Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ

Theo số liệu Điều tra các dân tộc thiểu số ngày 1-4-2019, nước ta có khoảng 1.319.652 người Khmer (1), là cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú tập trung đông nhất ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Họ cư trú chủ yếu tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ... Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Khmer đã tạo dựng nên hệ giá trị văn hóa truyền thống lâu đời gắn bó mật thiết với Phật giáo Khmer Nam tông, thể hiện sự độc đáo trên nhiều lĩnh vực như: văn hóa nghệ thuật, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo...

Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh - Ảnh: Trần Vinh

Triết lý Phật giáo Nam tông đã thấm sâu vào trong đời sống của cộng đồng người Khmer. “Ở mỗi nghi thức cụ thể đều có sự đan xen giữa yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Các lễ hội của người Khmer gắn với sinh hoạt thường ngày. Người Khmer không có sự phân biệt “rạch ròi” giữa phong tục tập quán với lễ hội, các yếu tố lễ và hội quyện vào nhau cho chúng ta thấy sự phong phú của lễ hội dân tộc. Lễ hội của đồng bào Khmer gắn liền với đạo đức, lối sống và ước nguyện của con người trong cuộc sống. Đồng bào thực hiện những nghi lễ mong sao cho quan hệ giữa con người và thiên nhiên tốt hơn” (2). Có thể nói, những giá trị văn hóa đặc sắc của người Khmer ở Tây Nam Bộ đã tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa Việt Nam đa sắc màu.

Lễ hội văn hóa dân gian là nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của người Khmer, có thể kể đến như: lễ cúng ông bà ( Sen Đôn-ta), lễ cúng trăng (Ok om bok), lễ hội đua bò, lễ vào năm mới (Chol chnam thmay), lễ cầu an… Trong đó, lễ đón mừng năm mới của đồng bào Khmer thường được tổ chức từ ngày 13 đến 15-4 (dương lịch) hằng năm. Đây được xem là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, được tổ chức tại chùa, trong từng gia đình, thể hiện quan niệm về chu kỳ vận hành của một năm và lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian, nhằm giáo dục con người về truyền thống dân tộc, lòng biết ơn tổ tiên, ý thức hướng thiện và ước mơ về hạnh phúc.

Với quan niệm mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm, vào 15-10 âm lịch hằng năm, người Khmer thường tổ chức lễ cúng trăng, đây là ngày cuối cùng của chu kỳ mặt trăng xoay quanh trái đất, khi mùa khô đến và mùa ẩm ướt sắp đi qua. Họ cho rằng, đây là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với thần mặt trăng đã giúp đỡ người dân trong việc bảo vệ mùa màng, mang đến sự ấm no, hạnh phúc cho con người. Sau đêm cúng trăng, đồng bào tổ chức nghi lễ đua ghe ngo - một hoạt động lễ hội truyền thống được ưa chuộng. Ngoài ra, họ còn có những nghi lễ mang ý nghĩa cầu an như lễ cầu an; lễ cúng ông bà; các nghi lễ liên quan đến vòng đời như: lễ trả ơn, lễ cưới, lễ chúc phúc, chúc thọ, lễ tang…

Người Khmer luôn quan niệm “vạn vật hữu linh”, nên trong đời sống tín ngưỡng, họ thường thờ cúng các vị thần tự nhiên như thần mưa, thần sông, thần rừng… Tín ngưỡng thờ vật tổ như thần rắn Naga - được xem là tổ tiên của dân tộc Khmer vẫn được lưu truyền và thể hiện trong nhiều lễ thức, nhất là trong lễ xuất gia của những người đến tuổi thành niên. Bên cạnh đó, người Khmer còn thờ thần Arak, vị thần bảo hộ cho các gia đình, dòng họ. “Tín ngưỡng thờ Arak và Neak-ta rất phổ biến. Trước đây, mỗi dòng họ của người Khmer có một hoặc nhiều Arak. Arak được thờ bởi nhiều dòng họ (Arak chua bua: của dòng họ). Các Arak thường thừa kế theo dòng nữ. Những gia đình cùng một bà tổ tính theo phía mẹ đều thờ chung Arak. Khi cúng Arak, điều kiện cần là phải có một người nữ làm rub arak (rub có nghĩa là xác) để cho Arak “nhập” linh hồn (thần nhập xác)” (3).

Trong đời sống của người Khmer, Phật giáo giữ vai trò, vị trí quan trọng và ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi sóc. Ngôi chùa là nơi các vị sư tu hành, đồng thời cũng là nơi người dân đến nghe giảng kinh Phật, xin những lời khuyên của các vị sư khi bắt đầu thực hiện một công việc mới hoặc giải quyết các vấn đề xảy ra trong đời sống hằng ngày. Do đó, ngôi chùa của người Khmer thường được xây dựng ở vị trí trung tâm của sóc, “vừa rộng rãi, vừa cao ráo với dáng vẻ sừng sững, nguy nga và tráng lệ. Đó là một quần thể kiến trúc và tiêu biểu cho nghệ thuật văn hóa truyền thống của người Khmer” (4).

Nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán với những giá trị văn hóa tốt đẹp đã được đồng bào Khmer chú trọng gìn giữ và phát huy, duy trì tổ chức đều đặn hằng năm. Để phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng, một số lễ hội truyền thống của người Khmer đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện tổ chức với quy mô lớn, trở thành lễ hội chính thức của tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang. Những lễ hội dân gian và lễ tục tốt đẹp được cộng đồng người Khmer tổ chức hằng năm, trở thành những ngày hội lớn, sôi nổi thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, đảm bảo việc thực hiện theo tập tục truyền thống với những nét đặc sắc, độc đáo vốn có như: lễ cúng trăng, lễ đón năm mới, lễ cúng ông bà… Qua đó ngày càng thắt chặt bền vững hơn tinh thần đoàn kết, sự mở rộng giao lưu hợp tác giữa các phum, sóc với nhau. Đảng bộ, chính quyền các cấp, ngành đều tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức các nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian… theo phong tục cổ truyền với không khí vui tươi, tiến bộ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Để tổ chức và quản lý tốt các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ đã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý, giao cho huyện và xã chủ động giám sát, hướng dẫn các chùa, phum, sóc tổ chức các hoạt động. Hằng năm, chương trình lễ hội đều được ban bảo vệ di tích đăng ký trước với cơ quan chức năng.

Công tác xã hội hóa trong các lễ hội những năm qua đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Ở một số lễ hội truyền thống, các Ban bảo vệ và nhân dân trực tiếp tổ chức lễ hội dưới sự hướng dẫn, định hướng của cơ quan chuyên môn. Cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nam Bộ đã có những đề án tổ chức nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống và ban hành nhiều chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer.

Để bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán của người Khmer, các sở VHTTDL ở Tây Nam Bộ đã xây dựng, ban hành và triển khai các quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào. Từ đó, chính quyền và nhân dân cùng quyết tâm xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh theo hướng vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vừa hạn chế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Cụ thể, trong việc tổ chức cưới hỏi, đa phần người dân đã chấp hành tổ chức lễ cưới không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tổ chức theo phong tục tập quán, khắc phục được tình trạng tảo hôn, tránh phô trương hình thức. Trong tang lễ, không tổ chức quy mô lớn với những nghi thức rườm rà, cầu kỳ, người chết phải được hỏa táng trong vòng 72 giờ kể từ khi qua đời, không sắm sửa cho người chết nhiều lễ vật nhưng vẫn đảm bảo những yếu tố truyền thống. Các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian được tổ chức theo hướng mang tính giáo dục, bảo tồn những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Ở Tây Nam Bộ, một số tỉnh đã xây dựng nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer với các phòng trưng bày lưu giữ những hiện vật có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử như: Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh hiện lưu giữ và trưng bày giới thiệu hơn 800 hiện vật, hình ảnh phản ánh về đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Khmer Trà Vinh từ truyền thống đến đương đại (5); Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng có phòng Trưng bày văn hóa Khmer hiện lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa truyền thống có giá trị về văn hóa của người Khmer do người dân địa phương trao tặng; Bảo tàng tỉnh Kiên Giang hiện nay cũng đang lưu giữ hơn 500 hiện vật văn hóa của người Khmer (6)… Đồng thời, một số tỉnh đã đầu tư kinh phí để tổ chức thực hiện nghiên cứu và xuất bản các đầu sách nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, sưu tầm về lễ hội của người Khmer.

Tỉnh Sóc Trăng đã dành một nguồn ngân sách của tỉnh và kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích chùa Kh’leang, Mahatup (chùa Dơi)… Bên cạnh đó, ngành VHTTDL tỉnh Sóc Trăng đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn và khai thác một số lễ hội lớn của tỉnh, như: lễ phước biển Vĩnh Châu (Chrôi rum chếk), lễ cúng dừa (Thắk côn), lễ hội cúng trăng - đua ghe ngo... Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.HCM thực hiện nhiều đề tài về bảo tồn văn hóa phi vật thể của người Khmer như: lễ cưới truyền thống, lễ hội Lôi protip (thả đèn nước), lễ hội cúng trăng… (7).

 Tỉnh Kiên Giang đã ban hành và triển khai Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vừa bảo tồn, phát huy các nghi lễ và giá trị tốt đẹp trong phong tục tập quán, vừa góp phần xóa bỏ được những hủ tục mê tín lạc hậu, nhiều nghi thức rườm rà trong thực hành nghi lễ. Hiện nay, đã có 45 lò hỏa táng trong các ngôi chùa Khmer ở Kiên Giang. Một số lễ hội truyền thống “luôn được các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản quan tâm tạo điều kiện thuận lợi. Hằng năm, tổ chức Ngày hội VHTTDL dân tộc Khmer vào tháng 10 âm lịch tại Gò Quao tạo nên bầu không khí vui tươi, lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc… Nhà chùa đã thực sự trở thành một trung tâm sinh hoạt văn nghệ thể thao, góp phần phát huy vốn văn hóa truyền thống trong xây dựng đời sống văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào” (8). Ngành VHTTDL tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thực hiện nhiều bộ phim tài liệu khoa học như: Lễ tang, lễ cưới truyền thống của người Khmer; Lễ hội Okombok - nét sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang. Triển khai biên soạn một số sách nghiên cứu như: Người Khmer trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ở Kiên Giang, Người Khmer ở Kiên Giang… (9).

