Khai thác vốn cổ: May rủi song hành

Với mỗi nền nghệ thuật, ở những giai đoạn cạn kiệt về ý tưởng, đề tài thì vốn cổ trong nền văn hóa đó với kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, dã sử… lại trở thành mảnh đất mầu mỡ để các nghệ sĩ tựa vào và khai thác tiếp.

Phim Kẻ ăn hồn

Trên thế giới từng có nhiều vở kịch (kịch nói, kịch hát, kịch múa…) hay các bộ phim (điện ảnh, truyền hình…) khai thác vốn văn hóa dân tộc như các vở kịch và phim về Nàng tiên cá, Ba hạt dẻ dành cho lọ lem, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Người đẹp và quái vật… Lợi thế của những câu chuyện này là có lượng fan đông đảo và thuộc lòng đến từng chi tiết trong câu chuyện, nhân vật. Khi dựa vào các tích truyện đó, ngoài lợi thế về câu chuyện, nhân vật thì những sáng tạo về bối cảnh, trang phục, các màn kỹ xảo hay sự gia tăng các yếu tố thần thoại, kỳ ảo cũng làm nên nét mới mẻ và khiến câu chuyện gia tăng thêm sức hấp dẫn mới.

Có ý kiến cho rằng làm mới những tích truyện cũ là để phù hợp với khán giả hiện nay chứ không phải phá đi tính giáo dục hay thông điệp cốt lõi mà câu chuyện đã tạo dựng. Trong thời điểm hiện tại thì trình diễn trên sân khấu (có sự hỗ trợ của kỹ thuật nâng lên hoặc hạ xuống các bối cảnh, đạo cụ…) hay ghi hình cùng cách quay, dựng hiện đại với các màn kỹ xảo cũng giúp các câu chuyện cổ thêm cách thức, phương tiện để lôi kéo, thu hút khán giả. Với kỹ thuật hiện đại, những giấc mơ, sự tưởng tượng, những cảnh kỳ ảo cũng dễ được hiện thực hoá qua sự trợ giúp của các màn kỹ thuật, kỹ xảo… 

Phim Tấm Cám chuyện chưa kể

Tuy có những lợi thế về nội dung câu chuyện, nhân vật, các tình tiết nhưng xét về kinh phí, sự đầu tư cho bối cảnh, trang phục những bộ phim khai thác vốn cổ lại gặp nhiều trở ngại. Bởi nếu so với những bộ phim thuộc thể loại tâm lý, hài hước, kinh dị… thì những bộ phim chuyển thể từ truyện cổ tích, thần thoại, dã sử muốn chinh phục khán giả phải có nguồn kinh phí lớn đầu tư cho trang phục, bối cảnh, kỹ xảo. Đặc biệt là khoản chi phí để dựng lại các bối cảnh cổ xưa, những lâu đài, thành quách hay đơn giản là các nếp nhà, dinh thự, lâu đài hay vùng nông thôn xa xôi nơi chưa được thắp sáng bởi những dòng điện. Theo nhiều đạo diễn, để quay các câu chuyện cổ thì phần bối cảnh để đạt tới khung cảnh như bộ phim cần có nhiều đoàn phim phải đến quay tại các vùng sâu, vùng xa, nơi còn giữ được nhiều nét thiên nhiên, chưa bị đô thị hóa nhiều. Việc quay xa kéo theo chi phí tăng và theo nhiều người trong giới, đây đang là vấn đề khiến Việt Nam dù có cả kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, dã sử cũng ít được các nhà làm phim quan tâm, đầu tư.

 Phim Mỹ nhân kế

Sau thành công của Tấm Cám: chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân đồng sản xuất và đạo diễn, đạt danh thu 66 tỷ (vốn đầu tư 22 tỷ) giới làm phim đã có nhiều hứng thú khi mở hướng khai thác vào mảnh đất mầu mỡ này. Ngô Thanh Vân từng hào hứng chia sẻ: Tôi và êkip có kế hoạch thực hiện cả một “vũ trụ cổ tích Việt Nam” với đề tài gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống như Thằng Bờm, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Sơn Tinh - Thủy Tinh… Không chỉ có Ngô Thanh Vân mà nhiều nhà sản xuất phim truyện cũng muốn đưa các câu chuyện cổ tích, dân gian lên màn ảnh rộng. Với những câu chuyện hay, phân rõ thiện ác và một cái kết có hậu, các câu chuyện cổ vẫn là mảnh đất mầu mỡ cho các ngành nghệ thuật cùng khai thác. Việc tăng cường khai thác những giá trị văn hóa của dân tộc là điều tốt so với việc mua bản quyền hay làm lại phim từ các nền văn hóa khác. 

