Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và những hoạt động chuyển đổi số nổi bật năm 2024

Bằng việc tích cực tìm tòi, mạnh mẽ đổi mới, ứng dụng công nghệ số hiện đại vào việc số hóa bộ sưu tập, xây dựng nền tảng triển lãm trực tuyến, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thổi một làn gió mới vào không gian nghệ thuật truyền thống. Vượt trội trong số hơn 5.000 đơn vị tiếp cận và gần 400 hồ sơ dự thi, năm 2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần thứ 2 đón nhận giải thưởng Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với Không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến - VAES.

Không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến - VAES

 

Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng đã trở nên phổ biến, từ việc nghiên cứu, tư liệu hóa, số hóa, quản lý tài liệu, hiện vật, bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu, cho đến trưng bày, giáo dục, truyền thông, quảng bá. Những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), thực tế tăng cường (AR)… đã xuất hiện tại nhiều bảo tàng trên thế giới như những giải pháp sáng tạo nhằm gia tăng sự trải nghiệm của khách tham quan, duy trì kết nối giữa bảo tàng và công chúng, hay tăng tính hấp dẫn và khả năng tiếp cận cho các bộ sưu tập với công chúng.

Những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động như các chương trình quản lý hiện vật, thư viện số, hay ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, triển lãm 3D... Các sản phẩm này đã và đang phát huy tốt hiệu quả, được công chúng quan tâm sử dụng rộng rãi cũng như được ghi nhận qua những Giải thưởng uy tín, như Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Đây là giải thưởng được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện. Năm 2021, Bảo tàng đạt giải thưởng Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, và năm 2024, Bảo tàng đạt giải thưởng Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với Không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến - VAES.

 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần thứ 2 đón nhận giải thưởng Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với Không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến - VAES
 

VAES là sản phẩm chuyển đổi số gần đây nhất của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ra mắt vào tháng 10-2023. Không gian triển lãm mỹ thuật số này giúp thu hẹp khoảng cách về địa lý và thời gian, cho phép người dùng tiếp cận, tham quan các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật từ mọi nơi trên thế giới một cách dễ dàng, thuận tiện, đồng thời, giúp các nghệ sĩ, các nhà tổ chức triển lãm mỹ thuật và bảo tàng tiếp cận đối tượng khán giả rộng lớn hơn trên phạm vi toàn cầu. Cùng với đó, các tính năng như điều khiển góc nhìn, phóng to, tương tác 3D mang lại trải nghiệm hấp dẫn và trực quan cho người sử dụng, cho phép họ tự do khám phá, tham quan không gian triển lãm. Đặc biệt, với khả năng lưu trữ thông tin trên không gian số dài hạn, VAES trở thành kho dữ liệu phong phú, cung cấp những thông tin và tài liệu về các tác giả, tác phẩm mỹ thuật Việt Nam.

Bên cạnh VAES, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực chú trọng việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của Bảo tàng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách. Triển lãm Xuân Hà Nội với ứng dụng 3D mapping mang lại trải nghiệm mới mẻ, thú vị, giúp người xem như hòa mình vào cùng tác phẩm nghệ thuật. Cùng với đó, Bảng thông tin điện tử bố trí tại sảnh chính lối vào Bảo tàng, cung cấp cho du khách thông tin về sơ đồ tham quan, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật nổi bật, với hình ảnh, video và âm thanh sống động; Cổng thanh toán trực tuyến cho phép du khách mua vé, thanh toán các dịch vụ của Bảo tàng một cách nhanh chóng và tiện lợi; Hệ thống wifi miễn phí bao phủ toàn bộ khu vực tham quan Bảo tàng, giúp du khách có thể tiếp cận với hệ thống triển lãm và sưu tập online một cách dễ dàng, thuận tiện…

Khách tham quan trải nghiệm Không gian Triển lãm Mỹ thuật trực tuyến VAES

Đặc biệt, các nền tảng truyền thông số của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bao gồm trang web và mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok luôn được Bảo tàng quan tâm xây dựng và phát triển. Do công chúng sử dụng mạng xã hội phần lớn là giới trẻ, việc xây dựng nội dung truyền thông trên các nền tảng này đặt ra những yêu cầu trẻ hoá, gần gũi, sống động. Chính nhờ việc xác định đúng và trúng nhóm công chúng mà các bài viết đăng tải trên mạng xã hội đều thu hút lượng lớn sự quan tâm và tương tác của công chúng, cũng như đạt số lượng người theo dõi trang cao.

