Tóm tắt: Thờ cúng tổ tiên là một trong những tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nét văn hóa đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, góp phần tạo thêm giá trị nhân văn của dân tộc ta với đức tính thủy chung, nhớ về cội nguồn, giữ gìn nếp sống hiếu đạo trong đời sống hiện nay. Việc lựa chọn đồ thờ, bài trí trên bàn thờ gia tiên rất quan trọng đối với đồng bào, thể hiện sự tôn kính và tri ân của gia đình, gia tộc đối với các bậc tiền bối. Vị trí và cách bài trí bàn thờ trong gia đình người Tày, Nùng cho biết nhân sinh quan của họ trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.
Từ khóa: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bàn thờ gia tiên, người Tày, Nùng, Cao Bằng.
Abstract: Ancestral worship is one of the traditional beliefs of the Vietnamese people. It is also a beautiful cultural aspect in the spiritual life of the Tay and Nung people in Cao Bang, contributing to the humanistic values of our nation with loyalty, remembrance of roots, and preservation of filial piety in contemporary life. The selection of worship items and their arrangement on the ancestral altar is very important to the people, expressing the respect and gratitude of the family and clan towards their ancestors. The position and arrangement of the ancestral altar in Tay and Nung families reveal their philosophy of life in religious and spiritual practices.
Keywords: ancestral worship belief, ancestral altar, the Tay and Nung people, Cao Bang.
Bàn thờ tổ tiên dân tộc Tày, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng - Nguồn: tác giả
1. Vị trí ban thờ và sự xếp đặt bát hương
Trong ngôi nhà truyền thống của dân tộc Việt Nam thường được cấu trúc với số gian lẻ: 3, 5 hoặc 7 gian. Với số phòng lẻ như thế, gian giữa nhà được coi là trung tâm, dành đặt bàn thờ gia tiên. Phía trước bàn thờ là bàn ghế tiếp khách. Từ bàn thờ tổ tiên nhìn ra khoảng sân với hai bên là nhà ngang và căn nhà bếp, tạo thành kiến trúc chữ môn (1). Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng ở Cao Bằng cũng có nhiều điểm chung với người Kinh.
Đồng bào nơi đây gọi bàn thờ gia tiên là Bán sớ Phi Đẳm. Bàn thờ tổ tiên của người Tày được trang trọng đặt ở gian chính của ngôi nhà. Bàn thờ gia tiên của họ đối diện với cửa lớn vào nhà. Giải thích về vị trí này, các nhà nghiên cứu cho rằng: “Gian giữa của ngôi nhà là khoảng không gian thiêng liêng, là nơi kiêng kỵ và cung kính nhất trong gia đình” (2). Khoảng không gian xếp đặt bàn thờ được xác định ở giữa hai cột chính chống đỡ nóc nhà và có sự phân cách bàn thờ với hai gian bên cạnh bằng tấm vách.
Tuy nhiên, vị trí bàn thờ của người Tày và Nùng có một số điểm khác nhau. Nếu đó là nhà cấp bốn có ba gian, thì bàn thờ tổ tiên của người Nùng được xác định là gian bên phải từ hướng cửa đi vào nhà (3). Dù đặt ban thờ ở đâu thì trong quan niệm của dân tộc Tày, Nùng, nơi đó đều là vị trí trang trọng và là không gian thiêng nhất của ngôi nhà (4). Tổ tiên thường xuyên đồng hành với bà con trong mọi khó khăn cũng như khi họ đón nhận niềm hạnh phúc. Đồng bào luôn dành sự kính phụng đối với những người đã khuất. Do đó, bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng nhất trong mỗi gia đình và dù làm gì, họ cũng không được phép quay lưng lại phía bàn thờ.
Mẫu thức bàn thờ chung của người Tày, Nùng bao gồm một số đồ vật tiêu biểu, như: bát hương, bài vị, lư hương và một số đồ cúng tế khác. Bàn thờ tổ tiên ở mỗi gia đình được trang trí đẹp, trang trọng. Cách bài trí của bàn thờ cho thấy khá rõ quan niệm của đồng bào về văn hóa và tín ngưỡng.
