Hải Dương: Phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng - thêm một tiêu chí cho “Thành phố đáng sống”

Là người sinh ra ở thành phố Hải Dương, tôi đã cùng chung niềm vui khi thành phố được nâng cấp từ đô thị loại Ba lên đô thị loại Hai và giờ là đô thị loại Một. Vẫn biết việc nâng cấp công nhận đó là sự đánh giá quá trình phát triển trên nhiều phương diện của thành phố qua từng giai đoạn lịch sử. Song ngày ngày hòa mình cùng nhịp sống phố phường, tôi vẫn thấy bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thành phố thiếu sự sôi động của hoạt động văn hóa đường phố và hoạt động kinh tế đêm mà có lẽ vì thế, Hải Dương chưa được coi là “Thành phố đáng sống”.

       Phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng thu hút người dân và du khách

 

Rồi khoảng trống văn hóa đó đã được lấp đầy vào ngày 28/4/2023 với sự khai trương phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng. Mọi việc chuẩn bị diễn ra rất khẩn trương trước đó như việc tân trang sửa cầu trường Hồng Quang; lắp đặt hệ thống chiếu sáng hai bên bờ sông Bạch Đằng, tạo không gian cây xanh; cải tạo cảnh quan quanh khu vực; chỉnh trang các tiểu công viên tạo ra một không gian đô thị văn minh, hiện đại. Đồng thời, công tác tuyên truyền về ngày khai trương phố đi bộ cũng thường xuyên xuất hiện trên các kênh thông tin đã tạo thành tâm lý háo hức chờ đón của các tầng lớp nhân dân. Tôi còn nhớ, đêm khai trương, cả thành phố và người dân các vùng xung quanh đổ về đây trong không gian phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng để được thoả nỗi khát khao trong các chương trình nghệ thuật đường phố; xem hát Chèo trên sông; tham gia hội sách khuyến học; các hoạt động trải nghiệm; trò chơi dân gian, xem màn trình diễn nghệ thuật bằng đèn Laser. Đêm hôm đó, sau khi thoát khỏi biển người, không còn lo lạc mất nhau, nhóm chúng tôi vào một quán cafe còn sáng đèn. Anh bạn người Thanh Miện, nhâm nhi tách cafe, bộc bạch nỗi niềm. “Các ông ở trên này sướng thật! Từ đây cứ đến cuối tuần lại được trải nghiệm ở phố đi bộ thật náo nhiệt. Còn ở quê mình cứ hai mươi giờ đổ ra đã yên ắng lắm!”.

Nhưng sau lần ấy, tôi không có dịp tham gia phố đi bộ Bạch Đằng lần nào nữa. Mãi đến tháng 5 năm 2024, trong chương trình Về nguồn Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 – 2024), những cựu chiến binh chúng tôi có dịp trải nghiệm phố đi bộ, chợ đêm Mộc Châu – Sơn La. Sau chuyến đi, tôi có ý định viết bài phản ánh hoạt động của phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng. Trao đổi vấn đề với bà Nguyễn Thị Sâm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao thành phố, Phó Ban quản lý phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng thì được biết UBND thành phố đã xây dựng văn bản báo cáo trình UBND tỉnh về “Đề xuất kết thúc thời gian thí điểm, chuyển sang hoạt động chính thức phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, thành phố Hải Dương”. Vậy là sau hơn một năm thực hiện thí điểm phố đi bộ, người dân thành phố Hải Dương và du khách đã hình thành thói quen đến đây vào dịp buổi tối cuối tuần để được thả bộ dưới những hàng cây lung linh sắc màu, để tận hưởng không khí trong lành, có những thời khắc sống chậm, một việc rất có ý nghĩa với người dân phố thị vốn bộn bề lo toan cuộc sống. Không gian phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng cũng là nơi du khách được trải nghiệm hoạt động của các loại hình nghệ thuật truyền thống đan xen các loại hình nghệ thuật, trò chơi hiện đại.

Tính đến nay, phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng đã thu hút trên 600 câu lạc bộ văn hóa, thể thao, nghệ thuật đăng ký biểu diễn. Du khách có thể thưởng thức nghệ thuật hát Trống quân, hát Chèo, xem hát Văn - hầu bóng, một nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt do Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao thành phố tổ chức. Các bạn trẻ tìm thấy niềm vui trong các hoạt động nghệ thuật, thể thao hiện đại như ca nhạc, múa, xiếc, lễ hội EDM, hip hop, chương trình Ghép đôi siêu tốc, múa Rumba, dance, nhóm nhảy đường phố do Thành đoàn tổ chức. Các hoạt động trên thu hút từ 5.000 - 7.000 người tham gia hằng tuần; các ngày lễ, số lượng tăng gấp đôi. Đặc biệt, dịp Tết Dương lịch, Tết cổ truyền thu hút trên 30.000 người tham gia. Đồng hành với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hoạt động “chợ” cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm mươi gian hàng được tuyển chọn và sắp xếp lúc đầu, đến nay đã có trên 100 gian hàng kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mặt hàng Ocop. Các hộ kinh doanh trong tổng diện tích khoảng 2.400 m2. Mỗi tháng hoạt động phố đi bộ, chợ đêm, tạo thu nhập cho các hộ tiểu thương từ 5 - 7 triệu đồng, qua đó góp phần ổn định đời sống của một bộ phận dân cư thành phố.

