Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - người bạn thân thiết, tin cậy

 

Tôi có may mắn được cộng tác với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ năm 1991 và chứng kiến sự trưởng thành vươn lên của Tạp chí qua chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển. Sau chủ trương sáp nhập Tạp chí của một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL vào Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, giờ đây Tạp chí không chỉ có nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn mà còn có chuyên ngành về đời sống văn hóa, nghệ thuật, xây dựng văn hóa cơ sở, trao đổi nghiệp vụ, mục giải đáp tuyên truyền pháp luật và trang tạp chí điện tử… đáp ứng nhu cầu không chỉ người làm công tác trong ngành Văn hóa mà cả bạn đọc quan tâm lĩnh vực văn hóa. Chính vì thế, Tạp chí luôn giữ được sự trân trọng, yêu quý và ngày càng trở thành người bạn tin cậy, thân thiết đồng hành với bạn đọc gần xa trên khắp mọi miền đất nước.

Phải khẳng định rằng, trước hết Tạp chí đã quy tụ được đội ngũ người viết uy tín, kiến thức sâu rộng, tâm huyết với sự phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà, luôn có sự tìm tòi những xu hướng mới, tiến bộ của văn hóa, nghệ thuật các nước trong khu vực và thế giới. Với mong muốn tiếp thu những thành tựu sáng tạo, cảnh báo những vấn đề “độc hại” hoặc không phù hợp bản sắc văn hóa Việt Nam, đường lối phát triển văn hóa, văn nghệ do Đảng lãnh đạo, Tạp chí đã chọn lọc một số tác giả nước ngoài, một số vấn đề về văn hóa Việt Nam để giới thiệu trên Tạp chí, đáp ứng được yêu cầu của độc giả về giao lưu văn hóa, xu hướng mới trong phát triển văn hóa của khu vực và thế giới. Đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí không những chỉ có các nhà nghiên cứu ở Trung ương, các giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học mà có cả những người làm công tác văn hóa, lịch sử, văn nghệ dân gian, du lịch ở các địa phương… Điều đó làm phong phú thêm những nội dung, vấn đề phán ánh trên trang sách mà trước đây khó có điều kiện thực hiện. Những nội dung họ đề cập là những vấn đề ở chính tại nơi họ sống, họ hiểu sâu về nội dung phản ánh và phù hợp với chủ đề mà Tạp chí cần. Bên cạnh đó, những người làm công tác nhiếp ảnh, sáng tác tranh cổ động, sáng tác ca khúc khi tham gia với vai trò cộng tác viên đã góp phần làm phong phú, làm đẹp thêm về hình thức của Tạp chí. Đội ngũ lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ, đội ngũ biên tập xuất bản đã có sự tiếp nối phát triển, bảo đảm độ bao quát, tầm nhìn về các vấn đề lớn của Tạp chí khi được Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ, cùng với việc đổi mới từ nội dung đến hình thức thể hiện. Đặc biệt, vào những dịp kỷ niệm lớn của đất nước như kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tạp chí có nhiều bài viết của những cây bút tên tuổi, đã phân tích, đánh giá sâu với góc nhìn đa chiều, thấu đáo, một mặt bảo đảm định hướng tuyên truyền, mặt khác làm thỏa mãn nhu cầu của độc giả. Đây là những ưu điểm rất rõ nét của Tạp chí.

