Cấu trúc lưỡng hợp trong lễ hội của người Chăm (Nghiên cứu trường hợp lễ Rija Nagar - lễ hội đầu năm của người Chăm tỉnh Ninh Thuận)

Tóm tắt: Bài viết tập trung vào việc phân tích cấu trúc lưỡng hợp trong lễ hội Rija Nagar đầu năm của người Chăm tại thôn Bỉnh Nghĩa, Ninh Thuận. Lễ hội này, dù có những điểm tương đồng với các vùng Chăm khác nhưng lại chứa đựng nhiều nét đặc sắc và khác biệt, đặc biệt trong các nghi thức và biểu tượng. Bài viết làm nổi bật nghi thức múa phồn thực thể hiện khát vọng về sự sinh sôi, nảy nở. Tác giả cũng chỉ ra nhiều biểu tượng lưỡng hợp khác trong lễ Rija Nagar Bỉnh Nghĩa, vừa thể hiện tư duy nhị nguyên sâu sắc của người Chăm, vừa là sự kết hợp hài hòa giữa các phạm trù đối lập trong văn hóa của dân tộc Chăm. Lễ Rija Nagar Bỉnh Nghĩa không chỉ là một nghi lễ đơn thuần mà còn là một tổng thể văn hóa phức tạp, chứa đựng nhiều lớp nghĩa sâu sắc về sự sinh sôi, giao hòa giữa âm - dương, đực - cái, cũng như giữa các cấu trúc mang tính cặp đôi trong xã hội và văn hóa Chăm.

Từ khóa: cấu trúc lưỡng hợp, lễ Rija Nagar, người Chăm.

Abstract: This article focuses on analyzing the dualistic structure in the Rija Nagar festival at the beginning of the year of the Cham people in Binh Nghia village, Ninh Thuan province. This festival, while sharing some similarities with other Cham regions, contains many unique and distinct features, especially in its rituals and symbols. The article highlights the phallic dance ritual, which expresses the desire for fertility and growth. The author also points out many other dualistic symbols in the Binh Nghia Rija Nagar festival, which both demonstrate the Cham people’s deep dualistic thinking and represent a harmonious combination between opposing categories in Cham culture. The Binh Nghia Rija Nagar festival is not just a simple ritual but a complex cultural whole, containing many profound meanings about fertility, the harmony between yin and yang, male and female, as well as between dualistic structures in Cham society and culture.

Keywords: dualistic structure, Rija Nagar festival, the Cham peole.

Nghi thức múa phồn thực trong lễ Rija Nagar ở Bỉnh Nghĩa - Ảnh: tác giả cung cấp

1. Đặt vấn đề

Người Chăm ở miền Trung Việt Nam có một nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng thể hiện trên nhiều bình diện tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật... Trong số các giá trị đó, nghi lễ hội hè giữ một vai trò trọng yếu, không chỉ gắn liền với đời sống tâm linh, đó còn là nơi truyền tải các giá trị đặc sắc về văn học và nghệ thuật, bởi những bài thánh ca trong các nghi lễ chính là áng văn chương độc đáo nhất của dân tộc Chăm. Những bài ca, điệu múa dâng thần trong các nghi lễ chính là nét đặc sắc nhất của nghệ thuật Chăm.

Chính vì vậy, lễ hội Chăm luôn là một đề tài nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm. Các công trình tiêu biểu về lễ hội Chăm có thể kể đến như: Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm (1998), Lễ hội chuyển mùa của người Chăm (2006) của Ngô Văn Doanh, Lễ hội của người Chăm của Sakaya (2003), Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm Raglai Ninh Thuận của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận (2010)... Tuy nhiên, theo chúng tôi, những công trình này chỉ dừng lại ở việc tổng hợp và khảo tả hệ thống các nghi lễ hoặc một số nghi lễ mà ít dành sự quan tâm đến những biểu tượng trong những nghi lễ cụ thể hoặc chỉ nói qua trong các công trình ấy.

Bài viết tập trung vào việc khai thác và phân tích những biểu tượng thông qua ý nghĩa của các quy trình, vật phẩm và hành động của từng chủ thể trong nghi lễ. Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào những biểu tượng mang tính lưỡng hợp, phồn thực trong một nghi lễ đặc trưng nhất của người Chăm đó là lễ Rija Nagar đầu năm của người Chăm. Địa điểm mà chúng tôi khảo sát là nghi lễ Rija Nagar tại thôn Bỉnh Nghĩa (tiếng Chăm gọi là: Bal Riya), xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận, nơi còn lưu giữ nhiều nét đặc sắc về nghi lễ và có nhiều đặc thù so với các vùng Chăm khác.

