ĐỘNG HƯƠNG TÍCH DẤU ẤN VĂN HÓA TÂM LINH

Trong cuốn Tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian Hà Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thức đã viết “Sự hấp dẫn của Hương Sơn không chỉ ở bề ngoài mà còn ở bên trong. Đó là vẻ đẹp sâu lắng, giàu triết lý dân gian của các hang động. Du khách đến chùa Hương có cái thú ngồi thuyền chiêm ngưỡng bầu trời cảnh bụt, khoái cảm nhìn sông ngắm núi như thấy một góc của non sông đất nước vừa thơ, vừa thực thu gọn trong tầm mắt và cũng ảo huyền như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh”. Trải qua những biến thiên lịch sử, khu thắng cảnh di tích chùa Hương vẫn nổi tiếng với hệ thống hang động, đền chùa xen lẫn giữa vùng rừng núi.

Chùa Hương Tích đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích quốc gia ngày 8-4-1962 theo Quyết định số 313 VH/VP. Khu du lịch chùa Hương là vùng văn hóa cội nguồn tâm linh và đạo lý cổ truyền dân tộc, vùng đất Phật với nhiều huyền thoại, tín ngưỡng dân gian. Hàng năm, khi xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn là khoảng thời gian các phật tử khắp bốn phương lại hành hương về miền đất phật trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm để dâng lên nén tâm hương với lời nguyện cầu tâm linh, chiêm bái, vãn cảnh.

Chùa Hương là một quần thể di tích gồm phức hệ núi non, hang động, thảm thực vật, thủy văn, hệ động vật và hệ thống đình, đền, chùa, động nằm rải rác trên địa bàn 4 xã Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến, An Phú thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong 4 xã thì Hương Sơn được coi là vùng trọng điểm, nơi hội tụ của các danh lam thắng tích, ba xã còn lại lấy sông Thanh Hà làm ranh giới ôm trọn dãy núi đá vôi chạy từ xã Hương Sơn qua Hùng Tiến, An Tiến, An Phú vòng qua điểm tiếp giáp của huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), huyện Kim Bảng (Hà Nam) trở về cuối xã Hương Sơn làm vùng đệm, tạo môi trường sinh thái và cảnh quan cho quần thể di tích. Đến chùa Hương du khách được tham quan trải rộng trên bốn tuyến với quần thể như tuyến Thanh Sơn: chùa Thanh Sơn - động Hương Đài; tuyến Long Vân: chùa Long Vân - động Long Vân - hang Sũng Sàm; tuyến Tuyết Sơn: chùa Bảo Đài - chùa Cá - động Tuyết Sơn; tuyến Hương Tích: đền Trình - chùa Thiên Trù - động Tiên Sơn - chùa Giải Oan - đền Trần Song - động Hương Tích - động Hinh Bồng.

Trong quần thể Hương Sơn, động Hương Tích được biết đến là danh thắng nổi bật với bồng lai tiên cảnh, địa danh gắn liền với lịch sử, văn hóa thuộc tiểu vùng xứ Đoài. Ngoài vẻ đẹp của tạo hóa, động Hương Tích còn chứa đựng yếu tố văn hóa tâm linh tín ngưỡng của con người với việc thờ Phật bà Quan Thế Âm. Tương truyền động Hương Tích là nơi tu hành của công chúa Diệu Thiện con vua Diệu Trang Vương nước Hương Lâm. Nhà vua sinh được ba công chúa, hai cô chị lấy chồng nhưng các phò mã đều ham mê chơi bời, không lo việc nước nên vua bắt chúa Ba lấy chồng để chọn người tài giỏi nhường ngôi, nàng nhất định xin đi tu để sau này độ cho vương triều và chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Vì không nghe theo lời khuyên nên nàng đã bị nhà vua giam cầm. Nhà vua đưa công chúa Ba đến chùa Bạch Tước sai các sư bắt công chúa làm việc vất vả, nặng nhọc suốt ngày đêm và sau đó lại bắt công chúa về giam ở lãnh cung, khuyên can nhưng nàng vẫn một mực từ chối. Vua Diêm Vương sai sứ giả đưa công chúa về dương thế, đến bờ sông Nại Hà sứ giả mới chia tay công chúa. Công chúa một mình ở giữa chốn rừng xanh thấy một người con trai tuấn tú đi đến chào hỏi tỏ tình nhưng ý nàng không thay đổi. Người con trai đó thấy lòng kiên định của công chúa mới hiện thân là đức Phật tổ Như Lai và cho công chúa một quả đào, chỉ cho nàng đường vào động Hương Tích tu.

 
 
 
Du khách đến động Hương Tích. Ảnh Trường Giang 
 

Phật thoại cho rằng sự nghiệp tu hành của bà chúa Ba là biểu tượng đẹp của sự chân tu giữ đạo của đời, hình tượng gần gũi, thân thương và cảm thông với những nỗi bất hạnh của con người. Hình tượng của bà được dân gian hóa thành bậc đại từ bi cứu khổ, cứu nạn, nam mô linh cảm Quan Thế Âm Bồ Tát.

