Chính sách văn hóa đối với đồng bào dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

Múa chào mừng Tết Chôl Chhnăm Thmây của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng (Ảnh: TTXVN)

 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống, đông nhất là các dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm... Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung đông nhất tại 9 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ. Một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ với dân số khoảng 1,3 triệu người, chiếm 6,8% so với dân số toàn vùng. Đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL có tính đặc thù về lịch sử phát triển, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa. Qua quá trình cộng cư lâu đời cùng với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm… trên mảnh đất ĐBSCL, đồng bào dân tộc Khmer đã có sự giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em, song về cơ bản, đồng bào dân tộc Khmer vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc, những cốt cách, tinh hoa của dân tộc mình, thể hiện rõ nét nhất qua các ngôi chùa Khmer và sinh hoạt ở mỗi phum, sóc, gắn liền với Phật giáo Nam tông, qua tiếng nói, chữ viết, các lễ hội truyền thống, các hình thức nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, ca múa… Những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer đã đóng góp không nhỏ vào sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Do những đặc thù đó, việc xây dựng chính sách văn hóa đối với đồng bào dân tộc Khmer là một vấn đề quan trọng và cấp thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.

Có thể nói, ĐBSCL là nơi hội tụ, dừng chân của những dòng chảy văn hóa. Cùng với đó, những giá trị văn hóa đã được kết tinh, lắng đọng. Đóng góp vào các tầng văn hóa vùng ĐBSCL không thể không nói tới lát cắt văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Khmer. Văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, với nhiều lĩnh vực đa dạng, phản ánh rõ nét đặc điểm nền văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Người Khmer ở ĐBSCL có nền văn hóa phát triển đa dạng gắn liền với những tín ngưỡng mang sắc thái riêng, ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Độ và Phật giáo. Phật giáo đóng vai trò quan trọng và có vị trí cao nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống của người Khmer ở ĐBSCL. Là thành viên của phum sóc (Kon sóc), đa phần đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông, ngay từ lúc chào đời đã gắn liền với ngôi chùa, với sư sãi. Chùa Khmer là một tổng thể kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer với mái cao thẳng đứng, hoa văn họa tiết sơn vàng, hệ thống tượng tượng Phật, thần Kabil Maha Prum, nữ thần Đất, hung thần Reahu, tiên nữ, vũ nữ Apsara, chằm, người chim, vua khỉ Hanuman, rồng, rắn, linh thú. Chùa là nơi tụng kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo, dạy chữ Khmer, lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất; nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo.

Văn hóa tín ngưỡng của người Khmer có những giá trị đặc biệt, mang bản sắc rất riêng với cưới, sinh, tang ma…, là một chuỗi những nghi lễ khá cầu kỳ và phức tạp, được lưu giữ qua một số hình thức lễ hội như Tết Chôl Thnăm Thmây, ngày Choôl Sâng-Kran Thmây, ngày Vônabat, ngày Lơng Sak, Lễ cúng trăng (Óoc Ombóc), Lễ cúng ông bà (Sen Đôn Ta) và còn gần 30 ngày lễ khác nhau bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và Phật giáo như lễ cúng Niết Tà, cúng Arăk, cúng Tổ…

Nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thực hiện tốt chính sách văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer. Các địa phương đã thực hiện lồng ghép các mục tiêu phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng về tổ chức và hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Nhiều nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, nhà truyền thống, nhà tưởng niệm các vị sư cách mạng, các khu di tích văn hóa, di tích lịch sử, nhiều ngôi chùa đã được sửa chữa, tôn tạo... góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer và nhiều ấp, khóm có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống được công nhận gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa. Bên cạnh đó, các địa phương vùng ĐBSCL đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật, âm nhạc dân gian dân tộc Khmer, từng bước đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chủ động xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Xã văn hóa”, “Chùa Khmer văn hóa”... “Điểm sáng văn hóa biên giới” đã được triển khai rộng khắp vùng đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ vậy, tỉ lệ phum sóc, hộ gia đình, chùa Khmer đạt chuẩn văn hóa ngày càng nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Các loại hình sinh hoạt văn hóa, các giá trị truyền thống mang bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được bảo tồn và phát triển. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, chính cộng đồng và sư sãi Khmer đã nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cần cù sáng tạo làm phong phú thêm vốn văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc mình. Các thiết chế văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer như: Chùa Khmer, bảo tàng văn hóa Khmer đã được các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng mới hoặc trùng tu, sửa chữa lại để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Số lượng, chất lượng và nội dung văn hóa thông tin ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đời sống vật chất, các hoạt động văn hóa tinh thần cũng được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm đầu tư, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng có sử dụng tiếng Khmer đã được tăng cường về số lượng, thời lượng và chất lượng. Đã có nhiều chương trình tiếng Khmer được các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện như: Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Thành phố Cần Thơ (VTV Cần Thơ) phát hình 5 tiếng/ngày, Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL cũng tăng thời lượng phát thanh bằng tiếng Khmer từ 6 lên 18 tiếng/ngày. Ngoài ra, các Đài Phát thanh và Truyền hình ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… đều có chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer. Cùng với đó, để giúp đồng bào dân tộc Khmer cập nhật kiến thức và tin tức hằng ngày, cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa thông tin của cộng đồng, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đầu tư báo giấy, báo điện tử, các cổng thông tin điện tử bằng tiếng Khmer với chất lượng, nội dung và hình thức khá phong phú. Chẳng hạn, báo Cần Thơ Khmer ngữ phát hành mỗi tháng 4 kỳ, mỗi kỳ 11.000 tờ, bước đầu đón nhận được sự quan tâm ủng hộ của cán bộ, sư sãi và cộng đồng Khmer. Ngoài ra, chính sách không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đã mang lại những lợi ích thiết thực, giúp đồng bào dân tộc Khmer nâng cao nhận thức, trình độ dân trí.

Các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL luôn quan tâm thực hiện đa dạng các lễ hội văn hóa, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho đồng bào dân tộc Khmer. Hằng năm, các địa phương luôn tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer tổ chức lễ, Tết theo phong tục cổ truyền như: Lễ cầu an; Lễ mừng năm mới (Chôl Chnăm Thmây); Lễ cúng ông bà (Sene Dolta); Lễ hội cúng Trăng (Óoc-om-bok)… Ngoài các hoạt động lễ hội thì các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở phum, sóc, hội thi văn nghệ quần chúng cũng được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm tổ chức, đặc biệt là “Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Khmer Nam Bộ” đã được tổ chức lần lượt ở một số tỉnh trong vùng với các loại hình như: văn nghệ, triển lãm, ẩm thực, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian… Có thể nói, từng loại hình nghệ thuật đã phản ánh được những góc độ nhất định về tâm tư, tình cảm, phong tục tập quán của người Khmer trong nhiều thế kỷ. Để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cho đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh An Giang hằng năm đều tổ chức “Lễ hội đua bò Bảy Núi”, tỉnh Sóc Trăng hằng năm đều tổ chức “Lễ đua ghe Ngo” hay sự hoạt độngcó hiệu quả của Đoàn nghệ thuật “Ánh Bình Minh” (Trà Vinh) đã phục vụ nhu cầu văn nghệ cho đồng bào dân tộc Khmer trong vùng.

