Khơi thông nguồn lực, hoàn thiện chính sách để văn hóa phát triển bền vững

Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

1. Lĩnh vực văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chăm lo và coi trọng. Nếu tính từ năm 1998, lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết riêng về văn hóa (Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII), cho đến nay, trong các văn kiện Đại hội Đảng, cũng như Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 (về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước), đều nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa” (1).

Đặc biệt, kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chấn hưng văn hóa, với 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đã như một làn gió mới, bừng lên khí thế mới, lan tỏa trong toàn Đảng và toàn xã hội, phấn đấu để văn hóa thấm sâu vào trong đời sống xã hội, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế, xã hội. Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đến nay, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành được nâng cao rõ rệt. Văn hóa tiếp tục được xác định ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội - duy trì quan điểm mà Đảng ta cũng đã nhấn mạnh ngay từ năm 1943, trong Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Những chuyển động về văn hóa trong thời gian vừa qua đã được minh chứng bằng những kết quả, con số cụ thể, sinh động. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “thời gian qua Nhà nước đã dành nguồn lực nhất định từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư phát triển văn hóa, phát triển con người cả từ Trung ương đến địa phương với mức đầu tư được xác định khoảng 1,6-1,7% so với tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, và tăng dần theo từng giai đoạn. Đến giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư phát triển văn hóa từ ngân sách nhà nước đã có sự gia tăng đáng kể”. Theo đó, năm 2021-2025 số vốn ngân sách trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng (đầu tư tại các bộ, cơ quan Trung ương là 4.445 tỷ đồng; đầu tư tại địa phương là 5.021 tỷ đồng), gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đã dự kiến bố trí 2.233 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án số 6: bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch… (2).

Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đến nay, các địa phương đã có sự quan tâm đầu tư hơn cho văn hóa. Nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị văn hóa, tăng cường bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đầu tư các công trình, thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân như: tỉnh Bắc Ninh tăng chi ngân sách cho sự nghiệp VHTTDL từ 150,7 tỷ đồng năm 2021 lên 162,1 tỷ đồng năm 2022, trong đó hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp trên 70 lượt di tích với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng (3); tỉnh Tiền Giang triển khai Đề án “Nâng cao hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” với tổng kinh phí hoạt động cho 172 xã, phường, thị trấn là 18,748 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 40%, 60% còn lại do ngân sách cấp huyện, cấp xã đảm bảo và nguồn vận động xã hội hóa; tỉnh Thái Bình đã cấp 27 tỷ đồng cho 327 nhà văn hóa, khu thể thao, huy động xã hội hóa gần 14 tỷ đồng đã tạo ra diện mạo khang trang, trang bị các thiết bị văn hóa, thể thao đồng bộ cho các nhà văn hóa, sân thể thao, thu hút đông đảo nhân dân đang tham gia tập luyện thể dục thể thao và sinh hoạt văn hóa văn nghệ… (4). Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, cũng là trọng điểm công tác của ngành Văn hóa trong thời gian qua, cũng đã được các bộ, ngành địa phương hưởng ứng và đi vào chiều sâu. Nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu ở cơ sở được ghi nhận như: “Làng văn hóa kiểu mẫu” (tỉnh Vĩnh Phúc), Đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (tỉnh Yên Bái), đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn giá trị di sản “Đờn ca tài tử” (tỉnh Long An), trưởng thôn thân thiện (TP. Hà Nội)…

Bộ VHTTDL cũng đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: chuyển mạnh mẽ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện các chủ trương, chính sách về văn hóa, khơi thông nguồn lực văn hóa, trong đó: xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV ban hành: Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) (phần quyền tác giả, quyền liên quan) và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 (trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành, cũng như lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tập trung xây dựng môi trường văn hóa cơ sở di vào chiều sâu và thực chất… Các kết quả đạt được của lĩnh vực văn hóa thời gian qua đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

2. Cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-11-2021) đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm”. Đây là chỉ tiêu mà từ lâu, ngành Văn hóa đã từng đề xuất với Trung ương, Quốc hội. Cách đây 21 năm, ngày 18-11-2002, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị (về sau từng giữ trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội), đã đăng đàn Quốc hội, đặt vấn đề: đầu tư cho văn hóa là quá thấp và không hợp lý (tại thời điểm đó ngân sách cho lĩnh vực văn hóa - thông tin là chưa đến 1% ngân sách), và đã nhấn mạnh những đặc thù của lĩnh vực văn hóa, cần có sự quan tâm đầu tư như: về di tích lịch sử và cách mạng, các thiết chế văn hóa cơ sở: nhà văn hóa, nhà hát, bảo tàng, thư viện… để tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn còn đang tự hào với những công trình đang có từ hàng trăm năm trước như Nhà hát Lớn, với hàng nghìn năm trước như Văn Miếu và với những bảo tàng xây dựng từ một thế kỷ nay” (5).

Cho đến nay mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn hóa dù đã có những tín hiệu khả quan hơn nhưng vẫn chưa đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước như Kết luận số 30-KL/TW ngày 20-7-2004 của Trung ương (6). Ngân sách đầu tư cho văn hóa cần phải được tăng cường hơn nữa để tương xứng với lĩnh vực được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, cũng như tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế, như mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là đạt 2%. Quả thật, nếu so sánh với ý kiến của Bộ trưởng Phạm Quang Nghị ở 21 năm trước thì đến bây giờ, ngay tại Thủ đô Hà Nội, hầu như chúng ta vẫn chưa có những công trình văn hóa mới tương xứng với tầm vóc phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, ngoại trừ Nhà hát Hồ Gươm hiện đại khánh thành tháng 7-2023 do Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội xây dựng. Các chương trình ca nhạc, sự kiện nghệ thuật lớn tại Hà Nội vẫn diễn ra ở những địa điểm quen thuộc như: Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô… Các bảo tàng tiêu biểu đa số vẫn là những công trình hơn một thế kỷ nay. Bảo tàng Hà Nội bề thế với kinh phí đầu tư lớn được đưa vào sử dụng dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010 nhưng do gặp phải một số vướng mắc, khó khăn, nên đến nay vừa nỗ lực phục vụ công chúng, vừa đang hoàn thiện khâu trưng bày. Dự án Nhà hát Opera ở Hồ Tây theo dạng xã hội hóa sau nhiều năm dự kiến hiện vẫn đang ở cấp độ lấy ý kiến người dân với những ý kiến còn khác nhau trong công luận. Tại các địa phương, “các thiết chế văn hóa, thể thao đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội cũng như nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn” (7).

Chúng tôi đồng tình với các ý kiến khi cho rằng, không chờ đến khi chúng ta phát triển kinh tế đồng bộ, có điều kiện dư đủ mới tập trung xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa quy mô, có giá trị nghệ thuật cao ở các thành phố lớn làm điểm nhấn, mà ngay trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tính toán, có tầm nhìn về văn hóa trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có các thiết chế, công trình văn hóa, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng thời gắn kết với phát triển du lịch, tạo nguồn lực tái đầu tư cho văn hóa. Điều quan trọng là khi chúng ta triển khai các dự án về văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, trong đó cần chú ý đến đặc thù vùng miền, địa bàn dân cư, phong tục, tập quán, đồng bộ giữa cơ sở vật chất và con người vận hành... Trong dư luận vừa qua, cũng có những bức xúc, lo ngại về công trình văn hóa ở một số địa phương còn chưa hiệu quả, lãng phí. Thiết nghĩ, từ những bài học rút ra từ thực tiễn, khi đầu tư xây dựng, tu bổ nhất là với các công trình lớn hoặc nhạy cảm (di tích lịch sử văn hóa), cơ quan chức năng cần đánh giá đúng nhu cầu hưởng thụ của người dân, tăng cường các phương thức để công khai minh bạch dự án, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và nhân dân để tiếp thu, tạo sự đồng thuận. Và cần thiết, có những cơ chế giám sát chặt chẽ hữu hiệu các dự án, để tránh lãng phí, thất thoát.

