Một vài nét về phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô Hà Nội

Mở đầu

Công nghiệp văn hóa (CNVH) là các ngành sản xuất ra các sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng tạo ra của cải và thu nhập, thông qua khai thác các tài nguyên văn hóa và sản xuất những sản phẩm dịch vụ dựa trên tri thức truyền thống và đương đại (1). Hà Nội là một trong những thành phố đi đầu về phát triển CNVH. Do vậy, xét về lịch sử, cách đây khoảng 1 thập kỷ (từ 2012) đã có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về CNVH ở Thủ đô. Nhưng có thể nói, các nghiên cứu về CNVH của Hà Nội chỉ nhiều hơn kể từ năm 2016 khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành và đặc biệt từ năm 2020 trở lại đây. Các cuộc tọa đàm, hội thảo, các đề tài/ đề án và những bài viết học thuật xuất hiện nhiều hơn, phản ánh tầm quan trọng hàng đầu của CNVH đối với Thủ đô, đồng thời cũng phản ánh bước tiến trong đường lối, chính sách của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội trong quyết sách đối với phát triển CNVH.

Đây là một nghiên cứu tổng quan, dựa trên nguồn tư liệu thứ cấp. Mục đích của nghiên cứu này nhằm nhìn lại một cách hệ thống những nghiên cứu về phát triển CNVH ở Thủ đô Hà Nội trong hơn 1 thập kỷ qua (từ năm 2012 đến năm 2023) từ đó đánh giá các thành tựu và chỉ ra khoảng trống cần bồi đắp để những nghiên cứu bắt kịp, phản ánh đúng thực tiễn và góp phần thúc đẩy sự phát triển CNVH đang diễn ra với tốc độ nhanh và sinh động ở Thủ đô Hà Nội hiện nay. Cụ thể, phân tích hệ thống tư liệu thứ cấp về phát triển CNVH ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có ba vấn đề chính, quan trọng đã được đề cập đến: Quan điểm, đường lối phát triển CNVH ở Hà Nội; Thực trạng và giải pháp phát triển các ngành CNVH của Thủ đô Hà Nội; Nhận diện và phát huy di sản văn hóa trong phát triển CNVH ở Thủ đô Hà Nội.

1. Quan điểm, đường lối phát triển CNVH ở Thủ đô Hà Nội

Những vấn đề liên quan đến quan điểm, đường lối phát triển CNVH ở Hà Nội đã được nhiều học giả quan tâm. Trước hết, các nghiên cứu chỉ ra, quan điểm, đường lối phát triển CNVH Hà Nội là cụ thể hóa quan đường lối chính sách phát triển CNVH của Việt Nam gắn liền với bối cảnh Thủ đô. Trong thực tế ở Việt Nam, vấn đề phát triển CNVH được đặt ra trở thành một nhiệm vụ quan trọng từ Văn kiện của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI (tháng 6-2014). Tiếp đó, đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là văn bản nhà nước đầu tiên đề cập đến khái niệm CNVH. Phát triển CNVH tiếp tục được Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa dựa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” (2).

Cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, ngày 22-2-2022 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời cũng ban hành Kế hoạch 217 về việc thực hiện Nghị quyết 09. Theo đó, Thành ủy Hà Nội xác định sẽ tập trung đầu tư phát triển một số ngành giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực… phù hợp với thực tiễn và từng giai đoạn cụ thể. Đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển CNVH vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Đến năm 2045, CNVH Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Hà Nội (3).

2. Thực trạng và giải pháp phát triển các ngành CNVH ở Thủ đô Hà Nội

Cách đây một thập kỷ, thực trạng và giải pháp phát triển các ngành CNVH của Hà Nội đã được nghiên cứu trong một công trình khá toàn diện của Phạm Duy Đức và Vũ Phương Hậu (2012). Trong công trình dày hơn 300 trang này, hai tác giả chủ biên cùng các cộng sự đã đánh giá thực trạng phát triển của CNVH Thủ đô từ năm 1990 đến năm 2012 trên các khía cạnh thực trạng về nhận thức vai trò của CNVH, thực trạng của các ngành CNVH cụ thể như công nghiệp báo chí, công nghiệp xuất bản, công nghiệp sản xuất đồ chơi, công nghiệp băng đĩa, công nghiệp điện ảnh, phát thanh truyền hình… Các tác giả cho rằng, sự nhận thức về vai trò, vị trí của ngành CNVH trong quá trình phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở thủ đô Hà Nội còn chưa rõ, phân tán và thiếu một cái nhìn đồng bộ, tiện đâu làm đó (4). Sự phát triển của CNVH còn manh mún, tản mạn, chưa có sự liên minh, liên kết giữa các lĩnh vực với nhau để tạo nên lợi thế cạnh tranh trong phát triển; hệ thống công nghệ, kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp còn nhiều hạn chế; việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng còn nhiều trở ngại. Trên cơ sở phân tích thực trạng, các tác giả đưa ra những phương hướng và giải pháp tổng thể nhằm đẩy mạnh phát triển CNVH Thủ đô. Nghiên cứu này cũng chỉ ra Hà Nội cần có một chiến lược tổng thể về phát triển CNVH.

