Giá trị thời đại trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc

1. Hành trình đi tìm các giá trị tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc

Năm 1923, nhà báo, nhà thơ Xô Viết Osip Emilyevich Mandelstam đã viết về Hồ Chí Minh: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai” (1). Trong cả cuộc đời hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc đã xuất phát từ nền văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông, Người đã đi khắp thế giới để kết nối văn hóa và cũng chính quá trình đó đã đưa Người đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin, chắp cánh cho các giá trị văn hóa và quay trở lại, Người xác lập và hiện thực hóa các giá trị thời đại trên cơ sở thực tiễn Việt Nam.

Trước khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã tiếp nhận những giá trị tốt đẹp từ Nho giáo - Nho giáo đã được Việt hóa, được chắt lọc qua lăng kính của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Người tiếp cận những giá trị tốt đẹp từ truyền thống mấy nghìn năm của dân tộc, hun đúc và kết tinh trong Người một hoài bão lớn: làm thế nào để cứu đất nước, cứu dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. Nguyễn Tất Thành đã từng ngưỡng mộ những người con quê hương xứ Nghệ nuôi chí lớn ra nước ngoài học và hoạt động yêu nước, như Nguyễn Trường Tộ (2), Đặng Thúc Hứa (3), Phan Bội Châu… Người đã ca ngợi cụ Phan như “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” (4), nhưng Nguyễn Tất Thành đã từ chối tham gia Duy Tân hội cũng như đi theo con đường của Phan Bội Châu.

Từ rất sớm, Nguyễn Tất Thành đã tiếp xúc với những câu: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, “Đoàn kết là sức mạnh”, “Nhân dân là sức mạnh không ai chế ngự nổi”… Sau này, Người kể lại: “Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy” (5). Nguyễn Tất Thành đã nảy ra một ý tưởng táo bạo là sang tận nơi để “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” (6). Ở đây, có thể thấy được, ngay từ đầu, Nguyễn Tất Thành đã có ấn tượng sâu sắc về văn hóa Pháp và muốn tìm hiểu xem những gì nghe được sẽ được thực hiện như thế nào ở đất nước này.

Đến nước Pháp, Người đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa những người Pháp ở nước Pháp và những “tên thực dân” Pháp ở các nước thuộc địa. Chính vì thế, trong hoàn cảnh chiến tranh hay hòa bình, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện rõ quan điểm của mình về một tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc. “Chúng tôi, Chính phủ và dân chúng Việt Nam nhất định đấu tranh giành độc lập và thống nhất toàn quốc, nhưng sẵn sàng hợp tác thân thiện với dân chúng Pháp”; “Chúng tôi yêu chuộng các bạn và muốn thành thực với các bạn trong khối liên hiệp Pháp vì chúng ta có chung một lý tưởng: tự do - bình đẳng - độc lập” (7). Tự do, bình đẳng, độc lập đó không chỉ là mong muốn của Hồ Chí Minh mà là khát vọng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đó là giá trị của thời đại.

Trên con đường đi tìm các giá trị tiến bộ, Nguyễn Tất Thành làm việc trên những con tàu viễn dương của Pháp để đi khắp thế giới, đi vào cuộc sống của người dân lao động, người dân châu Phi, Người nhận ra những người da đen, những người nô lệ là một thứ hàng hóa rẻ mạt và khi họ chết đi thì “người ta ném người da đen xuống biển để cho nhẹ tàu” (8), do đó, Người đi đến nhận định, “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột” (9). Để giải phóng những người bị bóc lột, hướng đến một thế giới tốt đẹp, phải xây dựng tình đoàn kết quốc tế, đoàn kết giữa các dân tộc thuộc địa, giữa thuộc địa và chính quốc, giữa phương Đông và phương Tây.

Năm 1912, Nguyễn Tất Thành đã đến Mỹ, ở vào thời điểm đó, Mỹ được xem là “thiên đường tự do”, “thế giới tự do”. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp rực rỡ của tượng Nữ thần Tự do, vẻ đẹp tráng lệ của thành phố New York, sự hào nhoáng bên ngoài của đồng đô-la, vàng thì sự thật lại hoàn toàn khác. Nhà sử học Mỹ Josephine Stenson (10), khi tìm lại quyển bút tích ghi lại cảm nhận của các vị khách khi đến tham quan và chiêm ngưỡng biểu tượng của thành phố, tất cả đều mô tả sự hào nhoáng của bức tượng, duy chỉ có Nguyễn Tất Thành, Người chỉ nhìn dưới chân tượng và ghi: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?” (11). Cảm nhận của Nguyễn Tất Thành là những giá trị rất bình dị, nhưng phải mất gần một thế kỷ sau đó, thế giới mới thấy được sự cần thiết phải nhận thức và thiết lập sự nhận thức chung về những giá trị cho sự phát triển của nhân loại (12).

