Khám phá Ba Làng An (Ba Tân Gân)

Về miền Trung, miền thùy dương cát trắng, đến với Quảng Ngãi là một chuyến đi hấp dẫn, bởi địa phương này có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên với nhiều nét đặc trưng độc đáo.

Miệng núi lửa bị chìm xuống biển

 

Nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 25km về phía Đông Bắc, danh thắng Ba Làng An (còn có tên gọi khác là “Ba Tân Gân”). Địa danh có tên gọi này là do có ba làng cùng có tên "An": An Hải, An Vĩnh và An Kỳ.

Mũi Ba Làng An có kết cấu địa chất độc đáo với quần thể đá bazan, đất đá ong và vết tích nham thạch núi lửa phun trào. Di tích văn hóa lịch sử Ba Làng An là một trong những địa danh nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi.  Được biết đến không chỉ vì vẻ đẹp tự nhiên mà còn vì giá trị lịch sử và văn hóa phong phú, Ba Làng An thu hút nhiều du khách và nhà nghiên cứu.

Ba Làng An nằm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một vùng đất có lịch sử lâu đời, từng là nơi định cư của các cộng đồng người Chăm cổ và sau này là người Việt. Ba Làng An đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, từ thời kỳ chiến tranh chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Nhân dân Mũi Ba Làng An cũng chính là những người đã khai hoang nên đảo Lý Sơn và trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa. Trong thời Pháp thuộc, nơi đây còn được gọi là Ba Tân Gân 

Đến Ba Làng An, du khách nên tìm đến những di tích, thắng cảnh nổi bật như:

Hải đăng Ba Làng An: Cách cảng Sa Kỳ hơn 10km, trạm đèn Ba Làng An được xây dựng từ năm 1982 để hỗ trợ hoạt động tàu thuyền và dẫn đường trên vùng biển Quảng Ngãi. Trạm đèn nằm ở mũi ngoài cùng của mũi Ba Làng An. Để khám phá ngọn hải đăng nổi tiếng này, bạn sẽ phải leo 80 bậc thang. Từ trên cao, bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh về địa điểm tuyệt đẹp này, nó chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời khi tham quan, khám phá vùng biển Quảng Ngãi.

Hải đăng Ba Làng An

Hang Dơi: còn gọi hang Lò Rượu là do hình thù của hang giống như cái lò rượu xưa. Đây là một hang động lớn với nhiều thạch nhũ đẹp. Đặc biệt. Những thạch nhũ có hình dáng như Phật Bà Quan Âm, hay thầy trò Đường tăng đi thỉnh kinh gợi sự tò mò, thích thú cho người tham quan. Hang Dơi cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng.

Đền thờ Bà Chúa Xứ: Đền thờ này là nơi linh thiêng, thờ cúng Bà Chúa Xứ, một vị thần bảo hộ cho người dân địa phương. Hằng năm, vào các dịp lễ hội, nhiều người dân và du khách đến đây cầu nguyện.

Di tích Chăm pa: Các di tích còn lại của nền văn minh Chăm pa như tháp cổ, bia đá, và những di chỉ khảo cổ học rải rác trong khu vực, cho thấy sự phong phú về văn hóa và lịch sử của vùng đất này.

Ba Làng An không chỉ là một địa điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một nơi quan trọng để nghiên cứu về văn hóa và lịch sử. Các hoạt động du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử và văn hóa tại Ba Làng An đang ngày càng phát triển, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, chính quyền địa phương và các tổ chức văn hóa đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như bảo tồn hiện trạng, nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển du lịch bền vững. Các chương trình giáo dục về lịch sử và văn hóa địa phương cũng được đẩy mạnh nhằm gìn giữ và truyền bá giá trị của Ba Làng An cho các thế hệ sau.

Để đến, khám phá Ba Làng An, du khách bắt đầu xuất phát từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi, di chuyển theo hướng cầu Trà Khúc đến ngã tư Bình Châu, tiếp theo di chuyển thẳng đến UBND xã Bình Châu, đi thêm một quãng nửa, ta sẽ thấy Mũi Ba Làng An.

Mũi Ba Làng An là điểm đến lý tưởng dành cho du khách trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Lúc này, thời tiết đẹp và sóng biển hiền hòa. Đây là thời điểm lý tưởng để tận hưởng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của biển, núi rừng. Bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau là mùa mưa ở Quảng Ngãi, không thuận lợi cho việc tham quan, ngoạn cảnh.

Sau khi dạo chơi thỏa thích, du khách có thể vui thú, thưởng thức ẩm thực ở Ba Làng An với những món hải sản dân dã nhưng rất đặc sắc như cá Tà Ma nấu chua, tôm nướng, cá nướng... Đặc biệt, nơi đây còn có món  bào ngư và ốc vú nàng luộc chấm mắm gừng, kèm theo rau húng hoặc rau tía tô. Để có được món bào ngư và ốc vú nàng, du khách có thể đi cùng với người dân địa phương lúc thủy triều xuống, dọc theo những gành đá,  dùng dao nhọn cạy bào ngư và ốc vú nàng bám trên những hốc đá đem về chế biến thành món ẩm thực độc đáo…

Hoàng hôn trên biển

 

HẢI HỒ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

;