VỀ CƠ CHẾ LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG TÂY BẮC

 

         1. Yêu cầu thực tiễn về liên kết du lịch vùng Tây Bắc

          Trong những năm gần đây lượng du khách đến các tỉnh vùng Tây Bắc tăng nhanh. Nhiều tỉnh đã xuất hiện các trung tâm du lịch hấp dẫn như Sa Pa, cao nguyên đá Đồng Văn, cao nguyên Mộc Châu, Mai Châu, Điện Biên Phủ... Các khu du lịch này có sức hút mạnh mẽ đối với du khách và lan tỏa tới nhiều điểm du lịch vệ tinh khác. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các khu, trung tâm du lịch chưa diễn ra mạnh mẽ.

         Đối tượng khách lên vùng Tây Bắc du lịch chủ yếu là trong nước và thường tập trung đông vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ. Từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khai thông, lượng du khách đến Lào Cai tăng vọt trong các ngày nghỉ. Khách nội địa chỉ đi du lịch trong ngày nên nhiều điểm ở gần Hà Nội như Phú Thọ, Mai Châu, Mộc Châu… du khách ít lưu trú qua đêm.

         Vào mùa xuân, thu, hoặc cuối năm, nhu cầu đi du lịch tâm linh của khách nội địa rất lớn. Lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh đông, tiền công đức của họ bỏ ra khá lớn. Vì vậy, nhu cầu liên kết các điểm đến của loại hình du lịch này mạnh, nhưng chưa được đáp ứng. Trong khi đó, lượng khách quốc tế lên các tỉnh Tây Bắc chưa nhiều. Theo số liệu thống kê lượng khách đến 5 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai được khoảng 1 triệu người, đông nhất là Sa Pa (568.000 người) (1). Khách quốc tế chủ yếu đi bộ xem phong cảnh, văn hóa bản làng, đến các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng.

 
 
 
Du khách đến với Tú Lệ trong vụ thu hoạch. Ảnh Paris 
 

         Bên cạnh yếu tố du khách, vấn đề giao thông còn là điều kiện hàng đầu để liên kết phát triển du lịch. Hiện nay, các đường quốc lộ vùng Tây Bắc được nâng cấp, đặc biệt là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xây dựng đã tạo ra tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch. Vì vậy, cần phát huy lợi thế của giao thông để mở rộng liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Bắc.

         2. Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết phát triển du lịch

         Liên kết xây dựng cơ chế, thể chế phát triển du lịch

         Tây Bắc là vùng rộng lớn với địa hình hiểm trở, khó có điều kiện để liên kết phát triển du lịch toàn vùng. Muốn liên kết phát triển du lịch về không gian phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi, về thời gian phải có sự thống nhất tương đồng. Tuy nhiên, vùng Tây Bắc có nhiều loại hình tiểu vùng khác nhau và được kết nối bởi các tuyến đường giao thông tương đối thuận tiện cho phát triển tuyến du lịch. Để du lịch vùng Tây Bắc phát triển cần xác định liên kết nhiều cấp độ.

         Liên kết toàn vùng: về mặt tổ chức cần xây dựng ban chỉ đạo du lịch cấp toàn vùng. Hình thức hoạt động chủ yếu định hướng về các chủ trương chiến lược phát triển du lịch toàn vùng, điều phối những vấn đề liên quan mà cấp tỉnh và cấp tiểu vùng không thực hiện được. Hình thức chỉ đạo có thể thông qua hội nghị liên kết du lịch toàn vùng tiến hành hai năm một lần, đề ra các định hướng chính phát triển du lịch trong toàn vùng.

         Liên kết theo tiểu vùng: Các tỉnh miền núi phía bắc và miền tây Nghệ An - Thanh Hóa do đặc điểm địa hình, giao thông, kinh tế, xã hội đã hình thành một số tiểu vùng như sông Đà (4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình), sông Hồng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), sông Lô (Hà Giang, Tuyên Quang), tiểu vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, tiểu vùng miền Tây (Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình). Mỗi tiểu vùng đều có tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua kết nối như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 6 Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, quốc lộ 2 Hà Giang - Tuyên Quang, quốc lộ 4 Cao Bằng - Lạng Sơn... Ngoài ra, còn các tuyến đường giao thông khác như đường Hồ Chí Minh, 32, 279... các tuyến đường này trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng để xây dựng tuyến du lịch liên kết. Về bộ máy quản lý của tiểu vùng cần được xây dựng gồm có chủ tịch tỉnh, giám đốc sở VHTTDL, chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp du lịch, lãnh đạo phòng nghiệp vụ du lịch... Nhiệm vụ của bộ máy lãnh đạo tiểu vùng là đề suất các nhiệm vụ phối hợp liên kết về du lịch trong thời gian hàng năm và 5 năm. Đồng thời lãnh đạo tiểu vùng còn định hướng những giải pháp, tổ chức thực hiện các đề án, dự án phát triển du lịch mang tính chất liên vùng.

         Liên kết song phương và đa phương: về mặt địa phương có thể liên kết giữa hai tỉnh cùng có mục tiêu phát triển du lịch chung hoặc giữa các tỉnh trong vùng với một số trung tâm du lịch lớn của cả nước như thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng... Nhiều dự án phát triển du lịch liên tỉnh bước đầu được xây dựng như chương trình du lịch về cội nguồn, du lịch tâm linh lưu vực sông Hồngđạt được nhiều kết quả.

