Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: Lan tỏa văn hóa, âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (ANQGVN) là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước. Năm 2024, cùng với dấu ấn đậm nét trong công tác đối ngoại về văn hóa của Bộ VHTTDL, Học viện ANQGVN cũng là một điểm sáng với nhiều thành tựu trong việc góp phần quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

NSND Bùi Công Duy biểu diễn trong Lễ khai mạc Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống được khán giả tại Thụy Điển yêu thích

 

Một trong những điểm sáng trong hoạt động biểu diễn của Học viện ANQGVN là sự kết hợp âm nhạc hàn lâm thế giới và âm nhạc truyền thống của Việt Nam trong các sự kiện quốc tế. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các chương trình nghệ thuật nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024. Với sự thể hiện của các nghệ sĩ Học viện ANQGVN và Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, khán giả đất nước Nga không chỉ được nghe thanh âm của các nhạc cụ dân tộc, xem các tiết mục nghệ thuật ca, múa, nhạc truyền thống đặc sắc đậm nét văn hóa Việt Nam, mà còn được thưởng thức các tác phẩm âm nhạc cổ điển đậm chất nghệ thuật hàn lâm. Thông qua chương trình nghệ thuật, các nghệ sĩ đã giới thiệu với khán giả những nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam, đồng thời truyền tải thông điệp ca ngợi tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Màn trình diễn xuất sắc, ấn tượng của các NSND, NSƯT, tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên âm nhạc… trong đó có nhiều nghệ sĩ đã học tập tại các cơ sở đào tạo âm nhạc danh tiếng của Liên bang Nga như NSND Bùi Công Duy, PGS, TS Nguyễn Huy Phương, TS Nguyễn Khắc Hòa… đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với khán giả, bạn bè quốc tế. 

Là một nghệ sĩ đã góp phần thành công trong nhiều chương trình nghệ thuật của Việt Nam tại quốc tế, Phó Giám đốc Học viện ANQGVN, NSND Bùi Công Duy chia sẻ: Học viện ANQGVN là đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, đã có truyền thống nhiều năm trong hoạt động biểu diễn đối nội, đối ngoại và đã gặt hái được nhiều thành tựu, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao.

“Với thế mạnh của Học viện ANQGVN, chúng tôi đã khéo léo lồng ghép giữa âm nhạc hàn lâm thế giới và âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Việc kết hợp này đã tạo nên sự đặc sắc, được đông đảo khán giả quốc tế đánh giá cao, góp phần trở thành cầu nối văn hóa giữa các quốc gia trong lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc” - NSND Bùi Công Duy cho biết.

Tiết mục do các nghệ sĩ Khoa Âm nhạc truyền thống biểu diễn tại Ngày Văn hóa Việt Nam tại Đan Mạch nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam

Tiếp nối thành công, tại các chương trình nghệ thuật nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển và Đan Mạch năm 2024 trong tháng 9 vừa qua, các nghệ sĩ tài năng của Học viện ANQGVN tiếp tục để lại ấn tượng khó quên đối với bạn bè quốc tế khi trình diễn các tiết mục dân ca ngọt ngào, âm thanh trong trẻo của nhạc cụ tre nứa truyền thống, và âm hưởng quyến rũ, du dương của nhạc jazz, nhạc cổ điển… Đặc biệt, với màn trình diễn có sự kết hợp của các nghệ sĩ tài năng Học viện ANQGVN và các nghệ sĩ Đan Mạch không chỉ kéo gần khoảng cách địa lý mà còn còn trở thành sợi dây kết nối văn hóa, nghệ thuật giữa hai quốc gia.

Cùng với dấu ấn của âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc truyền thống cũng là một thế mạnh của Học viện ANQGVN trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Chia sẻ về các chương trình nghệ thuật để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, TS, NSND Cù Huy Hùng - Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Học viện ANQGVN cho biết, Khoa Âm nhạc truyền thống là một mũi nhọn của trường về biểu diễn nghệ thuật trong các hoạt động ngoại giao văn hóa. Trong năm 2024, các nghệ sĩ của Khoa Âm nhạc truyền thống đã trình diễn tại Liên bang Nga, Thụy Điển, Đan Mạch. Cùng với chương trình nghệ thuật của Học viện ANQGVN tại các nước, các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ tài năng, NSND, NSƯT Khoa Âm nhạc truyền thống luôn tạo được sự thích thú, hoan nghênh của khán giả các nước trên thế giới.

