NSND Phạm Nhuệ Giang và những bộ phim mang tính nữ

Tôi thích gọi chị là nữ biên kịch, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang hơn là danh xưng NSND bởi sự ấm áp, gần gũi và tính nữ ẩn sâu trong chị. Tính nữ ấy đặc biệt thể hiện rõ nét trong các bộ phim chị làm đạo diễn.

NSND, đạo diễn Nhuệ Giang và chồng - NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - Ảnh: Nam Trần

Sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình  giầu truyền thống nghệ thuật  với cha là một đạo diễn nổi tiếng, mẹ là diễn viên nhưng Nhuệ Giang đã có lựa chọn ban đầu không theo nghệ thuật. Cá tính mạnh khiến chị luôn tin tưởng và làm theo ý mình khi trở thành kỹ sư xây dựng, chuyên giám sát các công trình. Hai năm ra trường, nếm trải công việc của một kỹ sư xây dựng chị lại vứt bỏ tất cả khi tham gia lớp đạo diễn của Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh. Ở bước chuyển đổi này, chỉ có thể nói nghề nghiệp đã chọn chị khi ẩn sâu dưới vẻ ngoài cá tính là một trái tim biết rung cảm và tôn thờ cái đẹp, sự mong manh, yếu đuối của kiếp người.

Trở về với nghệ thuật, với truyền thống gia đình, đây cũng là môi trường để chị vùng vẫy và thể hiện hết tài năng của mình qua hàng loạt các công việc liên quan đến phim ảnh. Với quan niệm còn khá bảo thủ về trọng nam khinh nữ, ở buổi ban đầu khi đến với nghề không phải ai cũng tin tưởng và ủng hộ chị. Nếu các nam đạo diễn chỉ cần cố gắng một trăm phần trăm thì là nữ, sự phấn đấu của chị phải gấp hai, gấp ba lần mới mong có được sự ủng hộ và thừa nhận.

Phim Lạc lối

Chấp nhận thực tế đó, chị không nề hà trong các khâu của nghề từ tham gia xây dựng kịch bản, casting, tuyển chọn diễn viên, trợ lý, phó đạo diễn cho phim của chồng và nhiều đồng nghiệp. Với sự tinh tế và con mắt xanh trong nhìn nhận, đánh giá, chị được công nhận là mát tay khi tìm được nhiều nhân vật hợp vai cho phim của mình và các đồng nghiệp. Nhiều diễn viên, qua sự phát hiện và tuyển chọn của chị đã có được những vai diễn để đời trong sự nghiệp như nghệ sĩ quan họ Thuý Hường vai Ngữ trong Thương nhớ đồng quê (đạo diễn: Ðặng Nhật Minh), Mai Hoa trong Ðời cát (đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân), Hồng Ánh trong Thung lũng hoang vắng (đạo diễn: Phạm Nhuệ Giang)…

Quan điểm của chị khi tìm chọn diễn viên ngoài sự hợp vai còn là khả năng người diễn viên đó có thể làm bật sáng, đem tới cho nhân vật những cung bậc vui buồn, khổ đau, hạnh phúc… Xét ở góc độ diễn xuất, nhiều bộ phim có chị tư vấn và chọn diễn viên đã được đánh giá cao  khi nhân vật truyền tải tốt nội dung của từng vai diễn. Ngoài các bộ phim điện ảnh, một số phim truyền hình được đánh giá cao trong khâu tuyển chọn diễn viên như Trò đời, Lập trình cho trái tim… khi chị trực tiếp tham gia vào khâu tuyển chọn hay đạo diễn. 

Phim Thung lũng hoang vắng

Trong phần lớn các bộ phim đã làm, chị đều trực tiếp tham gia vào kịch bản ở nhiều góc độ: người viết chính hay hợp tác, đồng tác giả. Bắt tay vào khâu đầu tiên của bộ phim đã giúp chị có được các hình dung về đường dây câu chuyện, những kịch tính cùng các nút thắt mở, cao trào của câu chuyện phim.

Với Phạm Nhuệ Giang, mỗi bộ phim là một tác phẩm chứa đầy những chăm chút, sự dụng công của chị. Bộ phim Thung lũng hoang vắng khi ra mắt đã mang tới nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Chọn nói về nghề giáo, nghề trồng người ở một vùng sâu, vùng xa ngoài khó khăn, vất vả còn là những tâm tư thầm kín của người đi gieo chữ. Ẩn sâu dưới lớp nghĩa thứ nhất là tầng thứ hai, thứ ba khi người thầy trong mắt trẻ thơ  ngoài dạy chữ còn là dạy nhân cách, dạy làm người cho các trẻ nhỏ. Làm sao để dung hòa được từng ấy  lớp nghĩa trong khi mỗi người, dù ở vị trí nào cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt với lý tưởng và cả các ham muốn rất đỗi đời thường. 

Bộ phim đã đưa khán giả đi giữa những cung bậc cảm xúc từ trân trọng đến xa xót, thông cảm để đến cuối cùng, điều mỗi người nhận lại là sự đồng cảm, yêu thương lẫn nhau trong cõi đời còn nhiều khó khăn này. Có thể nói, đây là bộ phim bộc lộ rõ nhất tính nữ trong chị khi mỗi nhân vật đều được đào sâu tới tận cùng cả mặt tốt và xấu. Nhưng ẩn sâu trong đó là một trái tim đồng cảm, bao dung và cả những cơ hội thứ hai, thứ ba luôn mở ra cho mỗi người.

