“Dấu ấn văn hóa đối ngoại năm 2024, tạo đà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025”

Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động địa chính trị trên thế giới, đặt ra nhiều thời cơ đan xen lẫn thách thức. Bất ổn chính trị, xung đột leo thang tại một số quốc gia, khu vực, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dần phục hồi nhưng còn chậm. Các nước đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. Văn hóa đối ngoại được nhiều quốc gia coi trọng, trở thành công cụ lan tỏa sức mạnh mềm, tăng cường ảnh hưởng, góp phần duy trì an ninh, mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ, đóng góp vào phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Đối với Việt Nam, năm 2024 có tính chất bản lề, là thời gian các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương khẩn trương thực hiện “nước rút”, tiến tới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội XIV của Đảng.

Trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại và hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại thống nhất việc quản lý và thực hiện các hoạt động có yếu tố nước ngoài của các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ VHTTDL một cách bài bản, đúng thẩm quyền, tuân thủ các quy định pháp luật, đồng thời tăng cường công tác phối hợp và hiệu quả hợp tác. Cục Hợp tác quốc tế chủ động xây dựng, tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành 5 Kế hoạch đối ngoại theo các lĩnh vực và Kế hoạch phân công lãnh đạo Bộ chủ trì các hoạt động đối ngoại, thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Chỉ thị 25-CT/TTg của Thủ tưởng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2030 có trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Với phương thức kết hợp chặt chẽ yếu tố văn hóa trong 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy thế mạnh của cỗ xe tam mã văn hóa, thể thao và du lịch, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong năm 2024 đã đạt một số kết quả nổi bật sau:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tham quan triển lãm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ năm 2024 - Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế cung cấp

 

Thứ nhất, công tác văn hóa đối ngoại tạo sự chuyển biến tích cực từ “giao lưu” sang “hợp tác”

Để tạo lập khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy hội nhập quốc tế, tận dụng các nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế, trong năm 2024, Bộ VHTTDL đã tiến hành đàm phán, ký kết 11 văn kiện hợp tác quốc tế (trong đó có 2 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ và 9 thỏa thuận quốc tế cấp Bộ), cho phép các đơn vị thuộc Bộ ký kết 27 văn bản hợp tác với các đối tác nước ngoài, mở rộng quan hệ quốc tế đồng thời góp phần đưa các quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất.

Nhiều văn kiện được ký kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thể hiện mức độ cam kết và sự tin cậy cao như Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028 giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp (ký kết nhân chuyến thăm chính thức Pháp và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10-2024); Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2026 giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa nghệ thuật và Di sản Chile (nhân chuyến thăm chính thức Chile của Chủ tịch nước Lương Cường vào tháng 11-2024); Chương trình Hợp tác văn hóa giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa và Sáng tạo Hungary giai đoạn 2024-2026, chương trình hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Rumani trong lĩnh vực văn hóa (nhân chuyến thăm chính thức Hungary, Rumani vào tháng 1-2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính);  Ý định thư giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ về Bảo tồn và phục hồi Khu tháp F tại Mỹ Sơn, Quảng Nam; Bản ghi nhớ về hợp tác và phát triển khu phức hợp di sản hàng hải quốc gia giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Cảng, Vận tải và Đường thủy Ấn Độ (nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 8-2024); Bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa và quan hệ nhân dân giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (nhân chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vào tháng 3-2024)...

Điều đáng chú ý là kể từ năm 2024, hiệu quả thực hiện các cam kết quốc tế được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Kế hoạch triển khai các văn kiện quốc tế được Cục Hợp tác quốc tế tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành ngay sau khi ký kết, phân công rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp với các hoạt động cụ thể. Hằng tháng, Chính phủ họp để rà soát tiến độ thực hiện các cam kết quốc tế ký kết gắn với các chuyến thăm cấp cao.

Việc ký kết các văn kiện mang lại hiệu quả thực chất. Đơn cử như Chương trình hợp tác giữa 2 Bộ Văn hóa Việt Nam - Pháp là sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đưa ra tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Văn hóa Pháp vào cuối năm 2023 đã được ta chủ động xây dựng nội dung, trao đổi thống nhất với phía Pháp và việc ký kết đã mở ra cơ hội hợp tác thực chất với nhiều dự án cụ thể như dự án hỗ trợ ngành Hoạt hình Việt Nam được phía Pháp tài trợ 160.000 Euro trong 2 năm 2024-2025, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về bối cảnh quay phim tại Việt Nam để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài với ngân sách 52.000 Euro, dự án phát triển hệ sinh thái phát hành và quảng bá dòng phim nghệ thuật Á-Âu tại Việt Nam (ngân sách 100.000 Euro)… 

