc văn hóa, phong cách múa của dân tộc mình.” - Ths Phùng Quang Minh, Trưởng Khoa Múa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ.
Một thách thức khác nằm ở sự khác biệt về quan điểm và sở thích của khán giả. Một số khán giả có thể ưa thích những màn biểu diễn truyền thống thuần túy, trong khi số khác lại mong muốn được thấy những tác phẩm mới lạ và sáng tạo. Do đó, các nghệ sĩ cần phải linh hoạt và nhạy bén trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả, đồng thời giữ vững tầm nhìn nghệ thuật của mình.
Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và phương tiện truyền thông cũng tạo ra áp lực cho các nghệ sĩ trong việc đổi mới và sáng tạo. Trong thời đại số, việc tiếp cận thông tin và xu hướng nghệ thuật toàn cầu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này có thể khiến một số nghệ sĩ cảm thấy áp lực phải liên tục đổi mới để không bị tụt lại phía sau, dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc cá nhân và văn hóa dân tộc.
Dù có nhiều thách thức, nhưng cơ hội mà sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và hiện đại mang lại là vô cùng lớn. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu múa thể hiện sự sáng tạo và tài năng của mình. Sự kết hợp này không chỉ làm phong phú thêm ngôn ngữ múa mà còn góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng, với đam mê và sự sáng tạo không ngừng, nghệ thuật múa Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế và sức sống của mình trong bối cảnh văn hóa toàn cầu.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024