Phát huy nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Trên thế giới đang diễn ra sự chuyển đổi mô hình phát triển và hướng đến nhận thức mới về vai trò của văn hóa trong phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, thể hiện ở những quan điểm, nhiệm vụ đề ra trong một số văn bản của Đảng, Nhà nước và thực tế phát triển đất nước dựa trên nguồn lực văn hóa trong thời gian qua. Với tư cách như một nguồn lực văn hóa, di sản văn hóa (DSVH) nước ta đã có những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Âm vang tiếng cồng - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Nước ta có hệ thống DSVH vô cùng phong phú, đa dạng với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học trải dài khắp các vùng miền. Đó là những DSVH vật thể: di tích lịch sử văn hóa, di tích danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...; những DSVH phi vật thể: diễn xướng dân gian, lễ hội, tri thức dân gian… Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay kế thừa, khai thác và phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Theo quan điểm đề ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2016: “Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành CNVH. Phát triển các ngành CNVH dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa” (1). Chiến lược đã nhấn mạnh đến tính sáng tạo và khai thác yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa cho phát triển CNVH.

1. Khái quát về vấn đề phát huy nguồn lực DSVH trong phát triển CNVH

Bàn về yếu tố kinh tế của văn hóa, từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa VIII (1998) Đảng ta đã nhấn mạnh đến tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa. Đến Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (2004), vấn đề làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, thực hiện gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi tính chất, cơ cấu của nền kinh tế... được đề ra. Một lần nữa, Nghị quyết số 33 Hội nghị trung ương 9 khóa XI (2014) về Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định, nguồn lực văn hóa chính là sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Nghị quyết đặt ra việc phát triển CNVH là một trong năm mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước: “Phát triển CNVH nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa” (2). Đây là lần đầu tiên Việt Nam nêu khái niệm CNVH trong văn bản chính thức của Đảng và đã xác định phát triển CNVH là một trong những mục tiêu phát triển bền vững đất nước, nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng và giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đất nước.

Trong thời gian gần đây, đề cập đến DSVH với tư cách là nguồn lực văn hóa cho sự phát triển kinh tế, CNVH và sáng tạo đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Khẳng định của tác giả Nguyễn Thị Thu Hà (2017) trong bài viết Sáng tạo và công nghệ “áo mới” cho di sản văn hóa từ chương trình Chiang Mai sáng tạo (Thái Lan): Việt Nam đã có cách thay đổi nhìn nhận về vai trò của di sản, hiệu quả kinh tế mà DSVH và việc khai thác các DSVH này mang lại, đặc biệt ngành du lịch văn hóa (một trong những ngành CNVH) và công nghiệp sáng tạo. Tác giả đã nêu ví dụ dự án Chiang Mai thủ công - handmade Chiangmai, đưa sáng tạo và đổi mới công nghệ vào phát triển các ngành nghề thủ công của Chiang Mai để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch văn hóa địa phương. Từ đó, tác giả cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình khai thác các giá trị kinh tế của nguồn lực văn hóa đồ sộ và đặc sắc của mình (3). Tác giả Nguyễn Huy Phòng cho rằng: “Việc phát huy giá trị kinh tế của các di sản văn hóa, nhất là các di sản được UNESCO vinh danh đã đóng góp ngân sách lớn cho nền kinh tế thông qua con đường du lịch” (4). Bài viết cũng khẳng định sự hiện diện của các di sản này là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững đất nước, giá trị của DSVH sẽ khơi nguồn sáng tạo. Từ đó đề xuất giải pháp để gắn kết giữa DSVH với phát triển kinh tế, xã hội nước ta trong thời gian tới.

Cũng đề cập đến khía cạnh DSVH là nguồn lực cho phát triển du lịch văn hóa, tác giả Vũ Thị Phương Hậu trong bài viết Di sản văn hóa - nguồn lực quan trọng trong phát triển Thủ đô Hà Nội hiện nay (2020) khẳng định, DSVH chính là nguồn lực vô cùng quan trọng trong phát triển Thủ đô. Bài viết tập trung phân tích vai trò của DSVH với tư cách là nguồn lực trực tiếp cho phát triển du lịch của Hà Nội (ngành công nghiệp du lịch văn hóa). Theo tác giả, cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu du lịch Thủ đô trên cơ sở khai thác các tài nguyên văn hóa, lịch sử, nhân văn của Hà Nội (5). Còn tác giả Đinh Xuân Dũng cho rằng, Hà Nội nên tập trung cho lựa chọn ưu thế của mình trong việc phát triển CNVH từ “tài nguyên hiếm” - nguồn lực văn hóa, mà trực tiếp ở đây là từ hệ thống di sản của Hà Nội. Hà Nội nên theo hướng liên kết các di sản, các công trình văn hóa của Hà Nội thành các con đường di sản, các hành trình văn hóa…(6).

