Nghệ thuật trang trí bao lam bàn thờ chùa Hội Khánh - Bình Dương

Phù điêu họa tiết hoa lá trên bao lam bàn thờ

Bao lam trên hệ thống bàn thờ 

Có tôn giáo ắt có nghệ thuật, hai hình thái ý thức song hành như chị em sinh đôi không thể chia lìa, tôn giáo phát triển đến đâu nghệ thuật phát triển đến đó và lồng trong đó là đời sống sinh động của nhân gian [1]. 

Một nhà nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ đã viết: 

Thủ Dầu Một được coi là Thủ đô của Nam Bộ về nhà cửa và chùa, miếu cổ, được xây dựng từ một hai thế kỉ trước bằng loại danh mộc bền đẹp, theo kiểu cách thuần túy Việt Nam và chạm trổ công phu trang nhã từ chân cột tới góc nhà. Nơi đây thật xứng đáng thiết lập một bảo tàng kiến trúc gỗ cổ Việt Nam cho toàn vùng Nam kì” [2].

Chùa Hội Khánh được xây dựng cách đây hơn hai trăm năm, từ lâu được trở thành danh lam của Thủ Dầu Một. Không chỉ đơn thuần là ngôi cổ tự có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đã từng được người Pháp chọn làm mô hình để đưa sang Pháp quốc triển lãm. Mặt khác, do đây có những danh tăng đạo cao đức trọng, đào tạo ra đội ngũ tăng sĩ và là một trong những tụ điểm của những người yêu nước trong thời kì Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, cũng như trong những năm tháng kháng chiến vẻ vang sau cách mạng tháng Tám. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Hội Khánh vẫn giữ được các trang trí trong hệ thống bao lam. Các trang trí này được phân bố rất cân xứng và đăng đối giả thành những tập hợp theo từng bộ hoa văn [3]. Các bộ bao lam, tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung..., đều được tạo tác rất công phu, mang đậm nét tài hoa của các nghệ nhân đất Thủ. 

Cũng như các bao lam thành vọng, bao lam bàn thờ được chạm khắc tinh tế, sử dụng phương pháp mảng khối là chính. Bố cục tác phẩm tuy còn tuân thủ những nguyên tắc đăng đối, nhưng không vì thế mà tác phẩm mất đi vẻ sinh động. Nghệ nhân đất Thủ Bình Dương đã có sự quan sát tinh tế khi chạm khắc, thể hiện nhiều chủ đề khác nhau như: chim điểu, hoa sen, hoa mai, phật thủ. dây lá quả nho...

Phù điêu họa tiết hoa lá trên bao lam bàn thờ

Chạm khắc trên bàn thờ tuy không mang tính hoành tráng về kích thước nhưng lại hoành tráng về số lượng, phù điêu ở vị trí này đa phần là kiểu thức trang trí chạm trổ hoa lá với chim muông, thú vật rất sinh động.

Nghệ thuật trang trí ấy một phần ảnh hưởng của hình tượng trang trí văn hóa Trung Hoa nhưng đã được Việt hóa và được đặt vào bối cảnh trang trí của chùa Nam Bộ. Cái khéo léo là sự sáng tạo rất sinh động của tác phẩm điêu khắc được thể hiện trong chùa. Những con vật được chạm khắc dân gian chủ yếu là các con vật linh, còn được gọi là những con vật trong vũ trụ như: rồng, phượng, lân, nghê, dơi. Người đời gán cho chúng những khả năng siêu phàm có thể chi phối đến cuộc sống nhân thế ở những mức độ khác nhau. Linh thú không mang hình tượng nhân cách nhưng lại hội tụ những chức năng cụ thể nhằm tất cả vì con người, vì mối quan hệ nhân sinh, vũ trụ. Nối tiếp hình tượng con người từ thời kì đồ đồng, các thời kì tiếp theo đề tài này luôn được người Việt quan tâm để có một vị trí xứng đáng.

Giá trị của nghệ thuật trang trí bao lam bàn thờ trong chùa Hội Khánh 

Trước hết, kĩ thuật chạm khắc trên hệ thống bao lam bàn thờ chùa Hội Khánh dường như quy tụ hầu hết các kiểu chạm gỗ cơ bản nhất: chạm chìm, chạm nổi thấp cao, chạm lộng, ghép lớp để phân tầng nông sâu.