Nguyễn Tất Thành đã có thời gian đến, nghiên cứu, tìm hiểu và sinh sống tại nước Anh. Người đã từng làm việc trong khách sạn Carlton. Ông Len Aldis (13) kể: “Khi mới tới Carlton, ông Hồ chỉ được giao nhiệm vụ dọn dẹp và rửa bát đĩa. Câu chuyện về việc ông Hồ cất những món ăn thừa để chuyển cho những người nghèo, người ăn xin ngoài đường mà thế hệ trẻ như bạn được nghe chính là bắt nguồn từ đây. Cảm kích trước hành động của ông Hồ, vị đầu bếp huyền thoại người Pháp Escosffier của khách sạn đã chuyển ông Hồ lên khu vực làm bánh và “truyền nghề” cho ông. Nhưng điều đó, cũng không thể giữ ông Hồ ở lại xứ sương mù này bởi chất chứa trong ông là hoài bão giải phóng dân tộc...” (14). Đằng sau câu chuyện của ông Len kể về Bác, mọi người đều có thể nhận ra rằng, “ông Hồ” không chỉ đơn thuần là muốn giúp đỡ những người vô gia cư, những người đói khổ, mà còn muốn hướng đến một xã hội thật sự công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã nghiên cứu về các cuộc cách mạng tư sản vĩ đại tại Mỹ, Pháp, Anh, tìm hiểu về đất nước, về nền văn hóa của nước Mỹ, Pháp, Anh, đó là những đất nước phát triển và có nền văn hóa phát triển… nhưng Người đã không lựa chọn mô hình đó cho sự phát triển của Việt Nam. Bằng những cứ liệu lịch sử và sự phân tích sâu sắc, Người đã chỉ rõ cho nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước thuộc địa thấy rằng, cuộc đấu tranh giải phóng trong thời đại mới không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, vì đó là “cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” (15). Đúng là các nước Anh, Pháp, Mỹ là các nước phát triển, có văn hóa phát triển cao, nhưng không mang đến sự công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người, không thể hòa hợp với hoài bão và kỳ vọng mà Người đang chất chứa trong lòng khi quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

Những giá trị tiến bộ mà Nguyễn Tất Thành được truyền thụ từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, từ quá trình đi khắp thế giới tìm kiếm, khảo nghiệm, tiếp nhận đã giúp Người tiệm cận đến chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy được chân lý thời đại, tìm thấy được con đường mà thông qua đó các dân tộc trên thế giới có thể cùng chung sống hòa bình, có thể xích lại gần nhau và bằng bản sắc riêng của các dân tộc, tất cả góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nhân loại. Trong tác phẩm Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Người viết: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” (16). Ở vào thời điểm đó, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện tiếp xúc với nhiều học thuyết tiến bộ trên thế giới, nhưng Người chỉ tin vào Chủ nghĩa Lênin (17) vì bản thân học thuyết Mác-Lênin mang trong mình các giá trị tiến bộ đương đại và đặt nền móng cho sự hình thành các giá trị thời đại trong tương lai. Người viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau. Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới” (18).

2. Nguyễn Ái Quốc xác lập và hiện thực hóa các giá trị thời đại qua thực tiễn xã hội Việt Nam

Nhận thức được chân lý của thời đại, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong quá trình đi khắp thế giới, Người đã có điều kiện tiếp cận và tiếp nhận các giá trị tốt đẹp của thời đại, khi nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam.

Trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (19), Người viết: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” (20). Đây chính là sự bổ sung, phát triển quan trọng để hiện thực hóa chủ nghĩa Mác-Lênin trên thực tế, là sự nhận thức đúng đắn “tính mở” của học thuyết Mác và là sự thể hiện bản chất tốt đẹp của một người cách mạng chân chính. Cách mạng chỉ trở thành giá trị khi đó là sự sáng tạo, là thúc đẩy sự tiến bộ…

Phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là phải tạo ra được môi trường hòa bình, đoàn kết, tạo điều kiện để con người (với sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa…) xích lại gần nhau, cùng thúc đẩy sự tiến bộ. Trong thời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nối, tạo ra được một mặt trận đoàn kết rộng khắp chưa từng có, không chỉ là sự đoàn kết thống nhất của cả dân tộc, mà còn là sự kết nối với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ tiến bộ và cả nhân dân các nước đế quốc đang xâm lược Việt Nam; bất cứ nơi nào Hồ Chí Minh đến trên khắp thế giới này, ở đó những vấn đề về xung đột lợi ích dân tộc, về sự khác biệt dân tộc… bị đẩy lùi bởi sự ngự trị vĩnh hằng của tình yêu thương, của lòng bác ái, sự tôn trọng và giá trị văn hóa. Năm 1958, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Nehru đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sĩ vĩ đại cho tự do”. Ông nói: “Chúng ta được tiếp đón một con người, mà người đó là phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử. Do đó chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người. Được gặp Người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn… Trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật sung sướng khi Người đến mang lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả” (21). Giá trị thật sự của chủ nghĩa Mác-Lênin là ở chỗ đó, là tình hữu ái quốc tế trong sáng, tất cả mọi thứ rồi sẽ qua đi, cái duy nhất còn tồn tại mãi mãi với thời gian là những giá trị kết nối con người mà Hồ Chí Minh là hiện thân tiêu biểu.

