Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Nơi đã giúp tôi thêm trưởng thành, hoàn thiện hơn trong nghề

Tổng Biên tập Hồ Sĩ Vịnh (thứ 2 từ phải sang) và các nhà nghiên cứu: Trần Lâm Biền (bìa trái), Nguyễn Thụy Loan (thứ 5 từ phải sang) trong một lần đi điền dã tại Phủ Vân Cát - Nam Định, năm 1990 - Ảnh: tác giả cung cấp

Thấm thoắt - kể từ khi rời Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tới nay đã gần tròn ba mươi năm, vậy mà ký ức về những năm tháng làm việc tại Tạp chí vẫn đọng mãi trong tôi và lúc này đây, các hình ảnh, cảm xúc bỗng lại ùa về…

Căn phòng đơn sơ, có “cha” Quế vui tính luôn ngồi đánh máy ngay bên cạnh cửa ra vào đầu tiên, bên trong là nơi hội họp chung, cũng thường là nơi tụ hội, trao đổi của các biên tập viên: Hoàng Khắc Bá, Trần Lâm Biền, Kiều Công Ngữ, Bùi Khởi Giang… Toàn là những người có cá tính mạnh. Đó là những ngày đầu tôi chuyển về Tạp chí, khi nhà sáng tác kịch bản sân khấu Kính Dân được cử làm Tổng Biên tập. Bên cạnh những bậc kỳ cựu như bác Từ Chi, anh Hoàng Khắc Bá…, ông chủ trương lấy về một số biên tập viên mới - cả những người “cứng đầu cứng cổ”. Ấy vậy mà ông đã gây dựng được một tập thể hòa hợp, làm việc ăn ý và cho ra nhiều số tạp chí có chất lượng học thuật tốt, kế thừa truyền thống của Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật dưới thời Thứ trưởng Hà Xuân Trường làm Chủ nhiệm, bác Trần Đình Thọ làm Tổng Biên tập… Qua những năm sau này dưới thời các Tổng Biên tập Nguyễn Đức Đàn, Hồ Sĩ Vịnh, nơi đây vẫn giữ được một môi trường làm việc nghiêm túc, học thuật và đầm ấm. Thế nên, sau khi hoàn thành luận án ở nước ngoài, trở về nước tôi vẫn xin về tiếp tục làm biên tập viên tại Tạp chí, thay vì nhận lời về vài nơi khác với vị trí có “nhãn mác” hơn. Rồi, chẳng mấy chốc - cho tới lúc nghỉ hưu, thời gian ở Tạp chí từ những ngày đầu (kể cả mấy năm từ đây đi học nước ngoài) đã là mười ba năm.

Mười ba năm ấy là một quãng thời gian để lại trong tâm trí tôi biết bao điều không thể quên và còn in dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời làm nghề, giúp tôi hoàn thiện thêm trong nhiều lĩnh vực. Ân tình với Tạp chí cũng sâu nặng.

Chính tại Tạp chí, hai bài viết dài hơi đầu tay của tôi đã được trình làng: Thử dẫn giải lại về một lý thuyết điệu thức của người Việt, qua bài bản Tài tử và Cải lương; Suy nghĩ về sức sống Việt Nam qua những chặng đường sử nhạc - một bài thử sức để sau này hình thành giáo trình Lược sử âm nhạc Việt Nam cho đại học của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Không chỉ thế, trong suốt thời gian từ khi cộng tác viết bài cho Tạp chí tới khi về làm biên tập viên tại đây, tôi đã học được bao nhiêu điều bổ ích, được tôi luyện, trưởng thành thêm trong nghề viết và nghiên cứu, giảng dạy để được như ngày nay.

Sao quên được bài học đầu tiên, khi gửi bài Thử dẫn giải lại về một lý thuyết điệu thức của người Việt, qua bài bản Tài tử và Cải lương, anh Hoàng Khắc Bá - người biên tập bài nghiên cứu dài hơi đầu tay ấy của tôi đã giúp tôi ngộ ra: “Khi viết, cứ tưởng người đọc sẽ hiểu đúng những gì mình nghĩ trong đầu, nhưng nhiều khi do cách diễn đạt không chuẩn xác, mạch lạc, lại khiến người đọc hiểu sai lệch - thậm chí có khi ngược hẳn 180o”. Quả thật vấn đề diễn đạt vô cùng quan trọng! Không đơn giản chỉ là dấu chấm phẩy, đúng ngữ pháp, không mắc lỗi chính tả, mà cốt lõi - chí ít, là diễn đạt thế nào cho dễ hiểu, chính xác nhất để không ai hiểu lầm thành ý khác. Bài học để đời ấy, tôi phải luyện mãi, mà cũng chưa biết giờ đã “sạch nước cản” hay chưa. Dẫu sao, đó cũng là một bài học rất hữu ích và cần thiết, đã được ứng dụng có hiệu quả vào việc sửa những khóa luận, luận văn, luận án cho các sinh viên, học viên sau này.