Phong cách chạm lộng một mặt là chủ yếu và bao gồm lối tế kiểu, mảng khối và hòa hợp hai cách trên cùng một tác phẩm. Mang đặc trưng nghệ thuật cung đình (những đồ án long, ly, quy, phượng, mặt nhật, mặt nguyệt, chữ Nho đầy quy chuẩn và khuôn phép đầy phong kiến) vừa đậm chất dân gian (những ngẫu hứng biến hóa đa dạng, vụng về nhưng sinh động, rõ tính bản địa). Đó cũng chính là phong cách chạm khắc điển hình thời Lê Trung Hưng - đỉnh cao của nghệ thuật chạm gỗ Việt Nam thời phong kiến [4].

Cấu trúc của các đồ án trang trí rất đa dạng: đối xứng hai bên, đối xứng tỏa tròn, đăng đối, lặp đi lặp lại. Bề mặt chạm khắc phần lớn là mặt phẳng nhưng lắm khi cong vồng theo mặt ngoài của thân gỗ.

Mật độ họa tiết luôn luôn dày đặc, tạo nhịp điệu dồn dập sôi nổi, nhưng không hề bị rối rắm mà rất tập trung, có định hướng mang tính trang trí cao.

Đề tài sử dụng hết sức phong phú, đa dạng 

Về thực vật có: hoa mai, hoa cúc, trúc, hoa lan, hoa sen, dây nho, phật thủ... Các hình tượng này gần giống với thực tế mang tính cách điệu cao, theo nhịp điệu chung mang tính tượng trưng là chính.

 Về động vật có: rồng, lân, quy, phượng, hạc, dơi, chim,... 

Mỗi hình tượng mang một ý nghĩa biểu trưng riêng của nó. Ví dụ như: hoa mai là loại cây có hoa nở vào giữa tiết đông, nên hoa mai biểu trưng cho sự cứng cỏi, hoa mai cũng được xem như loại hoa biểu thị cho mùa xuân, chỉ trong miền Nam mới có hoa mai. 

Hoa cúc là bông hoa tượng trưng cho mùa thu, cũng được biểu trưng cho khí tiết thanh tao.

 Hoa sen là loài hoa biểu trưng nhiều ý nghĩa: sự trong sạch, tinh khiết, nhân quả luân hồi (vì hoa nở là quá khứ, đài sen là hiện tại, hạt sen là tương lai), sự nối tiếp liên tục (vì hạt sen gọi là “Tử” giống từ “Tử” là con), sự thịnh vượng (vì lá hoa phủ ấm cho nước), tiềm năng sinh lực dồi dào (vì mọc từ bùn lầy vượt lên khỏi mặt nước nhưng vẫn đua nở khoe sắc).

Dây lá biểu trưng cho sự phát triển liên tục và lâu dài, mặt khác, loại lá có cuốn dài biểu ý là số nhiều. 

Về động vật có: rồng, lân, quy phượng, hạc, dơi, chim... Con rồng trong

bộ tứ linh biểu trưng cho nguyên lí dương, trạng thái động, sự phát triển và thịnh vượng. Rồng trong đình làng là rồng dân, dưới năm móng, không phải là rồng vua (biểu tượng của chế độ quân chủ).

Các bao lam được bố cục theo lối đăng đối, sắp xếp theo quy luật phối cảnh cổ truyền. Quy tắc đối xứng được áp dụng cho toàn cảnh. Ba bao lam cùng hàng hoặc trong cùng một bao lam. Bao lam ở nhà Tổ áp dụng quy tắc này rõ nét nhất. Hàng trong bao lam một và ba đối xứng, lấy bao lam hai làm giữa. Hàng ngoài bao lam một và hai đối xứng lấy cột tròn làm giữa. 

Họa tiết thú vật trên hệ thống bàn thờ

Do sử dụng kĩ thuật chạm thủng và chạm nổi kết hợp đã làm cho các bức bao lam trở nên thanh nhẹ hơn. Nó được tạo ra không chỉ đơn giản để trang trí cho đẹp mà còn mang ý nghĩa về tâm linh là che chắn những điều không hay, đảm bảo sự trong sạch thanh khiết cho bàn thờ ở phía trong, giống như một sự cách biệt thoát tục. Như vậy, qua nội dung đề tài và phong cách sử dụng cho thấy ngoài chức năng dùng trang trí cho ngôi chính diện và nhà Tổ được lộng lẫy, bao lam còn góp phần thể hiện sinh động giáo lí nhà Phật. Những biểu tượng cao siêu, những tinh túy đã được các nghệ nhân đất Thủ - Bình Dương tiếp thu và thể hiện qua tác phẩm dưới bàn tay khéo léo và tấm lòng mộ đạo sâu sắc.

