Tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và định hướng trong xây dựng cán bộ

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Trong hệ thống tư tưởng của Người, vấn đề tự lực, tự cường được đề cập sâu sắc và có giá trị thực tiễn lâu bền; không chỉ là nền tảng để giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là để xây dựng người cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” và thực hiện mong “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” (1).

1. Những nét cơ bản của tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có tư duy về tự lực, tự cường và quan tâm giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ để giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý chí tự chủ, tự lực, tự cường là tư duy nổi bật, nhất quán trong toàn bộ hoạt động chính trị của Người. Người luôn cho rằng, tự lực, tự chủ là phẩm chất, quyền lợi mang “tính người” và nếu con người không có quyền tự chủ thì không còn là con người đúng nghĩa. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở thực hiện phương châm: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã” (2). Bởi, nguyên lý cốt lõi của vấn đề tự lực, tự cường là: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” (3). Vì vậy, tự lực, tự cường tức là dựa vào sức mình là chính, tự mình suy nghĩ, tìm tòi, xác định rõ chủ trương, chính sách, biện pháp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý chí tự lực, tự cường là đặc trưng nổi bật của bản lĩnh, văn hóa con người Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển lên tầm cao mới, kết tinh ý chí, tinh thần bất khuất Việt Nam. Từ ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc đã bồi đắp tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam ở các giai đoạn cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường, trở thành nhà thiết kế, thi công vĩ đại sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo tinh thần, ý chí tự lực, tự cường. Trong các bài viết, bài nói của Người luôn hàm chứa, toát lên một hệ thống luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường, mà các nội dung chính là: không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng; chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân; quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc (4).

Ý chí tự lực, tự cường theo Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự biểu thị ý chí, năng lực của cá nhân, tổ chức và quốc gia, dân tộc. Trong đó, sự tự lực, tự cường của từng cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành sự tự lực và tự cường của tập thể, đất nước, dân tộc. Bởi vậy, Người đã nêu rõ quyết tâm, ý chí, phương pháp cách mạng, thể hiện sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường trong đấu tranh cách mạng: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập” (5). Ngay sau khi Việt Nam vừa giành được độc lập, trong Thư gửi các học sinh viết vào tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ niềm tin vào tương lai của nước nhà gắn với vai trò của thế hệ trẻ trong tự chủ, tự cường xây dựng, phát triển đất nước: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ nói chung, bồi dưỡng ý chí tự chủ, tự lực, tự cường nói riêng là tư duy chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng ở mỗi giai đoạn cách mạng. Tư tưởng này càng có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với tư tưởng ý chí tự lực, tự cường, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở thanh niên phải tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình thành những người vừa có đạo đức tốt, vừa có trình độ văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn để có thể nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang. Vì vậy, cho nên phải phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài” (7). Hơn nữa, hai phẩm chất “hồng” và “chuyên” cần được kết hợp một cách nhuần nhuyễn trong cấu trúc nhân cách của thế hệ trẻ, trí thức trẻ cách mạng trong thời đại mới.

2. Sự vận dụng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường trong hơn 35 năm đổi mới

Có thể khẳng định, phát huy ý chí tự lực, tự cường là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí tự lực, tự cường được rèn luyện, bồi dưỡng, hun đúc trong mỗi con người, mỗi cán bộ là để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, đặt lợi ích dân tộc, Tổ quốc lên trên hết. Đó chính là những giá trị bền vững, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc của tư tưởng, đạo đức, phong cách về ý chí tự lực, tự cường Hồ Chí Minh. Di sản tư tưởng tinh thần, ý chí tự lực, tự cường mà Người để lại được Đảng ta vận dụng sáng tạo để lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm đổi mới. Điều này khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng của Đảng và dân tộc ta, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là đúng đắn, phù hợp quy luật khách quan, thực tiễn đất nước và xu hướng phát triển của thời đại.

Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã minh chứng rõ, tự lực, tự cường giành được độc lập, tự do; tự lực, tự cường xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Yếu tố tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta luôn là động lực cơ bản thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến Việt Nam hiện nay, việc giữ vững độc lập, tự chủ, khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức đối với độc lập, hòa bình và phát triển của dân tộc. Do đó, trên cơ sở kế thừa và bổ sung quan điểm về những nhân tố tạo thành động lực qua các kỳ Đại hội, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam… phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (8). Đặc biệt, việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó có ý chí tự lực, tự cường, có khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong những năm qua, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, tiếp tục có những diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế cơ bản trên toàn cầu, song cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ diễn ra ngày càng gay gắt, dưới nhiều hình thức, gay go hơn, quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế. Trong bối cảnh đó, thế, lực và sức mạnh tổng hợp của Việt Nam ngày càng được nâng cao. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (9). Tình hình quốc tế và trong nước với những thuận lợi, thời cơ đan xen những khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, cấp bách, nặng nề hơn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, “bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; các mối đe dọa độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước… tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự chống, phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động…” (10). Điều này đặt ra yêu cầu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục chú trọng công tác cán bộ mạnh mẽ về tư duy, có ý chí quyết tâm chính trị cao, tự lực, tự cường và chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, đưa đất nước vững bước tiến lên.

3. Một số định hướng xây dựng cán bộ được chỉ dẫn bởi tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

Trong bối cảnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với điều kiện hội nhập quốc tế, đặc biệt là tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nền kinh tế số… sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức tác động đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới, cấp thiết đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thích ứng với tình hình, yêu cầu đặt ra đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi mỗi cơ quan, cá nhân cán bộ trong hệ thống chính trị phải có ý chí tự lực, tự cường, luôn ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi tri thức, khoa học, công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ công tác. Trước hết, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường vai trò của các cấp ủy đảng trong lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ có ý chí tự lực, tự cường. Cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần thống nhất nhận thức, tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường nói riêng. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn vừa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác, vừa là một trong những căn cứ quan trọng để định hướng, sử dụng cán bộ phù hợp với nhu cầu, hiệu quả công tác, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực.

Hai là, tiếp tục xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Làm tốt công tác tư tưởng, lý luận chính trị; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong cả hệ thống chính trị. Xây dựng hệ thống các chế độ, chính sách hợp lý, đồng bộ từ tuyển chọn, tuyển dụng, thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, chế độ đãi ngộ và tạo môi trường làm việc phù hợp để đội ngũ cán bộ phát huy trí tuệ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình, góp phần vào sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ba là, đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị phải luôn ý thức không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ phải là suốt đời, là sự thôi thúc thường xuyên, từ bên trong mỗi người nhưng cũng cần được quản lý, giám sát, đánh giá hằng năm của cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Luôn ý thức đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên định, vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, trước những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy, năng động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm trong công tác và chiến đấu.

Có thể khẳng định rằng, ý chí tự lực, tự cường chính là phương châm hành động xuyên suốt, nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó đã trở thành phương pháp, động lực của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là tiến trình đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường tiếp tục tạo nên động lực mới cho mỗi người cán bộ trong hệ thống chính trị thực hiện khát vọng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, như trong Di chúc của Người trước lúc đi xa mong muốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (11).

___________________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.222.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.320.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.445.

4. Quang Lộc, Cấn Dũng, Học Bác, nêu cao trọng trách người đứng đầu trong phát huy ý chí tự lực tự cường, congthuong.vn, 12-6-2021.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.209.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.34-35.

7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.339.

8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34, 104.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.228.

11. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.624.

Ths NGÔ THỊ MAI ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;