 2. Khái quát về thôn Bỉnh Nghĩa và hệ thống lễ hội đầu năm thôn Bỉnh Nghĩa

Bỉnh Nghĩa là một làng người Chăm Bàlamôn (Cam Jat, nghĩa là người Chăm gốc, hay Cam Ahiér) thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc (xã Phương Hải, huyện Ninh Hải cũ), tỉnh Ninh Thuận. Theo số liệu công bố của huyện Thuận Bắc, xã Bắc Sơn có 4 thôn và 3 dân tộc cùng sinh sống bao gồm: 1.483 hộ/ 7.519 khẩu. Trong đó: thôn Bỉnh Nghĩa gồm 557 hộ/ 3.055 khẩu; thôn Láng Me (chủ yếu là người Kinh sinh sống) gồm 357 hộ/ 1.603 khẩu; thôn Xóm Bằng và thôn Xóm Bằng 2 (Chủ yếu là người Raglai) gồm 569 hộ/ 2.861 khẩu (1).

Theo các cụ trong làng, cái tên Bỉnh Nghĩa có từ năm 1937 dưới thời ông Đạo Đặng làm lý trưởng, khi làng chuyển về chỗ hiện nay. Còn tên Chăm của làng là Bal Riya. Làng nằm trong một vùng đất khô cằn, có những dãy núi lớn bao quanh như: Cơk Yang, Cơk Praun, Cơk Mưrau, Cơk Mưh… Bỉnh Nghĩa không chỉ nằm trong một vùng đất khá biệt lập về địa lý mà lại tách khá xa những làng Chăm khác. Ở tỉnh Ninh Thuận, người Chăm sống tập trung và chủ yếu ở huyện Ninh Phước; ở huyện Ninh Hải, có hai thôn người Chăm: An Nhơn, Phước Nhơn ở xã Xuân Hải và thôn Bỉnh Nghĩa ở huyện Thuận Bắc.

Như vậy, có thể nói, người Chăm ở Bỉnh Nghĩa sống ở một nơi khá tách biệt với khối cộng đồng Chăm Ahier của mình. Có lẽ vì lý do đó mà Bỉnh Nghĩa không nằm trong 3 khu vực cộng đồng Chăm Ahiér ở Ninh Thuận. Khoảng 38.000 người Chăm Bàlamôn ở 16 thôn được phân thành ba khu vực theo đền tháp thờ tự: Khu vực tháp Po Ramé (làng Hậu Sanh) có sáu làng: Hậu Sanh, Hiếu Thiện, Vụ Bổn, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và Phước Lập; Khu vực đền Po Ina Nagar (làng Hữu Đức) có 3 làng: Hữu Đức, Như Bình và Bàu Trúc; Khu vực tháp Po Klaong Girai có 7 làng: Hiếu Lễ, Chất Thường, Phú Nhuận, Hoài Trung, Phước Đồng, Thành Ý và có thể cả Bỉnh Nghĩa. Lý do để có thể quy Bỉnh Nghĩa vào khu vực Po Klaong Girai là vào những khi tiến hành lễ nghi cần đến chức sắc Bàlamôn ở thôn, thì thôn phải mời các vị chức sắc từ khu vực Po Klaong Girai đến làm lễ, vì trong thôn không có đầy đủ những thày chức sắc Bàlamôn (các chức sắc Po Adhia hay Basaih thường phụ trách cúng tế ở các đền, tháp).

Hiện nay, để phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng làng Chăm Bỉnh Nghĩa thành lập ra 1 Ban phong tục phối hợp với chính quyền để tổ chức các nghi lễ, lễ hội hằng năm. Về đội ngũ chức sắc, làng Bỉnh Nghĩa có 2 nhóm chính là chức sắc Maduen (chức sắc vỗ trống Baranang hát các bài thánh ca) và chức sắc Kadhar (chức sắc kéo đàn Kanyi và hát thánh ca); Bỉnh Nghĩa còn có chức sắc Camanei (người giữ đến thờ, trước đây chưa có Ka-ing, chức sắc này thay thế vai trò múa lễ trong các nghi lễ), gần đây có chức sắc Ka-ing (thấy bóng chuyên múa lễ dâng các vị thần). Đặc biệt, Bỉnh Nghĩa còn duy nhất một Muk Pajuw (Bà bóng cộng đồng) là Muk Pajuw duy nhất của tỉnh Ninh Thuận.