Hằng năm, tỉnh Cần Thơ thực hiện kiểm kê và kiểm kê lại các di sản văn hoá phi vật thể của cộng đồng người Khmer đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, để bảo tồn và phát huy văn hóa tín ngưỡng của người Khmer như lễ Dâng y cà sa ở chùa Pôthi somrôn, “toàn bộ hoạt động diễn biến nghi lễ được thực hiện bằng cách quay phim, chụp ảnh, ghi chép diễn biến của nghi thức bằng báo cáo khoa học, dựng phim để lưu trữ. Sản phẩm của dự án được gửi về Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam để bảo tồn và phát huy” (10). Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã thực hiện một số dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer sinh sống trên địa bàn như: Khôi phục và truyền dạy nghệ thuật hát múa Dù kê của đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Cờ Đỏ; khôi phục và truyền dạy nghi thức dẫn dắt linh hồn của Acharyuki trong tang lễ của người Khmer ở phường Châu Văn Liêm thuộc quận Ô Môn…(11).

Bên cạnh đó, chính sách xây dựng các thiết chế văn hóa, các địa điểm sinh hoạt văn hóa trong vùng đồng bào Khmer sinh sống đã được quan tâm đầu tư. Các tỉnh vùng Tây Nam Bộ đã đầu tư kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được trang bị tủ sách, radio, cassette, hệ thống phóng thanh phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Một số địa phương vẫn chọn chùa Khmer làm địa điểm sinh hoạt văn hóa, nên phần lớn các chùa đều được cung cấp báo chí chữ dân tộc theo chương trình của trung ương. Nhiều địa phương đã cùng với các phum, sóc tập trung xây dựng nhà chùa thành điểm văn hóa, hướng dẫn đồng bào nếp sống văn hóa mới. Nhiều chùa đã mua hoặc được chính quyền địa phương cấp máy thu hình sử dụng phục vụ cho các cuộc sinh hoạt văn hóa của phum, sóc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của đồng bào.

Để bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa truyền thống, Đảng bộ, chính quyền các tỉnh vùng Tây Nam Bộ còn có các chính sách bảo tồn và phát huy, phát triển thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh và báo in. Hiện nay, trên các truyền hình, phát thanh của tỉnh đều có chương trình bằng tiếng Khmer với thời lượng nhất định.

Thực hiện Chỉ thị số 1869/CT-TTg ngày 10-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong giai đoạn mới, Thông tư số 10/TTr-MTTQ-BTT ngày 8-7-2016 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Khmer đã tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa tín ngưỡng truyền thống, làm cho văn hóa truyền thống thấm sâu vào từng người, từng gia đình và cộng đồng, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào.

Bên cạnh đó, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Khmer Nam Bộ và được tổ chức định kỳ 3 năm 1 lần tại các tỉnh Tây Nam Bộ và tổ chức Những ngày văn hóa Khmer Nam Bộ tại Hà Nội… Ngoài ra, các tỉnh cũng tiến hành tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc cấp tỉnh cho đồng bào Khmer như lễ hội đua bò Bảy Núi được nâng lên thành lễ hội cấp tỉnh và được tổ chức hằng năm ở An Giang; năm 2008, lễ hội cúng trăng đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh sách 15 lễ hội thuộc Chương trình quốc gia về Du lịch Việt Nam… (12).

Văn hóa tín ngưỡng là một yếu tố cấu thành của nền văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng của người Khmer ở Tây Nam Bộ, góp phần làm sống dậy những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc tộc người, loại trừ dần những hủ tục lạc hậu. Đồng thời, tăng cường nội lực và sức đề kháng cho văn hóa các dân tộc thiểu số và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

______________

1. Người Khmer, Cộng đồng 54 dân tộc, cema.gov.vn.

2, 3. Bùi Thị Hồng Loan, Yếu tố văn hóa tinh thần trong cộng đồng cư dân Khmer đồng bằng sông Cửu Long, Hội thảo quốc tế Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Trường Đại học An Giang, tổ chức ngày 30, 31-8-2018.

4. Nguyễn Xuân Nghĩa, Đạo Phật tiểu thừa Khmer ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4, Hà Nội, 1984.

5. Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, dulichtravinh.com.vn, 7-1-2021.

6. Yến Nhi, Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong đồng bào Khmer, svhtt.kiengiang.gov.vn, 5-7-2021.

7. Thạch Pích, Sóc Trăng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, baosoctrang.org.vn, 29-1-2021.

8, 9. Bùi Công Ba, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của người Khmer tỉnh Kiên Giang, phatgiaonamtongkhmer.org, 2-1-2018.

10, 11. Cao Kiều Thúy Linh, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Khmer tại Cần Thơ, baocantho.com.vn, 5-4-2015.

12. Đoàn Trung Dũng, Võ Văn Chỉ, Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Khmer Tây Nam Bộ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Tạp chí Dân tộc, số 167, 11-2014.

PGS, TS LÊ VĂN LỢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;