Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng: Sâu lắng niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ ngàn đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, điểm tựa tâm linh cho niềm tin thiêng liêng về cội nguồn dân tộc. Là người Việt Nam dù quần tụ nơi đất mẹ hay ở xa Tổ quốc muôn trùng, ai cũng luôn hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính, tri ân công lao dựng nước mở nghiệp sơn hà của các vua Hùng thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Triệu trái tim hướng về đất tổ

Ảnh tư liệu: Định Vũ

Hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng là quá trình lắng đọng phù sa văn hóa để làm nên độ dày của hệ thống thang bậc giá trị vật chất và tinh thần. Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương là vùng đất khởi đầu của những giá trị ấy, vùng đất hòa quyện giữa truyền thuyết và lịch sử. Với những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ, Đền Hùng từ bao đời đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh , tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Chính tinh thần hào hùng đó đã làm nên sức mạnh để dân tộc ta đánh đuổi kẻ thù giành lại độc lập. Ý nghĩa tâm linh đó đã vượt ra ngoài biên giới trở thành lời thúc giục , kêu gọi muôn triệu trái tim con dân Đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng “Đồng bào” thân thương, thiêng liêng, sâu sắc. Đã có nhiều kiều bào về Đền Hùng dâng hương, xin chân nhang , xin đất đem theo để thờ: “Đến Đền Hùng chúng tôi như những giọt máu trở về tim”, “Khi sống, tôi muốn được thờ đất nước, thờ tổ tiên. Khi tôi chết, tôi muốn có một phần đất và phần nước thờ tổ tiên đắp điếm cho phần mộ của tôi ở xứ người”. Một vị linh mục khi lên Đền Hùng đã nói: “Trước khi là người công giáo, tôi là người Việt Nam, mà đã là người Việt Nam thì phải có tổ tiên”. Lễ hội Đền Hùng là nguồn sáng để con cháu ngưỡng vọng. Theo số liệu kiểm kê của ngành Văn hóa Phú Thọ, chỉ tính riêng các di tích thờ Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương, toàn tỉnh có 326 địa điểm thờ cúng, trong đó Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng lâu đời nhất. Đó là kho tàng văn hóa dân gian với những truyền thuyết lịch sử, tục thờ cúng, nghi thức lễ hội, trò diễn hội làng… liên quan đến thời đại Hùng Vương được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi truyền thuyết đều gắn với một địa danh cụ thể ở Phú Thọ.

