Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 lần thứ I tại Lai Châu: Những ấn tượng khó phai

Là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng năm 2023, Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần đầu tiên được tổ chức tại Lai Châu đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân, du khách trong và ngoài nước về một nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Thông qua các hoạt động của ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc có số dân dưới 10.000 người đã có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Các đồng chí Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Lai Châu tặng cờ lưu niệm, hoa cho các đoàn tham gia ngày hội

14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người: Si La, Lự, Cống, Bố Y, Ngái, Chứt, B’Râu, Rơ Măm, Ơ Đu, Mảng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo đến từ 11 tỉnh: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum đã hội tụ tại Lai Châu để cùng nhau “khoe sắc” tạo nên một “vườn hoa xuân” rực rỡ và tỏa ngát hương.

Dù là lần đầu tiên Bộ VHTTDL cùng UBND tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và UBND 11 tỉnh, thành phố tổ chức một Ngày hội đặc biệt cho đồng bào rất ít người, nhưng 3 ngày diễn ra các hoạt động văn hóa vừa qua, đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư, dành nhiều tâm huyết của BTC, để bà con có cơ hội được giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình thông qua những màn tái hiện phong tục, tập quán, liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống.

Góp phần cho thành công của Ngày hội lần này ngoài sự tham gia nhiệt tình, không ngại vất vả của 14 đồng bào, còn có sự hưởng ứng, cổ vũ của đông đảo bà con, khán giả mọi miền đất nước, những người yêu và hiểu giá trị của văn hóa truyền thống, không quản xa gần, nắng mưa về tụ hội tại mảnh đất Lai Châu. Chú Hoàng Văn Tập (67 tuổi - Bình Thuận) hồ hởi chia sẻ: “Chú đã nghe thông tin về Ngày hội trên truyền hình cách đây 2 tuần và cảm thấy như có một động lực nào đó thôi thúc chú nhất định phải đến đây, để được chứng kiến tận mắt đồng bào mình biểu diễn và trò chuyện với họ. Dù đường sá xa xôi nhưng khi đươc hòa mình vào các không gian văn hóa, thưởng thức các tiết mục dân ca dân vũ cùng cùng đồng bào, chú rất tự hào vì nền văn hóa nước ta thật đẹp và đa dạng biết bao”.

Còn chị Vàng Thị Tâm (Việt kiều Đức) xúc động cho biết: “Tôi xa quê hương đã nhiều năm, mới về thăm gia đình, đúng dịp Lai Châu tổ chức Ngày hội và Tuần văn hóa Lai Châu năm 2023, tôi rất xúc động vì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho các đồng bào rất ít người. Đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều chương trình ý nghĩa như thế này để đồng bào được giao lưu, lan tỏa những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình”.

Tái hiện Lễ hội của dân tộc Bố Y, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai

Trong những ngày diễn ra Ngày hội, thời tiết, khí hậu Lai Châu ban ngày nhiệt độ vẫn cao, nắng vẫn gắt, nhưng không vì thế mà đồng bào than mệt hay vất vả. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt nhưng ánh mắt sáng, nụ cười tươi luôn thường trực trên môi các nghệ nhân, diễn viên, họ vẫn hăng say biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, trình diễn, tái hiện phong tục tập quán đặc sắc của dân tộc mình để giới thiệu đến bạn bè và du khách. Anh A Duần (dân tộc Brâu - Kon Tum) không giấu được niềm hạnh phúc chia sẻ: “Khi biết thông tin được BTC mời ra tận Lai Châu biểu diễn văn nghệ, chúng tôi cảm thấy bất ngờ nhưng cũng rất háo hức. Tôi chưa được đi xa như thế này bao giờ. Đến Ngày hội, chúng tôi vừa được gặp gỡ, kết bạn với nhiều người, vừa được tận mắt chứng kiến những phong tục độc đáo của các dân tộc khác. Tôi cảm thấy rất vui mừng và cảm ơn BTC đã tổ chức ra một chương trình ý nghĩa như thế này”. 