Cũng làm sao quên được những bài học quý báu về công việc biên tập cùng lợi ích mà công việc đem lại.

Bước vào nghề mới mẻ, biết bao bỡ ngỡ khi bản thân mình viết còn chưa chắc tay? Thế nên, sao có thể quên bậc tiền bối - bác Từ Chi, một con người với vẻ ngoài quá đỗi bình dị, chân chất và hiền từ, nhưng lại là một học giả uyên bác, sắc sảo trong nghiên cứu, lão luyện trong nghề biên tập. Sau mấy chục năm, tới nay tôi vẫn nhớ mãi câu bác nói về nghề bác đang làm lúc tôi mới về Tạp chí: “Tôi làm nghề cắt dán”. Câu nói thật ngắn gọn, đơn giản, nhưng đầy hình tượng và bao quát được toàn bộ bản chất công việc của người làm công tác biên tập - đặc biệt là ở một tạp chí khoa học về văn hóa nghệ thuật. Trong quá trình hành nghề biên tập, dần dà tôi mới chợt nhận ra: quả đúng là mình đang làm công việc cắt - dán như lời bậc lão làng trong nghề đã khái quát hóa ngày nào. Ấy là cắt đoạn này, ý này chuyển sang dán vào vị trí khác trong bài của cộng tác viên, sao cho hợp lý hơn, hay hơn…

Ngẫm ra, với cách làm mà bậc lão làng đã chỉ dạy cho tôi qua câu nói ngắn gọn, vô cùng xúc tích đó, người làm biên tập ở một tạp chí không chỉ là người sửa bài, sửa câu chữ, mà còn điều quan trọng, đáng ghi nhớ hơn nữa: biên tập viên không phải là lính gác cổng - cho hoặc không cho ai vào tòa báo, nói cách khác là cho hay không cho ai được đăng bài trong tạp chí. Trái lại, đó là bà mụ đỡ đầu cho những bài có ý tưởng - dù nhiều dù ít, được chào đời, đóng góp cho vốn kiến thức chung của ngành. Người biên tập phải đọc đi đọc lại để nhận ra những ý tưởng, chi tiết có giá trị, những khía cạnh nên khai thác, mở rộng để đề nghị tác giả bổ sung, phát triển, rồi chỉnh sửa lỗi chính tả, lỗi diễn đạt… Thậm chí, với bài của những tác giả chưa quen viết, có khi gần như phải viết lại (dưới dạng cắt - dán, để sắp xếp lại các ý tưởng, cấu trúc và sửa câu chữ, cách hành văn…) sao cho các vấn đề, luận điểm được sáng rõ, mạch lạc và hợp lý. Không có tâm, khó mà làm được việc chắt chiu kỹ lưỡng bài của người khác như bài của chính mình! Bởi vậy, đó không thuần túy chỉ liên quan tới tay nghề viết, mà còn là một đạo lý, nhân cách cần được tu dưỡng của người làm công tác biên tập ở các tòa báo, tạp chí.

Ấy là chưa kể lợi ích của công việc biên tập. Mỗi khi có bài chứa nội dung ngoài tầm hiểu biết của mình, tôi buộc phải tìm các nguồn tra cứu, tìm hiểu sao cho có tạm đủ kiến thức để trao đổi với tác giả và biên tập bài được gửi đến. Cứ thế, dần dà tầm hiểu biết được mở rộng ra ngoài phạm vi nhỏ hẹp của những lĩnh vực trước chỉ mới quan tâm tới. Âu đây chính là một môi trường, một công việc đòi hỏi, đồng thời tạo điều kiện buộc người làm phải luôn vươn lên hoàn thiện thêm vốn kiến thức. Ích lợi của công việc biên tập mà Tạp chí mang lại còn là con đường chỉ lối, dẫn dắt tôi đến dần với nghiên cứu liên ngành.

