Giải pháp để phát triển du lịch Hậu Giang

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, đồng thời được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương... ngành du lịch đã từng bước phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác triển khai, tuyên truyền, quán triệt về phát triển du lịch ở các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện đạt kết quả khá tốt, trong đó nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp về phát triển du lịch đã được nâng lên.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành thắp đuốc khai mạc Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX và Giải Marathon quốc tế “Vietcombank Mekong Delta” Hậu Giang lần thứ IV năm 2023
 

Năm 2022, Hậu Giang đón 390.000 lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế là 11.000 lượt, khách nội địa là 379.000 lượt, tổng thu đạt 178 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 288.700 lượt khách tham quan du lịch (đạt 57,7% kế hoạch năm), trong đó có 277.330 khách nội địa (đạt 57,5% kế hoạch năm), 11.370 lượt khách quốc tế (đạt 63,1% kế hoạch năm), tổng thu từ du lịch là 124,8 tỷ đồng (đạt 58% kế hoạch năm).

Hậu Giang đã tổ chức thành công các sự kiện như: Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch tỉnh Hậu Giang”; Giải Marathon quốc tế Vietcombank Mekong Delta Hậu Giang; Hội thi ẩm thực và xác lập 2 kỷ lục Việt Nam các món ăn từ cá thát lát và từ khóm nhiều nhất Việt Nam và vinh dự nhận bằng Kỷ lục châu Á do Tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng, đã góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và con người Hậu Giang.

 Năm 2022, tỉnh Hậu Giang đã kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư được 1 tàu du lịch Xà No đã hoạt động được hơn 1 năm. Sang năm 2023, tỉnh chủ trương giao Sở VHTTDL tiếp nhận tài sản là tàu du lịch (từ xã hội hóa) và đã giao cơ quan chuyên môn thực hiện thủ tục sửa chữa tàu, đồng thời xin chủ trương đóng tàu du lịch mới. Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp với thành phố Cần Thơ khảo sát và kết nối các điểm du lịch giữa (Hậu Giang - Cần Thơ) với việc lấy du lịch đường thủy nội địa - tàu du lịch Xà No làm điểm nhấn, kết nối các điểm du lịch dọc tuyến kênh và góp ý thực hiện thiết kế trang trí 2 bên kè kênh xáng Xà No thuộc địa bàn thành phố Vị Thanh; khảo sát, đánh giá, vận động người dân tại vùng khóm Cầu Đúc tham gia làm du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, tỉnh còn đề xuất Bộ VHTTDL đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia trong dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về thu hút đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển du lịch: HĐND tỉnh ban hành: Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang,...

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch như: Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây vùng ĐBSCL; Chương trình hợp tác với thành phố Cần Thơ, Kiên Giang được cụ thể hóa bằng các hoạt động cụ thể, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong công tác quản lý, xúc tiến quảng, bá du lịch của các địa phương trong liên kết.

Tiếp tục triển khai Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở VHTTDL đã hoàn thành việc “Thuê gian hàng lưu trữ sticker bé Khóm trên Zalo”. Kết quả, sau 3 tháng, có gần 60.000 lượt tải sticker bé Khóm. Thông báo về việc triển khai hướng dẫn sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu các nhóm ngành tỉnh Hậu Giang đến các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố; đồng thời, thông báo đến Sở VHTTDL; Sở VHTT; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố biết về logo và biểu tượng linh vật của tỉnh Hậu Giang. Tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu các nhóm ngành tỉnh Hậu Giang với 200 học viên tham dự.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Hậu Giang nhìn chung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm du lịch chưa thật sự nổi bật, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Việc mời gọi đầu tư du lịch gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện các dự án du lịch còn chậm, hạ tầng giao thông chưa gắn với phát triển du lịch, quảng bá du lịch chưa đi vào chiều sâu, tính chuyên nghiệp chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập. Sự phục hồi của du lịch Hậu Giang thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào các sự kiện lớn của tỉnh. Việc xây dựng điểm nhấn du lịch trên kênh xáng Xà No bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc tạo ra sản phẩm mới, thu hút khách.

Hậu Giang có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng - Ảnh: baodantoc.vn

 

Để du lịch thực sự trở thành 1 trong 4 trụ cột phát triển của tỉnh trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, Sở VHTTDL đã đề xuất tập trung các giải pháp cơ bản như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND, Kế hoạch số 213/KH-UBND, Chương trình phát triển du lịch và những văn bản cụ thể trong phát triển du lịch tỉnh nhà.

Hai là, xác định là giải pháp xuyên suốt và lâu dài: Các cấp, các ngành phải đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, về vị trí, vai trò của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tăng cường nhận thức về trách nhiệm trong công tác phát triển du lịch của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cùng đồng hành thực hiện Nghị quyết của tỉnh, kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh về phát triển du lịch.

Ba là, tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch của tỉnh mà Nghị quyết 4 trụ cột đề ra. Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hướng đến trở thành địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch Quốc gia sau năm 2025. Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong thực hiện các dự án du lịch; các dự án khu dân cư thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn,... để sớm hoàn thành đưa vào khai thác.

 Bốn là, quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị mang nét đặc trưng của văn hóa, con người Hậu Giang; khuyến khích sáng tạo những sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa, con người Hậu Giang đến bạn bè trong và ngoài nước. Chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị; hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo dựa trên nền tảng các giá trị lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên đặc trưng. Trong đó, văn hóa tiếp tục là bệ đỡ, là nền tảng cho ngành du lịch phát triển. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả, tích cực các giải pháp bảo tồn, và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday của người Khmer, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ; các làng nghề truyền thống để gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần tích cực cho phát triển du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện chương trình OCOP, nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; phát triển các sản phẩm OCOP thành sản phẩm phục vụ khách tham quan, du lịch.

Năm là, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật. Đa dạng hóa các loại hình đầu tư; tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu vực có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Sáu là, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Nâng cao nhận thức cộng đồng để tạo nguồn nhân lực bền vững cho du lịch. Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch.

Bảy là, đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Chú trọng huy động nguồn lực xã hội, kết hợp nguồn lực nhà nước trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức các sự kiện gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai bộ nhận diện thương hiệu tỉnh Hậu Giang. Triển khai có hiệu quả Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025 theo Quy chế phối hợp đã được ký kết giữa các tỉnh, thành.

Tám là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông gắn kết với các điểm, dự án, quy hoạch du lịch như: Quốc lộ 61B, Quốc lộ 1, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn đi qua tỉnh Hậu Giang, đường tỉnh 926B, 927C để tạo thuận lợi cho phát triển du lịch của tỉnh.

Với những giải pháp trọng tâm nêu trên, tin chắc rằng du lịch Hậu Giang sẽ “cất cánh” trong thời gian tới, từng bước nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển.

Hội thảo Giải pháp chuyển đổi số nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Hậu Giang 
 

 

QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;