Bát hương trên bàn thờ được đồng bào gọi là “ăn ham”, “ăn thản”. Đối với gia đình dọn về nơi ở mới hoặc nhà mới xây xong, gia chủ sẽ chọn ngày tốt để đưa bát hương vào nhà. Các bậc cao niên ở đây cho biết, để thực hiện điều này, người Tày, Nùng phải nhờ đến các thày cúng (pựt, tào, mo, then…). Trong quan niệm của dân bản, đây là những người “mắt sáng” (gần tha rủng), có khả năng giao tiếp được với người đã khuất.
Số lượng bát hương trên bàn thờ của các gia đình Tày, Nùng ở Cao Bằng rất linh động. Họ có thể đặt 3 bát hương và cũng có nhà đặt 4 đến 5 bát hương trên bàn thờ gia tiên. Thông thường, trên bàn thờ của đồng bào đặt 3 bát hương và bát hương ở giữa được kê cao hơn 2 bát bên cạnh. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cơ bản, các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, 3 bát hương đó bao gồm: bát hương thờ thánh mẫu, thờ tổ tiên, dòng họ và thờ thần nông (hoặc nếu gia đình đó không làm ruộng mà kinh doanh, làm nghề sẽ thờ cúng tổ sư). Vị trí mỗi bát hương được chủ nhân xếp đặt theo một thể thống nhất, thể hiện quan niệm tín ngưỡng của họ. Trao đổi với những vị cao niên của đồng bào nơi đây, chúng tôi được biết, chúng được sắp xếp như sau: bát hương ở chính giữa, thắp hương thờ tổ tiên; bát hương bên phải thờ thánh mẫu (đồng bào dân tộc gọi là “dả hoa”, “dả bjoóc” tức là Hoa tiên, Thánh mẫu); bát hương bên trái thờ thần nông (hoặc tổ sư).
Tuy nhiên, một số nghiên cứu về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Tày, Nùng đã có quan niệm khác về 3 bát hương này. Tác giả Mông Văn Bốn cho biết cụ thể về 3 bát hương đó như sau: một bát thờ Đắm (lạc đắm - rễ cọc, thờ gốc - cội nguồn); một bát thờ lộc mệnh (gia phả dòng họ); một bát thờ hàm (các chức sắc của tổ tiên) (5).
Một số gia đình đặt 4 hoặc 5 bát hương trên bàn thờ gia tiên. Bát hương thứ tư hoặc thứ năm không hoàn toàn theo quy chuẩn bắt buộc đối với từng gia đình.
Người Tày và người Nùng đều theo chế độ phụ hệ. Do đó, khi đón chú rể về “nạp tế”, nhà cô dâu thường thêm bát hương thứ tư dành để thờ tổ tiên của người đến ở rể. Tương tự, phía nhà chú rể sẽ đặt thêm bát hương thứ tư thờ thánh mẫu bên ngoại. Bát hương này sẽ được đặt thứ tư tính từ phải sang trái.
Bát hương thứ năm khá linh động, đặt trong các trường hợp khác nhau. Khi có thêm một thành viên mới chào đời, gia chủ sẽ đặt thêm bát hương thứ năm. Khi đi thực tế tại làng Nà Mằn, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh chúng tôi được các cụ cao niên người Tày cho biết, bát hương thứ năm dành thờ dả hoa - dả bjoóc. Hoặc, trong dòng họ hoặc nhà nào đó có người làm thày tào, làm pựt hoặc làm thày thuốc, làm nghề mộc, sẽ đặt thêm một bát hương nữa trên bàn thờ (6). Bát hương thứ năm, được xếp ở ngoài cùng bên phải bàn thờ (nhìn từ dưới).
Ngoài các bát hương kể trên, ở một số gia đình còn có thêm vài bát hương khác. Những người mất do tai nạn hoặc do chiến tranh, họ sẽ được người nhà thắp hương ở bên phải cửa ra vào hoặc ở góc sân.