CNVH là một ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng, nhất là khi nó được hậu thuẫn bởi chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Kể từ sau năm 2016 với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, CNVH trong cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng có nhiều chuyển biến. Vì vậy, các nghiên cứu về CNVH Hà Nội kể từ sau năm 2016 có nhiều cập nhật để phù hợp với tốc độ phát triển của ngành này. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phát triển CNVH ở Thủ đô Hà Nội xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt Hà Nội đã tổ chức một số cuộc tọa đàm, hội thảo về CNVH thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều bên liên quan. Tiêu biểu phải kể đến Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “thành phố sáng tạo” do Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức năm 2020 với tổng cộng 95 bài viết có liên quan đến thực trạng chính sách, nguồn lực, thị trường, công nghệ…trong phát triển CNVH ở Thủ đô Hà Nội. Tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - thực trạng và giải pháp được tổ chức vào tháng 6-2021 cũng có một loạt bài tham luận điểm nhấn liên quan đến thực trạng phát triển CNVH Thủ đô. Thể hiện tập trung nhất và toàn diện nhất đến thực trạng và giải pháp phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô Hà Nội phải kể đến là Dự thảo Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU. Dự thảo này không chỉ nêu lên vai trò của CNVH đối với phát triển mọi mặt của Thủ đô, các nguồn lực phát triển… mà còn phân tích thực trạng phát triển của 13 ngành CNVH cụ thể với những thành tựu và hạn chế của nó. Từ đó, Dự thảo đưa ra các giải pháp chung (liên quan đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư; phát triển thị trường; mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế) cũng như các giải pháp riêng cho việc phát triển từng ngành CNVH Thủ đô.

3. Nhận diện và phát huy di sản văn hóa trong phát triển CNVH ở Thủ đô Hà Nội

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, những nghiên cứu về di sản văn hóa (DSVH) và phát triển CNVH Thủ đô Hà Nội thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như nhiều doanh nghiệp, tập thể, cá nhân nghệ sĩ tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo các sản phẩm văn hóa. Các nghiên cứu đã đề cập tới các khía cạnh cụ thể sau đây:

Thứ nhất, khá nhiều công trình nghiên cứu và bài viết chỉ ra sự giàu có của nguồn lực văn hóa nói chung và DSVH nói riêng của Hà Nội đối với sự phát triển của Thủ đô, trong đó có sự phát triển của CNVH. So với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Hà Nội được xem là một trong những nơi sở hữu khối lượng khổng lồ các DSVH vật thể và phi vật thể phong phú và có giá trị cực kỳ quý báu, chiếm 2/3 tổng số DSVH của cả nước, chính vì vậy, một số nhà nghiên cứu đã gọi Hà Nội là “Thủ đô di sản”. Hà Nội có những di sản được ghi danh ở tầm quốc tế. Số liệu kiểm kê DSVH phi vật thể năm 2016 cho thấy, Hà Nội hiện có 1.793 DSVH phi vật thể phân bố trên 509 xã, phường, thị trấn. Hà Nội có nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, có tới 1.350 làng nghề/ làng có nghề truyền thống với những sản phẩm độc đáo và tinh xảo. Ẩm thực Hà Nội nổi tiếng với những món ăn ngon, tinh tế và sáng tạo.

Không những cung cấp bằng chứng về sự giàu có của hệ thống di sản, một số nghiên cứu khác còn đề cập đến điểm riêng biệt, độc đáo của di sản Thủ đô. Những DSVH vừa chứa đựng nét hồn cốt của Hà Nội, vừa chứa đựng trong đó những nét tiêu biểu nhất, đặc trưng độc đáo của văn hóa Việt Nam. Với hệ thống di sản này, Hà Nội hoàn toàn có thể khai thác để phát triển kinh tế nói chung và CNVH nói riêng mang đặc trưng riêng có của Hà Nội.

Thứ hai, một số nghiên cứu nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa nói chung/ DSVH với tư cách là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của CNVH ở Thủ đô. Với lịch sử hình thành và phát triển 11 thế kỷ, Hà Nội tự hào có một kho tàng DSVH vô giá, đó là nguồn lực văn hóa góp phần to lớn cho sự phát triển bền vững của Hà Nội và khẳng định vị thế của “Thủ đô di sản” trong quá trình hội nhập. DSVH trở thành chất liệu và nguồn cảm hứng sáng tạo cho các ngành CNVH Thủ đô.