TS, NSND Cù Huy Hùng cũng cho biết, trong những năm gần đây, các tiết mục trong chương trình có sự đan xen của âm nhạc thính phòng, âm nhạc truyền thống và nhóm nhạc jazz. “Chính vì vậy, trước mỗi chuyến đi biểu diễn, chúng tôi phải lên kế hoạch, sắp xếp chương trình một cách bài bản, hợp lý; đồng thời, các nghệ sĩ phải luyện tập kỹ càng cho mỗi tiết mục. Chính vì thế, các chương trình nghệ thuật của Học viện ANQGVN luôn được các đồng chí lãnh đạo đánh giá cao và cuốn hút những người yêu âm nhạc” - Trưởng Khoa Âm nhạc truyền thống TS, NSND Cù Huy Hùng cho hay.

TS, NSND Hoa Đăng
 

Để gặt hái được những thành công trong mỗi chuyến hành trình mang âm nhạc Việt Nam đến với thế giới, các nghệ sĩ Học viện ANQGVN cũng vượt qua không ít khó khăn, thách thức trong mỗi chuyến đi. TS, NSND Nguyễn Thị Hoa Đăng, Phó Trưởng Khoa Âm nhạc truyền thống - nghệ sĩ, giảng viên đã dành nhiều tâm huyết, nỗ lực đối với các tiết mục âm nhạc dân tộc chia sẻ: tiếp nối thành công của các năm trước, năm 2024, các giảng viên trong Dàn nhạc dân tộc Việt Nam của Học viện đã có những chuyến đi đầy ý nghĩa nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như quảng bá văn hóa, âm nhạc Việt Nam đến với thế giới. “Trong mỗi chuyến đi, đội ngũ NSND, NSƯT cũng như các giảng viên xuất sắc của Học viện đã phải nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi không chỉ là các nghệ sĩ biểu diễn, mà còn đảm nhận nhiều công việc khác như từ khuân vác, chạy chương trình, phục vụ âm thanh, ánh sáng… Dù khá vất vả, nhưng với tình yêu đối với âm nhạc, nhiệm vụ cao cả của một nghệ sĩ và lòng tự hào dân tộc, chúng tôi đã xuất sắc vượt qua, để nhận được sự khen ngợi, động viên từ lãnh đạo cấp cao đến công chúng nước ngoài, cũng như bà con Việt kiều rất yêu thương, dành nhiều tình cảm cho đoàn” - TS, NSND Hoa Đăng bày tỏ.

Đối với các nghệ sĩ, mỗi chuyến đi không chỉ là hành trình biểu diễn, tích lũy kinh nghiệm, mà còn được trải nghiệm với những kỷ niệm thú vị, đáng nhớ. TS, NSND Hoa Đăng nhớ lại: “Dấu ấn khó quên đối với tôi là chuyến đi biểu diễn tại Thụy Điển và Đan Mạch. Khi biểu diễn trong phòng cách âm chất lượng tốt, chúng tôi đã biểu diễn mộc, trực tiếp, không sử dụng âm thanh hỗ trợ. Khi âm thanh mộc của các nhạc cụ vang lên, cả khán phòng đã sững sờ, yên lặng lắng nghe, điều đó làm cho chúng tôi xúc động, tự hào và tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ thăng hoa”.

Theo TS, NSND Hoa Đăng, trong những năm gần đây, Dàn nhạc dân tộc Việt Nam cũng gặt hái được nhiều thành công tại Liên hoan Âm nhạc Trung Quốc - ASEAN được tổ chức hằng năm tại Trung Quốc. Cùng với Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam luôn tập luyện, đầu tư kỹ càng để tham gia Liên hoan. Đến với Liên hoan, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam có sự tham gia của các giảng viên xuất sắc và nhiều học sinh, sinh viên ưu tú của Khoa Âm nhạc truyền thống. “Để tham gia Liên hoan, chúng tôi đã xây dựng chương trình vừa mang tính truyền thống thể hiện rõ bản sắc dân tộc Việt Nam, đồng thời mang hơi thở của thời đại. Không chỉ hấp dẫn, chương trình còn mang tính học thuật, chuyên môn cao nên luôn nhận được bạn bè thế giới đánh giá cao” - TS, NSND Hoa Đăng cho biết. 

TS, NSND Hoa Đăng cũng chia sẻ: “Tôi cảm thấy vinh dự và may mắn khi có nhiều cơ hội cống hiến, đóng góp tiếng đàn của mình vào trong dàn nhạc. Chính vì thế, trong mỗi chương trình, tôi luôn tập trung để biểu diễn tốt nhất. Cũng như các nghệ sĩ, cùng với vinh dự thì trách nhiệm càng lớn, tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để góp phần đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam ngày càng “bay cao, bay xa” hơn nữa”.

Học viện Âm nhạc biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc Trung Quốc - ASEAN 2024

 

AN NGỌC

Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"

 

;