Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Đẩy mạnh nhiều hoạt động xã hội hóa trong năm 2024

Hội nghị khách hàng 2024 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư

Đã 5 năm liên tiếp, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức Hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm, lắng nghe ý kiến đối tác, để chủ động trong kế hoạch phục vụ khán giả và có nhiều chương trình mới, hấp dẫn.. Trong buổi gặp mặt đầu tháng 3 này có sự hiện diện của cả bốn thế hệ lãnh đạo của đơn vị, đó là: NSND Nguyễn Thị Tâm Chính, NSND Vũ Ngoạn Hợp, NSND Tạ Duy Ánh và NSND Tống Toàn Thắng - người đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Liên đoàn, như một sự trân trọng dành cho các đối tác. Khách mời của Liên đoàn khá đa dạng, từ các doanh nghiệp lữ hành cho tới những doanh nhân - các nhà đầu tư có tâm huyết với văn hóa nghệ thuật nước nhà mà cụ thể là với nghệ thuật xiếc. Sự kết hợp giữa các doanh nghiệp với các đơn vị nghệ thuật không phải là mới mẻ, nhưng cũng chưa thật sự trở thành bài bản ở Việt Nam, nên những động thái của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trở thành rất đáng quý khi mục tiêu có được sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị công lập với các doanh nghiệp để cùng hướng tới những tác phẩm tốt, những chương trình xiếc hấp dẫn, giúp nghệ thuật xiếc có thể phát triển bền vững.

NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Mỗi năm, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng khoảng 20 chương trình mới, có nhiều chương trình gây được sự chú ý, có sức lan tỏa trong xã hội như các chương trình về chủ đề tri ân ngày nhà giáo Việt Nam, tri ân người phụ nữ Việt Nam, chương trình Đi cùng năm tháng tri ân các anh hùng, các thương binh liệt sĩ… Ví dụ sinh động là trích đoạn Cúc ơi nằm trong chương trình Đi cùng năm tháng đã lấy được nước mắt của khán giả, nhận giải Xuất sắc tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức khi hướng về đạo lý Uống nước nhớ nguồn, ca ngợi và tôn vinh những người anh hùng đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc. 

Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã có kế hoạch biểu diễn riêng cho từng thời điểm trong năm. Gần nhất sẽ là chương trình nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 Những cánh hồng bay để tôn vinh phụ nữ, tôn vinh các diễn viên xiếc nữ, những người làm nên vẻ mềm mại, thơ mộng, lãng mạn cho xiếc và giành được nhiều giải thưởng cao cả trong và ngoài nước. Năm nào cũng có chương trình này, vì vậy Ban lãnh đạo Liên đoàn luôn phải nghĩ cách làm sao để đổi mới, khác với năm trước. Vẫn nội dung tôn vinh, tri ân các nữ nghệ sĩ xiếc nhưng năm nay sẽ là một chương trình hoàn toàn mới với việc kết hợp cùng hai đơn vị là Đoàn xiếc Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cộng với sự đóng góp của các khách mời... 

Tiết mục Đu nón của các nữ nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Năm 2024, có 2 sự kiện lớn là kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, cùng với sự đồng hành của các Cựu chiến binh, Liên đoàn tiếp tục xây dựng kịch bản cho chuỗi chương trình Sống mãi với Điện BiênHà Nội trong tim tôi. NSND Tống Toàn Thắng vui vẻ cho hay chương trình năm nay dự kiến sẽ gồm những hoạt cảnh tạo không khí hào hùng, kể câu chuyện về lịch sử bằng ngôn ngữ xiếc với sự tham gia của những nghệ sĩ xiếc tài năng và sẽ mời một số Anh hùng lực lượng vũ trang đến giao lưu với khán giả, trong đó có Anh hùng La Văn Cầu...

Trong dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; ngày Tết thiếu nhi ; Tháng hành động vì trẻ em; ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết…, Liên đoàn đều có những chương trình riêng, có những biến đổi để phù hợp với mục đích vừa tuyên truyền nhưng vẫn giàu tính nghệ thuật. Kết hợp chuyển tải những nội dung cần tuyên truyền, nghệ thuật hoá, lao động sáng tạo để mang tới những sản phẩm nghệ thuật đích thực, đem lại cho khán giả món ăn tinh thần mới, vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục, như ý kiến phát biểu của NSND Tống Toàn Thắng: “Các chương trình không chỉ mang tính giải trí, thỏa mãn nhu cầu các đối tượng khán giả, mà thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm trước nghệ thuật của nghệ sĩ. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, chúng tôi lắng nghe ý kiến góp ý, tiếp thu và điều chỉnh, tìm giải pháp, cơ chế, mục tiêu, tạo hiệu quả tốt cho việc xây dựng một nền nghệ thuật xiếc bền vững, níu giữ nghệ sĩ tâm huyết với nghề, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay. Đồng thời, mong muốn cống hiến các sản phẩm nghệ thuật cho khán giả, tạo món ăn tinh thần mới với đầy đủ sự trân trọng”.