         Ngoài ra, trong các dự án phát triển sản phẩm du lịch còn hình thành cơ chế liên kết mở khác như tuyến du lịch đường lên Tây Bắc dọc theo tuyến quốc lộ 32, tuyến liên kết du lịch Sa Pa - Bắc Hà (Lào Cai) với Sín Mần - Hoàng Su Phì (Hà Giang)… Trong liên kết cũng cần mở rộng sự hợp tác quốc tế như xây dựng cơ chế liên kết với Trung Quốc theo các cửa khẩu về những trung tâm du lịch Hà Nội, Hạ Long hoặc liên kết với nước bạn Lào qua tuyến đường quốc lộ 6, mở rộng hình thành liên kết tiểu vùng sông Mê Kông...

         Nội dung liên kết

         Liên kết xây dựng quy hoạch: cần đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu xây dựng quy hoạch, mặt khác cũng cần thống nhất và định hướng xây dựng quy hoạch các khu du lịch mang tính đặc thù.

         Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch: cần chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính liên vùng, liên tỉnh như tuyến du lịch tâm linh dọc theo sông Hồng hoặc theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, du lịch qua cao nguyên Mai Châu - Mộc Châu, chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) - Sín Mần (Hà Giang), khám phá di sản ruộng bậc thang Mù Căng Chải - Yên Bái với Sa Pa - Lào Cai, Hoàng Su Phì (Hà Giang) mở rộng đến Nguyên Dương (Trung Quốc)... Trong đó, cần đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống các điểm du lịch cộng đồng, khu du lịch sinh thái ở mỗi tỉnh. Hiện nay, sản phẩm du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc đều na ná giống nhau như ngủ nhà sàn, xem múa xòe, uống rượu cần... Vì vậy, khi liên kết phải định hướng, lựa chọn tài nguyên, sắc thái riêng của từng địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.

         Vùng Tây Bắc có 30 dân tộc sinh sống, khi xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, mỗi tỉnh cần lựa chọn một dân tộc có bản sắc riêng để xây dựng. Các điểm du lịch cộng đồng này cần được quy hoạch thống nhất, không xây dựng tràn lan tránh sự trùng lặp về sản phẩm du lịch. Trước mắt, các tỉnh Tây Bắc cần nghiên cứu, xây dựng những khu du lịch trọng điểm mang sắc thái riêng của từng tỉnh như Sa Pa (Lào Cai), cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Cạn)...

            Liên kết hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch: ở mỗi tỉnh đều manh mún, không có chiến lược và thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, việc liên kết hợp tác giữa các tỉnh sẽ góp phần tiết kiệm kinh phí, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động du lịch. Nhờ sự giúp đỡ của dự án EU, 8 tỉnh Tây Bắc cũ mở rộng (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang) đã xây dựng được logo riêng của từng tỉnh và chung cho cả cụm liên tỉnh. Các tỉnh có chương trình xuất bản các tài liệu du lịch chung. Hiện nay, theo điều tra của dự án EU, du khách quốc tế đến Tây Bắc dựa vào các nguồn thông tin qua internet chiếm tỷ lệ cao nhất với 65,1%; người khác giới thiệu chiếm 43,9%; các phương tiện báo chí là 20,9%; công ty du lịch, lữ hành chiếm 18,7%; các nguồn khác chiếm 14,0%; văn phòng thông tin du lịch chiếm 6,1%; truyền hình chiếm tỷ lệ thấp nhất với 1,8%.

            Cũng theo điều tra của dự án EU, du khách nội địa đến Tây Bắc qua các nguồn tin internet chiếm tỷ lệ cao nhất với 53,9%; người khác giới thiệu là 35,7%; truyền hình là 26,0%; văn phòng thông tin du lịch chiếm 1,9% (2). Trên cơ sở những điều tra nghiên cứu, các tỉnh Tây Bắc cần chú trọng một số biện pháp quảng bá: tập trung nâng cấp, xây dựng trang web bằng tiếng Anh, Trung Quốc, Pháp… với những thông tin cụ thể, thiết yếu như các sản phẩm du lịch, dịch vụ ăn, nghỉ, đi lại, mua sắm...; mời các hãng lữ hành tham gia quảng bá, khai trương các tuyến du lịch liên tỉnh, xây dựng một chương trình quảng bá dài hạn về tài nguyên du lịch, các sản phẩm mới theo từng thời gian trên hệ thống thông tin đại chúng; mở cuộc thi ảnh, bài viết về các sản phẩm du lịch liên kết, tài nguyên du lịch vùng Tây Bắc… Bên cạnh liên kết, xúc tiến quảng bá, các tỉnh Tây Bắc cần coi trọng liên kết công tác đào tạo, thu hút nguồn lực đầu tư, phân phối khách lữ hành, hợp tác trao đổi kinh nghiệm về quản lý du lịch...

         3. Một số khuyến nghị

         Đối với cơ quan nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng đường giao thông nối các tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Cần có giải pháp tăng nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng trên cơ sở phân bổ ngân sách hoặc tạo cơ chế cho Tây Bắc tham gia giai đoạn 3 của dự án Phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (do ngân hàng ADB tài trợ). Sửa đổi một số điều luật trong luật du lịch về vấn đề bảo vệ tài nguyên, tiêu chuẩn khu, điểm du lịch cho phù hợp với vùng Tây Bắc…

          Đối với Ban chỉ đạo Tây Bắc cần xác định liên kết du lịch là hình thức trọng điểm. Cần xây dựng chương trình riêng mang tính chất dài hạn về liên kết các tỉnh trong vùng Tây Bắc để phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế liên kết toàn vùng và các tiểu vùng, định hướng xây dựng quỹ du lịch...(3).

         _______________

         1, 2. Chương trình, Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ, Một số kết quả điều tra khách du lịch 2014 điểm đến Sa Pa.

         3. Bài viết này là sản phẩm của đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái theo hướng phát triển bền vững vùng Tây Bắc, mã số KHCN-TB, 09X/13-18. Đề tài được tài trợ bởi Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, ĐHQGHN.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : TRẦN HỮU SƠN

;