2. Kết cấu của Dàm Ham
Dàm Ham là một phần quan trọng trên bàn thờ gia tiên của đồng bào Tày, Nùng. Đó là toàn bộ phần khung quây xung quanh chiếc bàn đặt bát hương và được kết cấu làm ba phần: phần trên cùng, phần giữa (màu đỏ) và hai bên (đôi câu đối).
Phía trên cùng của Dàm Ham là hoành phi, được viết bằng chữ Nho (Hán). Chất liệu thông thường là gỗ để khắc chữ hoặc gỗ để sơn mài, cũng có thể làm bằng vải hoặc giấy cứng. Chi tiết này cũng có trong kết cấu ban thờ của người Kinh. Bức hoành phi của người Kinh thông thường viết ba từ: “Đức Lưu Quang” (德流光). Điều này được hiểu là: “Đức sáng muôn đời”, “Đức tốt giữ mãi ánh sáng”, “Đức chan hòa ánh sáng”… Dân tộc Việt có lối sống thủy chung, có trước có sau, trọng tình nghĩa. Vì lẽ đó, họ luôn coi trọng chữ “đức” (德) và muốn lưu truyền điều đó cho hậu thế với tâm nguyện “Tâm sáng muôn đời”. Câu đối hai bên bàn thờ của người Kinh: “Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh/ Tổ tông công đức thiên niên thịnh”. Điều này được hiểu là: “Công đức tông ngàn năm thịnh. Con hiếu cháu hiền vạn đại vinh” và đặt ở giữa một bát hương thờ tổ tiên.
Bức hoành phi trong mỗi gia đình Tày, Nùng cũng được viết bằng ba từ chữ Hán: “Tổ đường võ”. Câu này nghĩa là: “Tổ tông vĩnh cửu”. Hai bên Dàm Ham treo câu đối: “Nghìn năm phúc lộc an khang thái/ Vạn đại con cháu đắc hưởng chừ”. Đôi câu đối này được hiểu là: “Nghìn năm phúc lộc an lạc thái bình. Vạn đại con cháu được hưởng chia”. Nhìn chung, những chữ viết ở hoành phi, câu đối đều có ý nghĩa giáo dục, răn dạy hậu bối giữ gìn, ý thức tự hào và nối tiếp phong tục, truyền thống của gia đình, gia tộc mình.
Phần giữa hai câu đối và được đặt phía sau các bát hương có dán giấy đỏ hoặc vải đỏ. Cuối năm, bà con Tày, Nùng lại mang giấy/ vải đỏ mới nhờ các thày tào (hoặc thày mo, pựt, then) viết chữ Nho và mang về dán lên bàn thờ tổ tiên. Khi đến xóm Bản Nùng, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình, anh K - người dân tộc Nùng sinh sống tại đây cho chúng tôi biết, tên của khung chữ treo ở khoảng sau các bát hương là “Sớ Phi-ham” (7).
Sớ Phi-ham phổ biến nhất có bề ngang gần 1m, bề dọc khoảng 1m và trên đó có viết chữ Nôm Tày (8), ở một số gia đình viết chữ Nho (Hán). Nội dung thông tin được ghi đều xoay quanh việc ca ngợi về dòng họ của gia đình đang được thờ cúng. Tấm sớ của đồng bào Tày, Nùng được trình bày từ trên xuống dưới, cơ bản như sau:
“Đường thời phụng hương hỏa họ… môn…” (9).
Câu này tạm dịch:
“Phụng dưỡng hương hỏa họ… vĩnh cửu...”.
Sau khi hoàn thành việc viết chữ, sớ Phi-ham được đưa vào trong khung kính và dựng lên hoặc treo lên tường phía sau bát hương. Thông thường, tấm sớ này treo nhiều ở những gia đình có người làm tào, pựt, then hoặc những gia đình danh gia vọng tộc.
