Hát đúm trong đời sống văn hóa của người dân đảo Hà Nam (Quảng Ninh)

Hà Nam là một vùng đất thuộc thị xã Quảng Yên, nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây vốn là một vùng đất nằm ở cửa sông Bạch Đằng, chủ yếu là đất bãi triều do phù sa sông lắng đọng. Điều kiện tự nhiên, đời sống sinh hoạt đã hình thành nên một nền văn hóa độc đáo, giàu giá trị về phong tục tập quán, lễ hội truyền thống. Trong đó, hát đúm là một loại hình dân ca đặc sắc, phản ánh đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây. Hát đúm không cầu kỳ, kiểu cách hay ưa sang trọng mà gần gũi, gắn với lời ăn tiếng nói, văn hóa đời sống hằng ngày của người dân lao động.

1. Hát đúm phản ánh phong tục hôn nhân

“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là lời đúc rút của ông cha từ xưa đến nay. Đó là ba việc quan trọng nhất trong cuộc đời của con người đặc biệt là đối với nam giới. Họ phải biết lo toan, tính toán cho cuộc sống cũng như chăm lo, tạo dựng tương lai, hạnh phúc gia đình. Bởi thế, đối với các chàng trai, cô gái, hôn nhân có ý nghĩa to lớn. Hôn nhân đánh dấu sự trưởng thành, trách nhiệm của người đàn ông, cũng như ước muốn về một mái ấm gia đình. Bởi vậy, trong tâm thức của người Việt, văn hóa cưới hỏi rất được coi trọng, nó không chỉ là sự đánh dấu bắt đầu cho cuộc sống lứa đôi mà còn là việc bảo tồn, giữ gìn thuần phong mỹ tục của cha ông.

Phong tục thách cưới

Trong hát đúm Hà Nam, tục thách cưới được thể hiện rõ nét, mở đầu là lời của chàng trai ướm hỏi cô gái về những lễ vật thách cưới: Yêu anh nàng ngỏ nhời ra/ Tiền bạc nàng lấy độ là bao nhiêu/ Họ hàng ăn uống thế nào/ Thì nàng cũng nói thấp cao anh tường/ Cau thì mấy thúng nhân phòng/ Rượu thì mấy hũ mâm đồng mấy đôi/ Chiếu hoa mấy cặp dải ngồi/ Thì nàng cũng nói cho tôi bằng lòng. Những lễ vật gồm tiền bạc, trầu cau, rượu thuốc, chiếu hoa… mang ý nghĩa như một phần đóng góp của nhà trai đối với nhà gái. Chàng trai bày tỏ sự biết ơn của mình và gia đình đối với nhà gái đã sinh thành và nuôi dưỡng con dâu.

Tuy nhiên, những sính lễ dùng cho việc thách cưới còn tùy thuộc vào gia cảnh của nhà trai. Với gia cảnh nghèo khó, chàng trai khó lòng đáp ứng đủ sính lễ của nhà gái, bởi vậy đôi khi chàng trai chỉ cưới bằng một “nồi khoai lang” hoặc chỉ mang sự tượng trưng: Em là con gái nhà nghèo/ Thày mẹ thách cưới những heo cùng gà/ Bây giờ em mới nói ra/ Chẳng heo, chẳng lợn, chẳng gà làm chi/ Thách to cũng chẳng làm gì/ Chàng mà ngỏ đến em thì làm cao/ Xin chàng chín tấm lụa đào/ Chín mươi hòn ngọc chín mươi ông sao trên trời.

Khi đã kiên định một lòng xây dựng cuộc sống lứa đôi, trai gái luôn dành cho nhau tình cảm cao đẹp. Người phụ nữ chấp nhận thiệt thòi, thậm chí “chẳng heo, chẳng lợn, chẳng gà” cũng “chẳng cần thách to” chỉ để mong ước về mái ấm gia đình, về hạnh phúc lứa đôi. Những lời bày tỏ trước lễ thách cưới chân thật mà mộc mạc, chân thành. Đôi ta kết duyên vợ chồng, cùng xây dựng cuộc sống mới cho đến bách niên giai lão là mong ước trong ngày trọng đại của đời người.

