Bộ chỉ số hấp dẫn

Với mong muốn phát triển thế mạnh địa phương gắn với các lợi thế về văn HÓA, điện ảnh, du lịch… nhiều tỉnh, thành ngoài tận dụng tốt thiên nhiên, bối cảnh còn muốn phát huy nền tảng mạng hay các chỉ dấu để tạo nên những điểm nhấn thu hút.

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thu hút du lịch sau khi ra rạp

Nắm bắt được ý tưởng đó, cộng với những kinh nghiệm thực tế và các bài học của một số nền văn hóa, điện ảnh mạnh trên thế giới, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã bắt tay xây dựng Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim/PAI (Production Attraction Index) nhằm cung cấp những lợi thế về địa điểm, chính sách, sự ưu đãi của từng địa phương đối với công nghiệp văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng. Với bộ chỉ số được xây dựng công phu, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã phối hợp cùng Phú Yên để đưa lý thuyết vào thực tiễn. Phú Yên - một địa danh đẹp đã xuất hiện trong khá nhiều phim điện ảnh, truyền hình, các clip về ca nhạc, du lịch… trở thành địa phương đầu tiên thí điểm mô hình này hứa hẹn mở ra những cơ hội chào đón, những cánh cửa hấp dẫn mời gọi các đoàn làm phim đến với vùng đất giầu tiềm năng này.

 Ðể đưa bộ chỉ số hấp dẫn ứng dụng vào thực tế, UBND tỉnh Phú Yên đã phối hợp cùng Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Xây dựng Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên”. Hội thảo đã chia sẻ những thông tin từ việc gắn phim ảnh với du lịch và kinh tế - xã hội cũng như các tiêu chí mà những đoàn làm phim yêu cầu phải có tại địa phương khi thực hiện ghi hình, công bố Bộ chỉ số PAI.

 Phim Cô gái đến từ hôm qua với nhiều bối cảnh đẹp

Tại hội thảo, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - cho rằng thực tế đã khẳng định tầm quan trọng của văn hóa và điện ảnh trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều đoàn làm phim vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các địa phương mà đoàn phim muốn đến quay phim, ghi hình.

Hy vọng từ mô hình thí điểm Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim (PAI) tại Phú Yên, nhiều tỉnh thành trên cả nước sẽ hưởng ứng tham gia, tự giới thiệu và đánh giá mức độ sẵn sàng đối với các dự án phim tìm đến địa phương mình.

Với Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim (PAI) khi được áp dụng rộng rãi thì đây sẽ là lời mời đáng giá nhất của mỗi địa phương gửi đến các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế, thu hút họ chọn quay phim tại các vùng miền trên đất nước Việt Nam. Cụ thể Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim (PAI) sẽ đánh giá sự quan tâm của các tỉnh thành trong việc đón đoàn làm phim, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương theo 5 tiêu chí: hỗ trợ tài chính, thông tin, thực địa, thủ tục pháp lý và hạ tầng sẵn có.

Phim Gái già lắm chiêu gắn với nhiều địa điểm đẹp tại Huế

Ðạo diễn Phan Ðăng Di cho rằng khi bắt đầu một dự án, anh và ê kíp luôn cảm thấy lo lắng khi chọn địa điểm ghi hình. Bởi khi vào thực tế quay các đoàn làm phim gặp rất nhiều vấn đề phát sinh. Tất cả nằm ở chỗ chưa có một hệ thống để các nhà làm phim đến địa phương đặt vấn đề tạo điều kiện cho đoàn làm phim đến ghi hình tại địa phương. Cũng từ đây nhiều chuyện tưởng đơn giản, Song, thực tế lại khá rắc rối từ địa điểm ghi hình đến sự phối hợp cần có làm cho kinh phí làm phim bị đẩy lên rất cao.