Đến vùng Đất Tổ, nghe chuyện kể về thời các Vua Hùng, xem di vật khảo cổ có thể hình dung một cách rõ nét về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, đánh giặc giữ làng và nhiều phong tục tập quán của cha ông buổi đầu dựng nước. Ở xã Hy Cương có tục thờ phồn thực cầu mong sự sinh sôi nảy nở qua việc thờ cúng “Đá ông, Đá bà” trên đỉnh núi Trọc. Ngày 25 tháng 5 âm lịch có lễ “ Hạ điền” diễn lại tích xưa vua Hùng cùng dân cấy lúa. Xã Chu Hóa và Hy Cương còn có chung tục “Lấy tiếng hú” và chạy “Tùng dí” vào đêm Giao thừa; lễ hội “Rước chúa Gái về nhà chồng” vào ngày 15 tháng Giêng. Xã Thanh Đình là xã có nhiều lễ hội nhất tỉnh Phú Thọ, ngay trong tháng Giêng bắt đầu làm lễ “Rước giải” phản ánh cuộc sống của cư dân nông nghiệp với nghề chăn thả gia súc và đánh cá. Ngày mồng 4 có lễ “Rước ông Khưu, bà Khưu” cầu mong sự sinh sôi của con người và mùa màng tươi tốt; ngày 22 có lễ hội “Tế Thánh” theo tích Tản Viên đánh giặc; ngày 23 có lễ hội “Hú cờ” theo tích Ngọc Hoa đi đón Sơn Tinh. Trong vùng này còn có “Lễ hội đi săn” phản ánh tục săn bắn xưa của người Việt cổ. Các làng xã xung quanh núi Hùng như Tứ Xã có lễ hội “Trò Trám”, Sơn Vy có lễ hội “Cướp cầu đánh phết”, Kim Đức có lễ hội “Hát Xoan” và tục gói bánh chưng , giã bánh giầy; Hùng Lô có tục rước kiệu về dự lễ Giỗ Tổ, hội Đền Hùng, Thuỵ Vân có lễ hội “Cầu đinh”, Minh Nông có lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”, Bạch Hạc có lễ hội “ Bơi chải”… Tất cả lễ hội , trò diễn hội làng trên cho thấy vùng Đền Hùng, thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao - miền đất trước ngã ba sông - là vùng hội tụ khá dày đặc các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể phản ánh buổi bình minh lịch sử dân tộc. Với 57 địa điểm khảo cổ đã được khai quật và nghiên cứu ở Phú Thọ, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khu vực Đền Hùng cách đây hàng ngàn năm là địa bàn tụ cư của người Việt cổ, quá trình này diễn ra liên tục. Điều đó thể hiện qua các dấu tích văn hóa khảo cổ kế tiếp nhau từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn với đủ các loại hình di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng, kho tàng. Ngay tại vùng Bạch Hạc là nơi được coi “Tụ nhân, tụ thuỷ”đặc biệt có di chỉ Làng Cả mà theo sử cũ chép lại đây chính là kinh đô của nhà nước Văn Lang cổ đại - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Tại một số địa điểm khảo cổ học xung quanh Đền Hùng, đã tìm được những hiện vật đặc biệt quý hiếm. Đó là chiếc trống đồng Hê gơ I có đường kính 93cm lớn nhất trong các trống đồng cùng loại tìm thấy ở Việt Nam, chiếc nha chương tượng trưng cho quyền uy của người thủ lĩnh quân chủ và khá nhiều hiện vật có giá trị khác nữa như vuốt đá, bộ khóa đai lưng bằng đồng có 8 con rùa… Có thể nói, không có một nơi nào trên đất nước ta lại có mật độ dày đặc những hiện vật, dấu tích, huyền thoại, lễ hội, trò diễn hội làng… trong các lĩnh vực đời sống xã hội thời đại Hùng Vương như ở Phú Thọ.

Lực lượng vũ trang dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). 
    Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

 

