Công nghiệp văn hóa (CNVH) được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa. Trên thực tế, từ lâu, hai lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa đã “bắt tay nhau chặt chẽ” với sự phát triển mãnh mẽ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động biểu diễn nghệ thuật (BDNT), cụ thể ở đây là nghệ thuật truyền thống, phục vụ phát triển du lịch có không ít khó khăn, thách thức, dù chứa đựng nhiều giá trị, tiềm năng và cơ hội để phát triển.
Trình diễn cà kheo tại lễ hội Carnaval Hạ Long - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
1. Những giá trị cơ bản của hoạt động BDNT truyền thống phục vụ phát triển du lịch
Thứ nhất, nơi BDNT truyền thống trở thành điểm tham quan du lịch. Đối tượng tham quan du lịch là những tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn được khai thác nhằm phục vụ cho việc tham quan của du khách như các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống và đương đại, các chương trình văn hóa truyền thống độc đáo… Trên cơ sở đó, với việc khai thác hoạt động BDNT truyền thống phục vụ phát triển du lịch, nơi biểu diễn sẽ trở thành điểm tham quan, thu hút sự chú ý của du khách, được nhiều người biết đến và được đầu tư, nâng cấp, trở thành địa điểm văn hóa của cộng đồng, làm đẹp cho địa phương.
Thứ hai, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của du khách. Cảm thụ cái đẹp và giải trí là một trong những nhu cầu đặc trưng trong du lịch. Việc thưởng thức những chương trình BDNT truyền thống tại các điểm tham quan du lịch, giúp du khách có thể quên đi những muộn phiền, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống, có được nhiều niềm vui, sự khoái cảm; nhờ đó, du khách lấy lại được sự cân bằng về tâm -sinh lý, duy trì được sức khỏe tinh thần cần thiết để tiếp tục tồn tại, lao động và sáng tạo.
Thứ ba, đem lại lợi ích kinh tế. Lợi ích kinh tế ở đây bao gồm cả cho ngành nghệ thuật biểu diễn lẫn du lịch. Cụ thể, các hoạt động BDNT truyền thống phục vụ du lịch đem lại công ăn việc làm cho nhiều người: từ đội ngũ sáng tạo nghệ thuật (biên kịch, biên đạo, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo múa, diễn viên, ca sĩ, họa sĩ, kỹ thuật âm thanh và ánh sáng), các nhà sản xuất, tổ chức biểu diễn, phân phối sản phẩm… cho đến nguồn nhân lực làm việc trong các công ty lữ hành, dịch vụ (ăn, ở, đi lại, mua sắm…) và người dân địa phương. Nhờ đó, hoạt động BDNT truyền thống phục vụ du lịch góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, đem đến lợi nhuận cho các doanh nghiệp, tăng doanh thu cho ngành CNVH, tăng ngân sách quốc gia, thúc đẩy sự phát triển, thịnh vượng của các địa phương.
Thứ tư, góp phần bảo tồn và phát huy, phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống do nhân dân lao động sáng tạo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ, chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật biểu diễn truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Việc đưa ghệ thuật biểu diễn truyền thống trở thành sản phẩm du lịch trong ngành CNVH, là tạo cơ hội khai thác, bảo tồn, phục hồi và phát triển nghệ thuật biểu diễn trong đời sống đương đại.
Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Để bắt kịp với các trào lưu, xu hướng trên thế giới và đáp ứng nhu cầu của công chúng, các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm du lịch không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn phải có sự tiếp thu những thành tựu của văn hóa thế giới để các sản phẩm CNVH là các chương trình BDNT truyền thống, bên cạnh tính dân tộc, còn có tính hiện đại, mới mẻ, độc đáo, hấp dẫn du khách và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Thứ sáu, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, tăng cường “quyền lực mềm” của quốc gia. Thông qua các chương trình BDNT truyền thống độc đáo, du khách quốc tế được chiêm ngưỡng, thưởng thức và hiểu được những tinh hoa văn hóa dân tộc. Thông qua sự phổ biến của các sản phẩm nghệ thuật, tầm ảnh hưởng của các thần tượng (nếu có) đối với du khách là người hâm mộ, sẽ tạo nên sức hút mạnh mẽ để du khách quan tâm, tìm hiểu, yêu thích văn hóa của chính nơi đã sản sinh ra loại hình/ loại thể nghệ thuật biểu diễn truyền thống đó. Đây là con đường hữu hiệu quảng bá văn hóa dân tộc, tạo cho quốc gia gia tăng vai trò của mình trong quan hệ ngoại giao quốc tế.
