Hội diễn Câu hò nối những dòng sông: Tôn vinh các loại hình dân ca khu vực Bắc miền Trung

Hội diễn “Câu hò nối những dòng sông” khu vực Bắc miền Trung trong khuôn khổ Festival Huế, năm 2022 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức đã diễn ra từ 28 - 30/7 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm khẳng định bản sắc độc đáo và giá trị trường tồn của các loại hình nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ các địa phương trong khu vực Bắc miền Trung nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Ban Tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đoàn

 

Tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống

"Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc miền Trung năm 2022 là hội diễn thường kỳ được tổ chức 2 năm một lần. Năm nay, Hội diễn nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu - Festival 4 mùa, Huế năm 2022 do Sở Văn  hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức với sự tham gia của 6 đoàn nghệ thuật quần chúng, gần 240 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Phát biểu Khai mạc, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc miền Trung năm 2022 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần khẳng định giá trị trường tồn của các loại hình dân ca, dân vũ, tạo sân chơi lớn cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công được sáng tạo, thể hiện và cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

Trong không gian đậm chất nghệ thuật, trên mạch nguồn của các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, các nghệ sĩ, diễn viên đã trình diễn những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn, đặc trưng riêng của mỗi vùng, miền văn hóa. Các tiết mục trong chương trình được dàn dựng công phu, giàu tính nghệ thuật, thể hiện câu chuyện về đời sống đậm nét văn hóa của miền Trung. Từ nét riêng của mỗi vùng quê, những câu hò, tiếng hát nối liền những dòng sông làm nên một miền Trung giàu bản sắc văn hóa và nghĩa tình là chủ đạo của các tiết mục trong chương trình. Đó là điệu hò sông Mã âm vang các làn điệu; là dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh thuần hậu, chất phác mà sâu lắng, tình đời; là ca Huế, dân ca Huế sang trọng, tinh tế, cuốn hút lòng người, ẩn chứa một chút man mác, một chút thương cảm, một chút bi ai…

Đây cũng là cơ hội để khán giả và du khách thập phương được thưởng thức sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, được trải nghiệm những sắc màu nghệ thuật hấp dẫn của văn hóa Huế và các tỉnh khu vực Bắc miền Trung; được đắm mình vào không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc với các loại hình nghệ thuật độc đáo qua những phần trình diễn múa, hòa tấu nhạc cụ, câu hò, điệu lý, dân ca, hát ví dặm… Thông qua những lời ca, tiếng hát có nội dung ca ngợi vẻ đẹp tình yêu quê hương đất nước, giới thiệu và tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống đã mang đến hội diễn những sắc màu văn hóa riêng nhằm quảng bá các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống… được thể hiện độc đáo, đặc sắc qua các phần trình diễn từ các đoàn nghệ thuật.

Trao giải cho các tiết mục xuất sắc

Thêm luồng sinh khí cho dân ca

Với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, được đầu tư công phu về mọi mặt, 6 đoàn nghệ thuật đã mang đến cho khán giả những tiết mục hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa của từng địa phương. Các chương trình nghệ thuật có thời lượng tối đa 35 phút, gồm các tiết mục dân ca, dân nhạc, dân vũ, tùy theo ý tưởng nội dung, kết cấu chương trình, đảm bảo phải có hai loại hình nghệ thuật trở lên. Chẳng hạn Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghệ An đã đưa đến hội diễn chương trình biểu diễn có chủ đề "Trầm tích và khí phách sông Lam" gồm một số tiết mục: hát múa Chào Huế yêu thương, đơn ca Chấp chới sông Lam, múa độc lập Ký ức dòng Lam, hát múa Nghệ An vươn khơi. Trong khi đó, đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Trị lại mang đến nhiều cảm xúc cho người xem với chủ đề Lời ru Thạch Hãn, gồm các tiết mục: Tổ khúc dân ca Bình Trị Thiên Lời ru Thạch Hãn; dân ca Mời anh về quê hương em, nội dung phát triển âm nhạc từ điệu hò Như Lệ (điệu hò đặc trưng của vùng quê Quảng Trị); dân vũ Vụ mùa làng Trạng, tái hiện cuộc sống của người dân làng trạng Vĩnh Hoàng - nét văn hóa dân gian đang được lưu giữ tại tỉnh Quảng Trị; điệu hầu văn - ca Huế Nghĩa tình Quảng Trị; hát múa hợp xướng Bình minh thế kỷ. Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề “Miền Trung nối nhịp nghĩa tình” gồm các tiết mục: hòa tấu Vó ngựa trường chinh; Hò mái nhì - Nam Bình Câu hò nối nhịp nghĩa tình miền Trung; múa Nét xưa; Tổ khúc dân ca Khúc hát quê hương; hò giã gạo Tình xuân Người lính và tiết mục chầu văn Vinh quang Tổ quốc Việt Nam… Trong dư âm ngọt ngào của tiếng hát, điệu múa, hòa tấu nhạc cụ truyền thống,  trước cái hay, cái đẹp của những câu hò, làn điệu, âm hưởng dân ca, dân vũ vô cùng quý giá mà ông cha ta đã để lại hay những tác phẩm sáng tác mới phản ánh về cuộc sống và con người quê hương có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để người dân và du khách  được sống trong không khí náo nhiệt, đầy ắp vẻ đẹp của nghệ thuật, từ đó bồi đắp thêm kiến thức và tình yêu với nền dân ca, dân vũ quý giá mà cha ông ta đã trao truyền.

Lấy cảm hứng từ những dòng sông, trên nền chất liệu của các điệu hò, 6 tỉnh khu vực Bắc miền Trung đã chắt lọc tinh túy thành 32 tác phẩm mang đến Hội diễn từ những vốn quý âm nhạc dân gian, một di sản tinh thần vô giá mà cha ông ta để lại, bằng trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương, được vinh danh, được cam kết sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Có thể nói, các tác phẩm dự thi lần này cho dù được trình diễn bằng bất cứ loại hình nghệ thuật nào, mức độ thành công đến đâu, cũng đều bắt nguồn từ sự xúc động sâu sắc, từ những rung cảm tinh tế cộng với sự tri ân các bậc tiền nhân.

Hội diễn chính là một sân khấu lớn cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên được phô diễn, khoe tài, đua sắc, qua đó giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những tiềm năng và thành tựu đạt được của địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đây cũng là môi trường, điều kiện để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở và cùng nhau chung tay truyền lửa để câu hò, điệu lý vang vọng mãi tới muôn đời sau.

NGUYỄN HẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;