Vài nét về văn hóa xứ Huế

Tiểu vùng sông Mê Kông là một trong những cái nôi đã hình thành nên nền văn minh nhân loại với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc mang tính độc đáo. Việt Nam nói chung và Huế nói riêng là một trong những mảnh đất nằm trong khu vực cần khai thác về tiềm năng văn hóa du lịch trong lộ trình phát triển. Những giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt như một sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại và dung hợp - nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống độc đáo, quý giá, mang tính đặc trưng trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những yếu tố tinh túy của kiến trúc dân tộc kết hợp với tiếp thu nghệ thuật kiến trúc của các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông, từ đó hội tụ thành một đô thị văn hóa ở vùng đất kinh kỳ với sự kết hợp đan xen, giao hòa và khác biệt.

Thừa Thiên - Huế nằm trong vùng Trung Bộ, là phần hẹp của lãnh thổ nước ta với địa hình phức tạp, độ cao biến đổi mạnh từ Tây sang Đông. Đất đai cằn cỗi, phù sa nhỏ, ít thuận lợi cho trồng trọt. Về điều kiện khí hậu, tính chất địa hình tự nhiên đã có những tác động khác nhau đến sự hình thành và phát triển văn hóa ở Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là văn hóa cung đình và dân gian. Bàn về điều này, cố GS Trần Quốc Vượng từng nhận xét: “…người Huế khéo tạo cảnh nơi đây - từ tự nhiên thành văn hóa (man made Environment - môi sinh nhân văn)” (1). Trong tiến trình mở rộng bờ cõi và phát triển của đất nước, xứ Huế hình thành với vùng đất uốn lượn chảy dài phía Bắc giáp Quảng Trị, phía Nam giáp Hải Vân, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ mà bên kia là nước Lào, phía Đông là biển với nhiều địa hình bờ biển gấp khúc, có những dòng sông xen kẽ. Huế còn là một trong các địa vực đã có con người tụ cư sinh sống từ rất sớm. Điều này không chỉ được ghi nhận trong các tư liệu lịch sử mà còn được minh chứng qua các phát hiện khảo cổ học TK XX. Những phát hiện trong khoảng ba mươi năm qua đã minh chứng khá nhiều dấu vết của người xưa trên đất Huế. Những di vật như rìu đá, đồ gốm được tìm thấy trong các tầng văn hóa vào những năm 1977-1978 đã khẳng định tại Huế có các di chỉ khảo cổ học với niên đại cách ngày nay hàng chục ngàn năm và tương đồng với niên đại khảo cổ học thời nguyên thủy của các nước tiểu vùng Mê Kông.

Trình diễn áo dài tại Festival Huế - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

1. Một số vấn đề về văn hóa xứ Huế và sự dung nạp giữa các nền văn hóa

Năm 1558, khi vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã hướng đến việc xây dựng vùng đất này thành trung tâm kinh tế, chính trị xứng đáng với tầm vóc đô thành của Đàng Trong. Sang TK XVIII, các chúa Nguyễn đã thiết lập ở Đàng Trong những phủ chúa, những trung tâm văn hóa có sức tồn tại, lan tỏa mạnh mẽ và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của vùng đất Thuận Hóa. Trong Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An và trong Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn đã mô tả xứ Đàng Trong - Phú Xuân từ TK XVI đến đầu TK XVIII đã rất phát triển, các phủ đệ được xây cất bằng gạch ở khắp nơi với tường cao dày, cửa rộng. Các bình phong với lối kiến trúc đẹp và trang nhã, các tạo hình trang trí theo đề tài tứ linh và trang trí hoa lá, quả cành bằng sành sứ. Năm 1802, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân, xác lập sự thống trị trên phạm vi cả nước. Với một nước Đại Nam có đất đai vật lực, tiềm năng mọi mặt dồi dào và phong phú, đồng thời có vị trí là kinh đô của nước Đại Nam, xứ Huế trở thành trung tâm chính trị, văn hóa của quốc gia suốt TK XIX. Từ đây, đã có sự khẳng định về việc xây dựng kinh đô mới tại Phú Xuân. Sau khi lên ngôi năm 1804, Gia Long cho khảo sát địa thế để tiến hành xây dựng Kinh thành Huế, trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những yếu tố tinh túy của kiến trúc dân tộc kết hợp với việc tiếp thu nghệ thuật kiến trúc Trung Quốc và kỹ thuật xây dựng thành lũy Pháp. Việc triều đình trưng tập thợ giỏi và của cải cả nước về Phú Xuân đã tạo ra cơ hội to lớn trong việc phát triển Phú Xuân thành đô thị văn hóa, nghệ thuật tập trung và đầy đủ nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam với thành lũy, lâu đài, cung điện, lăng mộ, các phường thợ, làng nghề với nhiều ngành nghề thủ công khác nhau tạo nên sự phong phú đa dạng, đa sắc yếu tố vùng miền.