Thứ ba, vì tầm quan trọng của di sản, một số nghiên cứu cho rằng, cần phải thúc đẩy hơn nữa việc phát huy DSVH cho sự phát triển của CNVH Thủ đô. Phạm Hồng Tung (2020) ví DSVH như vàng hay dầu mỏ hoặc than đá và cho rằng: “khi chưa được phát hiện và khai thác thì chúng nằm im dưới lòng đất, dù quý giá cũng không có tác động gì đối với nền kinh tế và với đời sống con người. Chỉ khi được khai thác và đưa vào sử dụng, chúng mới phát huy hết giá trị của mình” (5).

Thứ tư, một số nghiên cứu đề cập đến thực trạng và giải pháp phát huy di sản trong phát triển CNVH nói chung và các ngành CNVH cụ thể nói riêng. Những nghiên cứu này chiếm một số lượng lớn trong các nghiên cứu về mối quan hệ giữa DSVH và CNVH ở Hà Nội. Có những nghiên cứu đề cập đến hiện trạng khai thác di sản trong phát triển CNVH nói chung ở Thủ đô, nhưng cũng có những nghiên cứu chỉ đề cập đến hiện trạng khai thác di sản cho sự phát triển của một ngành CNVH cụ thể nào đó. Trần Thị Hiên (2022) trình bày sơ lược về thực trạng khai thác DSVH trong phát triển một số ngành CNVH như du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ và thiết kế sáng tạo. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhiều chương trình biểu diễn đã sử dụng chất liệu truyền thống để sáng tạo ra sản phẩm mới phù hợp với hiện tại và hấp dẫn người xem. Trong lĩnh vực thiết kế, nhiều nhà thiết kế đã lấy cảm hứng từ truyền thống để tạo ra những trang phục mới lạ hấp dẫn mà vẫn mang bản sắc dân tộc (6).

Bên cạnh những thành công, việc khai thác di sản trong phát triển CNVH ở Hà Nội còn nhiều hạn chế. Phạm Hồng Tung (2020) cho rằng, phải thẳng thắn thừa nhận việc đưa DSVH trở thành nguồn lực văn hóa của Hà Nội cũng như của cả nước còn rất kém, xét về cả số lượng và chất lượng, hiệu quả. Nhiều di sản vật thể có giá trị vẫn chưa được phát huy giá trị trong cuộc sống. Nhiều DSVH phi vật thể gắn với các làng xã vùng nông thôn của Hà Nội bị quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa “nuốt chửng”, “bức tử”; nhiều di sản được khai thác, phát huy giá trị nhưng chưa tương xứng với giá trị di sản, giá trị khoa học, chưa hiệu quả, thậm chí có nơi phản tác dụng. Việc có rất ít các sản phẩm CNVH mang bản sắc của Hà Nội có sức cạnh tranh, lan tỏa mạnh chính là minh chứng rõ nhất cho sự yếu kém và hiệu quả còn hạn chế của việc phát huy nguồn lực văn hóa trên nền tảng DSVH của Hà Nội.

Trên cơ sở chỉ ra những hạn chế và tồn tại, các nhà nghiên cứu đưa ra gợi ý các biện pháp nhằm phát huy di sản trong phát triển CNVH ở Thủ đô như: nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô về tầm quan trọng, ý nghĩa của mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa phát huy nguồn lực DSVH với phát triển CNVH; nhận diện và đánh giá đầy đủ giá trị của DSVH để khai thác có hiệu quả trong xây dựng và phát triển CNVH; chú trọng sản xuất các sản phẩm CNVH từ di sản mang thương hiệu của Thủ đô; xây dựng nguyên tắc đạo đức trong việc sử dụng, khai thác DSVH để vừa phát huy giá trị kinh tế, vừa bảo vệ DSVH, đảm bảo quyền lợi của cộng đồng…