Đối với các tỉnh có biên giới giáp với Campuchia như: Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp... các cấp ủy, chính quyền luôn chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt công tác xây dựng điểm sáng văn hóa nơi biên giới và tạo mối quan hệ hữu nghị với chính quyền huyện, xã láng giềng của nước bạn Campuchia. Để tạo nên sự đoàn kết gắn bó giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn đã tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các xã, huyện có chung đường biên giới, chẳng hạn xã Mỹ Quý Tây và xã Som Rông tổ chức cuộc thi “Phụ nữ biên giới duyên dáng”. Từ cuộc thi đáng yêu này, hai tỉnh Long An và Svây riêng đã lựa chọn xã Mỹ Quý Tây và xã Som Rông là cặp kết nghĩa thí điểm trước khi nhân rộng tại 10 tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia, góp phần làm cho tình đoàn kết, hữu nghị của đồng bào hai nước thêm gắn bó, bền chặt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách văn hóa đối với đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Đời sống kinh tế và sinh kế của đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và rủi ro. Môi trường sinh thái và nhân văn vùng này đã có nhiều thay đổi dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu. Những yếu tố văn hoá ngoại lai đang dần xâm nhập đã tác động rất lớn đến nền văn hóa cổ truyền dân tộc Khmer. Một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn nhận thức mơ hồ, không đầy đủ và chính xác về lịch sử hình thành, vị trí của dân tộc mình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nên bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo gây mất đoàn kết dân tộc. Một bộ phận khác bị lôi kéo tách ra khỏi tôn giáo truyền thống để theo đạo Tin Lành và Công giáo, tạo nên sự xáo trộn về tâm linh trong đời sống cộng đồng.

Để thực hiện có hiệu quả chính sách văn hóa đối với đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL, chúng ta cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp, các ngành cần  tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bởi, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer không chỉ làm phong phú thêm nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn là vũ khí sắc bén đánh tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Giúp mọi người xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ti, thay đổi nhận thức, phải biết trân trọng và tự hào về dân tộc mình. Khi xây dựng chính sách, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động cho đồng bào dân tộc Khmer hiểu rằng, phát triển văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà còn giúp cho đồng bào nâng cao trình độ dân trí.

Thứ hai, khi xây dựng chính sách văn hóa cần có những cuộc khảo sát thực tế để tìm hiểu hiện trạng và nhu cầu của đồng bào dân tộc Khmer, đề ra những chính sách văn hóa cụ thể đối với từng nhóm đối tượng nhằm đạt kết quả tốt hơn. Trong đó, cần thực hiện tốt Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2011-2020 và Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm xây dựng tổng thể các chính sách văn hóa riêng cho đồng bào dân tộc Khmer.

Thứ ba, cần có sự phối hợp, trao đổi kinh nghiệm quản lý và thực thi chính sách giữa các địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, để từ đó việc hoạch định và thực thi chính sách sẽ hiệu quả hơn, góp phần vào việc giải quyết vấn đề văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer một cách đúng đắn và phù hợp. Khi xây dựng chính văn hóa, phải đảm bảo sự nhất quán từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù trong xây dựng và thực hiện chính sách văn hóa, việc xây dựng chính sách phải xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng.

Thứ tư, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần đề ra các chính sách hợp lý, nhất quán để đồng bào vừa giữ gìn được truyền thống văn hóa của dân tộc, vừa thực hành tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật. Đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế vói công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cho đồng bào dân tộc Khmer. Chú trọng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trong việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo nhân lực nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc Khmer, đề cao vai trò của các sư sãi, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng,  bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ công tác truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao…, để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên dạy chữ Pali, kể cả chữ Khmer ở các điểm chùa, nhằm khắc phục sự hụt hẫng nguồn lực cho Trường Bổ túc văn hóa Pali Nam Bộ. Có chính sách ưu đãi trong tuyển dụng, bố trí sử dụng người Khmer có trình độ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước.

Như vậy, với những đặc thù về lịch sử - văn hóa, ĐBSCL là vùng đất tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa, là địa bàn cộng cư của nhiều dân tộc anh em. Bên cạnh người Kinh, người Hoa, người Chăm, còn có cộng đồng người Khmer. Để thực hiện chính sách văn hóa có hiệu quả, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của hệ thống chính trị các cấp trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Cùng với đó, cũng phải thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer, giúp họ tự giác, chủ động vượt qua khó khăn và có trách nhiệm hơn nữa đối với việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thực tiễn đã chứng minh, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì chính sách văn hóa đối với đồng bào dân tộc Khmer đều có những nội dung, yêu cầu khác nhau. Nếu thực hiện chính sách văn hóa phù hợp với thực tế, việc giải quyết các vấn đề dân tộc càng có hiệu quả.

 

PHẠM NGỌC HÒA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

 

;