Du lịch An Giang đâu chỉ có mùa hành hương

Trước đây, du lịch An Giang chỉ tập trung vào mùa hành hương từ tháng Giêng đến lễ Vía Bà Chúa Xứ vào tháng Tư âm lịch. Song, thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian thu hút du khách.

Khu du lịch Núi Cấm

 

So với các tỉnh thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú vượt trội. Dễ nhận thấy, tỉnh có địa hình đặc thù với hai khu vực nổi bật là sông nước và đồi núi. Trên hai địa hình ấy, hàng loạt thắng cảnh, di tích, di sản… được phân bố đều khắp. Từ điều kiện thuận lợi như trên, ngành Du lịch An Giang đã nỗ lực khai thác hiệu quả thế mạnh của hai địa hình sông nước và đồi núi. Cùng với việc củng cố các sản phẩm du lịch đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch mới lạ đã hình thành và phát triển, như hướng đi mới cho du lịch tỉnh nhà.

Sản phẩm du lịch mới ở khu vực đồi núi

Đối với địa hình đồi núi, các loại hình du lịch thể thao đang dần trở thành “thương hiệu” cho An Giang như trail (chạy bộ địa hình), trekking (đi bộ đường dài), dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu… Bởi, An Giang là một trong hai tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có đồi núi và các đồi núi của tình phù hợp để khai thác các loại hình nói trên.

Đơn vị tiên phong trong xu hướng du lịch thể thao ở An Giang là Khu du lịch Núi Cấm, thị xã Tịnh Biên. Từ năm 2022, sau khi đại dịch COVID - 19 được kiểm soát, Khu du lịch Núi Cấm quyết tâm “lột xác” nhằm mang đến nhiều trải nghiệm mới cho du khách. Nếu trước đó, loại hình trekking gần như hoàn toàn vắng mặt ở miền Tây thì chỉ trong hai năm, núi Cấm đã đưa tên mình vào “bản đồ trekking”. Hiện nay, núi Cấm là địa điểm duy nhất ở miền Tây có hoạt động trekking.

Tại thành phố Châu Đốc, Công ty Alden Travel khai thác loại hình du lịch bằng xe đạp, hướng đến đối tượng chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Du khách có cơ hội vi vu trên xe đạp, băng qua những cánh đồng, ao sen, vườn trái cây, len lỏi dưới chân núi Sam… rồi dừng chân tìm hiểu các sinh hoạt trong đời sống của người dân và thưởng thức những đặc sản địa phương. Loại hình này đã mang đến sự yêu thích cho du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về thiên nhiên và văn hóa Việt Nam nên thường xuyên đón nhận số lượng khách tham gia trải nghiệm đông đảo.

Trải nghiệm bè cá cù lao Ông Hổ

Đa dạng sắc màu du lịch sông nước

Đối với địa hình sông nước, hai điểm tham quan sinh thái Mỹ Luông và Cồn Én (huyện Chợ Mới) ra đời đã mang đến màu sắc mới cho du lịch sông nước ở An Giang. Trong đó, điểm tham quan Cồn Én với định hướng là khu nghỉ dưỡng cao cấp bên sông Tiền, hứa hẹn sau khi xây dựng hoàn thiện sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách, góp phần kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến với An Giang.

Tại cù lao Ông Hổ - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Mỹ Hòa Hưng đã mang đến “luồng gió mới” cho du lịch miệt vườn. Ra đời từ năm 2020 nhưng sau đó đại dịch COVID - 19 xảy ra, đến năm 2022 Hợp tác xã mới kiện toàn về tổ chức và củng cố các hoạt động. Hiện nay, Hợp tác xã thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch. Đến đây, du khách có thể tham quan các di tích, vườn trái cây, bè cá, trải nghiệm homestay… trên cù lao. Đồng thời, kết hợp khám phá chợ nổi Long Xuyên, chèo thuyền Sup trên sông Hậu.

Đặc biệt, làng bè Sắc Màu trên ngã ba sông Châu Đốc có thể xem là điểm nhấn của du lịch An Giang trong năm 2023. Với hơn 160 chiếc bè được sơn 6 khối màu, kéo dài gần 2 km trên sông Hậu, tạo nên nét đẹp độc đáo cho vùng biên giới An Giang. Hiện nay, các nhà bè cơ bản đã hoàn thiện công đoạn sơn màu. Dự kiến, làng bè sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024.

 Tour xe đạp Châu Đốc

Mở ra những tín hiệu tích cực

Theo Sở VHTTDL An Giang thông tin, tỉnh đã hình thành 16 địa điểm tham quan, trong đó 6 khu điểm được công nhận (1 khu du lịch quốc gia, 1 khu du lịch cấp tỉnh, 4 điểm du lịch). Năng lực phục vụ của ngành Du lịch An Giang ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng đúng tiêu chuẩn của ngành và nhu cầu của du khách.

Bên cạnh đó, An Giang đã và đang triển khai chiến lược phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch địa phương nói chung, các doanh nghiệp du lịch nói riêng cùng phát triển. Trong đó, có thể khẳng định, sự đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm - dịch vụ đã góp phần “mở lối” cho du lịch An Giang.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh Lê Trung Hiếu cho biết: “Trước đây, du khách đến với An Giang chủ yếu là du lịch tâm linh. Hiện nay, nhu cầu của du khách đến với tỉnh nhà càng đa dạng, do đó ngành Du lịch tỉnh phải phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp phát triển sản phẩm để kịp thời đáp ứng nhu cầu của du khách.”

Thực tế đã chứng minh, thời gian qua, hoạt động du lịch ở An Giang đạt kết quả tốt, trong đó một số chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. Năm 2024, An Giang đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 6.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã đón 8,5 triệu lượt khách (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 94% so với kế hoạch năm 2024) và doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 9.700 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 156% so với kế hoạch năm nay).

 

YÊN LƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;