Còn chị Phù Thị Xẽ (dân tộc Pà Thẻn - Tuyên Quang) lại cho biết, bản thân chị và những người khác trong đoàn đã được tham gia trình diễn nghề dệt thổ cẩm hay tái hiện lễ cưới ở nhiều chương trình văn hóa khác do Bộ VHTTDL tổ chức, nhưng Ngày hội lần này rất đặc biệt, bởi đây là sự kiện dành riêng cho những dân tộc có số dân ít người như Pà Thẻn. Chị mong rằng, chương trình sẽ được tổ chức thường niên để đồng bào mình có thể thông qua đó quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước biết đến những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc rất ít người.

Tiết mục văn nghệ hát dân ca Cống đến từ đoàn tỉnh Lai Châu

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người cho biết: “Ngày hội là một sự kiên văn hóa quan trọng, BTC chúng tôi đã cố gắng vận động, khuyến khích các đồng bào quy tụ về Lai Châu để cùng tham gia Ngày hội. Mỗi dân tộc như một bông hoa đẹp, góp phần điểm tô những sắc màu khác nhau cho nền văn hóa Việt Nam, để từ đó thấy được, đất nước ta, dân tộc ta có một bề dày văn hóa rất đáng tự hào và cần ra sức lưu giữ, bảo tồn cho các thế hệ mai sau”.

Đánh giá kết quả tổ chức Ngày hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải - Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội khẳng định: Ngày hội đã diễn ra thành công và đạt được các mục tiêu mà Ban tổ chức hướng tới. Đồng thời chứng tỏ là một sân chơi bổ ích dành cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người toàn quốc. Trong đó, phải kể đến điểm nhấn là Chương trình khai mạc Ngày hội đã đảm bảo tính trang trọng, hoành tráng có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người xem, đồng thời, có sức lan tỏa về các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; Ngày hội đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương đến tham dự, chỉ đạo, động viên khích lệ các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên.

Tái hiện nghi lễ nhảy lửa độc đáo của người Pà Thẻn (Tuyên Quang)

Các dân tộc có số dân dưới 10.000 người đã giới thiệu được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình qua các hoạt động trưng bày tranh, ảnh, sách, tờ gấp; mô hình hiện vật, nhạc cụ; trình diễn nghề thủ công, trang phục truyền thống, tái hiện các nghi lễ truyền thống…

Đặc biệt, Liên hoan văn nghệ quần chúng với sự tham gia của 9 đoàn với gần 400 nghệ nhân, diễn viên, có 45 tiết mục văn hóa nghệ thuật khác nhau. Tiết mục của các đoàn phần lớn đều do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia biểu diễn, có sự đầu tư công phu, nội dung phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc rất ít người ở các tỉnh, bám sát với chủ đề Ngày hội.

Các tiết mục văn nghệ quần chúng của các đoàn đã minh chứng và đánh thức tiềm năng, bản sắc văn hóa nội sinh của các dân tộc dưới 10.000 người, để lại nhiều ấn tượng, bất ngờ đối với hội đồng thẩm định và những ai được chứng kiến, với những làn điệu dân ca, âm nhạc dân gian, điệu múa nhiều phong cách nhưng giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc. Các nghệ nhân, diễn viên không chuyên của các dân tộc thực sự đã chinh phục người xem bởi những vũ điệu, lời ca giàu cảm xúc, tự hào về văn hóa của mình.

Tiết mục văn nghệ trong Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Trung

Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày hội, Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Trung với những tiết mục ca múa nhạc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi mang đậm âm hưởng, nét văn hóa đặc sắc mỗi quốc gia. Các tiết mục được thể hiện đan xen nhau đã mang đến nhiều cảm xúc ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả về văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, qua đó góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó, hợp tác giữa hai nước Việt - Trung.

Trong Lễ khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh: “Các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng với 14 dân tộc rất ít người xây dựng, củng cố, đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng”.

Thế mới thấy, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người nói riêng về cả vật chất và tinh thần là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hy vọng rằng, trong tương lai các đồng bào dân tộc rất ít người sẽ còn được tham gia nhiều hơn nữa các chương trình ý nghĩa, có sức lan tỏa sâu rộng như Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người vừa qua.

NGÔ HUYỀN - Ảnh: TUẤN MINH

 

;