2. Tiềm năng
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam phong phú, đa dạng: Điều này được thể hiện với sự có mặt của nhiều loại hình, loại thể khác nhau. Ví dụ: trong nghệ thuật múa có múa dân gian (múa trồng bông, dệt vải, vớt bèo, chèo đò, câu cá, phi ngựa…); múa tôn giáo tín ngưỡng (múa dậm, chạy cày, múa mo, múa tùng rí, múa hầu đồng…); múa cung đình (múa lục cúng, bát dật, tam tinh chúc thọ, bát tiên hiến thọ…). Trong nghệ thuật âm nhạc, có âm nhạc dân gian (quan họ, hát xoan, bài chòi, ca trù, hát văn, đờn ca tài tử, hát xẩm, dân ca các dân tộc thiểu số…); âm nhạc bác học (nhã nhạc cung đình). Trong nghệ thuật sân khấu, có tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân ca, múa rối. Trong nghệ thuật biểu diễn tổng hợp khác, có xiếc, tạp kỹ… Chính sự phong phú, đa dạng này là cơ sở để khai thác kinh doanh thành nhiều sản phẩm du lịch trên thị trường CNVH.
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam giàu bản sắc văn hóa dân tộc: Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam được sinh ra, phát triển từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước Việt Nam và mang đậm tính văn hóa phương Đông, văn hóa Đông Nam Á. Đó là văn hóa trọng tĩnh, trọng tình, trọng âm, trọng nước với tư duy nguyên hợp, tổng hợp… Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam do nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ sáng tạo, vun đắp, không ngừng hoàn thiện, giữ gìn, phát triển, luôn thấm đậm tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, yêu nước, yêu độc lập, tự do, hạnh phúc và thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng của người dân Việt Nam. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp biến với các nền văn hóa: văn hóa Đông Sơn với văn hóa Sa Huỳnh và Óc Eo; văn hóa Việt Nam với văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp... Qua những cuộc tiếp biến ấy, văn hóa Việt Nam không bị hòa tan, mà vẫn được “là mình” và được “đổi mới mình” thành tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây chính là “căn cốt” để các nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới, làm cho văn hóa Việt Nam phát triển không ngừng cùng thời đại.
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam có đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo đông đảo, tài năng: Đội ngũ nghệ sĩ của nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam bao trùm các lĩnh vực âm nhạc, múa, sân khấu… với con số hàng nghìn người. Họ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có đam mê và tình yêu với nghề, có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, xã hội. Tuy không được tôi luyện trong khói lửa chiến trường, trong phong trào cách mạng quần chúng và không trải qua những hy sinh đổ máu trên các mặt trận như thế hệ trước, nhưng họ lại là thế hệ được tôi luyện trong kinh tế thị trường, trong thế giới toàn cầu hóa, trong xã hội đa lựa chọn và giữa bao nhiêu trận tuyến vô hình, cạnh tranh khốc liệt. Điều này tạo cho họ không chỉ sự thông minh, năng động, nhạy bén, mà còn biết nắm bắt các xu hướng phát triển của thế giới để học tập và tiếp nhận. Đây chính là nguồn nhân lực chủ lực để ngành nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam gắn kết với du lịch phát triển CNVH.
3. Cơ hội phát triển
Công nghiệp nghệ thuật biểu diễn được Đảng chú trọng, quan tâm:
Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã xác định một trong năm mục tiêu cụ thể, đó là: xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển CNVH, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ XI, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được thông qua, trong đó có nội dung liên quan đến văn hóa. Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII, Đảng luôn chú trọng mục tiêu của đổi mới là phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó phải giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, lâu dài. Văn hóa này vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Mọi hoạt động kinh tế phải đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa phải chú ý đến hiệu quả kinh tế, vừa phải chú ý đến hiệu quả xã hội và văn hóa. Đồng thời, phải chú trọng khai thác văn hóa như một nguồn lực đặc biệt để phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển các ngành CNVH, dịch vụ văn hóa và du lịch văn hóa… Như vậy, văn hóa không phải là kết quả thụ động của nền kinh tế mà là nguyên nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa, từ thực tiễn đời sống văn hóa của đất nước những năm qua, đặc biệt là trong xu thế hội nhập, có sự tác động nhiều chiều của quá trình toàn cầu hóa, của nền kinh tế thị trường… Đảng ta đã xác định một trong bốn đầu việc cần được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhất là ngành Văn hóa coi trọng, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tiếp tục xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Đó là: đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần tăng cường vai trò của văn hóa trong phát triển; chú ý hệ chính sách đồng bộ, nhấn mạnh các chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, trong đó nhấn mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển CNVH, nhưng phải xuất phát từ nền tảng văn hóa dân tộc để mọi chính sách, hoạt động văn hóa, vấn đề văn hóa mới có được gốc rễ bền vững và khả năng thực hiện triệt để.
