HANIFF VII tôn vinh vẻ đẹp của Hà Nội qua 9 bộ phim

Được tổ chức ngay sau những ngày thành phố Hà Nội vừa kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô, LHP quốc tế Hà Nội lần VII (HANIFF VII) có một chương trình chiếu phim đặc biệt: Chương trình phim chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Chương trình này sẽ mang đến công chúng yêu điện ảnh trong nước và quốc tế 9 bộ phim đặc sắc về Hà Nội được sản xuất trong nhiều thời kỳ, từ những năm chiến tranh chống Mỹ cho đến những năm gần đây. Trong đó, ngoài những bộ phim truyện nổi tiếng từng được nhiều khán giả biết đến, còn có 1 phim tài liệu và 4 phim hoạt hình, phục vụ khán giả thuộc nhiều độ tuổi.

Cảnh phim "Em bé Hà Nội"

4 phim truyện trong chương trình gồm: Truyện cổ tích cho tuổi 17, Em bé Hà Nội, Hà Nội mùa đông 46, Long thành cầm giả ca. Bên cạnh đó, khán giả yêu phim tài liệu còn có thể được xem bộ phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy cùng 4 phim hoạt hình: Nữ tướng Mê Linh, Sự tích đền Bạch Mã, Sự tích đền Voi Phục, Truyền thuyết gươm thần.

Trong đó, 4 phim truyện đều là những phim ghi dấu ấn của điện ảnh cách mạng Việt Nam và đã đạt nhiều giải thưởng trong nước của các nhà làm phim tên tuổi. 4 bộ phim với những phong cách làm phim độc đáo sẽ mang đến cho công chúng góc nhìn đa chiều về Hà Nội. Chùm phim sẽ đưa khán giả trải qua không gian và thời gian của Hà Nội trong nhiều giai đoạn. Đó là một Hà Nội cổ kính trầm mặc với bối cảnh của giai đoạn lịch sử 1783-1813, một Hà Nội kiên cường trong những ngày Toàn quốc kháng chiến hay một Hà Nội đau thương trong đạn bom nhưng vẫn ngời sáng tình người.

Ra mắt khán giả từ năm 1974, bộ phim Em bé Hà Nội (đạo diễn, NSND Hải Ninh, Xưởng phim Truyện Việt Nam sản xuất) là một bộ phim đặc biệt. Bởi nó được hình thành kịch bản ngay trong những ngày “Hà Nội 12 ngày đêm” và được quay chính tại phố Khâm Thiên - nơi đã từng bị đổ nát hoàn toàn sau 12 ngày đêm chịu những trận bom B52 ác liệt của không quân Mỹ vào cuối tháng 12-1972. Kể câu chuyện về một em bé Hà Nội lên đường đi tìm cha mình, sau khi gia đình bị bom đạn tàn phá, bộ phim không chỉ là câu chuyện của một gia đình, mà còn là câu chuyện về phố và người Hà Nội. Nơi ấy, trong đạn bom vẫn nồng ấm tình người và chính tình người đã thắp lên khát vọng về hòa bình. Tại LHP Việt Nam lần 3 năm 1975, phim đã đạt giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho phim truyện xuất sắc nhất; cùng các Giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất; Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Đây cũng là một trong năm bộ phim của đạo diễn - NSND Hải Ninh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Do Xí nghiệp phim Truyện Việt Nam sản xuất năm 1986, bộ phim Truyện cổ tích cho tuổi 17 (đạo diễn, NSƯT Nguyễn Xuân Sơn) được ví “như một làn gió mát thổi vào điện ảnh Việt Nam, một bộ phim về chiến tranh mà không hề có khói súng”. Không chỉ là câu chuyện tình yêu, phim còn là chân dung người con gái Hà Nội dịu dàng, nền nã mà kín đáo, sâu sắc trong một chuyện tình như cổ tích. Bộ phim còn là bản giao hưởng về sức sống mãnh liệt của tình yêu trên nền bối cảnh cuộc chiến tranh với nhiều hy sinh mất mát. Tại LHP Việt Nam lần 8 năm 1988, ngoài Giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho phim truyện xuất sắc nhất, Truyện cổ tích cho tuổi 17 còn đạt các giải thưởng: Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Âm nhạc xuất sắc nhất. Bộ phim đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Cảnh phim "Long Thành cầm giả ca"

Bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 (đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh, Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất năm 1997) đưa khán giả trở về với một mốc lịch sử quan trọng của đất nước cũng như của Hà Nội. Trên nền bối cảnh lịch sử ấy, bộ phim khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các sự kiện chính trị - xã hội nóng hổi diễn ra vào cuối năm 1946, qua đó cho thấy cuộc đấu tranh ngoại giao vì hòa bình của Người. Bên cạnh đó còn là khoảnh khắc lịch sử của Thủ đô trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Phim đã giành giải Bông Sen Bạc cho phim truyện xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 12 (1999) và các giải Đạo diễn xuất sắc nhất; Quay phim xuất sắc nhất; Âm nhạc xuất sắc nhất. Đây cũng là một trong 4 bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Sản xuất năm 2010, Long Thành cầm giả ca (Đạo diễn – NSND Đào Bá Sơn, Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng) được làm từ kịch bản của tác giả Văn Lê, giải nhất trong cuộc thi Kịch bản kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ra mắt vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Long thành cầm giả ca được đánh giá là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và là một trong những bộ phim thể hiện được rõ nét nhất cái "hồn" của đất nước và con người Việt Nam. Phim xoay quanh chuyện tình diễm lệ của Tố Như (nhà thi hào Nguyễn Du) và Cầm - nàng ca kỹ xinh đẹp nổi danh đất Thăng Long. Chuyện tình của hai nhân vật gắn liền với  giai đoạn lịch sử đầy biến động của kinh thành Thăng Long, sự thay đổi các triều đại phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Phim đoạt giải Cánh Diều Vàng 2010 dành cho phim truyện xuất sắc; Biên kịch xuất sắc; Thiết kế mỹ thuật xuất sắc. Đặc biệt, tại LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất - 2010 (VINIFF I), diễn viên Nhật Kim Anh trong vai nàng Cầm đã giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Tại LHP Việt Nam lần thứ 17 (2011), phim được tặng Bằng khen của Ban giám khảo; cùng Giải thưởng Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất. Long thành cầm giả ca là một trong ba bộ phim của đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Cảnh phim "Hà Nội trong mắt ai"

Hà Nội trong mắt ai (đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy, Xí nghiệp phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất năm 1983) là một bộ phim tài liệu có số phận đặc biệt và cho đến nay vẫn được xem là một trong những phim tài liệu kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Phim mở đầu bằng hình ảnh nghệ sĩ guitar khiếm thị Văn Vượng và mong muốn của ông được một lần tận mắt chứng kiến vẻ đẹp thủ đô Hà Nội. Qua đó, người xem được dẫn dắt đến với những câu chuyện và nhân vật gắn liền với lịch sử Hà Nội, đi qua nhiều ảnh đẹp nức tiếng gắn liền với hình ảnh Hà Nội, cảnh sinh hoạt thường ngày của người Hà Nội thập niên 80 của thế kỷ trước được làm minh họa cho lời bình xuyên suốt phim. Năm 1988, bộ phim đã giành giải Bông sen vàng hạng mục Phim tài liệu xuất sắc tại LHP Việt Nam cùng ba giải đạo diễn, biên kịch và quay phim xuất sắc.

Các khán giả cũng có thể xem 4 bộ phim hoạt hình để hiểu hơn về những sự tích gắn liền với nhiều địa danh nổi tiếng của Hà Nội. Đó là Sự tích đền Voi Phục (sản xuất 2019), Truyền thuyết gươm thần (2019), Nữ tướng Mê Linh (2021) và Sự tích đền Bạch Mã (2021), đều do Công ty Cổ phần Hãng phim  Hoạt hình Việt Nam sản xuất.

Chùm phim về Hà Nội là một điểm nhấn đặc biệt của LHP Quốc tế Hà Nội VII năm nay, góp phần mang đến cho khán giả, nhất là khán giả quốc tế những hiểu biết về bề dày lịch sử của vùng đất cũng như tính cách của người Hà Nội.

NGÔ HỒNG VÂN

;