Còn những chuyến đi tham dự hội thảo, liên hoan âm nhạc dân gian, hoặc chuyên nghiệp để viết bài, lấy bài hoặc đặt bài… Đó là những dịp đi vào thực tế, gặp gỡ các tác giả để học hỏi, tiếp cận và hiểu thêm về đời sống âm nhạc đang diễn ra, những vấn đề về nhạc mới, nhạc cổ truyền nổi cộm, đang được quan tâm… Nó giúp tôi tích lũy thêm vốn kiến thức và vốn sống.

Cũng không thể quên, chính tại Tạp chí, Tổng Biên tập Kính Dân đã đưa tôi đứng vào hàng ngũ của Đảng và chăm lo đào tạo tôi thành nghiên cứu sinh, tạo điều kiện cho tôi mở mang tầm mắt ra ngoài biên giới. Nhờ vậy, mà có cơ hội tìm hiểu, đối sánh thêm âm nhạc dân gian trong nước với âm nhạc dân gian của một nước phương Tây, có thêm nhiều nhận thức mới bổ ích cho chuyên môn âm nhạc và nâng cao nghiệp vụ nghiên cứu.

Không chỉ thế, những năm tháng ở Tạp chí không hề trói buộc, hoặc làm thui chột những năng lực của người làm biên tập. Bên cạnh công việc chính, tòa soạn vẫn cho phép biên tập viên cộng tác với các cơ quan, đơn vị khác để tham gia những cuộc điền dã, làm công tác nghiên cứu, giảng dạy. Những công việc này hỗ trợ, bổ sung đắc lực cho nhau, giúp tôi nhận ra một “công thức” rất thú vị và bổ ích để truyền lại cho các học viên: muốn làm nghiên cứu chắc tay, tốt nhất là nên làm song song tối thiểu ba việc: Nghiên cứu - Giảng dạy - (và) Biên tập.

Gần tròn ba mươi năm cứ lặng lẽ trôi - kể từ khi rời Tạp chí, nhưng hình ảnh cùng những kỷ niệm về anh chị em, bạn bè khác trong tập thể ấm cúng đã cùng làm việc trong mười ba năm và những năm sau này - nay người còn, người đã rời xa - vẫn còn đó: họa sĩ kiêm nhà điêu khắc Trần Tuy với cách nói chuyện hóm hỉnh và pho tượng Phật như luôn nhắc nhở tôi hãy sống sao cho đúng đạo làm người chân chính, anh Phi Vịnh với nụ cười hiền hòa, bạn Lợi với món quà chú Cún cưng bằng gốm vẫn còn đó như một kỷ niệm ấm áp về tấm lòng chân tình với anh em trong cơ quan, bạn Thủy lớn duyên dáng, bạn Mai, bạn Thủy bé, bạn Lự với những tấm ảnh chụp từ các chuyến dã ngoại, bạn Chính miệt mài với các bản thảo đang lên khuôn, bạn Hà và Nguyễn Đăng Nghị cặm cụi đánh máy, sửa lỗi các bản thảo cho hai Tuyển tập Tìm về cội nguồn - một chặng đường (chưa in) và Đờn ca Tài tử - đặc trưng và đóng góp, nữ dịch giả Đào Mai Trang xinh tươi với những cuộc trao đổi, giải đáp thú vị về nội dung, câu chữ trong một số bản dịch Anh ngữ. Bạn Nhượng, bạn Lâm cùng với ban Lãnh đạo Tạp chí dưới thời Tổng Biên tập Phạm Vũ Dũng, Quyền Tổng Biên tập Hoàng Hà sau này, năm nào cũng vẫn kiên trì giữ nền nếp truyền thống chăm lo cho các cán bộ đã nghỉ hưu - bất kể là bao nhiêu năm, chẳng quản xa xôi vất vả mang quà Tết tới tận nhà cho từng người. Còn nhiều bạn trẻ khác không thể kể hết danh tính: bạn Lan, Oanh, Huệ, Vinh, Lâm… mỗi người mỗi vẻ.

Ký ức về những năm tháng ở Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, rồi Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Văn hóa Nghệ thuật đầy ắp những điều đáng nhớ. Đó là một khoảng thời gian, là nơi đã giúp tôi thêm trưởng thành, hoàn thiện hơn trong nghiệp vụ viết và nghiên cứu, giảng dạy, nơi những ân tình còn đọng mãi trong tôi, chẳng bao giờ phai…

Mùa Thu Hà Nội, tháng 9-2023

PGS, TS NGUYỄN THỤY LOAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;