Phong tục hát sắm

Để tiến tới hôn nhân, ngoài những lễ nghi, tục lệ truyền thống, hai bên gia đình nhất là đôi trẻ còn cần có sự chuẩn bị, sắm sửa cho cuộc sống mới. Vợ chồng đồng lòng cùng nhau lo liệu, chắt chiu cho cuộc sống lâu dài. Chàng trai nguyện sắm sửa cho cô gái tất cả những vật dụng cần thiết cho cuộc sống đôi lứa. Từ những món đồ bé nhỏ như cái thắt lưng thâm, cái khăn đội đầu, cái dao, nồi đồng, tráp đựng trầu… tới những món đồ giá trị như gian nhà gỗ, tràng kỷ, đồng hồ… Tất cả vật dụng đó đều thể hiện tấm lòng của chàng trai với cô gái, sự chu đáo và mong muốn gắn kết lâu dài bền chặt: Sắm lược anh lại sắm gương/ Sắm tráp đựng bạc kim cương cài đầu/ Dao năm ngà nàng bổ cau/ Cái sáp đựng trầu nàng để nàng xơi.

Bên cạnh đó, người con gái cũng hết lòng quan tâm, vun vén, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, từng chiếc áo, từng bước đi... để chàng trai có thể hãnh diện, tự hào: Em sắm một bộ nhẫn vàng/ Đồng hồ quả quýt vắt ngang bên mình/ Sắm ba vuông nhiễu thắt lưng/ Áo the áo gấm phù dung ba mùi.

Sự sẻ chia, chăm sóc trong từng việc làm, từng hành động, cử chỉ hay lời nói chính là biểu hiện của tình yêu thương họ dành cho nhau. Họ quan tâm và yêu thương nhau một cách chân tình và cao đẹp. Đó là sự đồng lòng, thuận ý mà họ hàng đều tin yêu.

Có thể nói, hôn nhân chính là minh chứng của tình yêu đôi lứa, là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Hôn nhân cũng là ngày đẹp nhất của trai gái trong tình yêu. Đó là ngày mà mẹ cha, anh em, họ hàng, làng xóm được chứng kiến tình yêu của đôi trẻ, đánh dấu cho ngày hạnh phúc.

2. Hát đúm phản ánh văn hóa ứng xử

 Ứng xử trong mối quan hệ cộng đồng

Văn hóa ứng xử là một trong những phương diện để nhìn nhận đánh giá về con người. Nhìn nhận người ngay thẳng, thật thà, hiểu lễ nghĩa, biết ứng xử kính trên nhường dưới hay con người khôn ngoan thông qua thái độ, hành vi, lời ăn tiếng nói. Văn hóa ứng xử thể hiện qua những câu hát chào, hát mời trầu, mời nước khi khách đến chơi nhà, khi gặp gỡ làm quen thể hiện lòng mến khách, thân thiện, chan hòa giữa những con người mới lần đầu gặp gỡ. Những lời chào mời để lại ấn tượng sâu đậm và thiện cảm trong lòng khách phương xa: Đầu năm xem hội Tiên Công/ Bước vào trong hội cất ngay tiếng chào/ Tôi chào quý khách xa gần/ Tôi chào tất cả bạn xa bạn gần.

Bên cạnh đó, họ còn dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp thể hiện sự hiếu khách đáng quý và mong muốn cho một năm nhiều niềm vui, hạnh phúc, tuổi già bách niên giai lão, tuổi trẻ thành tài, nam nữ tìm được mối duyên vợ chồng: Chúc cho giai lão bách niên/ Chúc cho nam nữ tràn đầy hội xuân/ Các cháu đang độ thanh xuân/ Chăm lo nghiên bút dựng xây nước nhà.