Khác với đại đa số cộng đồng Chăm ở Bỉnh Nghĩa, các lễ hội dân gian của người Chăm ở Bỉnh Nghĩa trong một năm chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng đầu năm tức là tháng Giêng Chăm lịch (khoảng tháng 4, 5 dương lịch) tạo thành hệ thống lễ hội đầu năm mang đặc trưng riêng có. Các địa điểm mà ở đó lần lượt diễn ra các hệ thống lễ đầu năm của dân làng Bỉnh Nghĩa là: đền thờ y trang của Po Bil Thuer (hay còn gọi là miếu Ông) tại làng Bỉnh Nghĩa; một bãi trống của làng Bỉnh Nghĩa; đền thờ Po Bil Thuer (cách làng Bỉnh Nghĩa 14km về phía Đông thuộc 2 làng Khánh Nhơn và Mỹ Tường, xã Nhơn Hải); cửa Ngâm (thuộc làng Mỹ Tân, xã Nhơn Hải); miếu Po Bia Sôi (hay được gọi là miếu Bà Đỏ) ở làng Mỹ Tân, xã Nhân Hải; miếu Po Ina Nagar tại làng Bỉnh Nghĩa. Các địa điểm này nằm trải dài ở 2 huyện Ninh Hải và Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận.

Hệ thống lễ hội này bao gồm 8 nghi lễ thành phần: lễ Rija Harei, lễ Rija Nagar (lễ múa đầu năm), lễ cúng đền Po Bil Thuer, lễ cúng đền thờ Po Bia Sôi, lễ Paralao Kasah (lễ cúng Cửa Ngâm), lễ cúng đền thờ Po Nâgar Hamu Kut, lễ Po Nai, Po Riyak, lễ Ikak Ghak, Ikak Limah (cúng tống tiễn/ ôn).

Hệ thống lễ hội đầu năm Bỉnh Nghĩa cũng bao gồm nhiều thành tố văn hóa dân gian mà hầu như không được tìm thấy ở các làng Chăm khác của tỉnh Ninh Thuận như: nghi thức múa phồn thực (tamia klai kluk), nghi thức hát đối đáp (adaoh Pasa), nghi thức múa tống tiễn lễ vật (paralao Salih)… Với không gian tổ chức rộng lớn, bên ngoài quy mô của làng, hệ thống lễ hội này cũng thu hút sự tham gia của không chỉ cộng đồng Chăm Bỉnh Nghĩa mà đông đảo người Chăm và người Kinh ở các địa phương khác. Chính vì những giá trị đặc sắc như vậy, hệ thống lễ hội đầu năm làng Chăm Bỉnh Nghĩa đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 606/QĐ-BVHTTDL, ngày 3-2-2021).

Trong số các lễ hội thuộc hệ thống lễ này, lễ Rija Nagar là lễ hội tiêu biểu chứa đựng nhiều biểu tượng liên quan đến cấu trúc lưỡng hợp của người Chăm từ hình thức tổ chức, quy trình tổ chức đến các thành tố văn hóa như diễn xướng, âm nhạc, ẩm thực… quan trọng nhất là các yếu tố mang tư duy phồn thực trong tiến trình thực hành lễ hội. Do đó, để khắc họa rõ các cấu trúc lưỡng hợp trong lễ hội Chăm, bài viết đi sâu vào trường hợp điển hình là lễ hội Rija Nagar thuộc hệ thống lễ hội đầu năm của làng Chăm Bỉnh Nghĩa.

3. Biểu tượng phồn thực trong lễ hội Rija Nagar

Rija Nagar là lễ múa đầu năm thường diễn ra vào đầu năm Chăm lịch (khoảng tháng 4 dương lịch). Nhìn chung lễ Rija Nagar ở mỗi nơi đều như nhau, nghi lễ được tổ chức trong một nhà lễ được dựng tạm ở đầu làng hoặc các vùng đất trống trong làng do chức sắc Maduen (thày vỗ trống Baranang và hát các bài thánh ca) và ông Ka-ing (ông vũ sư múa các điệu múa dâng thần) thực hiện. Lễ này diễn ra trong 2 ngày: chiều tối ngày thứ năm cúng gà hoặc bánh trái; sáng ngày thứ sáu cúng dê cho thần (2).

