Chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý và điều hành của Bộ VHTTDL. Những kết quả trong năm 2024 là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành. Với những định hướng rõ ràng và giải pháp cụ thể, Bộ VHTTDL đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một ngành quản lý hiện đại, thông minh, đáp ứng yêu cầu của thời đại, đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.
Điểm cầu Bộ VHTTDL tham gia phiên họp của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: Xuân Trường
Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư
Năm 2023, Bộ VHTTDL đã khiến cộng đồng chuyển đổi số quốc gia chú ý với các chỉ số: xếp hạng thứ 7 trong 17 Bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, tăng 1 bậc so với năm 2022; xếp hạng 1 trong 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công (DVC) về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (ICT Index). Tuy nhiên, năm 2024, không dừng lại ở những kết quả đó, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo và đưa ra yêu cầu: “Tài nguyên số là một trong những tài nguyên lớn mà bất cứ quốc gia nào cũng cần tập trung quản trị và khai thác để biến nguồn tài nguyên này trở thành động lực phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung” và “cần tập trung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và coi đây là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đã chỉ đạo”.
Đặc biệt, thực hiện các quán triệt của Tổng Bí thư Tô Lâm về những điểm mới của kinh tế số, với phương châm hành động “Tăng tốc, sáng tạo, về đích” cùng tinh thần “3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả”, toàn ngành VHTTDL đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số - đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của Bộ VHTTDL, từ đó tạo tiền đề quan trọng cho hành trình chuyển đổi số những năm tiếp theo.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao trong tất cả các cơ quan, đơn vị. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực. Đơn cử như Bộ đã bám sát và thực hiện đầy đủ Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành đúng tiến độ đơn giản hóa thủ tục hành chính được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ. Quyết liệt hơn, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị, đồng thời ban hành một số lượng lớn các văn bản (49 văn bản) thúc đẩy công tác chuyển đổi số.
Công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số đã có sự chuyển biến rất lớn. Các cổng/ trang thông tin của Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều có các chuyên mục, tuyến tin/ bài cung cấp thông tin về hoạt động chuyển đối số của Chính phủ, Bộ, ngành nói chung và Bộ VHTTDL nói riêng. Các bài viết được xây dựng dưới nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giúp nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số tới đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ. Tinh thần ấy được các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tích cực hưởng ứng với hàng loạt hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, được lồng ghép vào các chương trình đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số của ngành. Đặc biệt, Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình” đã thu hút 115 đơn vị thuộc các cơ quan, đơn vị, từ Trung ương tới địa phương tham dự và được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông.
Trong khi đó, kinh tế số bước đầu phát triển trong lĩnh vực du lịch khi ngành chú trọng nâng cấp ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; rà soát phần mềm báo cáo thống kê du lịch, nền tảng hỗ trợ; phổ biến, hướng dẫn sử dụng phần mềm trên nền tảng số… trong triển khai công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Về các nền tảng số, được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. Các nền tảng dùng chung của Bộ VHTTDL (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống báo cáo, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Phần mềm đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, Quản lý Cán bộ công chức, viên chức…) được triển khai đồng bộ từ Bộ tới các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; từ Bộ tới địa phương. Cùng với đó, một “Trung tâm điều hành của Bộ VHTTDL” cũng đang được triển khai xây dựng nhằm hỗ trợ Lãnh đạo Bộ ra quyết định, giám sát, theo dõi và điều hành các hoạt động của Bộ một cách thuận tiện, nhanh chóng. Những điều này đã thúc đẩy toàn bộ các hoạt động chuyển đối số của Bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, góp phần phát triển chính quyền điện tử, cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì tại điểm cầu Bộ VHTTDL trong một phiên họp của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia Ảnh: Xuân Trường
Đại diện Trung tâm CNTT, Bộ VHTTDL trình bày tham luận về định hướng xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành VHTTDL - Ảnh: Nam Nguyễn
Dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh
Một trọng tâm nữa được đẩy mạnh triển khai đó là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Bước đầu, ngành VHTTDL đã thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Điều này được thể hiện rõ qua việc cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức của Bộ VHTTDL đến nay đã được áp dụng đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trên cơ sở mục tiêu điện tử hóa hồ sơ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tính đến 28-10-2024, 83 đơn vị thuộc Bộ đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các trường thông tin chưa đúng, còn thiếu; 6.607 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được đồng bộ lên cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo dữ liệu đúng - đủ - sạch - sống.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTTDL đánh giá: “Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các vận động viên; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới”.
Theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ quốc Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTTDL, là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có sức lan tỏa sâu rộng, việc xây dựng một nền tảng dữ liệu tập trung và hiệu quả không chỉ giúp cải thiện trong công tác quản lý mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Chính vì vậy, Bộ đã quyết liệt triển khai “Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Bộ VHTTDL” - được ví là “huyết mạch dữ liệu” nhằm đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành và giữa ngành VHTTDL với các Bộ, ngành, địa phương và kết nối với Chính phủ.
Công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, Bộ VHTTDL đã có 993.350 số lượt truy vấn, khai thác tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tổng số dịch vụ công cấp Trung ương đã được khai báo trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ là 77 thủ tục, trong đó có 53 dịch vụ công toàn trình, 24 dịch vụ công một phần; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 49,43%; tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ (trực tiếp và trực tuyến) đạt 49%...
Ngoài ra, Bộ cũng đã hoàn thiện hạ tầng an toàn thông tin, đáp ứng đầy đủ 14/14 tiêu chí của Cục An toàn Thông tin và đã được tổ công tác Cục C06 (Bộ Công an) đánh giá, đồng thời kết nối thành công Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06. Đây không chỉ là bước tiến về kỹ thuật mà còn mở ra khả năng tối ưu hóa quản lý, phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bộ đã triển khai hệ thống kiểm soát truy cập (NAC), nâng cấp quản lý sự kiện bảo mật (SIEM) và hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho các hệ thống dùng chung. Đặc biệt, các lớp tập huấn và diễn tập thực chiến an ninh mạng được tổ chức đã nâng cao năng lực ứng phó sự cố cho đội ngũ cán bộ.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nghe các tham luận tại Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình”
Ảnh: Nam Nguyễn
Tập trung chăm lo, xây dựng nguồn nhân lực
Bước sang năm 2025, Bộ VHTTDL đặt mục tiêu phát triển hệ sinh thái số toàn diện, kết nối với nền tảng Chính phủ. Đây sẽ là một hệ sinh thái số hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và phục vụ người dân trong lĩnh vực VHTTDL.
Thực hiện các trọng tâm này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần tập trung chăm lo xây dựng phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đáp ứng cho nhu cầu của công cuộc chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành VHTTDL để có cơ sở dữ liệu tốt, kết nối với cơ sở dữ liệu khác. Đặc biệt kết nối nền tảng dữ liệu của các bộ, ngành khác để tạo sự liên thông, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số, giúp chúng ta trong công tác quản trị điều hành và hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ VHTTDL, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành.
Trong đó, Bộ VHTTDL tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng an toàn thông tin và công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các dự án, kế hoạch như: Kế hoạch duy trì vận hành môi trường đáp ứng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) - năm 2024 và 2 dự án quan trọng về Cơ sở dữ liệu được đầu tư và triển khai trong 5 năm tiếp theo.
Với giai đoạn 2025-2030, Bộ VHTTDL sẽ tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng số như: hoàn thiện hệ thống điện toán đám mây, triển khai hạ tầng dữ liệu phi tập trung và nâng cao tốc độ đường truyền chuyên dùng.
Xây dựng CSDL ngành như tích hợp dữ liệu di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn và du lịch vào hệ thống CSDL quốc gia, đồng thời mở rộng nền tảng dữ liệu mở phục vụ tổ chức và doanh nghiệp.
Nâng cao kỹ năng số, trong đó tập trung đào tạo 100% cán bộ các cấp về kỹ năng quản lý hệ thống thông tin, tổ chức tập huấn an toàn thông tin định kỳ nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp.
Trong giai đoạn này, Bộ cũng hướng tới việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) vào quản lý dữ liệu, phát triển nền tảng du lịch thông minh kết nối quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, công nghệ Blockchain sẽ được nghiên cứu áp dụng để quản lý và bảo mật thông tin di sản, du lịch.
Bộ cũng đặt mục tiêu đạt chứng nhận về bảo mật thông tin, đảm bảo dữ liệu người dùng được bảo vệ ở mức cao nhất. Các giải pháp cảnh báo và phát hiện xâm nhập dựa trên trí tuệ nhân tạo sẽ được triển khai nhằm giảm thiểu rủi ro từ các cuộc tấn công mạng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các dự án trọng điểm và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần có chính sách đồng bộ hóa dữ liệu giữa các bộ, ngành để tăng tính liên thông và hiệu quả quản lý.
Đối với các địa phương, cần thúc đẩy số hóa dữ liệu văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh, đảm bảo kết nối liên thông với CSDL quốc gia…
Trải nghiệm và khám phá di tích lịch sử qua kính VR - Ảnh: Nam Nguyễn
VỤ PHÁP CHẾ
Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"