Người Việt vốn nồng nhiệt hiếu khách, bởi vậy, khách đến chơi hội hay thăm nhà là niềm vui, cho dù mời nhau chỉ là ấm nước chè xanh, miếng trầu têm cánh phượng. Trầu cau mang một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống con người, nó làm cho mọi người gần gũi,   cởi mở, hòa đồng, thân thiện với nhau hơn. Còn đối với người lạ, khách phương xa miếng trầu chính là phương tiện để kết bạn làm quen, thông qua miếng trầu mà trở thành tri kỷ: Trầu này trầu quế trầu hồi/ Trầu tình trầu nghĩa trầu cay mặn mà.

Lá trầu xanh được điểm thêm chút vôi cay nồng ăn cùng miếng cau mỏng thắp nên tình nghĩa trong những ngày đông lạnh giá, bởi vậy “miếng trầu là đầu câu chuyện”, là “đầu trò” trong mỗi lần gặp gỡ. Trầu cau càng không thể thiếu trong những dịp trọng đại đời người của người Hà Nam bởi nó chính là cầu nối cho trai gái nhân duyên tốt lành.

Ứng xử trong mối quan hệ gia đình

Trước hết là mối quan hệ giữa vợ - chồng, đây là một trong những mối quan hệ ứng xử cần sự khéo léo và chân thành. Người phụ nữ cần có sự hài hòa, tinh tế, không những vậy, họ còn chăm lo vun vén gia đình, tảo tần sẵn sàng nhận hết gánh lo trong cuộc sống để động viên, khuyên chồng chú tâm học hành: Việc nhà cho chí việc quan/ Có em lo liệu giang sơn cho chàng/ Khuyên anh cố chí học hành/ Mai ngày thi đậu thành danh nên người.

Không gì hạnh phúc hơn là khi thấy chồng được công danh rạng rỡ, vinh hiển trở về: Bõ công cha mẹ sinh thành/ Bõ công em đã nuôi anh những ngày/ Trước là cho đẹp mặt chồng/ Sau là phận gái có công nuôi thày.

Đối với mối quan hệ giữa nàng dâu - mẹ chồng, người phụ nữ luôn phải biết cách cư xử sao cho khéo léo để không khí gia đình luôn hòa hợp. Văn hóa ứng xử của người phụ nữ thể hiện thông qua hành động, lời nói, việc làm chăm lo, vun vén cho gia đình chồng. Điều này cũng được phản ánh nhiều trong những điệu hát đúm. Đặc biệt, cách ứng xử giao tiếp của người phụ nữ được thể hiện rõ nhất trong hoàn cảnh xa chồng vì chiến trận. Người chồng gác lại nỗi buồn chia ly mà dặn dò vợ về cách ứng xử với gia đình để tránh điều tiếng không hay: Việc gia đình cậy em gánh vác/ Thờ mẹ cha đừng có kiêu căng/ Kính trên nhường dưới chờ chồng/ Sao cho nổi tiếng ở trong cõi đời.

3. Nghệ thuật diễn xướng

Không gian, thời gian diễn xướng

Không gian diễn xướng hát đúm quen thuộc nhất đối với người dân Hà Nam chính là trong lễ hội. Hằng năm, nơi đây diễn ra nhiều lễ hội như: lễ hội Tiên Công (mùng 7 tháng Giêng - ghi nhớ công ơn của các vị tiền nhân khai hoang lập ấp), lễ hội xuống đồng (đầu tháng 6 - cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt), hay lễ hội Bạch Đằng, lễ hội đình làng… Đây là không gian để gặp gỡ nảy sinh tình ý, say sưa với những câu hát tình tứ, mộc mạc, chân thành, giãi bày tâm tư tình cảm.

Không gian lao động sản xuất nơi sông ngòi, đồng ruộng cũng là không gian quen thuộc được phản ánh trong nhiều câu hát đúm. Mỗi khi lao động mệt nhọc hay khi để kết bạn, hỏi thăm tình hình của nhau, họ lại cất lên những câu hát đúm để động viên, khích lệ nhau cùng cố gắng, hăng say: Ới em cấy ở giữa đồng/ Em đã có chồng hay vẫn còn xuân.