Thứ hai, các hoạt động văn hóa đối ngoại trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi thông điệp hữu nghị, hòa bình, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại…

Năm 2024, các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tiếp tục hiện diện đậm nét trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các nước anh em. Chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ, giảng viên hàng đầu Việt Nam từng học tập và đào tạo tại Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội đến CHND Trung Hoa tháng 4-2024, “Ngày Văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Mông Cổ nhân chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 10-2024) chào mừng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là những dấu ấn về tình cảm hữu nghị giữa lãnh đạo và nhân dân Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống, góp phần phát triển quan hệ với các nước một cách toàn diện trên nền tảng chia sẻ sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.   

Năm nay, các hoạt động văn hóa đối ngoại phục vụ Thủ tướng Chính phủ còn có sự gắn kết với các hoạt động xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại..., tiêu biểu như Diễn đàn Xúc tiến Du lịch và Hợp tác Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 6-2024 được coi là hình mẫu trong việc thực hiện quảng bá, xúc tiến ra thị trường thế giới. Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao đã chứng kiến việc ký kết 9 văn kiện hợp tác, thiết lập đường bay mới, các dự án du lịch thông minh, chuyển đổi số, hợp tác sản xuất phim, phát triển công nghiệp âm nhạc… tạo xung lực mới trong việc hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc. Tiếp nối thành công Diễn đàn tại Hàn Quốc, đầu tháng 11 vừa qua, Lễ hội Du lịch Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc, trong đó có các chương trình biểu diễn nghệ thuật và giới thiệu du lịch tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh đã được tổ chức nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và “Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung năm 2025”. Chương trình đã góp phần đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch Việt Nam và Trung Quốc, mang lại hiệu quả thiết thực với phương châm “liên kết chặt chẽ; phối hợp nhịp nhàng; hợp tác sâu rộng; bao trùm, toàn diện; hiệu quả, phù hợp”.

Thứ ba, chủ động tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương và đẩy mạnh quảng bá các giá trị văn hóa, lan tỏa sức mạnh mềm ra thế giới

Trong năm 2024, cùng với các chương trình phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL đã tổ chức 11 các chương trình tuần, ngày văn hóa, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam ở nước ngoài, góp phần giới thiệu quảng bá đất nước, con người và nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, truyền tải thông điệp về các định hướng phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, tăng cường gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè các nước, đưa quan hệ của Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu. Tiêu biểu phải kể đến chương trình “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga” do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì với hàng loạt các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam... tại Thủ đô Moscow, cố đô St.Petersburg và thành phố Ulyanovsk vào tháng 7-2024. Đây là hoạt động diễn ra ngay sau chuyến thăm Cấp nhà nước của Tổng thống Liên bang Nga V.V.Putin đến Việt Nam ngày 20-6-2024, là hoạt động đầu tiên triển khai một cách thiết thực, hiệu quả Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, đồng thời có ý nghĩa sâu sắc trong việc kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga. Chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ VHTTDL tới Liên bang Nga có ý nghĩa chính trị hết sức sâu sắc với những kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch, thành lập và khởi động các Tổ công tác Việt - Nga trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao do lãnh đạo Bộ làm Tổ trưởng, đặt ra những mục tiêu, nội dung hoạt động cụ thể để thúc đẩy, tăng cường hợp tác thực chất hơn nữa với trọng tâm ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Việc tổ chức thành công Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia từ ngày 20 đến ngày 25-5-2024 tại Phnom Penh và lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Banteay Meanchey được hai bên ghi nhận, đánh giá cao, góp phần thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa nhân dân hai nước láng giềng, kịp thời đánh tan các nghi kỵ hiểu lầm từ tác động tiêu cực của mạng xã hội.

Một loạt các Lễ hội xúc tiến Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Tokyo, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam tại Sapporo; Lễ hội xúc tiến Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Kanagawa được Bộ VHTTDL phối hợp cùng Đại sứ quán và các địa phương của hai nước tổ chức hết sức thành công, thu hút sự tham gia đông đảo của hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, góp phần thu hút du khách Nhật Bản đến khám phá đất nước Việt Nam giàu bản sắc.

Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển và Đan Mạch năm 2024 nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển và 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của quan khách, bạn bè Thụy Điển, Đan Mạch và cộng đồng kiều bào Việt Nam, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Thụy Điển, Đan Mạch. Các cuộc làm việc song phương của lãnh đạo Bộ với Bộ Văn hóa Thụy Điển và Bộ Văn hóa Đan Mạch cũng mở ra các cơ hội hợp tác mới trong tương lai.

