Hỗ trợ tinh thần cho người gặp khó khăn trong gia đình phật tử: Nghiên cứu trường hợp thành phố Đà Nẵng

Gia đình Phật tử (GĐPT) là một tổ chức xã hội đặc thù, bước gạch nối giữa Đạo pháp và Đời. Ở góc độ tôn giáo, GĐPT là tổ chức nuôi dưỡng niềm tin, thực hành Đạo pháp. Xét trên phương diện văn hóa, đó là một cộng đồng (không dựa trên quan hệ huyết thống) có tính cố kết chặt chẽ, hoạt động mang tính “mở” và tiếp thu các giá trị của Phật pháp nhằm ứng dụng trong cuộc sống. Khi các thành viên trong GĐPT gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, ứng xử giữa những thành viên có sự khác biệt so với nhiều tổ chức xã hội khác. Bài viết lý giải căn nguyên dẫn đến ứng xử giữa các thành viên trong GĐPT đối với người đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc, cần giúp đỡ về tinh thần. Niềm tin Phật pháp, lòng trắc ẩn và sự chấp nhận đa văn hóa đã khuyến khích cách ứng xử tích cực của các thành viên đến những người đang trong giai đoạn khó khăn, bế tắc về mặt tinh thần.

1. Bối cảnh

Tính đến tháng 6-2021, Việt Nam có 1.035 đơn vị GĐPT, với 53.717 Đoàn sinh và 9.343 Huynh trưởng được tổ chức tại 36 tỉnh thành (1). Số lượng cũng như chất lượng hoạt động của nhiều GĐPT ở khu vực miền Trung, miền Nam ngày càng được nâng cao. Đến năm 2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 57 đơn vị GĐPT sinh hoạt ổn định ở 7 quận, huyện (2). GĐPT tại thành phố Đà Nẵng đã có một thời gian dài phát triển, đóng vai trò là tổ chức rèn luyện thanh thiếu niên trên hai phương diện: Đức dục và Trí dục. Phạm vi hoạt động của GĐPT không giới hạn về tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo cũng như trình độ học vấn. Dưới góc độ Phật giáo, GĐPT là hiện thân của Phật pháp nhập thế, hướng dẫn con người đến chân - thiện - mỹ. Dưới góc độ nhân học văn hóa, cộng đồng các GĐPT tại địa phương là sự kết nối hoàn hảo giữa Đạo và Đời.

GĐPT đã được xem xét trên nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau nhằm khắc họa mối quan hệ giữa các thành viên trong GĐPT. Paul R.Katz (2019) (3) đã cung cấp cái nhìn tổng quan về cách các phật tử Trung Quốc hiện đại làm việc để kết hợp giữa tu luyện bản thân và cuộc sống gia đình, với trọng tâm là lý tưởng về “gia đình được Phật hóa” (Fohua jiating 佛 化 家庭) như được thể hiện trong các tác phẩm của phật tử tại gia. Chen Hailiang 陳 海量 (1910-1983), đã đưa ra lời khuyên về tinh thần và vật chất cho những độc giả đang cố gắng đạt được trạng thái cân bằng giữa yêu cầu tôn giáo và chuẩn mực xã hội. Tầm nhìn của Chen về đời sống GĐPT hiện đại làm sáng tỏ quá trình thay đổi đáng kể diễn ra vào đầu TK XX, với việc giới tinh hoa thành thị của tôn giáo đó đang tìm cách xác định cách tiếp cận của họ đối với Phật giáo theo cách vừa duy trì cam kết của họ đối với hoạt động xã hội, vừa tạo cơ sở cho một tôn giáo phong phú.

Những nghiên cứu này đã khắc họa rõ nét ảnh hưởng của tư tưởng Phật pháp trong các đơn vị GĐPT. Sự khác biệt giữa gia đình theo đạo Phật và gia đình bình thường được tìm thấy ở những khoảnh khắc khó khăn, thử thách đối với các thành viên trong gia đình. Cách họ đón nhận đau thương, ứng xử và cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống theo một cách tích cực của tinh thần Phật pháp. Điều này thực sự khác biệt và góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu theo cách tiếp cận này chưa nhiều. Hầu hết đơn vị GĐPT được quan tâm ở góc độ tôn giáo. Nhân học văn hóa với cách tiếp cận về thuyết hành vi còn đang để ngỏ một cộng đồng xã hội đặc trưng mang yếu tố tôn giáo. Với quy mô hoạt động toàn quốc và hơn 63 nghìn người tham gia, mức độ ảnh hưởng của GĐPT là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu.