3. Cùng với đầu tư thỏa đáng nguồn lực, Nhà nước cũng cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong cho lĩnh vực văn hóa.

Trước tiên, đó là chính sách thuế cho văn hóa phải có ưu đãi. Theo Luật Đầu tư (2020), văn hóa là một trong những ngành, nghề được ưu đãi đầu tư, tuy nhiên chỉ giới hạn trong lĩnh vực chuyên ngành “bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, trong khi đó, văn hóa là lĩnh vực rộng với 9 chuyên ngành. Theo Luật PPP (Đối tác công tư) thì văn hóa không thuộc nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP. Vì sao, ở nhiều nước, các doanh nghiệp lại rất tích cực tổ chức hoặc tài trợ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật? Là bởi vì các nước đó có ưu đãi về thuế đủ sức khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trong khi ở ta, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp không quy định các khoản chi tài trợ của doanh nghiệp cho lĩnh vực văn hóa được hạch toán vào thuế thu nhập, mà quy định hiện nay chỉ điều chỉnh các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho một số lĩnh vực: giáo dục, y tế… chính vì thế chưa khuyến khích nhiều doanh nghiệp tài trợ cho lĩnh vực văn hóa.

Một vấn đề nữa cần tập trung giải quyết đó là tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ. Trước tiên là tình trạng “già chờ về hưu, trẻ chờ vào biên chế” - một thực trạng “khổ lắm, biết rồi nói mãi” ở các đoàn nghệ thuật, đã kéo dài nhiều năm nay đến nay vẫn còn đang chờ lời giải. Chúng ta đều biết, tuổi nghề của các nghệ sĩ không theo chu kỳ thông thường của một đời viên chức (62 với nam và 60 tuổi với nữ như hiện nay). Ví dụ một nghệ sĩ múa khi vào các đơn vị nghệ thuật ở tuổi 18, nhưng tuổi thọ nghề trung bình thường chỉ đến ngoài 40, hay nghệ sĩ xiếc, tuổi đời cũng tương tự… Vì vậy đã xảy ra thực trạng: nhiều nghệ sĩ, diễn viên khi đã quá tuổi nghề nhưng lại chưa đến tuổi về hưu theo Bộ luật Lao động nên đành phải làm các công việc hành chính, chờ nghỉ hưu theo luật, trong khi các nghệ sĩ trẻ lại trông chờ chỉ tiêu để được vào biên chế.

Mặt khác, với đồng lương khi ra trường, nếu vào biên chế, mức lương hệ số 1,86, mọi thu nhập từ tiền lương cộng thêm tiền ưu đãi nghề (thanh sắc) trừ đóng bảo hiểm các nghệ sĩ trẻ chỉ có hơn 3,3 triệu đồng, còn thấp hơn lương tối thiểu vùng. Với diễn viên tuồng chẳng hạn, nếu có đi diễn thì được thêm bồi dưỡng vai chính là 200.000 đồng/ đêm, vai chính thứ 160.000 đồng, vai phụ (quân, thể nữ) 120.000 đồng, tiền luyện tập là 80.000, 60.000,  50.000  đồng/ buổi. Với các NSND, NSƯT, tổng thu nhập mỗi tháng bình quân chỉ từ 6 đến 7 triệu đồng (8). Chưa kể, với các loại hình nghệ thuật đặc thù như xiếc, ballet, sức lao động nghệ thuật nặng nhọc, nguy hiểm nhưng chế độ bảo hiểm chỉ như các ngành nghề khác là chưa thỏa đáng. Tính từ Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2015 quy định cụ thể mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, đến nay, đã qua 6 lần mức lương cơ sở tăng, nhưng chế độ bồi dưỡng cho các nghệ sĩ vẫn không tăng. Như vậy, với mức lương và thu nhập như trên rất khó thu hút người trẻ cũng như các nghệ sĩ tài năng gắn bó với nghề, nếu chúng ta không có chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ, nhất là ở các đơn vị nghệ thuật truyền thống, xiếc, ballet, vũ kịch.