Giống nhiều loại hình diễn xướng dân gian truyền thống khác, hát đúm cũng thường được thực hành vào thời gian diễn ra lễ hội. Đó là thời gian vào mùa Xuân, mùa đẹp nhất trong năm và là khoảng thời gian mà mọi công việc đã hoàn thành, mọi người tạm gác lại những lo toan bộn bề của cuộc sống để nghỉ ngơi và đắm mình vào những câu hát: Đông qua xuân lại tới rồi/ Cùng về lễ hội ngày đầu mùa xuân.

Có thể nói, mỗi độ Tết đến xuân về, vùng đất Hà Nam, Quảng Yên, Quảng Ninh lại nhộn nhịp và háo hức hơn với những lễ hội cổ truyền nói chung và những câu hát đúm đầy thân thuộc nói riêng.

Người tham gia diễn xướng

Đối với hát đúm, người diễn xướng không có sự giới hạn về tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị, giới tính. Họ có thể hát theo cặp đôi hoặc một nhóm người    (5-10 người chia đều hai bên nam nữ). Đôi khi người nam giới trong quá trình hát diễn xướng có thể tiến lên phía trước để đến gần hơn với cô gái, thậm chí đôi ba bên bởi vậy người ta gọi hát đúm hay là đám. Người nam là chủ thể diễn xướng đầu tiên, bắt đầu cho một cuộc đúm trong hội làng, trong lao động sản xuất hay lời bắt chuyện cho một cuộc gặp gỡ, giao duyên, kết bạn làm quen. Trong một cuộc hát, họ thường mặc trên mình những bộ quần áo truyền thống: nam thường mặc áo the khăn xếp, tay cầm ô và đi guốc mộc; nữ thường mặc áo tứ thân, bên ngoài là áo dài thâm, tay cầm nón lá.

Hình thức diễn xướng

Hát đúm thường được tổ chức theo các chặng hát. Chặng đầu là các câu hát để chào hỏi gặp gỡ trong giao tiếp và những lời mời trầu, mời nước. Chặng hai là các câu hát giao duyên, bày tỏ tình cảm, những câu hát đố, hát họa để thử tài cũng như những câu hát cưới, hát đi học, đi lính… và chặng cuối là những câu hát ra về đầy bịn rịn, lưu luyến, dặn dò. Những câu hát diễn tả cảm xúc của con người với đầy đủ  cung bậc cảm xúc, xuyến xao. Có cái ngại ngùng, e ấp thuở mới quen, thẹn thùng khi bước đầu gặp gỡ, rung động khi phải lòng, nhớ nhung khi xa cách, âu lo thấp thỏm khi đợi chờ… Quả thật, cảm xúc mới chính là biểu hiện chân thực nhất những rung cảm nội tâm của con người. Vui, buồn, hờn, giận đều được thể hiện qua từng giai đoạn cảm xúc, từng câu hát mộc mạc, chân phương mà thổn thức.

Với những giá trị đó, hát đúm đã góp thêm cho đời sống dân tộc một loại hình trữ tình dân gian độc đáo. Việc giữ gìn, bảo tồn những câu hát đúm chính là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương Hà Nam. Đồng thời làm giàu thêm bản sắc văn hóa, khẳng định nét đẹp riêng đáng tự hào của dân tộc, qua đó, khẳng định nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt không thể trộn lẫn với nền văn hóa nào khác.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.

2. Ngô Đăng Nhuận, Hát đúm vùng biển Quảng Ninh, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh, 2006.

3. Phạm Thị Quyết, Hát đúm làng đảo Hà Nam - Thị xã Quảng Yên, Nxb Hội Nhà văn, 2019.

4. Lê Đồng Sơn, Văn hóa Yên Hưng (tập 1: Lịch sử hình thành và phát triển), Nxb Văn học, 2012.

5. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1998.

TS DƯƠNG NGUYỆT VÂN - LÊ THỊ NINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;