3. Trang trí giấy đỏ
Vào dịp cuối năm, người Tày, Nùng thường dán những tờ giấy đỏ mới tinh, không nhàu nát để trang trí ban thờ và nhiều nơi trong nhà. Trước đây, họ có thói quen tự cắt những tấm giấy đỏ mang đến nhờ thày cúng viết chữ Nho lên đó. Trong cuộc sống hiện nay, tục dán giấy đỏ ngày Tết của bà con Tày, Nùng vẫn được duy trì, nhưng đã có một số thay đổi. Bà con không cần đến nhà thày cúng mà vẫn có thể mua tất cả mọi đồ trang trí bàn thờ có sẵn trên thị trường như: tranh thờ, câu đối hoặc những tấm giấy đỏ in sao vàng và búa liềm…
Theo lời của một lão niên người Tày ở xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa (10): Mỗi năm, vào ngày 29 hoặc ngày 30 Tết, các gia đình Tày, Nùng ở Cao Bằng cùng trang hoàng lại nhà cửa từ sáng sớm. Những tờ giấy đỏ của năm trước đó đã bị dỡ xuống và cất cẩn thận vào một góc. Trong quan niệm của 2 dân tộc Tày, Nùng, khi những tấm giấy đó bị vứt bừa bãi và bị gia cầm, gia súc giẫm lên, gia đình đó sẽ bị giáng họa trong năm mới. Vì lẽ này, sau khi cẩn thận lau rửa bàn thờ, đồng bào sẽ thu gọn và hóa (đốt) những tấm giấy đỏ ở sân trước nhà.
Gỡ bỏ giấy đỏ đã cũ xong, bà con tiến hành lau rửa bàn thờ tổ tiên và chuẩn bị dán giấy mới. Sau khi hoàn thành việc xông hơi nước lá bưởi cho bàn thờ thật thơm và sạch sẽ, gia chủ bắt đầu dán giấy đỏ trên bàn thờ gia tiên và cửa ra vào ngôi nhà mình. Số lẻ như 3, 5, 7 là những con số được lựa chọn cho việc dán giấy đỏ. Trong quan niệm của dân tộc Việt nói riêng và phương Đông nói chung, số lẻ (số cuối kết thúc là: 1, 3, 5, 7, 9) là số dương và số chẵn (số cuối kết thúc là: 2, 4, 6, 8, 10) là số âm (11). Số dương luôn được coi là biểu tượng cho sự phát triển và số âm mang thuộc tính ổn định, thậm chí không may mắn. Có lẽ vì lý do này, người Tày, Nùng cũng không có thói quen lựa chọn số chẵn cho các hành vi trong tín ngưỡng, tôn giáo của mình.
Kết quả thu được từ chuyến đi khảo sát gần đây của chúng tôi ở xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa cho thấy, ngoài bàn thờ gia tiên, đồng bào còn dán giấy đỏ lên nhiều đồ vật, vật nuôi, cây cối. Những nơi này, họ chỉ đặt duy nhất một tờ và kích thước của nó khoảng 6x10cm. Trong ngày Tết, nhiều tấm giấy đỏ còn được gắn nơi cửa ra vào, cột nhà, cửa chuồng trâu, bò, lợn, gà, cuốc, xẻng… của người dân với mục đích cầu lộc, sức khỏe, bình an và làm ăn thuận lợi, phát đạt.
Dùng giấy đỏ trang trí bàn thờ gia tiên nhân dịp đón năm mới là truyền thống lâu đời của người Việt nói chung và đồng bào Tày, Nùng nói riêng. Sự lựa chọn màu sắc này dựa trên quan niệm cho rằng, đỏ là màu sắc tượng trưng cho dương khí, cho ánh mặt trời, đem lại may mắn, bình yên cho con người. Đây cũng là biểu tượng ấm áp của bếp lửa trong mỗi gia đình, là biểu đạt cho máu đỏ chảy trong huyết quản mỗi người... Học giả Jean Chevalier và Alain Gheerbrant trong nghiên cứu chung đã đưa ra phân tích: Màu đỏ là biểu tượng cơ bản của bản nguyên sống, với sức mạnh, quyền năng và ánh chói của nó, màu đỏ, màu của lửa và của máu (12).