Thực trạng này còn lo ngại gấp bội khi mà công tác đào tạo tại các trường nghệ thuật - nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các nhà hát - hiện nay gặp không ít khó khăn. Tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nhiều năm nay không chiêu sinh được lớp diễn viên Tuồng, năm 2022 chỉ tuyển sinh được diễn viên chèo và nhạc công. Như vậy, mối liên hệ cung - cầu giữa nhà trường - nhà hát là hết sức hữu cơ, sự thiếu hụt về đầu vào của các nhà trường cũng là mối lo cho các đơn vị nghệ thuật, và trái lại, những khó khăn ở các nhà hát (đầu ra) cũng là mối bận tâm của các cơ sở đào tạo nghệ thuật. Một vướng mắc là theo Luật Giáo dục đại học (2018), việc đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng nghệ thuật đã không còn thuộc chức năng của các Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh mà được chuyển sang hệ thống đào tạo thuộc các trường nghề do Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội quản lý. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật khi đặc thù đào tạo nhân lực nghệ thuật xuyên suốt từ các hệ: trung cấp, cao đẳng đến đại học.

Đối với hoạt động sự nghiệp của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật, Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các đơn vị văn hóa, nghệ thuật được ký hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ nhưng từ nguồn thu. Đây là điều khá khó khăn cho các đơn vị văn hóa, nghệ thuật công lập nhất là các đoàn, nhà hát nghệ thuật truyền thống vì nguồn thu từ bán vé trong bối cảnh hiện nay là rất hạn chế. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII nhấn mạnh: “Thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ (hoạt động thể thao, dịch vụ văn hóa…), tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật”. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về điều kiện để các đơn vị văn hóa, nghệ thuật công lập được sử dụng tài sản nhà nước vào kinh doanh, liên doanh, liên kết, cho thuê theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn chưa thông thoáng, khó triển khai trong thực tế.

Về di sản văn hóa, vẫn còn những bất cập trong thực hiện luật mà nổi cộm, theo chúng tôi, đó là sự “xung đột” giữa Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng, gây khó khăn cho nhân dân sống trong khu vực di sản. Do yếu tố lịch sử mà không ít trường hợp người dân sinh sống trong khu vực I của di tích, nay có nguyện vọng được sửa chữa nhưng không thể thực hiện do quy định “phải được bảo vệ nguyên trạng” khu vực I theo Luật Di sản văn hóa, trong khi hộ dân có sổ đỏ, theo quy định của Luật Xây dựng thì được phép sửa chữa (như trường hợp ở di tích Thành Nhà Hồ - Thanh Hóa). Bên cạnh đó, như ở di tích Đường Lâm - Hà Nội, cũng gặp những vướng mắc tương tự, khi chính quyền địa phương muốn giãn dân để bảo tồn, phát huy di sản thì lại khó triển khai dù đã có quỹ đất dành cho giãn dân, nhưng thành phố chưa có chính sách hỗ trợ tái định cư, (mức tiền mua đất vùng giãn dân còn cao so với thu nhập người dân). Luật Di sản văn hóa hiện nay mới chỉ quy định về di tích lịch sử văn hóa chứ chưa điều chỉnh loại hình “làng cổ” được xếp hạng di tích để có phương thức quản lý phù hợp.