Công nghiệp nghệ thuật biểu diễn được Nhà nước cam kết quyết tâm thực hiện Chính phủ Việt Nam coi phát triển CNVH trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia. Ngày 6-5-2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó có đề cập đến chủ trương: Phát triển nhanh chóng CNVH, gợi mở cho nhiều chính sách văn hóa quan trọng ở Việt Nam. Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chính thức xác nhận các ngành CNVH trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xác nhận mục tiêu phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành CNVH, nhất là các ngành Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Du lịch văn hóa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm trung bình đạt 7%. Rõ ràng, ở Việt Nam, hơn 10 năm qua, các ngành CNVH, trong đó có nghệ thuật biểu diễn, đã có được sự quan tâm, cam kết của Chính phủ thông qua các chiến lược, với quyết tâm cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Đất nước phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được xác định rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa mang đặc điểm cơ bản của các nền kinh tế thị trường trên thế giới, vừa mang đặc điểm riêng, nổi trội: do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa góp phần quan trọng nâng cao mức thu nhập bình quân của người dân và khi mức thu nhập lên thì nhu cầu văn hóa, thị trường văn hóa sẽ tăng nhanh chóng. Đây chính là cơ sở để tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp nghệ thuật biểu diễn được đẩy mạnh.
Đất nước hội nhập quốc tế, tạo cơ sở cho việc học tập nhanh kinh nghiệm phát triển CNVH của các nước trên thế giới
Hội nhập quốc tế là giai đoạn phát triển cao của hợp tác quốc tế, là quá trình áp dụng và tham gia xây dựng các quy tắc và luật lệ chung của cộng đồng quốc tế, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Hội nhập quốc tế sâu rộng là xu thế chung trên toàn thế giới, ngành CNVH được du nhập và tiếp nhận ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập đó. Trên thực tế, trong khi CNVH ở nước ta vẫn là một khái niệm chưa đầy đủ, còn nằm trên văn bản với những thực hành tự phát của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất độc lập vốn luôn năng động nhìn thấy và chớp lấy cơ hội, mà không cần quan tâm đến quan điểm hay sự hình thành phát triển của ngành; thì trên khắp các châu lục, trật tự thế giới đa cực mới đang được xác lập với những cường quốc về CNVH. Mỗi cường quốc đó đều khai mở một đường đi riêng để phát huy sức mạnh của văn hóa quốc gia dân tộc ở cả ba vai trò: phát triển con người; đóng góp trực tiếp vào GDP và kiến tạo nền kinh tế bền vững không lệ thuộc tài nguyên; quảng bá văn hóa quốc gia, mở lối cho sản phẩm của các ngành kinh tế khác chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Trên con đường đó, mỗi Chính phủ đều lựa chọn một chỗ đứng, một cách định hướng và điều tiết để vô hình, hay hữu hình, tạo nên những cú hích cho sự lớn mạnh thần kỳ của nền CNVH quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh nghiệm về phát triển CNVH của các quốc gia đi trước sẽ trở thành bài học quý báu để Việt Nam nhanh chóng tiếp thu, học tập trên tinh thần “đi tắt đón đầu”.
4. Thách thức
Cơ chế chính sách còn thiếu và chưa phù hợp để thúc đẩy sự phát triển
Hiện nay, Việt Nam mới bắt đầu “chập chững” bước chân vào ngành CNVH, do đó, sự hiểu biết, vốn kinh nghiệm trong xây dựng chính sách để thúc đẩy sự phát triển CNVH nói chung và hoạt động BDNT truyền thống phục vụ du lịch nói riêng còn non nớt, thiếu hụt hoặc nếu có ban hành thì chưa phù hợp với yêu cầu mang tính đặc thù của ngành công nghiệp nghệ thuật biểu diễn, ngành công nghiệp du lịch văn hóa và đặc điểm của Việt Nam. Chính điều này làm cho hoạt động BDNT truyền thống phục vụ du lịch ở Việt Nam còn chậm phát triển, hoạt động sáng tạo nghệ thuật và kinh doanh nghệ thuật truyền thống trong du lịch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài, không được tháo gỡ.
Nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển vốn đòi hỏi tính sáng tạo cao, vừa thiếu, vừa yếu
Thực tế cho thấy, Việt Nam có đội ngũ nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống đông đảo, có tài năng về chuyên môn. Thế nhưng, đội ngũ nghệ sĩ am hiểu sáng tạo các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống phục vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của thị trường còn hạn chế. Chưa kể, đội ngũ này dù đông đảo, nhưng đa số bị già hóa. Họ còn thiếu và yếu về kỹ năng quản trị nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh du lịch và kỹ năng chuyên môn theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ở một số bộ phận trong thành phần sáng tạo (nhất là về biên kịch, biên đạo, thiết kế âm thanh, ánh sáng…), sản xuất, quảng bá, marketing và phân phối, lưu thông sản phẩm nghệ thuật biểu diễn thiếu hụt trầm trọng, làm cho chất lượng sản phẩm nghệ thuật biểu diễn rơi vào tình trạng nghèo nàn, cũ kỹ, đơn điệu; sức cạnh tranh không cao, khó bán được trên thị trường; ít khán giả biết đến... Chính điều này làm cho các sản phẩm du lịch nghệ thuật biểu diễn truyền thống chưa hấp dẫn du khách để chọn lựa mua.
Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, cũ kỹ, vừa thiếu, vừa không đồng bộ, chất lượng thấp
Hệ thống các rạp hát, nhà hát, địa điểm biểu diễn cũng như trang thiết bị kỹ thuật đi kèm ở nước ta hiện nay đều chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nhân loại tiến bộ, cũng như không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách trong nước, quốc tế và sức sáng tạo của nghệ sĩ. Cũng giống như các ngành công nghiệp khác, hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống không nắm được công nghệ lõi nên tính phụ thuộc rất cao. Trong khi đó, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với sự hội tụ ở đỉnh cao của các lĩnh vực công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, tích hợp con người - máy móc… đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi các địa điểm biểu diễn, trang thiết bị kỹ thuật xử lý âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo sân khấu… phải được thiết kế, xây dựng, nâng cấp hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công việc sáng tạo nghệ thuật để sản xuất ra hàng hóa là những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn vừa đậm bản sắc dân tộc, vừa mới lạ, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, vừa thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ mới của du khách.
Thiếu vốn đầu tư
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam hiện nay chủ yếu hoạt động thông qua các đơn vị công lập được Nhà nước bao cấp với số kinh phí thấp và chủ yếu là được đầu tư để dựng các chương trình, tiết mục phục vụ chính trị, nên thiếu tính sáng tạo, đổi mới; không có đầu tư cho khâu quảng bá, marketing, phân phối lưu thông sản phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ du lịch. Còn các cá nhân, tổ chức tư nhân kinh doanh nghệ thuật biểu diễn và hoạt động nghệ thuật biểu diễn chủ yếu có số vốn nhỏ hẹp nên đầu tư xây dựng các sản phẩm nghệ thuật phần lớn có chất lượng chưa cao, thiếu đồng bộ, thậm chí còn mang tính nghiệp dư. Các doanh nghiệp Việt Nam đa số là kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ, ít đầu tư tài trợ hoặc quan tâm đầu tư sản xuất cho các sản phẩm du lịch nghệ thuật biểu diễn. Khi được dàn dựng với kinh phí thấp, sẽ làm nảy sinh hiện tượng: nghệ sĩ không toàn tâm toàn ý sáng tạo nghệ thuật hoặc sáng tạo của các nghệ sĩ không có điều kiện được phát huy, thực hiện trong thực tiễn; sản phẩm thiếu sức hấp dẫn.
Thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa ngành Nghệ thuật biểu diễn truyền thống và Du lịch văn hóa
Để hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch đạt hiệu quả, cần phải có sự “bắt tay”, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của cả hai ngành Nghệ thuật biểu diễn truyền thống và Du lịch văn hóa. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hai ngành này liên kết còn lỏng lẻo, thiếu một kế hoạch bài bản, mang tính chiến lược, làm cản trở sự phát triển của hoạt động BDNT truyền thống phục vụ du lịch.
Tóm lại, hoạt động BDNT truyền thống phục vụ du lịch nằm trong lĩnh vực CNVH chứa đựng nhiều giá trị, tiềm năng, cơ hội phát triển, đi cùng với không ít thách thức. Để đứng vững trước những khó khăn, thách thức này, ngành Nghệ thuật biểu diễn truyền thống cũng như ngành Du lịch văn hóa cần phải nỗ lực tự đổi mới trên mọi phương diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi kèm với sự hoàn thiện, đổi mới các chính sách mang tính đặc thù riêng, mở hướng hoạt động phù hợp cho các nghệ sĩ, các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức của hai ngành, tận dụng mọi cơ hội để phát huy hết giá trị vốn có góp phần trở thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-12-2020.
2. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6-5-2009.
3. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8-9-2016.
4. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12-11-2021.
5. Phùng Quốc Hiển, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, tapchicongsan.org.vn, 23-2-2022.
TS TRẦN THỊ MINH THU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022