4. Phát triển CHVH ở Thủ đô Hà Nội: vài khía cạnh bàn luận từ tư liệu thứ cấp

Như vậy, những nguồn tư liệu thứ cấp trong khoảng chục năm trở lại đây đã cho thấy, vấn đề phát triển CNVH ở Hà Nội đã được khai thác từ nhiều khía cạnh khác nhau. Thành tựu của nguồn tư liệu này được thể hiện ở chỗ đã phản ánh cụ thể chi tiết quan điểm, chính sách của Thủ đô trong việc phát triển CNVH. Thực trạng phát triển trong khoảng 1 thập kỷ đã được phác thảo rõ nét thông qua từng ngành CNVH cụ thể như nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa… Các giải pháp liên quan đến nhân lực, công nghệ, hợp tác đầu tư, truyền thông… nhằm phát triển CNVH cũng được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu. Đặc biệt, nguồn tư liệu thứ cấp đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các học giả trong việc nhận diện và khai thác văn hóa/ DSVH - vốn văn hóa giàu có của Thủ đô nhằm xây dựng các sản phẩm CNVH đặc sắc. Những thành tựu nghiên cứu này chính là những gợi ý tốt cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển CNVH Thủ đô, cũng như các nhà sáng tạo, các doanh nghiệp/ tổ chức có những chiến lược đúng đắn phù hợp cho sự phát triển CNVH.

Tuy vậy, có thể nhận thấy sự hạn chế của nguồn tư liệu về CNVH ở Thủ đô Hà Nội. Rõ nét nhất là các nghiên cứu thường đề cập đến vai trò/ vị trí của DSVH nói chung đối với sự phát triển của CNVH. Trong khi đó, DSVH bao gồm DSVH vật thể và DSVH phi vật thể, hai loại hình di sản này có những đặc điểm khác nhau và do vậy có vai trò/ vị trí khác nhau đối với sự phát triển CNVH. Khi phân tích về vai trò của DSVH đối với sự phát triển của CNVH ở Hà Nội, các nguồn tư liệu thường đề cập đến tất cả loại hình của nó. Tuy nhiên, mỗi địa phương sẽ có những DSVH phi vật thể đặc sắc riêng, chính sự đặc sắc của di sản này tạo nên nhãn hiệu, tạo nên bản sắc của địa phương đó. Việc Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới phát triển một nền CNVH mang bản sắc đặc trưng của quốc gia họ cho thấy một bài học kinh nghiệm cần tập trung nhận diện các DSVH đặc sắc của Hà Nội và đề xuất hướng khai thác để phát triển một nền CNVH mang đậm màu sắc thành phố Thủ đô. Xây dựng thương hiệu CNVH Thủ đô là một điều cần thiết.

Hơn nữa, khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa DSVH đối với phát triển CNVH, hầu hết các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở mức độ chỉ ra vai trò/ vị trí của nó cũng như nhận diện các DSVH được sử dụng như chất liệu cho phát triển CNVH mà hầu như chưa chỉ ra sẽ khai thác DSVH như thế nào, bằng cách nào, phương pháp nào, khai thác từng loại hình DSVH cho sự phát triển của ngành CNVH cụ thể nào. Do vậy, không chỉ dừng lại ở việc nhận diện các DSVH đặc sắc của Thủ đô Hà Nội mà còn phải chỉ ra cách thức, phương pháp khai thác chúng cho sự phát triển của CNVH Thủ đô là một việc làm quan trọng. Chúng tôi cho rằng, cần chỉ ra một cách cụ thể với mỗi loại hình DSVH phi vật thể thì sẽ có thể khai thác cho sự phát triển của từng ngành CNVH nào; đồng thời chỉ ra các DSVH nào sẽ kết hợp với nhau để phát triển các ngành CNVH cụ thể một cách hiệu quả.

Nguồn tư liệu thứ cấp cũng cho thấy, những nghiên cứu về phát huy DSVH nhằm phát triển CNVH ở Thủ đô Hà Nội thường được nhìn từ góc độ nghiên cứu cơ bản, lý thuyết mà thiếu vắng những nghiên cứu từ góc độ ứng dụng, đưa ra những mô hình cụ thể cho sự phát triển của CNVH. Do vậy, chúng tôi cho rằng các nghiên cứu xây dựng mô hình khai thác DSVH nhằm phát triển ngành CNVH mang thương hiệu Thủ đô nên được khuyến khích thúc đẩy (7).

_________________

1. Tạ Ngọc Tấn, Một số quan niệm, cách phân loại “các ngành công nghiệp văn hóa”, Tạp chí Cộng sản chuyên đề, số 2, 2021, tr.5.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.47.

3. Nghị quyết 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

4. Phạm Duy Đức, Vũ Phương Hậu, Nghiên cứu xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2012, tr.34.

5. Phạm Hồng Tung, Phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thương hiệu văn hóa Thủ đô, Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội, Thành ủy - UBND TP Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức tại Hà Nội, ngày 28-9-2020, tr.102.

6. Trần Thị Hiên, Khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa ở thành phố Hà Nội, in trong Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội, 2022, tr.353-354.

7. Nghiên cứu này được thực hiện bởi tài trợ của Đề tài Khoa học của Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội: Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô Hà Nội, mã số đề tài: CT06/01-2023-3.

TS MAI THỊ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;