2. Niềm tin Phật pháp là cơ sở cho hành vi chia sẻ, giúp đỡ người khác

Đối với Phật giáo, những khổ đau về thể chất như già yếu, bệnh tật, ốm đau là những điều không thể tránh khỏi, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời con người. Giáo lý căn bản của Phật giáo (Tứ diệu đế) đã đề cập đến các loại nỗi khổ trong cuộc đời con người, nguyên nhân của khổ đau, cách thức loại bỏ khổ đau và con đường đưa con người thoát khỏi bể khổ. Thuyết nhân quả của Phật giáo cho rằng, sự xuất hiện của con người là do thập nhị nhân duyên hợp thành, các nhân duyên này tạo thành một chuỗi nối tiếp nhau trong vòng luân hồi sinh tử. Trong cuộc đời, con người không tránh khỏi việc gặp các bất trắc, tai ương hay gánh chịu những nỗi đau về bệnh tật. Quan điểm về nghiệp cho rằng tình trạng sức khỏe, bệnh tật chính là sự phản ánh của nghiệp con người đã tạo thành ở tiền kiếp (4).

Mỗi cá nhân, từ khi sinh ra, trưởng thành đều gặp phải những vấn đề về tâm lý, vướng mắc trong cuộc sống dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng hoặc khủng hoảng. Khi ở lứa tuổi “đồng ấu”, các bạn nhỏ có thể cảm thấy bị gò bó, ngột ngạt bởi quy tắc, cấm đoán của gia đình, nhà trường. Các bạn nhỏ thường khao khát được tự do làm những gì mình thích, vui chơi không có giới hạn hoặc vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo đức, đôi khi là pháp luật. Sự cố gắng muốn vượt ra ngoài ranh giới thông thường của gia đình, xã hội là điều mà nhiều người khao khát, không muốn tích cực học tập, muốn sớm khẳng định khả năng của bản thân ngoài xã hội. Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các bạn bước sang quá trình dậy thì, bắt đầu tập làm người lớn. Sự biến động mạnh mẽ về thể chất và tinh thần thường đẩy con cái ra xa cha mẹ, thày cô. Đây là giai đoạn có những khủng hoảng tuổi dậy thì, con cái luôn muốn tự khẳng định, muốn làm theo ý mình, luôn khao khát phá tung sự gò bó của nhà trường, nhanh chóng bước chân ra xã hội. Nhiều bạn nhỏ gặp vấn đề về phát triển và học tập, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy mệt mỏi vì con. Cha mẹ và con cái ít tìm được tiếng nói chung.

Khi con người bước sang độ tuổi trưởng thành, những khó khăn trong cuộc sống trên các phương diện sức khỏe, áp lực công việc, hôn nhân, con cái không như ý muốn, họ gặp rất nhiều nghịch cảnh, sống trong cảnh khốn khó về vật chất cũng như tinh thần. Tuổi già đến, nỗi cô đơn và khốn khó về sức khỏe, vật chất, tinh thần làm cho tâm lý của nhiều người mệt mỏi, muốn tìm chỗ nâng đỡ và hỗ trợ để có thể tiếp tục cuộc sống. Xét cho cùng, mấy ai trên cuộc đời này tự nhận thấy bản thân mình là người hạnh phúc, may mắn, từ khi sinh ra đến khi già yếu. Vì thế, con người luôn mong muốn được chia sẻ, nâng đỡ tinh thần, tìm vào giá trị cốt lõi của sự sống để vững tin bước tiếp cuộc đời, đó cũng là nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân.

3. Lòng trắc ẩn

Sâu thẳm trong con người, đó chính là lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh khó khăn và nỗi đau. Khi tham gia vào GĐPT, hầu hết mọi người đều thấm nhuần nỗi đau của con người trong Khổ đế. Những người sinh hoạt trong GĐPT đã có sự thấu hiểu mạnh mẽ đến nỗi đau của con người và lòng trắc ẩn luôn sẵn có trong họ. Các thành viên thường dành thời gian thăm hỏi, nói chuyện về Phật pháp để xoa dịu nỗi đau về tinh thần, thể xác đối với những cá nhân gặp khó khăn trong cuộc sống. Những hoàn cảnh đó thường được giúp đỡ có việc làm kiếm thêm thu nhập, có thêm động lực để tiếp tục sống.