Cảnh trong hoạt cảnh Cúc ơi - Ảnh: LĐXVN

Rất may, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng chia sẻ và cùng Liên đoàn chung tay để xây dựng các nội dung, vừa phong phú lại vừa có sức thuyết phục như ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc của một cơ sở gốm sứ cho biết, doanh nghiệp đặt hàng, hỗ trợ tài chính, tư liệu để Liên đoàn xây dựng tác phẩm xiếc về lịch sử gốm sứ Việt Nam… Các nghệ sĩ đã rất năng động, chịu khó phá cách để đổi mới, tạo sự hứng khởi cao cho khán giả từ những tiết mục mới mẻ nhờ sự kết hợp mạnh dạn này và ngày một nâng cao chất lượng, độ khó cho các tiết mục xiếc. Sự tươi mới này đã được phía tiếp nhận đánh giá cao, như đại diện Công ty du lịch Laveder nhận định: “Phương thức tổ chức biểu diễn từ 2022 đến nay đã có sự phát triển vượt bậc, chúng tôi rất vui và chờ đợi các sản phẩm mới của Liên đoàn”. Bác Minh, một Cựu chiến binh thuộc Ban liên lạc binh chủng đặc công phát biểu: “Sáu năm nay đồng hành với Liên đoàn Xiếc Việt Nam và cũng là 6 năm đơn vị dày công xây dựng các chương trình về quân đội dù rất khó nhưng các nghệ sĩ vẫn làm được như chương trình dàn dựng động viên các chiến sĩ hải quân canh giữ biển đảo, chương trình vinh danh chúng tôi, những cực binh đặc công. Khó khăn nhưng đã thành công khiến chúng tôi càng có thêm cơ sở để hy vọng có những chương trình dàn dựng chất lượng công phu, ý nghĩa. Tôi sẽ kết nối để Cựu chiến binh đi xem xiếc nhiều hơn”. 

Bên cạnh các chương trình kết nối các tiết mục xiếc có tính truyền thống, Liên đoàn vẫn tiếp tục thử nghiệm những chương trình xiếc mới, kịch xiếc, xiếc kết hợp với các loại hình sân khấu khác. Ngoài ra, Liên đoàn cũng giữ được sự kết nối tốt với các đơn vị, quốc gia khác để có nhiều chuyến lưu diễn và dự thi Fetival quốc tế nhằm tạo ra sự lan tỏa nghệ thuật, đồng thời đưa văn hóa Việt tới với bạn bè quốc tế. Ví dụ như tiết mục Đu nón sẽ sang Nga và Trung Quốc để thi và biểu diễn, đặc biệt cuộc thi Chu hải của Trung Quốc không chỉ có giá trị về mặt chuyên môn mà giá trị kinh tế của giải thưởng cũng rất cao.

 Tiết mục Dây căng cao - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Sự năng động đã được ghi nhận bằng những con số đáng nể trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mọi hoạt động xã hội có phần bị thu hẹp. NSND Tống Toàn Thắng vui mừng công bố, năm 2023 Liên đoàn vượt mức 150% số buổi biểu diễn, vượt mức 200% số doanh thu. Các thế hệ lãnh đạo Liên đoàn trước đây như NSND Tâm Chính, NSND Vũ Ngoạn Hợp, NSND Tạ Duy Ánh đều thừa nhận, thế hệ trước mới chỉ chăm chú vào khâu sáng tạo, tổ chức biểu diễn mà ít biết cách để quảng bá, phối hợp với khách hàng nên hiệu quả chưa cao. Trước đây thường là dàn dựng được tiết mục gì thì phục vụ khán giả tiết mục đó, bây giờ cởi mở hơn, hoạt động trong cơ chế thị trường phải có sự trao đổi với khách hàng. Chính khách hàng với sự phản hồi đã giúp nghệ sĩ và khán giả gắn kết, tìm đến nhau. “Chúng tôi là những người đi trước vô cùng tự hào, khâm phục bởi có những việc chúng tôi còn phải học tập lớp lãnh đạo trẻ”, ông Ánh cho biết.

Tuy nhiên, dù năng động, nhưng các lãnh đạo Liên đoàn Xiếc VN cũng mong muốn, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ thêm cho các hoạt động xã hội hóa văn hóa, nghệ thuật. Hiện nay, các chế độ bồi dưỡng, lương thưởng cho diễn viên, vẫn chưa thực sự kích thích sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ xiếc không chỉ là tài năng thiên bẩm, còn cần sự lao động đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu vì là ngành có sự nguy hiểm cao. Cần lắm sự quan tâm, chú ý đúng mức tới đặc thù nghề nghiệp để anh chị em nghệ sĩ được cất cánh trong môi trường nghệ thuật phát triển đúng hướng và bền vững.

 CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

 

;