Kể từ những đợt di dân của người Việt từ Bắc vào Nam với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau bắt đầu diễn ra trên đất xứ Huế, sự hình thành cư dân ở nhiều vùng khác nhau cũng phần nào tạo nên các yếu tố văn hóa của xứ Huế, trong sự pha trộn với văn hóa Chăm - văn hóa Việt - văn hóa Á Đông, từ đó định hình các vùng văn hóa ven biển - đồng bằng - đồi núi. Xứ Huế trở thành nơi quần tụ của nhiều cư dân có nhiều sắc thái về nguồn gốc, là điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa diễn ra liên tục trong hàng chục thế kỷ, điều này đã tác động đến thái độ ứng xử của nền văn hóa Chàm ở Huế cũng có điểm khác biệt. Kể từ khi xứ Huế thuộc vào chủ quyền của quốc gia Đại Việt, vùng đất này lại tiếp tục là nơi đan xen, giao hòa giữa hai nền văn hóa riêng. Không giống như những nơi khác, cư dân Chàm ở lại đất Thuận Hóa rất đông, sống hòa nhập vào cộng đồng người Việt và các dân tộc thiểu số, tạo thành khu vực dân cư đa sắc tộc, đa văn hóa, sống đan xen và có những tác động tinh thần qua lại rất mật thiết. Sự hòa nhập, đan xen giữa các nguồn cư dân Việt, Chàm, dân tộc thiểu số cũng là nguyên nhân khiến vùng Huế bảo lưu được nhiều yếu tố, lẫn tập quán tín ngưỡng của nhiều dân tộc trong bối cảnh văn hóa dung nạp và có sự chọn lọc kế thừa tinh túy. Cũng chính vì lẽ đó mà một phần nào phong cách văn hóa Huế đã được hình thành từ sự pha trộn, dung nạp giữa các nền văn hóa từ nhiều phía quy tụ lại, trong đó cốt cách của văn hóa Đại Việt tuy giữ vị trí chủ thể nhưng không còn ở nguyên mẫu. Về sau, những phẩm chất, đặc tính văn hóa ấy đã trở thành những dấu ấn đặc sắc của văn hóa thời Nguyễn tồn tại cho đến ngày nay.

2. Biểu hiện văn hóa Huế phong phú, đa dạng

Thời Nguyễn, Huế là thủ phủ, trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Các vua nhà Nguyễn đã rất chú trọng tới việc xây dựng các công trình kiến trúc. Điều đó vừa thể hiện uy quyền của chế độ, vừa thể hiện nét riêng trong khoảng thời gian cầm quyền và điểm tựu trung là sự bảo hộ cho các lĩnh vực phát triển, thông qua việc đưa các mẫu hình văn hóa vào trong tổ chức, mà điển hình là công trình kiến trúc, tạo nên những dấu ấn riêng trong mỗi công trình và mỗi điểm nhấn mang lại những giá trị văn hóa - thẩm mỹ, tâm linh trường tồn với thời gian. Khi nói đến Huế, không thể vắng bóng hình ảnh sông Hương, núi Ngự, bóng dáng người thiếu nữ Huế và hình ảnh thành cổ rêu phong, trầm mặc với những công trình kiến trúc cung đình, chùa chiền sâu đậm nỗi niềm hoài cổ. Về vấn đề này, họa sĩ Phạm Đăng Trí đã nhận xét: “Phải chăng vì màu sắc thiên nhiên tại Huế xinh đẹp như vậy nên đã làm say đắm lòng người, đã tác động đến màu sắc do con người tạo ra trong đời sống hằng ngày qua những chiếc bánh, những chiếc lồng đèn ngũ sắc và nhất là qua những tà áo nhuộm màu phong phú...” (2). Văn hóa Huế vẫn giữ yếu tố chủ đạo là gốc Đại Việt và quy tụ được những yếu tố văn hóa mới, có tính tích cực từ nhiều ảnh hưởng đan xen, tất yếu và không thể bài trừ, điều đó cũng in dấu đậm nét trong các hoạt động nghệ thuật dân gian và trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn, sự đặc sắc này còn lan tỏa với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông. Ngay từ khi chúa Nguyễn khai thác bờ cõi về phía Nam, âm nhạc ở Bắc truyền vào đã chịu ngay ảnh hưởng của âm nhạc Chăm pa. Dấu ấn của nghệ thuật Chàm trong văn hóa Huế và cả những phong vị Chàm trong lối sống của người Huế rất đậm nét và tạo ra điều mà cố GS Trần Quốc Vượng từng nêu khi bàn về bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái Huế: “Văn hóa Huế là văn hóa đô thị nhưng tĩnh lặng và thanh bình đến lạ thường... là sự đan xen và giao thoa, giao hòa văn hóa Việt - Chàm, Việt - Minh Hương... Và bàng bạc trong xã hội, văn hóa Huế có một sắc thái hoài niệm cố đô” (3). Sự hoài niệm cố đô mà tác giả nhắc tới phải chăng là món quà tặng của thiên nhiên dành cho vùng đất thăng trầm này, với những thắng cảnh tuyệt diệu, kiến trúc đền đài, tập tục văn hóa tín ngưỡng,… kể cả những thăng trầm “riêng biệt” đối với người dân miền Trung luôn in hằn trong tâm trí của mỗi người con xứ Huế.