Các bạn nhỏ tuổi khi theo cha mẹ tham gia sinh hoạt tại GĐPT thường chưa hiểu hết được giá trị hoặc hành động Phật pháp từ buổi đầu. Những giáo lý của Phật pháp thường nặng tính triết học và đòi hỏi sự trải nghiệm cuộc sống. Do đó, quá trình tu tập và thực hành đạo pháp đơn giản nhất bằng việc lay động tình yêu thương, lòng trắc ẩn sâu thẳm bên trong mỗi con người. Đó là bản ngã, tính nhân văn của xã hội loài người. Việc giúp đỡ và chia sẻ tình yêu thương giữa con người với con người dễ tác động đến cảm xúc sâu thẳm nhất và đưa con người về với bản thể của cá nhân. Đó cũng là cách để cảm hóa, thức tỉnh, thôi thúc các hành động thiện nguyện.

Giờ học Hoạt động thanh niên của gia đình Phật tử Pháp Lâm tại Đà Nẵng - Ảnh: Internet

Có nhiều trải nghiệm trong việc thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trong đợt COVID-19 vừa qua. Đội Tình nguyện viên máu sống GĐPT Đà Nẵng được Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT thành lập ngày 19-11-2015 với mục đích hiến máu nóng và tiểu cầu máu cho các trường hợp cấp cứu, điều trị khẩn cấp tại bệnh viện và thực hiện mục đích của GĐPT Việt Nam. Từ con số hơn 30 thành viên đăng ký trong những ngày đầu phát động, sau một tháng, đã lên đến 150 người trong ngày ra mắt đội vào dịp lễ tổng kết hoạt động năm 2015 của Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT Đà Nẵng. Sau 6 năm hoạt động, số thành viên tham gia hiến máu theo lời kêu gọi của đội là 1.553 thành viên. Năm 2019, hiến 430 đơn vị máu và tiểu cầu máu. Năm 2020, hiến 423 đơn vị máu và tiểu cầu máu. Năm 2021, hiến 495 đơn vị máu và tiểu cầu máu. Trong đó có những tình nguyện viên đã tham gia hiến máu, tiểu cầu máy trên 20 lần (5).

Song song với công tác hiến máu cứu người, xuất phát từ tấm lòng từ bi của những người con Phật, hành theo hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, đội đã vận động và thực hiện nhiều đợt công tác thiện nguyện: năm 2016 là 531.600.000 đồng; năm 2017 là 865.800.000 đồng; năm 2018 là 734.650.000 đồng; năm 2019 là 665.650.000 đồng; năm 2020 là 1.401.830.000 đồng; năm 2021 là 484.380.000 đồng (6).

Số tiền trên được sử dụng để hỗ trợ tịnh tài cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện; thăm và tặng quà cho các bệnh nhân tại bệnh viện trong dịp Đại lễ Phật đản, Vu Lan, Tết Nguyên đán; tặng quà cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn; cứu trợ lũ lụt tại Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi; xây dựng nhà tình nghĩa tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Gia Lai; hỗ trợ học phí cho sinh viên nghèo đậu đại học nhưng không có tiền đi học, học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ bà con gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 năm 2020 và 2021; hỗ trợ bà con gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM; tặng khẩu trang, nước sát khuẩn cho các bệnh viện tại Đà Nẵng và TP.HCM; giải cứu nông sản cho bà con tại Quảng Nam và Hải Dương trong đại dịch COVID-19.

Bên cạnh hoạt động vật chất, thành viên của GĐPT cũng tham gia vào hoạt động cộng đồng tại địa phương để phòng chống sự lây lan của bệnh tật. Nhiều người, từ trẻ đến trung tuổi đều tham gia trực tại các chốt kiểm dịch, tăng cường cho lực lượng chức năng phân phát lương thực hoặc mua hộ đồ dùng thiết yếu khi tiến hành phong tỏa toàn thành phố. Nhiều người tình nguyện đưa người đi bệnh viện, hỗ trợ các trường hợp cấp cứu… Những hoạt động này giữa mùa dịch COVID-19 nhiều như việc làm thường ngày, không thống kê và coi như công việc đương nhiên để giúp đời, giúp người.