Tuy nhiên, so với các làng Chăm khác, nghi lễ Rija Nagar ở Bỉnh Nghĩa có rất nhiều khác biệt, nếu như các lễ ở vùng khác ngày vào, ngày ra đều do Maduen và Ka-ing thực hiện thì ở Bỉnh Nghĩa, ngày vào vẫn có 2 vị này chủ trì, nhưng ngày ra lại do chức sắc Kadhar và Muk Pajuw thực hiện. Hiện nay, lễ Rija Nagar ở Bỉnh Nghĩa chỉ diễn ra trong buổi chiều nhưng cũng phân ra 2 phần tương ứng với 2 nhóm chức sắc khác nhau, người Chăm gọi là: tamư han, tabiak pabaiy (lúc vào cúng bánh trái, ra cúng dê). Bên cạnh đó, sau nghi lễ này, người Chăm Bỉnh Nghĩa còn tổ chức 2tiểu lễ, mà hầu hết các làng Chăm khác không có, là nghi thức hát đối đáp (adaoh pasa) và múa phồn thực (tamia klai kluk) (3). Trong số đó, nghi lễ múa phồn thực thể hiện rõ nét nhất tư duy cặp đôi, khát vọng về sự sinh sôi nảy nở của người dân thôn Bỉnh Nghĩa.

Nghi thức múa phồn thực được diễn ra ở trước nhà lễ ngay sau nghi thức hát đối đáp. Nghi thức này do một người đàn ông đứng tuổi, có gia đình và có thân hình lực lưỡng thực hiện cùng với Muk Pajuw. Khi múa, người đàn ông này mặc một chiếc xà rông trắng, mình để trần, đầu quấn chiếc khăn màu trắng thòng xuống. Nghi thức này bắt đầu bằng việc chức sắc Kadhar (ở trong nhà lễ) đánh đàn Kanyi hát thánh ca về Po Ina Nagar, ở bên ngoài, người đàn ông cầm 3 cây tre có đầu chuốt nhọn (tượng trưng cho dương vật) vừa múa vừa nhún nhảy. Người đàn ông lần lượt chĩa đầu nhọn của 3 cây tre theo 4 hướng, rồi sau đó chĩa xuống đất, có khi vừa đứng vừa chĩa, cũng có khi quỳ xuống và chĩa vào mặt đất, đây là nghi thức biểu hiện cho sự giao hợp. Trong khi người đàn ông thực hiện nghi thức này người dân cũng hưởng ứng bằng cách reo hò ủng hộ.

Sau đó, người đàn ông này vào nhà lễ và giao lại 3 cây tre cho Muk Pajuw, đến lượt bà ra bên ngoài nhà lễ để múa. Cũng như người đàn ông, Muk Pajuw nhận lấy 3 cây tre ra trước nhà lễ, chĩa cây tre về 4 hướng, nhưng sau đó, bà chỉ cầm 3 cây tre một bên tay và múa nhún nhảy như cách múa truyền thống của phụ nữ Chăm, trong khi bà múa, ông Kadhar cũng vừa kéo đàn, vừa hát. Nghi lễ này kết thúc bằng việc tẩy uế cho 3 cây tre, đại diện cho sinh thực khí, cuối cùng, chúng được đặt lên cái tra chứa hình nhân thế mạng (salih) để thực hiện nghi thức cuối cùng là tống tiễn hình nhân (palao salih).

Nghi thức múa phồn thực với đạo cụ là 3 cây tre nõ nường tượng trưng cho dương vật, với hành động biểu tượng là nghi thức cầm 3 cây tre vừa múa vừa chĩa xuống đất, chĩa càng mạnh thì càng được mọi người hưởng ứng thể hiện rõ tư duy phồn thực. Đó không chỉ thể hiện hành vi tự nhiên mang tính bản năng trong đời sống tình dục của con người, mà còn mang tính chất thiêng, thể hiện khát vọng cư dân nông nghiệp về sự sinh sôi của con người, sự tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi, sự sản sinh của vạn vật. Suy rộng ra đó là triết lý về sự kết hợp đực - cái, sự giao hòa âm - dương (người Chăm gọi là tanaow - binai/ lakei - kamei tạm dịch là đực - cái/ nam - nữ) trong triết lý nhị nguyên không chỉ của người Chăm mà còn được chia sẻ bởi nhiều dân tộc khác.