Để tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, năm 2024, Cục Hợp tác quốc tế đã đón gần 30 đoàn làm phim quốc tế, các hãng thông tấn báo chí quốc tế vào Việt Nam làm phim, đưa tin, viết bài giới thiệu, quảng bá, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại các địa phương trên cơ sở nguồn kinh phí chủ động của các hãng phim quốc tế, hoặc xã hội hóa. Đây là kênh thông tin hiệu quả đưa hình ảnh Việt Nam lên sóng các hãng truyền thông hàng đầu thế giới như: Đài truyền hình CNN, Lighthearted Entertainment (Hoa Kỳ); KBS (Hàn Quốc); NTV, Ortus Japan (Nhật Bản); Needafixer (Anh); ARD (Đức)...

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp Rachida Dati ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028 giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp - Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế cung cấp
 

Thứ tư, tiếp tục chủ động hội nhập sâu rộng tại các cơ chế quốc tế về văn hóa, thể hiện vai trò thành viên tích cực tại các diễn đàn đa phương

Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã trao đổi cùng Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azouley, khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước và sự đóng góp ngày càng tích cực của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ chế của tổ chức quốc tế uy tín này bao gồm thành viên Hội đồng Chấp hành và thành viên Ủy ban liên Chính phủ 3 Công ước quan trọng hàng đầu về văn hóa (Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027). Trong năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành 2 báo cáo quốc gia thực hiện Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa giai đoạn 2020-2023 và báo cáo quốc gia Công ước UNESCO 2005 về chống doping trong thể thao), đồng thời tổ chức Hội thảo tham vấn về Triển vọng Gia nhập Công ước UNESCO 2001 về Bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước...

Ở cấp độ khu vực, Bộ VHTTDL làm tốt vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Hàn Quốc, chủ động đưa ra sáng kiến và tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Tranh đồ họa ASEAN 2024 tại Việt Nam, sáng kiến tổ chức Diễn đàn Giao lưu văn hóa nghệ thuật “Thanh niên với sắc màu văn hóa ASEAN” tại Hà Nội và Ninh Bình... cử đại diện tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN như hội nghị Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật ASEAN và liên hoan Nghệ thuật ASEAN tại Malaysia, hội thảo ASEAN - Spice tại Indonesia, hội thảo thủ công giấy Saa nhằm khuyến khích Cộng đồng ASEAN giảm thiểu nhựa tại Lào, hội thảo chính sách kinh tế sáng tạo ASEAN - Anh tại Indonesia, chương trình Âm nhạc thế hệ mới ASEAN - Hàn Quốc, chương trình Tính bền vững trong Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo tại Malaysia... góp phần chung tay hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025.

Thứ năm, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu nền văn hóa dân tộc, xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Với chủ trương đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế, tạo cơ hội cho công chúng Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Bộ VHTTDL tiếp tục tăng cường, phối hợp với Bộ Văn hóa các nước, các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam và Trung tâm văn hóa các nước tại Hà Nội tổ chức nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện cho khán giả trong nước có cơ hội thưởng thức trực tiếp sản phẩm sáng tạo từ nước ngoài, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân, đồng thời, khẳng định Việt Nam là nơi giao lưu, chia sẻ giữa các nền văn hóa, một điểm đến quốc tế uy tín, chất lượng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Năm 2024, Bộ VHTTDL chủ trì tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, Liên hoan Múa quốc tế 2024... phối hợp tổ chức các chương trình lễ hội âm nhạc BridgeFest do Đại sứ quán Hoa Kỳ khởi xướng với sự tham gia của nhiều ĐSQ nước ngoài tại Hà Nội, dự án Âm thanh tình anh em gồm 2 buổi hòa nhạc của Dàn nhạc Trẻ thế giới (Italia) tại Hà Nội có sự tham gia của các sinh viên/nhạc công trẻ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chương trình biểu diễn của Nhà hát Ballet quốc gia Cuba với sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, vở diễn Công nữ Anio với sự tham gia biểu diễn của các diễn viên hai nước Việt Nam - Nhật Bản, chương trình biểu diễn nghệ thuật Q’Pop và Quechua Concert nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -  Peru, chương trình biểu diễn của nhóm nhạc Klapa Ozelanda nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Croatia...

