Những kinh nghiệm bổ ích từ thực tiễn của các Trung tâm Văn hóa khu vực ĐBSCL

CLB Giám đốc Trung tâm Văn hóa (TTVH) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 13 TTVH cấp tỉnh, thành phố gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. Hiện nay, có 8/13 Trung tâm Văn hóa thực hiện việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật, điện ảnh… vào chung bộ máy hoạt động của TTVH.

Toàn cảnh Hội nghị CLB Giám đốc Trung tâm VH khu vực ĐBSCL
 

Mỗi TTVH có những thuận lợi và khó khăn riêng. Đã có nhiều TTVH vượt khó để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều Trung tâm vẫn đảm bảo được các hoạt động nghiệp vụ bằng việc chuyển đổi mô hình hoạt động, tổ chức thành công các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị như: chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước và Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham gia các hoạt động lễ hội liên hoan, hội thi, hội diễn của các tỉnh, thành trong khu vực và của Cục Văn hóa Cơ sở tổ chức.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, với chức năng của mình, các Trung tâm đều tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, kịp thời tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, góp phần quan trọng vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong gian đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, các Trung tâm còn lúng túng trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động cho phù hợp với tình hình dịch bệnh… song với tinh thần vượt khó, sáng tạo, năng động, các Trung tâm đã biến “nguy” thành “cơ (hội)”, các mô hình hoạt động nghiệp vụ linh hoạt đã mang lại hiệu quả.

Tại hội nghị, các TTVH đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình như: TTVH tỉnh An Giang chuyển đổi công nghệ số để hoạt động trong tình hình dịch bệnh. Trung tâm đã thành lập được trang FacebookYouTube khá sớm để tuyên truyền kịp thời các hoạt động nghiệp vụ và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền văn nghệ online phục vụ những sự kiện chính trị của đất nước và tỉnh đã thu hút được trên 2.000 lượt người xem qua mỗi chương trình. Bên cạnh đó, TTVH tỉnh An Giang cũng làm tốt xã hội hóa hoạt động phim trường, thu hình các chương trình sự kiện để phát sóng…. Với TTVH tỉnh Bạc Liêu, điểm nổi bật là “Xây dựng câu chuyện thông tin mạng xã hội” về tuyên truyền phòng, chống dịch và nhiệm vụ chính trị được thực hiện bài bản, đồng loạt từ tỉnh đến huyện, phường, xã, xóm, ấp. Đây là “cánh tay” nối dài “ý Đảng lòng dân” mà TTVH Bạc Liêu thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19… TTVH tỉnh Cà Mau đã kịp thời chuyển đổi mô hình hoạt động thích ứng với tình hình dịch bệnh bằng việc thành lập CLB sáng tác tranh cổ động. CLB đã sáng tác 80 tranh cổ động phòng chống dịch, phát hành cho cả nước và địa phương sử dụng…

TTVH tỉnh Bến Tre cũng đã có nhiều kế hoạch động phù hợp vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trung tâm đã chủ động chuyển sang hình thức trực tuyến tuyên truyền trên mạng xã hội bằng việc sản xuất sản phẩm Video clip, Audio clip, trong đó thực hiện sản xuất: 30 Video clip, Audio clip và 9 cuộc Livestream về phòng chống, dịch COVID-19, tìm hiểu, tư vấn pháp luật, về Đồng khởi khởi nghiệp, truyền dạy Đờn ca tài tử, về các sự kiện chính trị, kỷ niệm trong năm... và biểu diễn trực tiếp (25 cuộc tại chỗ, 9 cuộc tại cơ sở) gắn với từng chủ đề từng thời điểm vào những dịp địa phương tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn, các cuộc vận động chính trị trong năm của đất nước và của địa phương… TTVH tỉnh Sóc Trăng khi thực hiện mục tiêu kép đã có nhiều sáng kiến và linh hoạt chuyển đổi phương thức từ tuyên truyền văn nghệ trực tiếp, sang hình thức tuyên truyền gián tiếp như thu âm, ghi hình phát trên kênh YouTube. Trong năm 2021 đơn vị phát qua kênh YouTube 94 video… TTVH TP. Cần Thơ cũng có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện 75 cuộc xe tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 (9 đợt), trên các tuyến đường… TTVH tỉnh Long An đã xây dựng, tập huấn và biểu diễn 35 chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ nhiệm vụ chính trị, sự kiện của tỉnh, biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; biểu diễn phục vụ tại khu cách ly, các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh; xây dựng 5 chương trình văn nghệ hỗ trợ các Sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phục vụ các sự kiện chính trị... TTVH tỉnh Kiên Giang, đã phối hợp với Bảo tàng, Thư viên tỉnh triển lãm lưu động tại nhiều nơi trong tỉnh để tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là lần đầu tiên 3 đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở phối hợp hoạt động đã mang lại những hiệu quả nhất định, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Triển lãm đã được đánh giá rất cao khi kịp thời tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong công tác cổ động tuyên truyền bầu cử đến với người dân.

Ban Chủ nhiệm CLB khu vực ĐBSCL cũng đã nhìn nhận về một số hạn chế trong sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị, chuyện chưa chủ động, còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế quản lý; nhiều Trung tâm mới sáp nhập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nên vẫn còn lúng túng trong quản lý, thực hiện chế độ chính sách tài chính giữa chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng; nhiều kế hoạch đề ra nhưng chưa thực hiện được do nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; việc họp định kỳ theo quy chế chưa đầy đủ, sự phối hợp giao lưu giữa các tỉnh, thành trong khu vực chưa thường xuyên..

 

THẾ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

;