Sẽ thật quái đản khi nghe thấy có một họa sĩ lấy đất làm chất liệu để vẽ tranh. Tuy nhiên, Lý Trực Sơn đã chứng minh điều này là hoàn toàn có thể. Và chính từ chất liệu này, một diễn ngôn hội họa mới mẻ trong ông đã “đâm chồi”.
Giã từ cái vốn quen thuộc
Lý Trực Sơn được giới yêu mỹ thuật biết đến nhiều với những sáng tác qua chất liệu sơn mài, giấy dó, sơn dầu và chất liệu tổng hợp. Một số triển lãm nổi bật của ông có thể kể đến như: Giấy Dó với Nguyễn Quân (1988), Chốn này (2009), Không vô can và Ballad Biển Ðông với Ðào Châu Hải (2010), Giả Thiết (2011), Biennale nghệ thuật quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) lần thứ 5 (2012), Ðất và Dó (2017). Người ta lại càng ấn tượng với Lý Trực Sơn hơn, vì những sáng tác của ông luôn thể hiện sự nhạy bén trước những biến chuyển trong xã hội. Chính vì vậy, nhiều tác phẩm của ông có vinh dự nằm trong các bộ sưu tập cả trong và ngoài nước như tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Prague và một số bộ sưu tập tư nhân.
Trở lại với một chất liệu vừa quen vừa lạ - Ðất, trong triển lãm cùng tên của riêng Lý Trực Sơn tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), họa sĩ đã bộc bạch suy tư về một lối vẽ trừu tượng và một cách tiếp cận văn hóa đa tầng. Hơn 70 tác phẩm được trưng bày từ từ ngày 29/9 đến 17/11/2024. Mượn chất liệu làm tên gọi, Lý Trực Sơn đã chọn Ðất để đặt tên cho triển lãm của mình. Chỉ là một chữ ngắn ngủi, nhưng truyền tải được nhiều thông điệp sâu xa trong đó, mà không chỉ riêng chất liệu ông sử dụng để thực hành nghệ thuật.
Không đề 3 (2023)
Trong triển lãm lần này, người ta thấy được một Lý Trực Sơn tự làm mới mình trong ngôn ngữ thể hiện. Bởi tại đây, ông đã gián tiếp nói lời tạ từ với sơn mài, sơn ta - chất liệu truyền thống đã gắn với tên tuổi của ông, với giấy dó vốn đồng hành cùng ông trong suốt những năm tháng rong ruổi nơi xa xứ. Ðể rồi, Lý Trục Sơn trở về với đất, hẳn là rất đỗi quen thuộc, nhưng lại chưa thực sự “thắm duyên” với sự nghiệp nghệ thuật của ông.
Ðất trong tư duy nghệ thuật của Lý Trực Sơn được minh định là nơi khởi nguyên, nguồn cội, cũng như gốc rễ của thiên nhiên và con người. Ðất cũng là nơi khởi sinh và cũng là nơi kết thúc. Ðất là thứ vô hình và cũng là hữu hình. Và đất cũng là sự trần tục nhất và cũng là sự thiêng liêng nhất. Và rồi, Lý Trực Sơn đã mượn đất làm chất liệu cho những bức họa trưng bày trong triển lãm lần này. Qua đó, ông mong muốn được tìm ra ngôn ngữ sáng tác mới.
Cửa thiền 2 (2024)
“Ðằng sau Ðất chắc hẳn còn nhiều chuyện, đi về, sinh diệt, được mất, vui buồn, hạnh phúc bất hạnh, chuyện của riêng Lý Trực Sơn mà cũng là chuyện của mỗi người, chuyện cõi người. Trong đất có người - trong người có đất”, họa sĩ Lê Thiết Cương tâm sự sau khi thưởng tranh.
Tinh thần không ngừng làm mới
“Với hoài bão và khát vọng kiếm tìm một ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt hoàn chỉnh - việc mà các bậc thầy hội họa Việt Nam còn đang dang dở, cũng như định hình vị thế của nghệ thuật ở một vùng biên với các bậc danh họa thế giới, Lý Trực Sơn đã tiếp thu tinh thần của nghệ thuật Phương Tây, từ tư tưởng tiền Phục hưng, ngôn ngữ nghệ thuật của Taples, Rothko, Giacometti, Uecker đến tinh hoa của văn hóa phương Ðông, từ những họa tiết dân gian, tạo hình thời Lý - Trần đến thử nghiệm với những chất liệu tự nhiên nguyên sơ từ đất, đá, cát, cây và các chất liệu tự nhiên khác. Ông cho rằng, ngôn ngữ trừu tượng đã bắt nguồn từ thời nguyên thủy và mong muốn nắm bắt, lưu giữ phần nào đó vẻ bí hiểm đầy tính trừu tượng của thời gian, không gian mà ông hiện hữu”, giám tuyển Ðỗ Tường Linh nhận xét.
