Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong và những mối tình viễn xứ

Hàm Nghi là vị vua yêu nước và có số phận vô cùng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Sau khi phát Chiếu Cần Vương kháng Pháp 1885 kêu gọi văn thân nghĩa sĩ giúp vưa giúp nước, một phong trào đấu tranh mạnh mẽ đã diễn ra ở khắp nơi, nhưng đến năm 1888, ông bị Pháp bắt và bị đưa đi an trí ở Alger (thủ đô Algérie) và qua đời tại đây năm 1944. Cuộc đời ông đến nay vẫn còn là một bí mật lớn mà nhiều người Việt Nam mong muốn tìm hiểu.

Ấn bản Việt ngữ của cuốn sách Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger của nhà nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật Amandine Daba, hậu duệ 5 đời của ông, vừa ra mắt bản đọc Việt Nam tháng 10 năm 2024 (Nxb Khoa học xã hội), được dịch từ bản gốc tiếng Pháp Ham Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger do Nxb Sorbonne ấn hành năm 2019. Cuốn sách có lời giới thiệu của Nora Taylor, Giáo sư về Nghệ thuật Ðông Nam Á tại Viện Nghệ thuật Chicago, Hoa Kỳ. 

Ðây là công trình toàn diện nhất về Vua Hàm Nghi, từ những năm tháng trẻ tuổi bị lưu đày xa xứ cho đến cuộc sống, tình yêu, gia đình và việc thực hành nghệ thuật đến giây phút cuối đời của ông.

 Qua những tài liệu lưu trữ chưa từng được công bố, Amandine Dabat đã tìm hiểu, nghiên cứu, tái hiện lại cuộc đời của một trong những vị tổ tiên đáng kính nhất của mình. Dưới ngòi bút của Amandine Dabat, Hàm Nghi hiện lên như một vị vua yêu nước, một người cha yêu con, một người chồng có trách nhiệm với gia đình, một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật, lãng mạn và mãnh liệt trong tình yêu, những mối quan hệ chính trị, những vòng kết nối bạn bè, những nỗ lực nhằm liên hệ với người thân ở cố quốc xuyên suốt thời gian ông lưu vong tại Algerie thuộc Pháp. Cuốn sách này đặc biệt cũng dành để giới thiệu những tác phẩm hội họa, điêu khắc của Hàm Nghi, những khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn lớn trong nền mĩ thuật cận hiện đại của Việt Nam đầu thế kỉ 20.

Dịp này, chúng tôi giới thiệu vài tư liệu trong cuốn sách Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger, để chúng ta hiểu thêm về những bí mật cuộc đời của một con người đáng kính thông qua những mối tình tuyệt đẹp đã đi vào lịch sử của ông. 

Nữ sĩ Judith Gautier - Mối tình đơn phương thành tri âm, tri kỷ của Hàm Nghi 

“Tôi được báo mộng rằng bức thư của ngài đang trên đường tới, và tôi ngạc nhiên tự hỏi mối dây lạ kỳ nào đã gắn kết ngài cùng tôi! Dường như đã đôi lần tôi thấy tâm hồn của dân tộc ngài hiện hữu trong tôi - tất cả hương thơm của cánh đồng hoa hồng hội tụ về đây - tất cả yêu thương dành cho ngài, thì chính tôi là người cảm thấu và điều đó khiến cho trái tim tôi vỡ òa…”. “Ngài có hiểu được tại sao tôi lại chịu đựng số phận đặc biệt này không? Còn tôi, tôi đã chịu đựng nó mà không hề hiểu”…

Cựu hoàng Hàm Nghi lúc mới bị đày sang Alger. Ảnh của Báo Journal des voyages

Ðó là một trong rất nhiều lá thư của nữ sĩ Judith Gautier - khi đó 55 tuổi, gửi cho Hàm Nghi ở tuổi 29 - đang sống lưu vong ở Algieri hơn 10 năm và chưa lập gia đình. “Vâng, đúng là tôi đã yêu vùng đất Á Ðông của ngài, một tình yêu sâu sắc và thủy chung, không chỉ là bằng thơ ca, mà còn chất chứa trong đó bao nhiêu nỗi đau, căm hờn và biết bao nuối tiếc về một non sông đã mất. Giờ đây, mọi thứ đang hiện thân toàn bộ trong ngài, với tôi, ngài là vì sao thâu tóm tất cả ánh sáng, là đóa hoa gói ghém tất cả hương thơm từ xứ sở trong mơ đó của tôi”… Nữ si yêu văn hóa Á Ðông, và Hàm Nghi - người đàn ông chất chứa số phận của lịch sử cô đơn trên mảnh đất nghìn trùng xa cách với cố hương có sức hút mãnh liệt đối với bà. 17 năm, bà dành cho ông tình yêu thuần khiết, vô điều kiện cả khi ông đã lập gia đình với một phụ nữ Pháp. Còn ông, với thân phận là một hoàng đế Annam bị lưu đày, ông đã không thể đáp lại tình yêu của bà mặc dù ông cũng vô cùng yêu quý và trân trọng tình cảm của bà. Bởi vậy, bà là tình bạn tri âm, tri kỷ, cho tâm hồn chất chứa nhiều ẩn ức của một ông vua nghệ sĩ neo đậu, đồng cảm, chia sẻ, giãi bày.