Nối tiếp theo thành công của Tấm Cám: Chuyện chưa kể, êkip làm phim Trạng Quỳnh cũng tiếp tục gặt hái về doanh thu, giúp nhà sản xuất tự tin hơn với việc đưa truyện cổ tích, dân gian vào các bộ phim. Một số nhà làm phim bày tỏ ý kiến rằng đó là quy luật tất yếu khi mà nguyên liệu sáng tạo cạn kiệt, đề tài khai thác trùng lắp khi có giai đoạn nở rộ dòng phim hành động, phim hài, thanh xuân vườn trường hay phim kinh dị, tâm lý… Khi các phim đi vào lối mòn cộng thêm dòng phim Việt hoá giảm sức hút thì các nhà sản xuất sẽ quay về với kho báu văn hóa dân tộc. Đây được xem như sự lựa chọn thông minh khi cổ tích, dân gian còn là chất liệu đặc sắc, tạo nên sự khác biệt giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác trong khi tính nhân văn, sự khuyến thiện và một kết thúc có hậu gần như có cùng một khuôn mẫu. Với các bộ phim khai thác mảng đề tài này cần có một sự trân trọng và khích lệ nếu những bộ phim chuyển thể từ cổ tích, dân gian được khai thác một cách thận trọng, chỉn chu và sáng tạo. Đó là điều đáng mừng khi một phim thương mại lại đính kèm nét văn hóa dân tộc, nhắc nhớ lại những điều quen thuộc từ xa xưa trong ký ức của mỗi người. 

Một lợi thế khác của phim chuyển thể từ cổ tích, dân gian là câu chuyện ai ai cũng từng nghe, từng biết với nhiều dị bản nên miền sáng tạo khá rộng và ít bị gò theo một khuôn mẫu định sẵn. Thậm chí, nhà làm phim cũng không cần quá lo lắng về trang phục với yêu cầu phải chính xác thuộc về thời đại nào trong lịch sử mà đôi khi chỉ cần tổng thể toát lên tính thuần Việt, hợp với bối cảnh, thời điểm, giai đoạn được mô tả. Tuy có nhiều điểm thuận lợi nhưng khó khăn của việc chuyển thể những câu chuyện này lên kịch, lên phim cũng không nhỏ và đôi khi những khó khăn lại đến từ chính những điểm tưởng như thuận lợi lúc ban đầu. Nhiều ý kiến cho rằng: Chuyện làm phim dã sử, lịch sử, cổ trang ở Việt Nam khó gấp nhiều lần so với các thể loại khác bởi chúng ta không có trường quay, phục trang và tư liệu cũng như nhiều yếu tố khác. Đoàn phim phải làm lại từ đầu, thậm chí là toàn bộ. Vì thế, kinh phí sản xuất thường bị đội lên quá cao ở khâu này. 

 Phim Trạng Quỳnh

Theo đạo diễn Đỗ Đức Thịnh, kinh phí thực hiện phim Trạng Quỳnh tầm 20 - 22 tỷ. Trước đó, phim Tấm Cám: chuyện chưa kể cũng có kinh phí sản xuất khoảng 22 tỷ. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng cho biết, êkip phải chi đến 2 tỷ đồng chăm chút cho trang phục trong phim nhưng khi phim ra mắt vẫn bị không ít khán giả chỉ trích. Họ cho rằng trang phục trong phim đã bị cách tân quá đà, không phù hợp với các triều đại phong kiến Việt Nam dù bản thân câu chuyện không xác định rõ thời đại nào. Một khó khăn khác được xác định khi đưa truyện cổ tích, dân gian lên phim là kỹ xảo. Kỹ xảo đòi hỏi phải đẹp, hợp lý và chân thực nếu không muốn gặp phản ứng ngược. Có thể thấy ngoài những lợi thế thì những bất cập, các khó khăn cũng đang cản trở các hãng, các êkip trong việc tìm kiếm, khai thác vốn cổ và đưa lên màn ảnh. Nhưng ngay cả khi mọi khó khăn được giải quyết như có trường quay, kho trang phục cổ… thì việc khai thác này cũng không dễ nếu các êkip không có được một kịch bản tốt, sáng tạo, giữ được hồn của cốt truyện cũng như không làm mất đi thông điệp nhân văn, thứ làm nên sự hấp dẫn của các câu chuyện.

Cùng khai thác vốn cổ, gần đây 2 dự án phim kinh dị là Kẻ ăn hồnQuỷ cầu cũng cho thấy các nhà làm phim Việt đã mạnh dạn hơn ở việc thử nghiệm những ý tưởng mới lạ. Trong đó, 2 phim đều đạt mức doanh thu ổn nhờ việc vay mượn các chất liệu dân gian.

Phim Người vợ cuối cùng khai thác nhiều nét văn hóa cổ

Việc lồng ghép chất liệu văn hóa bản địa là hướng đi mang tính hiệu quả và lâu bền cho dòng phim kinh dị nội địa. Bởi lẽ, kho tàng dân gian Việt Nam không thiếu những câu chuyện tâm linh, quỷ dị như: ông Ba Bị, quỷ nhập tràng, Thần trùng...

Cũng từ đây, có thể thấy, khán giả đang cần những chất liệu mới mẻ hay khai thác vào kho tàng văn hóa cổ thay vì chuyện mãi quẩn quanh ở những chủ đề chỉ mang tính chọc cười cho người xem.

 HOA NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

 

;