Ngoài ra, sự phân hóa theo cấu trúc lưỡng hợp còn được thể hiện trong nghi thức hát đối đáp. Nghi thức này diễn ra ngay sau phần cúng dê. Ở phía trước nhà lễ, các cụ ông và cụ bà đứng đối diện nhau, nam bên trái, nữ bên phải theo ý niệm nam tả nữ hữu, nội dung bài ca chủ yếu ca ngợi công trạng các vị thần nhưng phân biệt rõ rệt giữa phần hát của nam và nữ. Khi kết thúc buổi lễ, họ trao nhau những miếng trầu têm, những miếng trầu này cũng phân biệt dam - dara (cách gọi con trai và con gái đang tuổi cập kê của người Chăm). Tư duy nhị nguyên còn thể hiện qua hình nhân (salih). Cuối nghi lễ sẽ có một lễ tiễn đưa hình nhân. Hình nhân được làm bằng bột gạo nặn thành hình người hoặc động vật, nhưng trọng tâm vẫn là 4 hình người biểu trưng cho 2 nam, 2 nữ.

4. Một số biểu tượng lưỡng hợp khác trong lễ Rija Nagar Bỉnh Nghĩa

Bên cạnh nghi thức múa thể hiện rõ nét tư duy phồn thực của người Chăm Bỉnh Nghĩa, còn có nhiều chi tiết trong nghi lễ Rija Nagar ở Bỉnh Nghĩa thể hiện rõ nét tư duy về sự phân hóa cấu trúc theo hướng nhị nguyên bao gồm hai cặp đối lập không chỉ giới hạn trong phạm trù đực - cái, âm - dương. Có thể kể tới 2 biểu tượng chính: sự phân hóa giữa thần linh mới (yang biruw) và cũ (yang klak); giữa lễ vật chay (kaya yuer) và mặn (kaya klam) (4).

Ở các lễ Rija Nagar của tất cả các làng Chăm đều có sự phân biệt giữa hệ thống thần linh cũ và thần linh mới. Theo người Chăm, thần linh cũ là các vị thần bản địa chưa mang yếu tố Hồi giáo Po Ina Nagar, Po Klaong Girai, Po Klaong Kasat, Po Romé... trong khi các thần linh mới là các thần linh ảnh hưởng Hồi giáo như Po Tang, Po Gihluw, Po Tang Ahaok, Po Riyak, Po Haniim Par... Vì vậy, phần lễ Rija Nagar thường phân ra 2 ngày, ngày vào cúng cho thần linh mới, ngày ra cúng cho thần linh cũ. Tuy nhiên, sự phân hóa theo 2 phạm trù thần linh cũ và mới này được biểu hiện rõ nét nhất ở làng Bỉnh Nghĩa.

Cụ thể, nếu ở các làng khác dù cúng cho thần mới hay cũ đều có chủ lễ là Maduen và chức sắc múa lễ là Ka-ing, thì ở Bỉnh Nghĩa, phần kết thúc cúng cho thần cũ phải do hệ phái Kadhar và Muk Pajuw đảm nhiệm, trong phần lễ này, chức sắc Kadhar (dựng bàn tổ ở gốc trái cuối nhà lễ) vừa hát các bài thánh ca về các vị thần, trong khi Muk Pajuw (dựng bàn tổ giữa cuối nhà lễ) vừa rót rượu, vừa khấn vái các vị thần được mời. Như vậy, nghi thức cúng cho thần linh trong lễ Rija Nagar phân biệt rất rõ giữa hệ thần linh mới và cũ tương ứng với giới chức sắc, ở Bỉnh Nghĩa chỉ có các chức sắc Kadhar và Muk Pajuw (chuyên cúng cho các thần linh bản địa chưa ảnh hưởng Hồi giáo) mới được cúng thần cũ, còn các chức sắc Maduen và Ka-ing (vốn ảnh hưởng từ Mã Lai) chỉ cúng cho các thần ảnh hưởng Hồi giáo, trong khi lễ Rija ở các làng khác không có phân biệt. Đây cũng là một biểu hiện của tư duy lưỡng hợp vì người Chăm xem sự phân loại này như là một phạm trù đối lập và thống nhất trong hệ thống thần điện (5).