Nhà nghiên cứu Mai Hải Oanh (2020) trong bài Vấn đề tăng cường nguồn lực văn hóa trong giai đoạn mở cửa và hội nhập toàn cầu hóa cho rằng, lễ hội đã trở thành DSVH phi vật thể, góp phần tạo dựng thương hiệu của các địa phương và góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế. Trong bài tác giả cũng dẫn quan điểm của Đảng ta: “DSVH là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa” (7).

Điểm qua một số bài viết của các tác giả có liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu quan tâm, các tác giả đã khẳng định giá trị kinh tế của DSVH, DSVH là nguồn lực cho phát triển CNVH, đặc biệt là ngành du lịch văn hóa. Nghiên cứu của các tác giả đi trước cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng tôi đi vào phân tích những tiềm năng, cơ hội và thách thức cho phát triển CNVH từ khai thác, phát huy nguồn lực DSVH của Việt Nam.

2. Thực trạng khai thác nguồn lực DSVH trong phát triển CNVH ở Việt Nam

Theo cách phân chia về cơ cấu của CNVH Việt Nam trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm có 12 ngành: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Trên thực tế, các ngành CNVH trên đã và đang phát triển trong những năm qua. Nguồn lực DSVH vật thể và phi vật thể đã được phát huy có hiệu quả trong nhiều ngành CNVH, đặc biệt là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ và thiết kế…

Mục tiêu cụ thể phát triển các ngành CNVH Việt Nam được đề ra trong Chiến lược: “Phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội”. Theo báo cáo quốc gia năm 2019, các ngành CNVH đóng góp 3,61% GDP (8) vượt chỉ tiêu so với Chiến lược đề ra. Cụ thể việc khai thác, sử dụng nguồn lực DSVH trong phát triển CNVH ở một số ngành đã đạt được một số kết quả:

Du lịch văn hóa trong thời gian qua tương đối phát triển, nhiều điểm du lịch văn hóa đã thu hút du khách tới tham quan tại các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, danh lam thắng cảnh, đặc biệt những khu di sản được UNESCO công nhận có lượng khách đến tham quan và mang lại nguồn thu lớn. Ví dụ, trong năm 2019: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với 4,4 triệu khách, doanh thu đạt 1.237 tỷ đồng; Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đón 461.715 lượt khách, doanh thu là 11,1 tỷ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là 6.327.488 lượt khách, doanh thu đạt 867,5 tỷ đồng; Quần thể di tích cố đô Huế, đón 3328.424 khách, doanh thu 378 tỷ đồng; Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 921.000 lượt khách, doanh thu 266 tỷ đồng; Khu Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) có 419.000 lượt khách, doanh thu 61 tỷ đồng (9).

Nhiều làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách với những tour du lịch trải nghiệm, tham gia trực tiếp vào thực hành nghề. Sản phẩm của ngành thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như thị trường Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2019 đạt 2,23 tỷ USD (10).

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bộ phận cốt lõi của CNVH, nhiều chương trình biểu diễn đã sử dụng những chất liệu truyền thống để sáng tạo ra sản phẩm mới phù hợp với hiện tại và hấp dẫn người xem như: Nhà hát Múa rối Thăng Long thu hút hàng trăm ngàn lượt khách, với hơn 2.000 chương trình múa rối nước mỗi năm và được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến. Chương trình nghệ thuật du lịch thực cảnh được đầu tư quy mô, ấn tượng như Tinh hoa Bắc Bộ được trao nhiều giải thưởng và mới đây nhất đạt giải Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019 tại Lễ trao giải Best Hotels & Resorts Awards 2019, Hàn Quốc. Chương trình Ký ức Hội An (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) được vinh danh là chương trình nghệ thuật thực cảnh có giá trị văn hóa, lịch sử hay nhất Việt Nam. Bên cạnh đó còn có Lễ hội âm nhạc Gió mùa… được đông đảo bạn bè quốc tế biết tới.