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024 - Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL

 

Thứ sáu, hợp tác quốc tế góp phần thu hút nguồn lực hỗ trợ sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành

Tiếp tục vận động Samsung Việt Nam trao tặng 160 suất học bổng và quà tặng với tổng trị giá 700 triệu cho 160 sinh viên thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao có thành tích cao trong học tập, trong đó có 80 sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và 80 sinh viên của Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh; thống nhất cùng Quỹ Học bổng Kumho Hàn Quốc trao 27 suất học bổng trong năm học 2024-2025 cho 5 trường nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, mỗi suất trị giá 2.500.000 đồng/sinh viên/1 kỳ. Sau khi ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028 giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp, phía Pháp sẽ triển khai các dự án hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam với số tiền 544.000 Euro; ngoài ra, Pháp tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa tại Việt Nam với số tiền 700.000 Euro. Cục Hợp tác quốc tế đồng thời phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thúc đẩy các thủ tục để sớm có thể triển khai dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD) do Thụy Sỹ tài trợ trị giá hơn 103 tỷ VNĐ (3.449.318 CHF).

Để đạt được một số kết quả đáng khích lệ như trên, có thể nói, trước hết là do nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại và ngoại giao văn hóa nói riêng đã được nâng lên một bước, đặc biệt sau 2 Hội nghị toàn quốc về văn hóa và đối ngoại do Tổng Bí thư chủ trì vào cuối năm 2021 và sự ra đời của Chỉ thị 25 về tiếp tục triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại đến năm 2030, Chiến lược Phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030. Các cơ quan đã phát huy tính chủ động và có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn.

Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu của thời đại, đặc biệt bước vào năm 2025 khi đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi công tác đối ngoại, trong đó có văn hóa đối ngoại cần chủ động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước; nâng tầm, mở rộng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ của nhân loại, lan tỏa mạnh mẽ “phiên bản Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc”, “có vị trí, vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại”.

Muốn vậy, những người làm công tác đối ngoại phải không ngừng nỗ lực, trở thành “đội quân tiên phong”, kịp thời dự báo được các thời cơ, thách thức, biến nguy thành cơ, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ gắn kết đất nước với thế giới, dân tộc với thời đại, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề chung của thế giới. Cần tiếp tục kiện toàn, xây dựng bộ máy, lực lượng cán bộ làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế tinh nhuệ, chuyên nghiệp, vừa giỏi ngoại ngữ, vừa nắm vững chuyên môn, có bản lĩnh chính trị, có khả năng làm việc độc lập trong môi trường quốc tế. Nhà nước cần bảo đảm nguồn lực đầu tư tương xứng để triển khai các hoạt động đối ngoại vươn mình ra thế giới.    

Trong năm 2025, cần tập trung chất xám, tổng kết các bài học kinh nghiệm thành công của 40 năm đổi mới và công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tích cực chuẩn bị nội dung đóng góp cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, các Chiến lược hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới:

Chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược toàn diện, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, gắn với kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao. Ưu tiên tổ chức các Tuần/Ngày văn hóa, du lịch Việt Nam tại các địa bàn: Trung Quốc (75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chào mừng Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc), Nga (kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao); Hoa Kỳ (30 năm quan hệ ngoại giao); Indonesia (70 năm quan hệ ngoại giao); CHLB Đức, Hy Lạp (kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao), Ba Lan, Séc, Hungary, Bungary (kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao), Cuba (65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao), Mexico (50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao)...

Phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế quan trọng về văn hóa, thể thao và du lịch như ASEAN, Liên Hợp quốc, UNESCO, IFACCA, BIE... Tập trung triển khai thành công Đề án Việt Nam tham gia Triển lãm Thế giới EXPO 2025 tại Osaka, Nhật Bản. Hoàn thành vai trò chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN năm 2025; tham dự Hội nghị thế giới của UNESCO về chính sách văn hóa và phát triển bền vững năm 2025...

Tiếp tục đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả hợp tác, phát huy thế mạnh của Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, gắn kết cả 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong các hoạt động đối ngoại, từng bước mở rộng các thị trường tiềm năng (Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Halal...); tiếp tục phát huy giá trị các di sản, danh hiệu về văn hóa, tranh thủ xu hướng phục hồi và phát triển của du lịch thế giới.

Chủ động xây dựng dự án, kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc.

Tích cực vận động xã hội hóa, tìm kiếm các nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh đối tác công - tư, quy tụ, tập hợp sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để triển khai các nhiệm vụ đối ngoại trong kỷ nguyên mới.

Lễ hội Xúc tiến Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản năm 2024 - Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế

TS. NGUYỄN PHƯƠNG HÒA

Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"


 

 

;