Động Hương Tích được ví là cái trung tâm náo nức của du khách tham quan và người hành hương đến niệm phật. Con đường vào động Hương Tích như thử thách, sự bền bỉ và nhẫn nại của du khách trước cái đẹp kỳ thú, huyền bí. Trước đây, từ Thiên Trù đến Hương Tích không có cáp treo, đường núi nhiều chỗ quanh co, dốc cao.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã Hương Sơn, động Hương Tích xưa kia không ai qua lại cho đến khi Hòa thượng Vân Thủy Thiền Thiên Trần Đạo Viên Quang chân nhân trụ trì chùa Thiên Trù mới tìm ra. Sách Dư địa chí của Phan Huy Chú viết “núi Hương Tích nằm ở phía tây núi Tuyết Sơn theo khe suối đi ngược lên, leo nhiều tầng núi mới vào động. Cảnh thiên nhiên như quỷ thần tạc rất lạ và khéo, là động đẹp nhất miền Nam Hải... Tương truyền, phật Quan Âm Bồ Tát cầm tích trượng sang phương Nam trụ trì ở đây... mỗi năm ngày xuân về thiện nam, tín nữ ở các phương đến động dâng hương”.

 Động Hương Tích được phát hiện vào TK XVI và đưa vào thờ Phật năm 1868. Du khách hành hương khi di chuyển vào động phải trải qua 120 bậc đá kê không trát mặt. Cửa động bằng đá xanh đục từng phiến ghép từng viên gợi lên vẻ thâm nghiêm linh địa như hàm rồng khổng lồ, rộng và sâu hun hút. Ngay cửa động nhìn lên vách trái có bút tích của Tĩnh Vương Trịnh Sâm viết năm Canh Dần (1770) khi đi tuần thú Hương Sơn Nam Thiên Đệ Nhất và nhiều thi nhân đã đề bút tại đây như Phan Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hồ Xuân Hương...

Theo thuyết phong thủy, động Hương Tích là con rồng đang há miệng vờn ngọc. Hòn thạch nhũ khổng lồ giữa động gọi là đụn gạo, hang động với những giọt nước thánh thót từ trên núi đá vôi rơi xuống tạo thành nhũ đá giống bầu sữa mẹ, trên trần bên phải còn buông xuống chín nhũ đá tượng trưng chín con rồng trông vào một khối đá tròn nhô từ dưới lên được gọi là cửu long tranh châu… là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch thập phương.

Động Hương Tích mang giá trị tâm linh của chuỗi phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người Việt. Tòa Tam Bảo trong động giống hệ thống tượng phật như các ngôi chùa truyền thống Việt Nam. Mỗi pho tượng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật độc đáo với chất liệu gỗ quý. Ở chính giữa là pho tượng đức Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát được tạc bằng đá xanh. Chốn bồng lai này luôn truyền cho các tín đồ niềm tin, sản sinh năng lượng, tăng sức mạnh và xuất hiện những khát vọng phồn thực về sự cầu mong sinh sôi nảy nở, ước muốn đầy đủ.

Vào động Hương Tích, du khách sẽ bắt gặp vô số những nhũ đá mang tính linh thiêng như măng đá, cây đá với nhiều hình thù kỳ diệu biểu tượng như núi cô, núi cậu, cây vàng, cây bạc, nong tằm, né kén... Sức mạnh siêu nhiên của phật pháp và sự đồng nhất linh thiêng của những biểu tượng đã tạo cho con người niềm tin vào sự đầy đủ tốt đẹp của cuộc sống. Theo lời kể của người dân địa phương, những hình thù trong động không phải vô tri vô giác, mà đã được trao cho một tính năng đặc biệt, có thể đáp ứng được nhiều lời nguyện cầu của người hành hương. Vì vậy, khi vào động du khách thường xoa đầu cô, đầu cậu để cầu mong con cái, của cải… Tuy nhiên, hiện tượng này cũng gây ra nhiều biểu hiện tiêu cực như cạo bột đá, bẻ nhũ đá… ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên.

Xã hội phát triển, đời sống vật chất được nâng cao nhưng áp lực công việc và gia đình ngày càng nhiều đã làm con người mệt mỏi, mất thăng bằng trong cuộc sống... đã thúc đẩy con người tìm đến những thánh tích linh thiêng màu nhiệm để nương tựa tinh thần. Đây cũng chính là một trong số những yếu tố thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh phát triển. Sự phát triển của du lịch tâm linh trong tương lai không xa là nhu cầu tất yếu, nhất là đối với quốc gia có nền văn hóa Phật giáo như Việt Nam. Việc củng cố niềm tin, tăng nguồn sinh lực, hướng đến cái thiện, tìm sự công bằng qua thần linh, mong mỏi khát khao sống có ý nghĩa luôn được con người hướng tới.

Việc tìm hiểu văn hóa tâm linh tại động Hương Tích trong hệ thống đình, đền, chùa Hương Sơn là một trong những hoạt động du lịch đặc biệt thu hút du khách vào dịp cuối năm và đầu xuân. Bởi thời điểm này du khách có thói quen hành hương để vãn cảnh, cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới. Đến Hương Sơn du khách hành hương không chỉ lĩnh hội được đầy đủ thông tin về cội nguồn tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn được chiêm bái, cầu nguyện, tu dưỡng tinh thần, tạo sức mạnh cho niềm tin và thực hành các nghi lễ truyền thống. Ở đây không chỉ bảo lưu những tín ngưỡng dân gian như tục thờ đá, cầu tự… mà còn lưu thờ cả tượng Phật, tượng Đạo giáo, tượng Mẫu, tạo nên một kho tàng dân gian đặc sắc trên nền bức tranh Phật giáo Việt Nam. Du khách hành hương đến Hương Tích với nhiều mục đích khác nhau, nhưng ý nghĩa tích cực nhất đó là những khát khao, mong muốn cuộc sống tốt đẹp và cũng là để hoàn thiện bản thân mỗi người sống đẹp.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH LOAN

;