Từ những hoạt động thực tiễn về chuyển đổi số tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số không nên nóng vội, đốt cháy giai đoạn, mà cần có sự nghiên cứu, tham khảo, đúc rút kinh nghiệm từ những người đi trước. Hiện nay, công tác chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành con đường phát triển tất yếu của mỗi bảo tàng. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ theo cách thức nào, lên lĩnh vực nào… cho phù hợp, tối ưu hiệu quả đối với từng đơn vị, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải xây dựng kế hoạch chiến lược xác đáng. Ví dụ, trên thế giới, cùng tại thành phố New York và ở rất gần nhau, Bảo tàng The MET luôn là một trong những ví dụ tiêu biểu cho sự thành công trong các hoạt động truyền thông mạng xã hội, sở hữu số lượng người theo dõi “khủng” lên tới con số hàng triệu lượt theo dõi, và cùng có hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Sự hấp dẫn của công nghệ đã khiến Bảo tàng Brooklyn gần đó từng học theo hình mẫu xây dựng hàng loạt mạng xã hội và sáng tạo hẳn một trò chơi điện tử tương tác, với mong muốn thu hút khách tham quan nhiều hơn. Tuy nhiên, kết quả lại hết sức bất ngờ, khi có những trò chơi 52% người chơi là chính cán bộ bảo tàng, trò khác lại là 74% người dân sống quanh đó. Cuối cùng, ban lãnh đạo Bảo tàng Brooklyn đã quyết định tạm dừng phát triển trò chơi số hóa, đóng một số tài khoản mạng xã hội, tập trung quảng bá cho nghệ sĩ địa phương và phòng tranh của họ. Điều này đã thu hút lượng đông đảo công chúng địa phương tới ủng hộ và tham quan trực tiếp tại bảo tàng.

Trang web, Facebook và TikTok của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

Thứ hai, cần hiểu rõ, đối với các đơn vị bảo tàng, dù công nghệ có phát triển đến mức độ nào đi nữa thì cũng không bao giờ thay thế những trưng bày vật lý và trải nghiệm thực tế của công chúng. Khác với những thiết chế văn hóa khác, bảo tàng lưu giữ những di sản có tính nguyên gốc. Giáo dục bảo tàng, một trong những nhiệm vụ cốt lõi, phải là giáo dục trải nghiệm và trực quan. Nói cách khác, công nghệ ảo không phải đích đến mà các bảo tàng hướng tới, mà nó chỉ nên được xem như là cầu nối, góp phần gia tăng trải nghiệm thực cho công chúng.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Với nguồn lực tài chính hiện tại (khoảng dưới 4% kinh phí chi thường xuyên) của các bảo tàng chưa đủ đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, do đó rất cần huy động nguồn lực tài chính ở trong và ngoài bảo tàng. Trong khi chưa có những chính sách cụ thể về hợp tác công - tư cho hoạt động chuyển đổi số, mỗi bảo tàng cần có tư duy năng động, sáng tạo để từng bước ứng dụng công nghệ cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đơn vị mình. Bên cạnh đó, rất cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của chuyển đổi số, bởi đây chính là yếu tố quyết định sự thành công trong chuyển đổi số tại các bảo tàng.

Tóm lại, công nghệ 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển của bảo tàng, nhưng việc ứng dụng công nghệ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các bảo tàng phải đổi mới tư duy, cập nhật xu hướng, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện. Bước sang thềm năm mới 2025, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số như: truyền thông số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày bảo tàng, nâng cấp hệ thống trang web, hệ thống cơ sở dữ liệu, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm số nhằm phát huy giá trị bộ sưu tập và thu hút khách tham quan đến với bảo tàng.

 

TS. NGUYỄN ANH MINH

Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"

;