Song, thực tiễn hơn một năm thực hiện thể nghiệm phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, ở hai lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật và kinh tế đêm đã bộc lộ một số vấn đề cần sự quan tâm giải quyết của các cấp, ngành liên quan. Trong việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật và các trò chơi dân gian truyền thống, Ban quản lý phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng chưa khai thác hết vốn nghệ thuật truyền thống như hát Văn - Hầu bóng, nghệ thuật hát Ca trù, một môn nghệ thuật bác học được UNESCO ghi danh “Di sản văn hóa đại diện của nhân loại”. Các trò chơi dân gian nổi tiếng như vật dân tộc hay pháo đất là những môn chơi cần một không gian rộng, nhưng do hạn chế diện tích của phố đi bộ nên cũng chưa một lần được tổ chức. Hoạt động nghệ thuật truyền thống ở phố đi bộ chủ yếu do các CLB nghệ thuật không chuyên là chính.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, được biết: biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của hai đơn vị nghệ thuật: Nhà hát Chèo, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật chỉ từ 3 - 5 buổi/ năm vào những ngày lễ lớn, mới phần nào thoả mãn cơn “khát” nghệ thuật chuyên nghiệp của quần chúng. Để tăng cường hoạt động nghệ thuật và các hoạt động thể thao trong không gian phố đi bộ, có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục duy trì việc cho các VĐV người Hải Dương đạt thành tích cao trong các giải đấu lớn, các tiết mục văn nghệ xuất sắc trong các cuộc thi, chương trình liên hoan, biểu diễn báo cáo trong không gian phố đi bộ chợ đêm. Được biết, những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra ở phố đi bộ đều là những hoạt động “0 đồng”. Từ những người tham gia quản lý đến nghệ sĩ nghiệp dư tham gia biểu diễn, chủ yếu do niềm đam mê, đôi khi còn là sự hy sinh cả những lợi ích riêng tư cho các hoạt động cộng đồng. Có những khó khăn trên là do Ban quản lý không được bố trí kinh phí do còn vướng mắc về Luật Ngân sách. Đây là khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến việc huy động lực lượng. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Sâm bỗng trầm giọng: “Mong muốn Ban quản lý sớm có quy chế thu, chi hợp lý để hỗ trợ các lực lượng tham gia phục vụ hoạt động phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng cũng như bố trí kinh phí để đầu tư cải tạo nâng cấp các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động; đồng thời có hỗ trợ kinh phí để mời các đơn vị nghệ thuật về biểu diễn phục vụ”. Còn trong lĩnh vực “kinh tế đêm”, do Hải Dương không phải là thành phố du lịch; không gian của phố đi bộ, phần dành cho hoạt động “chợ” còn hạn chế nên việc tổ chức hoạt động kinh doanh, việc mở rộng các ngành hàng gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, song trong chuyến du lịch về nguồn Điện Biên 2024, trong không gian 2ha của phố đi bộ chợ đêm Mộc Châu, chúng tôi được giao lưu văn nghệ, tham gia cùng các nhóm nhảy đường phố, thưởng thức ẩm thực, thăm khu bán đồ lưu niệm, đồ nông sản Mộc Châu, khu trưng bày hiện vật giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Rời phố đi bộ Mộc Châu, ai cũng mua được một sản phẩm mang tính đặc thù riêng có của Mộc Châu về làm quà. Thật là một cuộc trải nghiệm đáng nhớ.

Chợ đêm là nơi phản ánh đời sống kinh tế, hoạt động kinh doanh của thành phố Hải Dương thu nhỏ. Song hiện tại, các gian hàng ở chợ đêm chủ yếu là các loại nước giải khát, kem, đồ chơi trẻ em, còn các gian hàng bán nông sản, những sản phẩm làng nghề đặc thù của Hải Dương còn thiếu vắng. Hiện thực ấy cũng một phần do phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng chủ yếu mang lợi ích xã hội phục vụ nhân dân là chính, lợi ích kinh doanh không cao nên khó tìm được đơn vị vận hành khai thác.

Dù còn những khó khăn phải khắc phục, song phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng qua hơn một năm đi vào hoạt động đã cơ bản hoàn thành năm mục tiêu đề ra, đã và đang khẳng định là một môi trường tốt để các loại hình văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống có sức sống mới trong cuộc sống hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh về thành phố Hải Dương, người dân thân thiện “nói lời hay, hành động đẹp”; phố phường từng bước đạt chuẩn về văn minh, văn hóa. Rồi đây, khi UBND tỉnh quyết định cho phép phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng vào hoạt động chính thức, sẽ là nguồn cổ vũ to lớn đối với người dân thành phố đang chung tay xây dựng Hải Dương thành “thành phố đáng sống”.

 

NGUYỄN TIẾN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024

;