Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mục VII, phần Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” (1). Đó là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta từ ngày thành lập cho đến nay, tuy nhiên, ở mỗi kỳ đại hội, sự diễn đạt, biểu hiện nội hàm có khác nhau cho phù hợp với bối cảnh lịch sử, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Dù khác nhau ở cách diễn đạt, song, mục tiêu chung cơ bản, nhất quán, thống nhất của Đảng ta đặt con người vào vị trí trung tâm của lịch sử, không ngừng bổ sung cơ chế, chính sách xây dựng con người Việt Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi để con người phát triển về mọi mặt, có những cống hiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc để làm nên chiến thắng vang dội trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và chống lại thiên tai khắc nghiệt, ông cha ta rất quan tâm, chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng con người Việt Nam có lòng yêu nước, có nghĩa khí, có tình, có niềm tin. Đồng thời, giáo dục, nhắc nhở mỗi người những triết lý, lẽ sống trong công việc, cuộc sống, như trẻ em phải ngoan ngoãn, lễ phép, kính trọng ông, bà, cha, mẹ; vợ chồng phải hòa thuận, thủy chung, yêu thương nhau; phụ nữ phải đảm đang, công, dung, ngôn, hạnh; các phụ lão gương mẫu cho con cháu nói theo… những nội dung trên chính là những biểu hiện rất cụ thể, thiết thực để chúng ta đúc kết, khái quát thành những nội dung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng danh dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định đến sự thành công của cách mạng. Người nhấn mạnh: “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả” (2). Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ phải hướng đến con người, bảo đảm cho con người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và được sống trong hòa bình, tình hữu nghị, sự yêu thương và niềm hạnh phúc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu phấn đấu cao cả của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là giải phóng hoàn toàn con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: đó là những “con người có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa, có ý thức làm chủ Nhà nước thấm nhuần sâu sắc tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà”, “biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ, đùn đẩy công việc”; đồng thời, phải biết “thắng được chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác”, bởi nó là “kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội” (3). Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa thật thấm thía sâu sắc, vẫn giữ nguyên giá trị lý luận, thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, soi chiếu vào mọi chủ trương, hành động của Đảng, Nhà nước ta, đề ra những quyết sách đúng, trúng, khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực con người để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Kế thừa và vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, tư tưởng về con người và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể, Đảng ta đã khẳng định: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là vấn đề trung tâm của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Chúng ta kiên định đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội xét đến cùng là vì con người, hướng đến con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới” (4). Vấn đề con người được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) của Đảng đề cập lần đầu tiên, đưa ra các mệnh đề quan trọng: “Chế độ làm chủ tập thể, nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa mới và con người mới, toàn bộ chủ nghĩa xã hội cũng như từng bộ phận của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể ra đời bằng kết quả tổng hợp của toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa” (5).

Tiếp nối quan điểm, tư tưởng đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) của Đảng, đánh dấu cột mốc quan trọng cho những quan điểm, tư tưởng của Đảng về phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ nền kinh tế, xã hội đất nước. Đại hội chỉ rõ: “tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới” (6). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thông qua tại Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát huy nhân tố con người trên cơ sở đảm bảo công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”… (7). Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục khẳng định việc: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật” (8). Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Đảng ta chủ trương: “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền   vững” (9). Đồng thời cũng khẳng định: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam… phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (10).

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định, đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra vẫn rất gay gắt, quyết liệt; tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và ở nước ta vẫn còn phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng cho con người; những thách thức an ninh phi truyền thống và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những khó khăn, trắc trở cho con người khi phải từng bước thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả để không bị lạc hậu với xu thế phát triển của thời đại. Mặc dù đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn và chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày nay, nhưng vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn xảy ra ở một số nơi, chưa được ngăn chặn kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân; cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch lại càng khó khăn hơn, trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ, đảng viên các cấp chưa ngang tầm với nhiệm vụ… Thực tế đó, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là xây dựng con người Việt Nam mới phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ để từng bước đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, cường thịnh, nhân dân ta ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đứng ngang hàng với các nước lớn trên thế giới.

2. Một số biện pháp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Một là, thường xuyên quan tâm chăm lo đến xây dựng gia đình, đặc biệt nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ thống giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức con người với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” (11). Sự phát triển của gia đình gắn liền với những điều kiện kinh tế, xã hội và do điều kiện kinh tế, xã hội quy định. Do đó, để xây dựng gia đình mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề quan trọng là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên gia đình. Sự no ấm về đời sống vật chất, lành mạnh và phong phú về đời sống văn hóa tinh thần là tiền đề vững chắc bảo đảm cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức… của các thành viên gia đình, đồng thời góp phần thiết thực vào việc chuẩn bị nguồn lực con người cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên trong gia đình có nội dung toàn diện, bảo đảm cho các gia đình có đời sống vật chất ngày càng no đủ, dồi dào; nơi ở và làm việc, nghỉ ngơi khang trang sạch đẹp; phương tiện đi lại thuận tiện cho học tập, công tác, sinh hoạt và giải quyết các mối quan hệ xã hội; đời sống tinh thần ngày càng phong phú, dựa trên nền tảng vật chất kỹ thuật hiện đại, phù hợp với khả năng lao động cống hiến của mỗi gia đình và từng thành viên, đồng thời là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo, chính đáng của gia đình và thành viên gia đình. Ở nước ta hiện nay, một bộ phận gia đình thuộc các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ có khoảng cách khá lớn về thu nhập và đời sống so với tốc độ phát triển chung của cả nước, nhất là vùng đô thị, các trung tâm kinh tế, chính trị. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng dần thu nhập, mức sống, chất lượng sống, xóa đói, giảm nghèo tiến tới xóa nghèo cho các gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phải giữ vững ổn định chính trị, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện gây chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết cộng đồng gia đình các dân tộc Việt Nam, bảo đảm cho các gia đình trên lãnh thổ Việt Nam đều có đời sống vật chất, tinh thần no đủ, phong phú để thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình.