Nguyễn Ái Quốc, trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, Người đã truyền thụ những gì đã nhận thức được từ chủ nghĩa Mác-Lênin, những giá trị tiến bộ đã tiếp nhận được cho cách mạng Việt Nam. Chính vì thế, khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng và những người cách mạng Việt Nam đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại - đó là cuộc cách mạng lợi ích (22). Một Đảng thật sự cách mạng, thật sự vĩ đại khi vượt qua được những vấn đề lợi ích thuần túy của một đảng chính trị. Kể từ khi thành lập và trong toàn bộ tiến trình cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam không có bất cứ lợi ích nào ngoài độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và tiến bộ cho mọi người trên thế giới.

Trong Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngay trong đoạn đầu tiên khi trích Tuyên ngôn độc lập (1876) của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh đã dùng cụm từ “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng…” (23) để thay thế cho những từ có ý nghĩa phân biệt chủng tộc và giới tính sâu sắc ở nước Mỹ, để chỉ rõ giá trị và lương tri thời đại mà cuộc cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam hướng đến.

Trong Sắc lệnh số 50 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 9-10-1945 có ghi ngay trên đầu văn bản: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, đó không chỉ là tiêu đề mà còn là mục tiêu của dân tộc Việt Nam trong toàn bộ tiến trình cách mạng. Từ mục tiêu mang giá trị tiến bộ và mang tầm thời đại đã “khơi dậy khát vọng”, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, quyết tâm cao độ của cả dân tộc, giúp dân tộc Việt Nam làm nên những thắng lợi chấn động thế giới.

Trong hai cuộc kháng chiến (chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược), không chỉ là thắng lợi cho dân tộc Việt Nam, mà còn là thắng lợi của lương tri, thắng lợi của chân lý, thắng lợi của giá trị tiến bộ. Những tác phẩm được viết bởi những người bên kia chiến tuyến như Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam (24)… đã thể hiện rất rõ giá trị của mục tiêu mà Việt Nam đã lựa chọn. Có lẽ nhận xét của David Halberstam, một nhà nghiên cứu người Mỹ đã nói lên tất cả: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà Cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng” (25).

 Trên cơ sở những giá trị tiến bộ, Hồ Chí Minh đã mở ra một thời đại cho dân tộc Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh. Trong thời đại đó, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với những thế lực xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, nhưng với những giá trị tiến bộ được xác lập, Hồ Chí Minh đã huy động được sức mạnh chưa từng có của dân tộc, sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các lực lượng tiến bộ trên thế giới để đánh bại các thế lực xâm lược.

Nghị quyết của UNESCO khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” (26). Những giá trị văn hóa tốt đẹp đã đưa Hồ Chí Minh đến với các nền văn hóa trên thế giới, quá trình đó đã từng bước đưa Người tiệm cận với chủ nghĩa Mác-Lênin, hiện thực hóa bằng cuộc cách mạng vĩ đại ở Việt Nam. Trong cuộc cách mạng đó, những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin tiếp tục được Hồ Chí Minh nâng tầm và xác lập những giá trị mang tầm thời đại. Điều đó đã làm nên một Hồ Chí Minh - một con người, một khía cạnh lịch sử của “nền văn hóa tương lai”.

3. Tiếp tục kiên định và thúc đẩy các giá trị tiến bộ trong giai đoạn hiện nay

Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam đã xây dựng một nền văn hóa đặc sắc, mang đậm tâm hồn, cốt cách dân tộc. Chính nhờ có một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, dân tộc Việt Nam đã vượt qua được mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên.