Trong lĩnh vực thiết kế, nhiều nhà thiết kế đã lấy cảm hứng từ truyền thống để tạo ra những trang phục mới lạ, hấp dẫn mà vẫn mang bản sắc dân tộc. Như nhà thiết kế Cao Minh Tiến với bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ dân ca quan họ. Hay Lê Ngọc Hân lấy cảm hứng sáng tác bộ sưu tập áo dài từ tranh dân gian Hàng Trống. Các nhà thiết kế đã khéo léo hòa trộn những yếu tố thủ công làng nghề với nét hiện đại. Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhận định: “Việt Nam có lợi thế rất lớn từ thiết kế truyền thống. Bởi chúng ta có 54 dân tộc, với văn hóa hết sức đa dạng. Chỉ riêng “vốn” văn hóa của dân tộc Kinh đã có thể khai thác nhiều giá trị khác nhau, từ hữu hình đến vô hình. Ví dụ như có thể sáng tạo từ cảm hứng về kiến trúc truyền thống, họa tiết trang trí truyền thống, như các họa tiết ở di tích. Ðó là chưa kể đến “kho tàng” văn hóa của các dân tộc: Mông, Thái, Dao... hay các dân tộc ở Tây Nguyên” (11). Đặc biệt, năm 2021, tại tuần lễ Thiết kế Việt Nam lần thứ hai với chủ đề Đánh thức truyền thống, có rất nhiều tác phẩm dự thi lấy cảm hứng từ những DSVH của cha ông. Trong đó có 30 tác phẩm được chọn trưng bày ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (25 thiết kế ở 5 lĩnh vực chính của cuộc thi và 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Trong 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giải Nhất thuộc về sản phẩm Khứ Hồi của tác giả Lưu Như Ngọc với chất liệu tái tạo từ gốm vụn của làng nghề Bát Tràng, ghép khối tạo ra các họa tiết lấy từ các biểu tưởng nổi bật trong kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hoa sen, bia rùa. Sản phẩm Góc thưởng trà của tác giả Nguyễn Xuân Lục là bộ sưu tập kết hợp của thưởng trà, sơn mài và khảm trai. Sơn mài, khảm trai là những nghề truyền thống có từ hàng nghìn năm nay của Hà Nội. Chỉ một số ví dụ tiêu biểu về những thiết kế sáng tạo trong tuần lễ Thiết kế Việt Nam cho thấy, nguồn lực DSVH đã, đang và sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển CNVH ở Việt Nam.

3. Phát huy nguồn lực DSVH trong phát triển CNVH ở Việt Nam: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và những thách thức

Điểm mạnh

Việt Nam có khối lượng DSVH vật thể và phi vật thể đồ sộ cùng với truyền thống văn hóa lâu đời, là nguồn lực quan trọng cho phát triển các ngành CNVH. Trong đó phải kể đến 8 DSVH và thiên nhiên được ghi vào Danh mục DSVH và thiên nhiên thế giới trải dài ở nhiều tỉnh, thành phố; 14 di sản được ghi danh vào Danh mục DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, còn có di sản tư liệu được ghi trong Chương trình Ký ức thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cùng với đó là hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh… và hệ thống làng nghề truyền thống trải dài khắp cả nước. Có thể nói, nước ta có nguồn nhân lực dồi dào, tài năng và sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân giỏi trong lĩnh vực DSVH phi vật thể.

Người dân đang từng bước hình thành thói quen tiêu dùng mới gắn với văn hóa, đó là thị trường lý tưởng để phát triển các ngành CNVH.

Việt Nam có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH đã và đang được hoàn thiện. Đồng thời, đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho DSVH - tiềm năng của CNVH.

Điểm yếu

Nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về vai trò của DSVH trong phát triển CNVH còn hạn chế. Nhiều nơi chưa đánh giá đúng những tiềm năng và sự đóng góp của CNVH đối với sự phát triển của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Việc phát triển kinh tế trong văn hóa tại một số địa phương vẫn chưa được coi trọng, do đó, chậm trong việc đưa các hoạt động dịch vụ vào khai thác các DSVH. Hơn nữa, một bộ phận cán bộ thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực CNVH, khai thác nguồn lực DSVH trong phát triển các ngành CNVH.

Các sản phẩm CNVH Việt Nam thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân trong nước và chưa hấp dẫn thu hút được thị trường ngoài nước, khó cạnh tranh với các sản phẩm văn hóa của nước ngoài. Nguy cơ làm cho một số DSVH bị mai một như các nghề thủ công truyền thống, nghệ nhân ít đi…

Thiếu sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong phát triển CNVH, đặc biệt là đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến các ngành CNVH có sử dụng khai thác nguồn lực DSVH.

Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho CNVH như việc lập bản đồ các DSVH. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các ngành CNVH.

Hơn nữa, nước ta chưa có hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách cho lĩnh vực CNVH nói chung và các ngành CNVH liên quan đến nguồn lực DSVH nói riêng, do đó dẫn đến hoạt động manh mún, nhỏ lẻ.

Cơ hội

Là cơ hội để đổi mới cách thức tiếp cận về CNVH của các cấp quản lý. Cơ hội để nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Việt Nam trên thế giới, thu hút các hoạt động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực CNVH và hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội từ các nguồn lực DSVH. Đồng thời, tạo ra nhiều công việc mới cho người dân và chính cộng đồng sở hữu di sản, giúp các tài năng sáng tạo cơ hội phát triển, bảo vệ và phát huy những DSVH, đặc biệt những DSVH có nguy cơ bị mai một.