Hai là, đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” (12). Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, xem đây là cánh cửa mở ra tương lai, triển vọng cho đất nước, trước mắt là thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, lâu dài sẽ góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa giàu lòng yêu nước, có ý chí, khát vọng vươn lên trong công việc, cuộc sống. Theo đó, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đã trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của đất nước xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam phát triển toàn diện. Vấn đề đặt ra cho đội ngũ giáo viên ở các bậc học là phải thường xuyên quan tâm đến giáo dục đạo đức, nhân cách cho người học, không nên quá coi trọng đến truyền đạt kiến thức; phải tích cực, chủ động lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách với kiến thức của môn học; uốn nắn nhận thức lệch chuẩn không đúng trong học sinh, sinh viên, nhất là với học sinh trung học cơ sở; tập trung đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao, thanh lý máy móc, công nghệ đã lỗi thời, lạc hậu, thay vào đó máy móc, công nghệ tiên tiến hiện đại; ưu tiên đầu tư khoa học và công nghệ cho các ngành công nghiệp, dịch vụ, chế tạo máy, sản xuất linh kiện, du lịch, chuyển đổi số; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban, ngành cũng quan tâm đến phát triển khoa học và công nghệ, có những đầu tư thích đáng cho phát triển khoa học và công nghệ.

Ba là, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn nhân lực phát triển

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự tâm huyết với nghề, yêu nghề, gần dân, sát dân; hòa mình vào quần chúng, lắng đọng lại bản thân để nghiên cứu, xem xét, tìm ra những phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục, vận động hiệu quả, thiết thực nhất trong công việc, chứ không phải là những khẩu hiệu, mệnh lệnh đến với quần chúng nhân dân. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Các chú không cần học lý luận cao xa đâu cả mà học ngay từ những cái hằng ngày mình vẫn thấy, vẫn gặp. Làm cán bộ thì phải sống với dân, thường xuyên thăm hỏi dân, có thế, khi các chú nói chính sách Việt Minh họ mới nghe, họ mới nhiệt tình ủng hộ, được dân tin, dân yêu, tức là ta đã có thêm một hàng rào sắt để tự bảo vệ” (13). Phải thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các tầng lớp nhân dân, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân; giải đáp được những khúc mắc cho quần chúng nhân dân hiểu; đặc biệt phải bám sát mọi hoạt động của quần chúng nhân dân để có những phản ánh kịp thời, chính xác cho các cơ quan, chức năng, ban ngành về những ý kiến của quần chúng nhân dân; coi dân như những người thân ruột thịt trong gia đình mình, biết lắng nghe, chia sẻ và thông cảm với điều kiện, hoàn cảnh của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể, cá nhân vươn lên làm giàu chính đáng vì lợi ích của tập thể, của đất nước, ai có khả năng làm giàu thì khuyến khích, động viên, miễn sao phải chấp hành nghiêm pháp luật, giữ được đạo đức, lối sống, danh dự, uy tín. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với những ai cản trở sự phát triển đi lên của đất nước, gây khó khăn cho nhân dân trong công việc và cuộc sống, nhất là với người “có đức”, “có tài” mong muốn công hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

3. Kết luận

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiềm năng, thế mạnh con người Việt Nam được phát huy đầy đủ về mọi mặt, không có sự phân biệt, đối xử giữa con người với con người, giữa vùng này với vùng khác. Con người Việt Nam là một đại gia đình với các phẩm chất, truyền thống được hun đúc, tạo dựng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước và luôn được khẳng định ở mọi lúc, mọi nơi, đã có những cống hiến vĩ đại trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đã trở thành vấn đề cơ bản, trung tâm, cốt lõi và là chân lý của Đảng ta từ ngày thành lập cho đến nay. Thực hiện tốt những nội dung, biện pháp trên sẽ góp phần đưa các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện vào thực tiễn cuộc sống để phát triển đất nước phồn vinh, cường thịnh.

_______________

1, 9, 10, 11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.143, 215-216, 34,143, 136.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr.281.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr.66-67.

4. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, 18-5-2020.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.98.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.9.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.12-13.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.126-127.

13. Nhiều tác giả, Những câu chuyện kể về Bác Hồ với giáo dục và thế hệ trẻ, Nxb Lao động, Hà Nội, 2000.

TS TRỊNH THỊ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;