Hiện nay, cùng với những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được cải thiện, nâng cao và khẳng định. Với chính sách đối ngoại đa phương rộng mở, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản được xác định và được hiện thực hóa, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế với quan điểm rõ ràng và trách nhiệm cao; ký hầu hết nghị định thư của các tổ chức quốc tế với nhiều giá trị tích cực, đóng góp chung cho sự phát triển của nhân loại. Việt Nam đã tích cực đóng góp và cử quân nhân tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc với nguyên tắc và trách nhiệm, nên đã được bạn bè quốc tế, tổ chức quốc tế hết sức tôn trọng, ca ngợi và đánh giá cao. Việt Nam cũng đã có nhiều đề xuất tích cực và được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao các sáng kiến… Đặc biệt, trong năm 2019, Việt Nam được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối (192/193). Tất cả điều đó đã khẳng định những giá trị tích cực, tiến bộ, những giá trị thời đại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã kế thừa, kiên quyết theo đuổi và hiện thực hóa.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đề ra những mục tiêu chiến lược: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong bối cảnh đầy biến động và phức tạp, để thực hiện được những mục tiêu chiến lược trên, Đảng xác định phải “khơi dậy khát vọng dân tộc”, muốn vậy phải giữ gìn, chấn hưng và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những giá trị tốt đẹp của truyền thống lịch sử văn hóa đã tạo ra một môi trường đổi mới, sự sáng tạo trong tư duy, nhận thức của con người, đồng thời quyết định hành động đúng đắn, linh hoạt và phù hợp của con người với sự phát triển của thực tiễn. Những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và giá trị tích cực, tiến bộ của thời đại mà dân tộc Việt Nam đang kiên trì theo đuổi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đã và đang tiếp tục chắp cánh cho “khát vọng dân tộc” phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát biểu trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “... cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh...” (27).

Thế giới hiện nay đang có những diễn biến hết sức phức tạp, để có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững, các quốc gia dân tộc cần có sự xác định rõ ràng, đúng đắn, kiên trì theo đuổi và quyết tâm hiện thực hóa các giá trị tích cực, giá trị tiến bộ, giá trị thời đại thì mới có thể tạo ra được môi trường thuận lợi để phát triển và ở đó có sự ngự trị vĩnh hằng của tình yêu thương, của lòng bác ái, của sự tôn trọng, của các giá trị văn hóa - điều làm nên sự trường tồn.

_________________________

1, 26. Hồ Chí Minh, Một người châu Á của mọi thời đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.278, 17-18.

2. Nguyễn Trường Tộ, sinh năm 1828, quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, năm 30 tuổi được Giám mục Gauthier (tên phiên âm tiếng Việt là Ngô Gia Hậu) đưa sang Hương Cảng, Singapore, Ý và học tập ở Pháp gần 2 năm, về nước, ông nổi tiếng trong các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, quân sự. Ông gửi hàng chục bản điều trần tâm huyết lên triều đình nhà Nguyễn đề nghị canh tân đất nước. Nhưng kết quả là “Nhất thất túc, thành thiên cổ hận; tái hồi đầu, thị bách niên cơ” (Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận; ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm).

3. Đặng Thúc Hứa từng sang Lào, Nhật Bản và Thái Lan hoạt động yêu nước.

4, 15. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.185, 11.

5. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.22.

6. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.13.

7, 23. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 535-536, 1.

8, 9, 18, 20. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.349, 34, 497, 509.

10. Ông là một người rất ngưỡng mộ và tốn rất nhiều thời gian, công sức, vật chất để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

11. Trần Đình Huỳnh, Sự vĩ đại chỉ trường tồn khi lòng dạ trong sáng, xaydungdang.org.vn, 4-2-2012.

12. Tháng 9-2000, 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua 8 mục tiêu thiên niên kỷ, xác lập các giá trị cơ bản của thời đại.

13. Ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh - Việt, một người bạn thân thiết của Việt Nam, người có công đặt tấm bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi từng là khách sạn Carlton.

14. Huyền Trang, Dấu chân Bác Hồ ở đảo quốc sương mù, bqllang.gov.vn, 1-1-2012.

16. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.12.

17. Cách gọi chủ nghĩa Mác-Lênin của Nguyễn Ái Quốc, vì ở thời điểm hiện tại, Người chưa được tiếp cận với quan điểm của C.Mác, Ph. Ăngghen.

19. Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập có ghi chú dòng chữ “Tác phẩm có thể là của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

21. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bác Hồ với Ấn Độ, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2003.

22. Trong quá trình vận động thành lập Đảng, khi xu hướng cộng sản đã hoàn toàn chiếm ưu thế, tuy nhiên, những người cộng sản Việt Nam chưa thể thống nhất được với nhau, chưa thể thành lập được một tổ chức Đảng thống nhất để lãnh đạo cách mạng. Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên không thể phủ nhận sự xung đột lợi ích giữa các tổ chức Đảng. Một cuộc cách mạng thật sự đã diễn ra - cuộc cách mạng lợi ích. Điều đó đã dẫn đến việc thành lập Đảng và Đảng thể hiện, giữ vững vai trò lãnh đạo trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.

24. Robert S. Mc Namara, Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, Hà Nội.

25. Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999, tr.123.

27. Nguyễn Phú Trọng, Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, hanoimoi.com.vn 24-11-2021.

TS NGUYỄN QUỐC TRUNG - Ths LÊ MINH SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;