Bản tính người Huế trong ứng xử văn hóa, mỹ thuật thể hiện xứ Huế là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Bên cạnh những nét bình dân, mộc mạc, pha chút kiểu cách của người Huế, còn có nhóm cư dân với bản tính chắt chiu, cần kiệm của người xứ Nghệ, tính cách khí khái, hào hiệp, can trường của người xứ Quảng, cùng với tính chịu thương chịu khó của những lớp người di cư từ Đàng Ngoài vào. Sự dung tụ này cũng tạo nên tính cách đa sắc thái của cư dân miền Trung - xứ Huế. Những đặc tính này ít nhiều ảnh hưởng đến việc tạo lập kiến trúc nhà ở, chi phối cách lựa chọn ứng xử với thiên nhiên trong không gian cư trú.

Người Huế kín đáo và trầm lặng, ít nói, sống hoài cổ. Điều này còn thể hiện ở cái cách mà người Huế tiếp nhận cái mới, cái lạ, tất cả những gì mới và lạ du nhập vào Huế đều phải trải qua một quá trình thẩm thấu, chọn lọc thật kỹ thì mới được người Huế đón nhận. Sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên mang biểu tượng, triết lý, tâm linh, văn hóa phong phú, sự tinh tế và tính nghệ thuật, thẩm mỹ - là những tố chất tạo nên nét văn hóa mang đậm dấu ấn của người dân Huế, người miền Trung.

3. Lời kết

Người Huế với tư cách là chủ nhân của vùng đất đô thành, kinh thành, kinh đô nên tự thân mang trong mình tố chất thị thành hay có thể nói có một lối sống thành thị, tính cách thành thị trong cư dân Huế, thể hiện trong thế ứng xử khi xây dựng cung điện, thành quách, phố xá, nhà cửa, lối sống, nếp sống của đô thành, thủ phủ, của con người chốn kinh kỳ. Trong cách ăn mặc, học hành, làm việc, và cả vui chơi giải trí của người Huế cũng thể hiện một cách sống đầy tính văn hóa nghệ thuật của cư dân thị thành. Người Huế trọng lễ nghĩa, đức độ, trọng đời sống tâm linh, văn hóa, biết vận dụng phong thủy trong làm nhà, dựng vườn, bài trí nội ngoại thất và trong tương tác, khai thác và ứng xử với tự nhiên. Cách ăn mặc của người Huế có những nét duyên dáng, kín đáo và bản sắc riêng. Điều này thể hiện rất rõ qua cách ăn mặc, mà chiếc áo dài tím và chiếc nón bài thơ đã trở thành biểu tượng của Huế và phụ nữ Việt Nam. Văn hóa ẩm thực Huế cũng thể hiện nét độc đáo của một vùng đất giàu bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng và tinh tế, thanh khiết. Huế là vùng đất có truyền thống hiếu học. Điều này có sự thẩm thấu, lưu giữ và phát triển đến đỉnh cao qua nhiều loại hình nghệ thuật: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu cùng các lễ hội đậm màu sắc nghệ thuật với nhiều dòng nghệ thuật cung đình, dân gian phong phú, hòa quyện vào nhau. Người Huế trong phong cách của mình kế thừa dáng vẻ thanh lịch của người kinh kỳ và chịu ảnh hưởng của Phật giáo nên cư xử rất nhẹ nhàng, kín đáo, thận trọng, tinh tế, hợp lý hợp tình.

Trong Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới ngày 11-12-1993, Quần thể di tích Huế đã được Ủy ban Di sản Thế giới ghi danh. Điều đó đã nâng tầm văn hóa Huế lên những giá trị mới, với những biểu hiện văn hóa phong phú, đa dạng, thắm đượm bản sắc, diện mạo xứ Huế, mà vẫn hòa nhập được với các nước trong tiểu vùng Mê Kông. Trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, văn hóa xứ Huế đã và đang được triển khai nghiên cứu. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào hoạt động du lịch và văn hóa của các nước tiểu vùng Mê Kông để đem lại một diện mạo, bản sắc mới, có gìn giữ, bảo tồn, có lĩnh hội và đồng hành phát triển.

_______________________

1, 3. Trần Quốc Vượng, Dặm dài đất nước - Những vùng đất, con người, tâm thức người Việt, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.96, 44.

2. Phạm Đăng Trí, Qua những tà áo, thử tìm hiểu thị hiếu về màu sắc của người Huế thuở trước, Sông Hương dòng chảy văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.157.

Tài liệu tham khảo

1. Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Hiệu đính - Dịch chú: Trần Đại Vinh - Hoàng Văn Phúc, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001.

2. Trần Quốc Vượng, Xứ Huế dưới góc nhìn Địa - Chính trị - Văn hóa, Huế Di sản & Cuộc sống, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô, Huế, 2003.

TS TRẦN THỊ HOÀI DIỄM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;