Hồ Việt An - điểm du lịch mê lòng du khách

Khám phá hồ Việt An bằng thuyền kayak

 

Cách thành phố Đà Nẵng 50km về phía Nam và cách quốc lộ 1A 30km về phía Tây hồ Việt An - một công trình thủy lợi lớn thuộc thôn Việt An, nằm trong xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Đây không chỉ là một công trình phục vụ thủy lợi mà còn là điểm du lịch sinh thái tuyệt vời với cảnh quan hữu tình, lãng mạn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và chụp ảnh "check in" mỗi dịp lễ, cuối tuần, đặc biệt là mùa Thu với bầu trời bàng bạc những đám mây.

Hồ Việt An nằm ở độ cao 300m so với mực nước biển,  được xây dựng từ năm 2000. Diện tích mặt hồ lên đến 180ha, cung cấp nước cho ba huyện Hiệp Đức, Quế Sơn và Thăng Bình. Với người dân ở huyện Hiệp Đức, hồ Việt An mang theo giấc mơ đổi đời khi tưới tắm vùng đất khô cằn sỏi đá.

Từ xa, phong cảnh trên hồ hiện lên như một bức tranh thiên nhiên đậm chất thi ca, lãng mạn với rừng cây xen kẽ rừng nguyên sinh, tạo nên bóng cây xanh mướt cùng mây trời bồng bềnh phản chiếu trên mặt nước hồ trong xanh. Khí hậu trong lành và yên bình của khu vực hồ hút rất nhiều đàn cò bay về đây trú ngụ, làm cho du khách mê man cứ ngỡ đang trong giấc mơ.

Hồ Việt An cũng có một con đập chính để xả nước trong mùa mưa lũ. Từ độ cao khoảng 20m, nước đổ xuống tạo thành dòng chảy trắng xóa, tuyệt đẹp và lung linh như ánh cầu vồng mỗi khi ánh mặt trời phản chiếu, thu hút đông đảo du khách đến chụp ảnh vào thời điểm này.

Khi đến hồ Việt An vào mùa mưa lũ, lúc mực nước hồ dâng cao phải xả tràn đổ từ trên cao xuống tạo nên khung cảnh khác biệt, thu hút nhiều du khách đến chụp ảnh

 

Buổi sáng, du khách có thể thức sớm để dạo quanh hồ thưởng thức không khí trong lành, tươi mới. Khi mặt trời lên cao, những vạt nắng vàng chiếu xuống mặt hồ trong, tạo nên hình ảnh rừng cây xanh hay bầu trời quang đãng, lác đác những áng mây trắng trôi bềnh bồng. Nơi đây trở nên rạng ngời, gió mát hiền hòa, cây cỏ nở hoa đung đưa trong gió ven bờ hồ.

Hoàng hôn buông xuống, không khí trở nên mát mẻ và thơ mộng. Xa xa, đàn chim lao xao tìm tổ, những chú bò thẩn thơ rảo bước quay về, một số gia đình trên thuyền cũng đưa con đi hóng gió hoặc câu cá. Màu sắc của hồ Việt An trong khoảng thời gian này trở nên dịu dàng với những vầng sáng màu cam, đỏ, tím kết hợp tạo nên dải lụa bắt ngang phía chân trời. Chấm phá trên mặt hồ là những chiếc thuyền câu cá bống nhỏ.

Vào mùa trăng nhân dịp Tết Trung thu, những du khách yêu thơ có thể ngồi trên thuyền để khám phá vẻ đẹp của hồ trong ánh trăng Thu lấp lánh, huyền ảo và lung linh như lạc vào "trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam" hoặc như lạc trong cảnh "Động Đình Hồ" trong những bộ phim kiếm hiệp.

Chuyến đi của du khách trở nên thú vị hơn khi ngồi trên những chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt hồ để khám phá các con suối tuyệt đẹp ở chân núi Gai, núi Ngang, núi Liệt Kiểm hoặc các nơi quanh năm nước biếc trong xanh như sông Khâng, sông Trầu, Vũng Nổ... Hồ Việt An là điểm đến lý tưởng, đã phục vụ tốt cho khách tham quan du lịch, trước những năm dịch COVID -19, có trên 2.000 lượt  khách đến tham quan, vãn cảnh… mỗi năm.

Đặc biệt, cá bống tượng nuôi trong hồ Việt An có thịt trắng, thơm ngon, ngọt lịm, béo đặc trưng. Cá này có thể chế biến thành nhiều món ngon và được coi là đặc sản của vùng, được người dân địa phương và du khách ưa thích. Cá bống tượng chiên xù cuốn bánh tráng và các loại rau sống đầu xuân, chấm nước mắm chanh tỏi ớt sẽ là một trải nghiệm ngon miệng. Cá bống tượng hấp, cá bống tượng nướng muối ớt.

Cá bống tượng chiên xù cuốn bánh tráng và các loại rau sống đầu xuân, chấm nước mắm chanh tỏi ớt ăn rất ngon; cá bống tượng hấp, cá bống tượng nướng muối ớt, cá bống tượng kho tiêu, cháo cá bống tượng… đều để lại trong lòng du khách những hương vị khó quên.

Buổi chiều, du khách có thể tận hưởng không khí mát lạnh thổi từ mặt hồ, du khách có dịp được dịp thưởng thức dứa (thơm) lúc chín vàng ngọt lịm như mật ong và thơm ngát hương rừng nguyên sinh; thưởng thức các món ăn dân dã như ốc hút, cá nướng, cá hấp, bánh tráng, kẹo đậu phộng... và đừng quên uống bát nước chè xanh để nhớ về hồ Việt An khi đã rời xa...

 

TIÊN SA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

 

;