4. Trong khuôn khổ một bài viết chúng tôi khó có thể bao quát hết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đối với chính sách và nguồn lực văn hóa. Chúng tôi chỉ xin nêu một số vấn đề nổi cộm ở lĩnh vực đầu tư văn hóa và chính sách văn hóa để thấy rằng, việc tăng cường nguồn lực và hoàn thiện chính sách văn hóa là rất cần thiết và phải đồng bộ. Và cũng nhấn mạnh lại rằng, trong đầu tư, phân bổ kinh phí cho văn hóa, cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng, phải tiếp tục quan tâm tới các vùng khó khăn, lấy thước đo sự thụ hưởng văn hóa của người dân làm đích hướng tới. Bởi lẽ, mỗi địa phương, vùng miền, có đặc điểm văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng khác nhau. Đơn cử như hiện nay, phân bổ ngân sách văn hóa - thông tin cho các địa phương theo đầu dân nên dù mức chi phí văn hóa cho người dân ở miền núi cao hơn đồng bằng (do điều kiện dân cư không tập trung, điều kiện địa hình cư trú của đồng bào miền núi phức tạp) nhưng ngân sách cấp cho hoạt động văn hóa ở đồng bằng vẫn được ưu tiên hơn. Mặc dù Nhà nước đã có định mức chi thường xuyên cho văn hóa - thông tin ở vùng đặc biệt khó khăn (trong đó có dân số khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn) cao hơn gần gấp 2 lần so với vùng khác “nhưng trong thực tiễn vùng đặc biệt khó khăn phải chi phí cho hoạt động văn hóa cao gấp 3-5 lần so với vùng khác” (9). Chính vì vậy, Nhà nước cần xem xét, có sự điều chỉnh về định mức phân bổ chi thường xuyên sự nghiệp văn hóa - thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, trong quản lý văn hóa, chúng ta cũng cần thiết phải chú ý tới những đổi thay trong sinh hoạt văn hóa của người dân trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay. Chỉ cần có điện thoại thông minh, người dân ở đâu cũng có thể chia sẻ hình ảnh, thông tin, tương tác trên các diễn đàn, thậm chí tổ chức sự kiện văn hóa thông qua mạng xã hội, internet. Nói cách khác, cách tiếp nhận thông tin, thói quen đọc, xu hướng sinh hoạt… đã hình thành nên một thiết chế văn hóa mới, bên cạnh các thiết chế truyền thống, mà tôi tạm gọi là “thiết chế văn hóa mạng” - điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có phương thức quản lý mới, để định hướng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Để có nguồn lực, bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cần sự chung tay, ủng hộ của xã hội, doanh nghiệp. Muốn vậy, phải có cơ chế, chính sách phù hợp, chẳng những tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế tài chính công, sửa đổi các quy định về văn hóa còn bất cập, mà còn phải nhanh chóng có cơ chế ưu đãi, khuyến khích để huy động các nguồn lực khối tư nhân tham gia tài trợ, thực hiện các dự án văn hóa, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các Luật: Đầu tư, PPP, Thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hóa. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có các chính sách kịp thời để tháo gỡ vướng mắc bất cập cho các đơn vị văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn là một lĩnh vực đặc thù, từ khâu đào tạo cho đến hoạt động, vận hành, quản lý. Chính phủ cần có các quy định về các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực đào nghệ thuật; quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn… phù hợp với thực tiễn đặc thù để đội ngũ những người làm văn hóa, nghệ thuật yên tâm công tác, cống hiến.

Mong rằng, với sự quan tâm ngày càng to lớn của Đảng, Nhà nước, những vướng mắc, bất cập trong hoạt động văn hóa cả về nguồn lực và chính sách sớm được tháo gỡ, để văn hóa đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển bền vững đất nước.

________________

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.115-116.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.167-168.

3. Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh.

4, 7. Bộ VHTTDL, Tài liệu Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023.

5. Phạm Quang Nghị, Công cuộc đổi mới, động lực phát triển - lý luận và văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2005, tr.285-289.

6. Bộ VHTTDL, Báo cáo công tác VHTTDL từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2025 và tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ được Chủ tịch Quốc hội giao, tài liệu lưu hành nội bộ.

8. Phạm Ngọc Tuấn, Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ đãi ngộ hợp lý với các tài năng nghệ thuật truyền thống tuồng Việt Nam, tham luận tại Hội thảo khoa học toàn quốc Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, 12-2022.

9. Trần Hữu Sơn, Những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa vùng dân tộc thiểu số, tham luận tại Diễn đàn Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa, Hà Nội, tháng 4-2022.

Ths HOÀNG HÀ

Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

__________________

* Tham luận tại Hội thảo  “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 9-2023.

;