Nền trắng, điệp (2024)
Họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng người Ðức Hans Arp đã từng nói: “Nghệ thuật như trái ngọt ấp ủ ra từ con người, như trái chín trổ trên cây, như đứa trẻ trong bụng mẹ. Trong khi quả từ cây được mặc định hình dáng độc lập và không bao giờ phải gắng giống như một chiếc trực thăng hay một vị Tổng thống trong một bức vẽ, thì trái ngọt nghệ thuật của con người phần lớn cho thấy một tham vọng lố bịch để bắt chước vẻ bề ngoài của sự vật khác nhau. Tôi thích thiên nhiên nhưng không thích những thứ thay thế nó”. Chia sẻ hài hước đầy sâu cay để nói về sự bất khả của nghệ thuật trong việc mô phỏng lại thế giới của Hans Arp và nỗ lực của nghệ thuật trừu tượng trong việc tạo ra một thể giới và không gian riêng cũng có thể để ví với việc đặt tên và tạo nghĩa cho các tác phẩm của Lý Trực Sơn. Thay vào việc cố cắt nghĩa và lý giải ý nghĩa trong hơn 70 tác phẩm trong không gian triển lãm, Ðất mời người xem bước vào một trạng thái nhập định và chiêm nghiệm về lực hút huyền bí từ vô thức, đã chỉ dẫn cho những sáng tạo của người nghệ sĩ hay sự hiện hữu vật lý từ cơ thể, chất liệu mà Lý Trực Sơn đã chắt lọc và kiến tạo nên vũ trụ của riêng mình.
Tiếng vọng 2 (2024)
Ðể tạo nên được trạng thái ấy, Ðất trong tranh của Lý Trực Sơn hiện lên đâu chỉ là những màu sắc đen, nâu, đỏ đơn điệu, tẻ nhạt, quen mắt. Ðất được thổi bừng lên với nhiều cảm xúc khác nhau. Có bức khiến khán giả lành lạnh, gai người với màu trắng như bông tuyết. Ðể rồi, lại cảm thấy chan hòa mát sắc xanh như thể lạc lối vào khu vườn địa đàng ở nơi xa xôi nào đó. Ông cũng rất khéo léo khi lựa chọn những sắc màu trong cùng một gam màu nóng nhằm tạo ra sự chuyển tiếp liền mạch, không ngắt quãng. Sự chuyển tiếp giữa các màu sắc tựa thể như những tầng địa chất, dẫn người xem lên tới đỉnh cao của thị giác.
Nhìn lại chặng đường nghệ thuật của Lý Trực Sơn, từ thời gian học tập và giảng dạy tại Trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam, rồi những năm tháng bôn ba nơi đất khách quê người, cho đến quãng thời gian dài sáng tác trên chất liệu truyền thống, triển lãm Ðất như một bước tiến hết sức tự nhiên và trọn vẹn, tiếp nối tinh thần và ngôn ngữ biểu hiện nghệ thuật rất riêng của ông.
Hòa sắc, phấn màu 1 (2024)
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”, họa sĩ, kiến trúc sư Lý Trực Dũng, anh trai của Lý Trực Sơn, đã mượn câu thơ của Chế Lan Viên trong bài Tiếng hát con tàu để nói về hành trình nghệ thuật của ông - hành trình quay về quê hương, với ngôn ngữ, với chất liệu, với sức sống dồi dào của đất. Và từ đó, đúc kết được một chuỗi tác phẩm kỳ công nhưng không hề phô trương, mà vô cùng chân chất và khúc chiết.
Họa sĩ Lý Trực Sơn sinh năm 1949 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông từng giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau khi tốt nghiệp tại đây vào năm 1979. Sau đó, ông nhận được theo học bổng của Chính phủ Pháp tại Trường École Nationale Supérieure des Beaux-arts (Paris), và sinh sống, sáng tác nhiều năm tại châu Âu (1989 - 1998).
TRẤN ĐỨC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024