Về phần lễ vật, người Chăm phân biệt 2 phần lễ vật chay (xôi chè, bánh trái...) và mặn (thịt, cá...). Ở một số làng, lễ Rija Nagar ngày vào cúng thịt gà, đến ngày ra mới cúng thịt dê, như vậy thường không phân biệt lễ vật chay và mặn. Tuy nhiên, lễ vật ngày vào tại lễ Rija Nagar Bỉnh Nghĩa bắt buộc phải là lễ vật chay, chỉ có trứng là ngoại lệ, vì người Chăm quan niệm trứng phải đi kèm với rượu trong các nghi lễ ấy (alak mbak baoh manuk). Trong khi lễ vật chính của ngày ra có thịt dê như mọi làng khác, người Chăm Bỉnh Nghĩa phân biệt rất rõ điều này vì như họ nói tamư han, tabiak pabaiy (vô cúng bánh trái, ra cúng thịt dê). Sự phân biệt giữa vật phẩm chay và mặn cũng là một biểu tượng thể hiện tư duy lưỡng hợp trong ẩm thực của người Chăm.

5. Kết luận

Cũng như nhiều dân tộc có truyền thống nông nghiệp khác trong khu vực, người Chăm mang trong mình một tư duy nhị nguyên sâu sắc, không chỉ nhìn thế giới dưới nhãn quan của sự kết hợp đực - cái (phồn thực), tư duy về sự kết hợp trời - đất, thế giới ấy còn là sự kết hợp hài hòa giữa các phạm trù khái quát khác như về tôn giáo có Awal (Bàni) - Ahiér (Bàlamôn), thần linh có thần cũ - mới, thức ăn có chay mặn, màu sắc có nóng lạnh, lịch pháp có bingun - klam (6)... Ý niệm về tính phồn thực và các cặp phàm trù đối lập khác được biểu hiện rõ nét trong các biểu tượng trong lễ Rija Nagar của người Chăm, mà làng Bỉnh Nghĩa là nơi mà những biểu tượng ấy phổ biến và tiêu biểu hơn hết.

Những biểu tượng mang tính nhị nguyên trong lễ Rija Nagar Bỉnh Nghĩa bao gồm các nghi thức, hành động biểu tượng như múa phồn thực, hát đối đáp và sự phân biệt giữa hệ thống thần linh cũ, thần linh mới đi kèm với các cặp chức sắc tín ngưỡng, tôn giáo riêng. Mặt khác, cũng có những công cụ biểu tượng biểu thị ý nghĩa cấu trúc cặp đôi, lưỡng hợp như đạo cụ múa lễ là ba cây tre vót đầu nhọn tượng trưng cho dương vật, lễ vật dâng cúng phân thành chay và mặn, hình ảnh trầu têm dam - dara, hình nhân mô phỏng hình 2 cặp nam nữ.

Tất cả những nghi thức, hành động và công cụ biểu tượng ấy được diễn ra và sử dụng trong nghi lễ Rija Nagar Bỉnh Nghĩa không chỉ mang những lớp nghĩa đơn thuần, riêng biệt, mà trở thành một tổng thể văn hóa cấu thành toàn bộ diễn trình và cấu trúc nghi lễ để biểu đạt ý nghĩa về sự sinh sôi nảy nở, về sự kết hợp và giao hòa giữa đực - cái, âm - dương, cũng như giữa những cấu trúc mang tính cặp đôi trong nghi lễ, văn hóa Chăm.

_________________

1. Theo trang: thonbinhnghia.blogspot.com.

2. Về nghi lễ Rija Nagar của người Chăm xem: Ngô Văn Doanh, Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998; Lễ hội chuyển mùa của người Chăm, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2006.

3. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm Raglai Ninh Thuận, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2010, tr.192.

4. Sakaya, Lễ hội của người Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003, tr.13-14.

5. Về hệ thống thần điện Chăm xem thêm: Đổng Thành Danh, Hệ thống thần điện của người Chăm, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2 (152), 2016, tr.105-116.

6. Sakaya, Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr.392-398.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 25-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-1-2025; Ngày duyệt đăng: 25-2-2025.

TÀI CÔNG THÙY DIỄM  - TS LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;