Poster phim Tâm hồn mẹ

Ngoài Thung lũng hoang vắng thì bộ phim Tâm hồn mẹ cũng là một dụng công của chị trong nghề nghiệp.  Lấy ý tưởng từ  truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi thích cái tứ của câu chuyện nhưng dung lượng của câu chữ không đủ để chuyển tải lên phim. Dù đã nhờ nhiều đồng nghiệp nhưng cuối cùng chị lại chính là người chấp bút, chuyển thể, đắp thêm những tuyến truyện, nhân vật, tình huống để đủ độ dầy cho một bộ phim. Câu chuyện kể về một cô bé khi có mẹ mải mưu sinh, phiêu lưu tình ái đến bỏ quên cả cô con gái nhỏ. Phải tự lo, tự trưởng thành sớm hơn những bạn bè cùng trang lứa nhưng cô gái không hờn trách mẹ, hờn trách cuộc đời. Với trái tim bao dung, ở cô bé đã sớm mang một tâm hồn phụ nữ, một tâm hồn người mẹ khi sẵn sàng bao bọc, chở che cậu bạn cùng cảnh ngộ.  Tâm hồn ấy dù còn nhỏ đã mang thiên hướng nữ, thiên hướng mẹ khi chứa đầy sự nhân ái, bao dung như trái tim người mẹ luôn rộng mở, vỗ về, che chở. 

Có thể nói trong hàng chục bộ phim chị đã làm trên cương vị đạo diễn, chỉ với hai bộ phim Thung lũng hoang vắngTâm hồn mẹ, Phạm Nhuệ Giang đã khắc sâu tính nữ, làm nên phong cách của riêng mình trong làng phim. Nhắc đến Nhuệ Giang là nhắc đến những bộ phim khai thác sâu sự mỏng manh, yếu đuối nhưng cũng rất đỗi rộng lượng, bao dung được thể hiện qua các nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ. Nét  nữ tính đó, một lần nữa lại được thể hiện rõ nét trong bộ phim truyền hình Trò đời. Một bộ phim quy tụ khá nhiều nhân vật nữ xoay quanh Xuân tóc đỏ. Nét khác biệt là tính nữ trong bộ phim này không nghiêng nhiều về bao dung, vị tha mà khai thác sâu hơn sự đỏng đảnh, đa tình, thói hám lợi của không ít nữ nhân trong một giai đoạn xã hội nhiều hỗn tạp. Xem phim Trò đời, có nét láu lỉnh, cơ hội của cô thôn nữ muốn thoát phận con sen. Có thói hoang đàng của người đàn bà thừa tiền, khát tình. Lại có đủ trò đỏng đảnh của mấy mợ quen sống dựa vào chồng, vào đàn ông. Cái thế giới đàn bà với đầy đủ phong vị ấy, kết hợp với đám đàn ông ma cô, phong tình, cơ hội đã tạo nên một tấn trò đời để nhiều người trong số đó vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của chính mình và hoàn cảnh.  Xem phim Trò đời, mỗi người như nhìn thấy chính mình và những người xung quanh thấp thoáng đâu đó trong mỗi nhân vật, mỗi tấn trò của cuộc đời.

Phim truyền hình Trò đời

Làm nhiều phim về  mảng xã hội, nhưng Phạm Nhuệ Giang vẫn luôn ấp ủ những kịch bản phim về đề tài chiến tranh. Nơi chị mong muốn tìm kiếm, khắc hoạ cuộc chiến thông qua những số phận khác biệt với khát khao được sống, được thực hiện các mơ ước còn đang dang dở. Với Nhuệ Giang, mỗi đề tài, mỗi thể loại đều có những hấp lực, sự  cuốn hút riêng để chị đắm mình vào đó với mong muốn được khám phá, được trải nghiệm. Nết ham việc cũng khiến chị không khi nào ngồi yên. Hết viết kịch bản, làm phim, làm trợ lý, phó đạo diễn… chị lại tham gia các hội đồng duyệt, giảng dạy tại trường nghệ thuật, các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp. Nói về công việc giảng dạy, Nhuệ Giang cho biết chị muốn mang hết tâm sức truyền lại tình yêu nghệ thuật, các kỹ năng nghề nghiệp cho lớp trẻ. Những người sẽ viết tiếp vào hành trang nghệ thuật của dân tộc bằng tài năng, bằng những sáng tạo, cống hiến của riêng mình.

Về hưu đã nhiều năm nhưng Nhuệ Giang chưa bao giờ ngơi việc. Ngoài việc giảng dậy, tham gia các hội đồng duyệt, chị luôn bận với những sáng tác riêng. Khác với chồng - NSND Nguyễn Thanh Vân luôn hướng ngoại với những chuyến đi, những cuộc tụ hội bạn bè. Nhuệ Giang thích lối sống hướng nội, nơi chị có thể đào sâu vào chính mình, vào nhân vật với những nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Phía sau một người phụ nữ, đặc biệt lại là phụ nữ làm phim dường như có nhiều hơn gấp hai, gấp ba những vất vả, sự trải nghiệm. Nhưng bù vào đó, họ - những nữ giới làm phim - được chủ động sáng tạo, được vẽ lên cuộc đời bằng những khám phá, lao động nghệ thuật của riêng mình. Và chị, nữ biên kịch, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang luôn cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.

TÔN QUẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024

;