Từ thực tế đó, đạo diễn Phan Ðăng Di cho biết nếu được áp dụng Bộ chỉ số PAI tại các địa phương trên cả nước sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho các nhà làm phim đến ghi hình khi mọi thứ đã được cụ thể hóa từ sự hiểu biết, hỗ trợ của địa phương đến việc quảng bá, thúc đẩy các tiềm năng văn hóa, du lịch, điện ảnh cho mỗi vùng miền.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, các nhà làm phim luôn mong muốn tìm được các bối cảnh mới lạ, thậm chí là các bối cảnh chưa có ai đến quay để làm phim. Tuy nhiên về phía nhà sản xuất thường chọn những nơi có điều kiện làm việc thuận lợi để tiết kiệm chi phí. Vì vậy, Bộ chỉ số PAI rất quan trọng cho các nhà sản xuất, nhà đầu tư biết được khi đến một địa điểm làm phim sẽ tiết kiệm được chi phí như thế nào, có những ưu đãi gì khi làm phim. Ví dụ như một cảnh thác nước đẹp nhưng không có đường đi đến sẽ không ưu tiên bằng một thác nước ít đẹp hơn nhưng có điều kiện thuận lợi về giao thông, lưu trú, chi phí ăn ở rẻ hơn. Trong tình hình chung phải cân đối thu chi để làm sao mỗi sản phẩm làm ra có lãi và tái sản xuất thì chi phí ở mỗi khâu, trong đó có bối cảnh trở thành nỗi lo lớn của các đoàn làm phim.

 Phim Người vợ cuối cùng với cảnh sắc Hồ Ba Bể

Sau thành công và hiệu ứng của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quay tại Phú Yên, đã có nhiều đoàn làm phim đến quay tại Phú Yên và sắp tới đây phim Ngày xưa có một chuyện tình chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sắp bấm máy, với nhiều bối cảnh quay tại tỉnh này.

Việc mở cửa, chào mời các đoàn làm phim đến với địa phương mình không chỉ quảng bá được hình ảnh và các điểm đến độc đáo, thu hút đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến quay phim tại địa phương mà còn góp phần phát triển du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan. Thực tế, có rất nhiều vùng đất bỗng trở thành điểm đến yêu thích khi câu chuyện, nhân vật gắn với địa danh, nét văn hóa đặc sắc riêng có ở mỗi vùng, mỗi miền đất cụ thể.

Tại Hội thảo quốc tế “Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên”, trong đó lần đầu tiên tại Việt Nam, chỉ số thu hút đoàn làm phim - PAI (Production Attraction Index) do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam xây dựng được công bố và triển khai thí điểm, đánh giá sự quan tâm của tỉnh, thành phố và nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương, mở cánh cửa mời gọi đoàn làm phim đến các vùng đất.

Trang web vietnamfilmproduction.vn cũng đã được ra mắt tại hội thảo, giới thiệu môi trường làm phim tại Việt Nam. Ðây được xem như một hoạt động ý nghĩa để hiện thực hóa và minh bạch hóa việc hợp tác sản xuất phim, phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Hội thảo cũng mở ra hy vọng Phú Yên có nhiều tiềm năng để có thể trở thành một trường quay lớn của Việt Nam. 

 Phim Chuyện của Pao gắn với vùng núi phía Bắc

Ðặc biệt, Gala “Ðến với Phú Yên, trường quay lớn” (truyền hình trực tiếp trên VTV8 từ Núi Thơm - Việt Star Resort) đã giúp khán giả được chứng kiến câu chuyện “duyên nợ” điện ảnh với Phú Yên từ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 (2011) tại Phú Yên đến thành công của bộ phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) khiến Phú Yên được khán giả gọi là “xứ hoa vàng cỏ xanh”, cho tới các dự án đang thực hiện tại Phú Yên, nổi bật là phim Ngày xưa có một chuyện tình, cũng theo truyện của Nguyễn Nhật Ánh.

Ngoài các bộ phim điện ảnh, nhiều đoàn làm phim truyền hình, các video ca nhạc… cũng chọn Phú Yên để ghi hình khi nơi đây có nhiều bối cảnh đẹp, lãng mạn. Ðặc biệt, chương trình Ðiện ảnh với Phú Yên cũng giới thiệu những hình ảnh, cảnh quan đầy sức cuốn hút qua triển lãm ảnh “Bối cảnh quay phim độc đáo của Phú Yên” và chuyến tham quan các điểm quay phim tiềm năng và kỳ thú tại Phú Yên. 

Là tỉnh đầu tiên phối hợp hội thảo và áp dụng Bộ chỉ số hấp dẫn nhưng với những lợi ích mà bộ chỉ số mang lại chắc chắn sẽ có thêm các tỉnh thành mong muốn áp dụng để quảng bá và phát triển địa phương gắn với văn hóa, du lịch và điện ảnh. Và khi mọi thứ được chuẩn hóa sẽ giúp tăng nhận thức về quảng bá, thu hút đầu tư cho văn hóa, du lịch, điện ảnh… của từng vùng miền.

MẠNH HÙNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;