Các triều đại phong kiến tự chủ đã nối tiếp nhau tôn vinh việc thờ cúng các Vua Hùng, tu bổ, tôn tạo, xây dựng khu di tích lịch sử ngày một khang trang hơn. Đặc biệt, triều Nguyễn năm 1917 đã quy định ngày Quốc lễ là ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, định ra hội chính và hội lệ, cấp tiền và gạo nếp thơm cho xã sở tại Hy Cương lo việc thờ cúng Vua Hùng trong kỳ Giỗ Tổ. Trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng đã được Đảng và Nhà nước ta tôn vinh ở tầm cao mới. Điều này thể hiện ở các văn bản quy định tổ chức lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương cấp nhà nước vào năm chẵn, cấp tỉnh vào năm lẻ, cùng các quy định về tôn tạo bảo vệ di tích Đền Hùng, rừng quốc gia Đền Hùng, quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử Đền Hùng… sao cho xứng tầm là di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Trong những năm qua với tình cảm và trọng trách được giao trông coi lăng miếu Tổ tiên, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo khu di tích Đền Hùng, tổ chức lễ hội hằng năm trang trọng, linh thiêng, thu hút hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan. Nhiều lễ hội của các làng xung quanh khu vực Đền Hùng và ở thành phố Việt Trì cùng với các huyện, thị được khôi phục, nâng cấp theo Đề án phục dựng lễ hội truyền thống phục vụ du lịch, đặc biệt đề án xây Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo nên một diện mạo mới làm hài lòng đồng bào và du khách khi hành hương về Đất Tổ. Có thể kể ra đây một số hội làng tiêu biểu, ấn tượng: lễ hội cầu mùa Thanh Đình, lễ hội rước Chúa Gái của Chu Hóa, Hy Cương, rước kiệu đình Hùng Lô, cướp bông ném chài Vân Phú, hát Xoan Kim Đức, An Thái, bơi chải Bạch Hạc (Việt Trì) cướp cầu, đánh phết Sơn Vy, lễ hội Trò Trám Tứ Xã (huyện Lâm Thao), lễ hội mở cửa rừng xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, lễ hội đền Lăng Sương xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thuỷ, hội rước Voi Đào Xá, hội Phết Hiền Quan, lễ hội thổi cơm thi Vực Trường, Hương Nha (huyện Tam Nông), lễ hội đình Ngọc Quan (huyện Đoan Hùng), lễ hội cồng chiêng Tất Thắng (huyện Thanh Sơn)... cùng rất nhiều chương trình văn nghệ dân gian, trò diễn hội làng, các môn thể thao dân tộc như vật, bắn nỏ, cờ người kết hợp với biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hội trại văn hóa, thi ẩm thực, trưng bày quảng bá sản phẩm du lịch các vùng miền đã làm cho bầu không khí lễ hội thêm rộn rã trong một diễn trường rộng. Từ khi thực hiện đề án Tăng cường các nguồn lực tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, hằng năm có 5 tỉnh, thành trong cả nước cùng với Phú Thọ tổ chức lễ hội nên chương trình ngày thêm phong phú, đa dạng, sắc thái các vùng văn hóa tiêu biểu, nét đẹp hội làng trong hội nước ngày một sâu đậm.

Năm Nhâm Dần 2022, khi dịch bệnh COVID-19 đã dần được kiểm soát, lễ hội Đền Hùng sẽ tổ chức cả phần lễ và phần hội. Theo thông báo số 541-TB /TU ngày 28/2/2022 kết luận của Tỉnh uỷ về Kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần: các hoạt động Giỗ Tổ sẽ gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Chủ đề năm nay: Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương. Năm Nhâm Dần 2022, quy mô tổ chức ở cấp tỉnh. Về nội dung phần lễ gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” ngày 10/3 âm lịch. Cùng thời gian trên, các địa phương có di tích thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh Vua Hùng và các nhân vật thời Hùng Vương chủ động tổ chức lễ dâng hương với quy mô, số lượng người dự phù hợp, các gia đình tổ chức mâm cơm tri ân công đức các Vua Hùng tại nhà; phần hội tổ chức rước kiệu truyền thống các xã vùng ven di tích, hội thi bánh chưng, bánh giầy tại sân trung tâm lễ hội, bơi chải tại hồ Công viên Văn Lang, tổ chức chương trình nghệ thuật tại sân khấu ngoài trời Công viên Văn Lang. Mặc dù quy mô tổ chức chưa thể như những năm trước song chắc chắn lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào và du khách.Và tháng Ba âm lịch này, trên các con đường về Đất Tổ lại rộn rã bao bước chân với tâm trạng rạo rực, bồi hồi về Đền Hùng thắp nén hương thơm tri ân công đức các vua Hùng và các bậc tiền nhân.

Các đội tham gia phần thi giã bánh giầy. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

 

Trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, Lễ hội Đền Hùng đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một địa phương, một tỉnh, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đơn thuần mà nó còn là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc. Lễ hội còn là bản sắc văn hóa, điểm tựa tinh thần cho mỗi người con Đất Việt khơi dậy lòng tự hào dân tộc, là nguồn động lực to lớn cổ vũ tinh thần học tập, sáng tạo, đóng góp công sức trí tuệ cho sự phát triển đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trước đây, hiện nay và mai sau luôn là niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc Việt Nam.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

;