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, các bậc phụ lão người Nùng sinh sống tại xóm Quốc Dân, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa) đã hào hứng kể về truyền thuyết của đồng bào gắn với màu đỏ linh thiêng trong tín ngưỡng của dân tộc mình. Theo đó, xa xưa dân bản thường xuyên bị lũ quỷ trên núi xuống phá hoại, gây thiệt hại cho bà con về người và của cải và hoạt động sản xuất. Từ khi dân bản treo mảnh vải đỏ trước hiên nhà, lũ quỷ bỏ chạy, không phá phách làng xóm nữa (13). Do đó, cứ mỗi khi Tết đến xuân về, dân làng lại lấy giấy đỏ, vải đỏ dán xung quanh bàn thờ gia tiên và các đồ dùng trong gia đình với mục đích xua đuổi tà ma và cầu may mắn, bình yên. Cũng qua hành vi này, đồng bào còn răn dạy thế hệ sau về sự quý trọng, phát huy đức tính tốt đẹp của tổ tiên, của các bậc tiền bối.
Kết luận
Trong đời sống tâm linh tôn giáo, đồng bào Tày, Nùng rất coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Điều này thể hiện rất rõ trong sự tỉ mỉ, trang trọng mà họ dành cho các hoạt động bài trí bàn thờ. Theo quan niệm của bà con, đây là nơi trú ngụ của linh hồn các bậc tiền nhân. Do đó, sự sắp xếp, trang trí đều ẩn chứa trong đó quan niệm tôn giáo, biểu tượng tâm linh và nhân sinh quan của họ. Từ cấu trúc bàn thờ đến những hành vi trong thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng cho thấy cách ứng xử với tổ tiên, thái độ trân trọng và lối sống thủy chung của đồng bào nơi đây.
________________________
1. Xem: Nguyễn Đăng Duy, Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.60; Nguyễn Văn Minh, Tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr.159-160.
2. Lương Thị Thoa (chủ biên), Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.174.
3, 9. Xem: Chu Văn, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng, baocaobang.vn, 29-8-2020; Phúc Khang, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của một số dân tộc ở Cao Bằng, dantocmiennui.vn, 15-3-2017.
4. Nguyễn Đức Lữ - Nguyễn Thị Hải Yến, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam xưa và nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.42.
5. Mông Văn Bốn, Tục thờ cúng tổ tiên của người Tày, dantocmiennui.vn, 13-11-2015.
6. Nội dung thu được từ cuộc khảo sát thực tế của tác giả bài viết tại làng Nà Mằn, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, ngày 12-12-2023.
7. Nội dung thu được từ cuộc khảo sát thực tế của tác giả bài viết tại xóm Bản Nùng, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, ngày 14-12-2023.
8. Chữ Nôm Tày là di sản văn hóa của dân tộc, lưu trữ nhiều thông tin quan trọng trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Đây là thành tựu quý báu được sáng tạo bởi giới trí thức Tày, Nùng và cộng đồng trí sĩ Việt Nam.
10, 13. Nội dung cuộc khảo sát thực tế của tác giả bài viết tại xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa, Cao Bằng, ngày 13-12-2023.
11. Glynis Mccants, Mật mã Thần Số học dựa trên Pitago (Hồ Minh Trí dịch), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2023.
12. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: huyện thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc và con số, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1997, tr.303.
Tài liệu tham khảo
1. Triệu Thị Mai, Tục cúng Phi Ham của người Tày, Nùng, baocaobang.vn, 29-3-2015.
2. Hoàng Nam, Một số biểu tượng của lễ vật và đạo cụ cúng (Khảo sát dân tộc Nùng ở xã Đại An, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), Thông báo Dân tộc học năm 2006 (Kỷ yếu hội nghị), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 18-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 25-2- 2025; Ngày duyệt đăng: 28-3-2025.
TS BÙI THỊ ÁNH VÂN - Ths NGUYỄN BÍCH HẠNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025