Sự khủng hoảng về tâm lý diễn ra với nhiều người, không chỉ riêng tác động của dịch COVID-19. Khi các cá nhân rơi vào bế tắc, căng thẳng, mệt mỏi, nếu có cơ duyên được thành viên của GĐPT trợ duyên, giúp đỡ thì sẽ có cơ hội thoát khỏi những lo âu, vững tin vào cuộc đời để bước tiếp trên những chặng tiếp theo.

4. Sự chấp nhận đa văn hóa

“Căn tính Phật bình đẳng với mọi chúng sinh” là tuyên ngôn rõ ràng của Phật giáo về quan điểm chấp nhận tính đa văn hóa đối với mọi người. Sinh hoạt trong GĐPT, văn hóa cá nhân được tôn trọng và không xét đến địa vị cũng như trình độ học vấn, khác biệt văn hóa và giới tính. Nhiều bạn trẻ đến với GĐPT khi là các bản thể khác nhau của giới tính, của vùng miền.

Có nhiều trường hợp các bạn xa quê đến với GĐPT. Đó là những người đã biết, đã tham gia GĐPT tại địa phương, nay xa quê hương ra Đà Nẵng, cũng muốn tìm một GĐPT để sinh hoạt. Hay là những người chưa biết gì về GĐPT, được bạn bè ở Đà Nẵng dẫn đi sinh hoạt cùng, sau đó được cảm hóa và tham gia.

Đối với các bạn sinh viên xa nhà, khó khăn chồng chất khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, các phật tử đã mua 20 tấn gạo để hỗ trợ cho các bạn sinh viên xa nhà đang sống tại Đà Nẵng, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (7).

Bản dạng văn hóa của mỗi cá nhân tham gia GĐPT rất phong phú và đa dạng, hầu hết mọi người đến và cùng chung một mục đích thực hành đạo pháp, tự giúp cuộc sống của mình và của những người khác. Mọi người đều bình đẳng trước cơ hội được giác ngộ và có được sự an yên trong tâm hồn.

Những quan điểm giáo lý cơ bản của đạo Phật đã đem lại cho con người một góc nhìn về cuộc đời và khó khăn mà con người phải trải qua trong cuộc đời này. Những thành viên trong GĐPT đến với nhau dựa trên niềm tin của Phật pháp, bằng niềm yêu thương không vụ lợi giữa con người với con người. Hoạt động của các thành viên trong GĐPT nhằm giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất cho mỗi cá nhân vượt qua nỗi đau trong cuộc sống.

GĐPT là một cộng đồng mang đậm tinh thần tôn giáo. Tổ chức này không ràng buộc bởi giáo lý, các thành viên vẫn sinh hoạt trong xã hội và truyền tải các giá trị của Phật pháp thông qua nhân sinh quan của mỗi cá nhân. Các thành viên của GĐPT hoạt động gắn kết thành mạng lưới “mở”, thân thiện và không mâu thuẫn với hoạt động của gia đình, nhà trường, xã hội. Tính liên kết đó vừa chặt chẽ vừa thân thiện, không có sự ràng buộc nào ngoài sự tự cảm nhận và tình cảm. Xét về yếu tố xã hội, đây là một mạng lưới mạnh đóng góp cho lĩnh vực công tác xã hội, mang màu sắc văn hóa Việt Nam. Trên phương diện quản lý, đây là một trong những yếu tố để các nhà quản lý tôn giáo và văn hóa có thể duy trì và phát huy.

_____________

1. Quảng Điền, Kỷ niệm 70 năm thành lập gia đình phật tử Việt Nam, giacngo.vn, 20-12-2021.

2. Kết quả khảo sát, tổng hợp của tác giả bài viết, 2021.

3. Travagnin, Stefania and Katz, Paul R., eds, Concepts and Methods for the Study of Chinese Religions III: Key Concepts in Practice (Các khái niệm và phương pháp nghiên cứu các tôn giáo Trung Quốc, III: Các khái niệm chính trong thực hành), Boston and Berlin: De Gruyter, 2019.

4. Hoàng Thu Hương, Tiếp cận Phật giáo với chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi: những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xã hội Việt Nam đương đại, Hội thảo quốc tế VESAK 2019 với chủ đề: Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, Nxb Tôn giáo, 2019.

5, 6. Báo cáo 40 năm thành lập và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, 2021.

7. Nguyên Hà, Phật giáo Đà Nẵng chung tay phòng chống COVID-19, giadinhphattu.vn, 31-7-2020.

Ths HOÀNG THỊ MAI SA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;