Gabrielle Capek - Tình yêu cuồng dại

Khi cuộc hôn nhân của ông rơi vào khủng hoảng, ông đã nảy sinh tình cảm với Gabrielle Capek - gia sư của con gái. Và đó là một tình yêu cuồng dại theo ông đến cuối đời. Tuy nhiên, để bảo toàn danh dự cho ông, cho gia đình ông, Gabrielle Capek không muốn công khai mối tình của họ mặc dù họ đã có với nhau một cậu con trai, và ông luôn sẵn sàng thú nhận để bảo vệ tình yêu của mình. Cô chấp nhận rời xa ông và một mình nuôi con, từ chối mọi sự hỗ trợ của ông về tài chính. Giữa những ngày xa cách, tình yêu nồng nàn của họ vẫn bền bỉ vượt thời gian bằng những lá thư. Họ vẫn hiện diện bên nhau, trong nhau. Từng là người mẫu trong những tác phẩm nghệ thuật của ông, chia xa, bà vẫn là nguồn cảm hứng trong những chuỗi ngày ông miệt mài sáng tạo. Với bà, ông được sống thật với cảm xúc của mình, không chính trị, không thân phận. Giữa họ là tình yêu của những người yêu. “21h, đến giờ rồi, em thân yêu, bậc hiền triết sẽ đi nghỉ ngơi. Tôi cũng thế, tôi sẽ đi ngủ, nhưng trước đó phải nói với em lời chào buổi tối và hôn em cuồng nhiệt nhưng rất đỗi dịu dàng”. …“Em yêu dấu. Em đang ở biển. Tôi đã dành cả ngày để nhìn ngắm biển. Tôi thấy thỏa lòng khi được thấy biển đẹp đến thế bởi vì có em ở đó”… “Tôi sẽ đem những cánh thư này đến bưu điện để họ chuyển tới cho em sớm nhất. Tôi chẳng biết tôi đã viết gì nữa, viết một cách cuồng dại và thật nhiều những nụ hôn”. Bức thư cuối cùng, ông viết: “Em yêu dấu.[...] Vẫn là chế độ ăn kiêng đó với rau củ, thịt trắng, trái cây tươi và chín. Em thấy đó, tôi sẽ không bị chết đói. Nếu như tôi có đói, thì đó là đói em mà thôi! [...] Tôi sẽ không nói với em rằng tôi muốn bay về phía em. Nhưng sẽ trao cho em những nụ hôn mà em yêu thích”... 

Những tháng ngày bị lưu đày, Vua Hàm nghi tìm đến hội họa

Những bức thư níu giữ họ với nhau trong 26 năm. Chúng ta chỉ biết đến những bức thư ông gửi người tình được bà lưu giữ lại, còn những bức thư bà gửi cho ông, vì một lí do nào đó, ông luôn đốt sau khi nhận 2 ngày. Bà là nàng thơ, là nguồn nhựa sống cho một thân cây đâm chồi nơi xứ lạ, cho một tâm hồn nghệ sĩ hát lên tiếng hát của một phận người xa xứ vì biến cố của dân tộc mình. 

Marcelle Laloe - Người vợ kết giao

Và với bà Marcelle Laloe - con gái của của Francis LaLoe - Chánh án Toà tối cao Algeri, người vợ chính thức ông kết giao, dẫu đã có những tháng ngày khủng khoảng, thì giữa họ cũng đã hoà cùng hai dòng máu, với kết quả là ba người con hai gái, một trai mà ông luôn dành cho họ tình cảm âu yếm, dịu dàng. Ðể rồi, đó cũng là sợi dây kết nối, để đến nay, hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi, chắt gái của công chúa Như Lý (con gái của vua Hàm Nghi), TS Amandine Dabat, nhà nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật, đã dành nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của tổ tiên mình và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở Ðại Học Sorbonne Paris. 

Tranh Đồng cỏ của Vua Hàm Nghi vẽ năm 1909

Công trình nghiên cứu này đã được in thành sách và để đến hôm nay, sau gần một thế kỷ rưỡi từ khi Vua Hàm Nghi bị đày biệt xứ với biết bao biến động của lịch sử, những trang tư liệu về cuộc đời ông lại được giới thiệu trên quê hương với biết bao trân trọng của hậu thế.

LAN KHÊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024

;