Một số kiến nghị, giải pháp trong công tác giữ gìn, tôn tạo chùa Hội Khánh 

Những ngôi chùa cổ là một chứng thực cho một nền văn hóa lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật đẹp. Cần phải được giữ gìn, tôn tạo, tu sửa đúng những nguyên tắc khoa học nghệ thuật để cho chùa được bảo tồn trong môi trường hợp lí, điêu khắc được đặt vào những không gian kiến trúc của nó mà không đảo lộn hoặc bày nhầm vị trí, phục chế sai chất liệu truyền thống. Nếu được như vậy, vẻ đẹp của chùa sẽ còn mãi cho muôn thế hệ mai sau.

Chính vì thế cần có chính sách quản lý để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa trang trí - kiến trúc - quy hoạch và các ngánh có liên quan. Cần thành lập Hội đồng nghệ thuật để thẩm định, đánh giá và kiến nghị với lãnh đạo tỉnh trong việc rà soát lại các hạng mục kém chất lượng về nội dung nghệ thuật; có kế hoạch hoàn thiện các hạng mục còn lại của chùa còn đang dở dang, đồng thời kiến nghị với cơ quan có chức năng, thực hiện chế độ duy tu, sữa chữa chống xuống cấp cho chùa theo một định kỳ cụ thể, khoa học. Phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa kiến trúc, trang trí, xây dựng với cảnh quan thiên nhiên trong quá trình xây dựng chùa.

Quan điểm mới này cho rằng, quản lý một loại hình di sản không còn chỉ là vấn đề tìm những biện pháp để bảo tồn nguyên vẹn di sản, mà quan trọng hơn là làm thể nào để di sản văn hóa tồn tại song hành phù hợp với xã hội đương đại của chúng ta. Vì vậy, cần có những biện pháp quản lý di sản một cách thích hợp với yêu cầu của thời đại hiện nay. Những yêu cầu của thời đại luôn được đặt trong một bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội và văn hóa nhất định. Mối quan hệ giữa di sản và những bối cảnh nêu trên là mối quan hệ hai chiều, ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau.

 * * *

Trang trí bao lam bàn thờ chùa Hội Khánh mang phong cách nghệ thuật dân gian, các mảng đề tài sử dụng trang trí ở đây vẫn là rồng, phượng, lân, dơi, hoa sen, hoa mai, hoa cúc... nhưng vẫn sinh động và không kém phần bắt mắt.

Điều đáng chú ý ở đây là những đồ án trang trí được lặp đi lặp lại nhiều lần để thỏa mãn sự đăng đối trong kiến trúc. Kĩ thuật chạm khắc được tập trung vào các đường cong, chạm nổi khối vào các chi tiết cần nhấn mạnh, nhằm diễn tả tính chất thực của đề tài, điều đó biểu hiện sự thống nhất cao giữa nội dung và hình thức làm nổi bật lên tính hiện thực.

Là một di sản văn hóa lớn của cả nước, cho đến nay chùa Hội Khánh vẫn giữ trong mình những giá trị đặc sắc được tích tụ trong suốt quá trình tồn tại của mình. Với những giá trị đặc sắc này, chùa Hội Khánh luôn là một di tích Phật giáo độc đáo của nước ta, một điểm sáng của văn hóa truyền thống Việt Nam.

__________________

1, 3. Võ Văn Tường (2007), 108 Danh lam cổ tự Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, tr 496, 466.

2. Nguyễn Đình Đầu (1991), Địa chí Sông Bé, Nxb Sông Bé, tr.164.

4. Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Cự - Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới, tr 35

Tài liệu tham khảo 

1. Phan Thanh Đào (2004), Nhà cổ Bình Dương, Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Dương, Bình Dương

2. Hồ Sơn Điệp (2012), Thủ Dầu Một - Bình Dương đất nước con người, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Thùy Trang - Đức Tuấn (2007), Tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển làng nghề điêu khắc gỗ Phú Thọ ở đất Thủ - Bình Dương,Thông tin Khoa học Lịch sử - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương, số (06), trang 46 - 47 - 48.

4. Hoàng Chí Tuân (2005), Chùa Hội Khánh - Di tích lịch sử văn hóa, Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, số (01), trang 33 - 36.

HUỲNH THANH TRANG - CHÂU TRÂM ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;