Một số thách thức

Phát triển CNVH trong việc sử dụng, khai thác nguồn lực DSVH, nghĩa là khai thác yếu tố kinh tế trong văn hóa, thương mại hóa với các giá trị di sản là vấn đề có tính hai mặt, bên cạnh những yếu tố tích cực, còn một số nguy cơ thách thức trong việc bảo vệ di sản, bảo vệ lợi ích, quyền của cộng đồng nắm giữ di sản đó. Tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực CNVH và sáng tạo còn diễn ra. Thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nên nguy cơ thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm CNVH đến từ các cường quốc văn hóa như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Từ những phân tích trên, để phát huy hiệu quả nguồn lực DSVH trong phát triển công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới cần một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng, ý nghĩa của mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa phát huy nguồn lực DSVH với phát triển CNVH ở Việt Nam. Đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để đưa DSVH vào phát triển CNVH, góp phần phát triển bền vững.

Thứ hai, để phát triển CNVH từ nguồn lực DSVH các nhà hoạch định chính sách bằng những chương trình, hành động cụ thể cần có những cuộc điều tra, sưu tầm, nhận diện, đánh giá đầy đủ và làm rõ đặc trưng các nguồn lực DSVH của từng địa phương. Từ đó, có những phương án gìn giữ, bảo tồn, khai thác có hiệu quả nguồn lực DSVH trong xây dựng và phát triển các ngành CNVH. Đặc biệt những chương trình, dự án ứng dụng công nghệ vào việc lập bản đồ các DSVH để tạo nguồn dữ liệu cho phát triển các ngành CNVH.

Thứ ba, chú trọng đến sản xuất các sản phẩm CNVH từ DSVH độc đáo, có tính ứng dụng, nhưng vẫn thể hiện được bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân. Đặc biệt, hướng tới những sản phẩm văn hóa từ nguồn lực di sản mang thương hiệu của Việt Nam để có thể xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài, quảng bá các DSVH của Việt Nam thông qua các tác phẩm này.

Thứ tư, cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng, khai thác DSVH để vừa phát huy được giá trị kinh tế, vừa bảo vệ DSVH, đảm bảo quyền lợi của cộng đồng - chủ thể của di sản.

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực DSVH cho phát triển CNVH. Tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong phát triển CNVH, đặc biệt là đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến các ngành CNVH có sử dụng khai thác nguồn lực DSVH.

Mục tiêu đặt ra năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP (12) hoàn toàn mang tính khả thi nếu triển khai được đồng bộ các giải pháp để khai thác tối đa các tiềm năng, tận dụng những cơ hội, khắc phục những điểm yếu, vượt qua những thách thức nêu trên để khai thác, phát huy nguồn lực DSVH cho phát triển CNVH của Việt Nam trong thời gian tới.

_________________________

1, 12. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành ngày 9-6-2014 về Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3. Nguyễn Thị Thu Hà, Sáng tạo và công nghệ “áo mới” cho di sản văn hóa từ chương trình Chiang Mai sáng tạo (Thái Lan), Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 (59), 2017, tr.78-82.

4. Nguyễn Huy Phòng, Phát huy nguồn lực di sản văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 417, 2019. tr.7-11.

5. Vũ Thị Phương Hậu, Di sản văn hóa - nguồn lực quan trọng trong phát triển Thủ đô Hà Nội hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội và Tạp chí Cộng sản tổ chức tại Hà Nội, 28-9-2020.

6. Đinh Xuân Dũng, Nguồn lực văn hóa - “tài nguyên hiếm” cho sự phát triển của Thủ đô, Kỷ yếu Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội và Tạp chí Cộng sản tổ chức tại Hà Nội, 28-9-2020.

7. Mai Hải Oanh, Vấn đề tăng cường nguồn lực văn hóa trong giai đoạn mở cửa và hội nhập toàn cầu hóa, Kỷ yếu Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội và Tạp chí Cộng sản tổ chức tại Hà Nội, 28-9-2020.

8. TS Nguyễn Thị Quý Phương, Công nghiệp văn hóa: Một bước đi trên con đường Việt Nam, tuoitre.vn, 20-11-2021.

9. Minh Huyền, Số lượng khách du lịch tham quan 8 di sản thế giới tại Việt Nam tăng mạnh, toquoc.vn, 9-1-2020.

10. K.D, Tiếp tục phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dangcongsan.vn, 16-2-2021.

11. Giang Nam, Bản sắc thiết kế từ chất liệu truyền thống, nhandan.vn, 4-9-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.

2. Luật Di sản văn hóa năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

Ths TRẦN THỊ HIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;