Tôi rất nhớ khi lần đầu được lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Vĩnh Phú giao nhiệm vụ phối hợp với Tạp chí (lúc đó còn tên gọi Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật) thực hiện tuyên truyền giới thiệu về văn hóa vùng Đất Tổ năm 1991. Làm thế nào để chọn được những bài tiêu biểu, đại diện đưa vào Tạp chí, đó là một câu hỏi khó khi lần đầu tôi thực hiện nhiệm vụ này. Sau khi trao đổi với ông Trần Lâm Biền lúc đó là Trưởng Ban Biên tập, ông Nguyễn Chí Bền, lúc đó còn là cán bộ biên tập, tôi mạnh dạn đưa ra một số bài mang tính chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, bài khái quát cụ thể hóa những nhiệm vụ mang tính chiến lược trong phát triển văn hóa của Giám đốc Sở. Một số bài cụ thể trên một số lĩnh vực chuyên môn của ngành do một số cây bút của Sở Văn hóa viết. Ban Biên tập cùng bàn bạc và đồng ý, góp ý cho tôi có thể chọn bài “gai góc” một chút (ý của các ông là có thể còn một số ý kiến khác nhau về nguồn tư liệu sử địa phương được trích dẫn trong bài viết). Tôi thực hiện, song, trong đầu vẫn có một chút băn khoăn, nhưng đến khi nhận được tạp chí thì tôi rất phấn khởi khi đọc dòng sapo lý giải của Ban Biên tập. Xin được trích ra đây như một kỷ niệm khó quên ấy: “Tuy bài viết của tác giả còn có ý kiến khác nhau do trích dẫn từ nguồn sử liệu địa phương, song, Ban Biên tập vẫn đăng để rộng đường dư luận”. Thật, quá tuyệt vời vì sự kín kẽ của những người có nhiều kinh nghiệm, tôi đã thu được bài học kinh nghiệm quý mà không sách vở của nhà trường dạy. Tôi hiểu thêm đây là Tạp chí nghiên cứu nên có sự mạnh dạn trong thể hiện tất nhiên là vẫn phải đúng đường lối; nguồn sử liệu địa phương về một số danh nhân khi đánh giá công trạng, những chi tiết đời tư rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn nguồn chính sử (ví dụ trường hợp danh nhân Trần Nguyên Hãn, Triệu Thái). Nhân câu chuyện trên tôi nhớ đến việc liên kết phối hợp giữa Tạp chí và các Sở Văn hóa trong tuyên truyền giới thiệu những hoạt động văn hóa tiêu biểu ở địa phương khá hiệu quả, mạng lưới tuyên truyền của Tạp chí rộng, địa phương có dịp tốt để quảng bá với các tỉnh thành khác.

Hiện nay, Tạp chí vẫn tiếp tục phối hợp với một số đơn vị, ngành để có những chuyên đề bổ ích, hay có những xuất bản phẩm tập hợp những bài có chất lượng theo trục thời gian hoặc vấn đề cần tổng hợp, phản ánh. Tạp chí còn nghiên cứu, tập hợp để xuất bản được những chuyên luận, những công trình văn hóa hiện đại và truyền thống, sách phổ cập kiến thức văn hóa như: Tìm về bản sắc dân tộc Việt Nam, Văn hóa vì con người, Việt Nam cái nhìn địa văn hóa, Hỏi đáp về văn hóa Việt Nam…; kiên trì ý tưởng nghiên cứu vùng văn hóa thể hiện ở các số chuyên đề về văn hóa địa phương, ở các cuốn sách Văn hóa nghệ thuật Nam Bộ, Văn hóa nghệ thuật Trung Bộ. Những ấn phẩm này giúp ích nhiều cho các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu, các cộng tác viên và bạn đọc gần xa. Với tình cảm rất chân thành, tôi biết ơn về sự cố gắng này của Tạp chí vì qua những ấn phẩm đó, tôi đã tra cứu nhiều thông tin về lễ hội, trong đó có những lễ hội đặc sắc của vùng Đất Tổ, để phục vụ trong công tác tham mưu về quản lý lễ hội, giới thiệu quảng bá lễ hội phục vụ du lịch. Xin lấy một ví dụ năm 2000, Tạp chí có sự hợp tác với Công ty Phát hành sách Hà Nội xuất bản cuốn sách Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam chào mừng các ngày lễ lớn năm 2000 và hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sách dày 1.444 trang. Cuốn sách này có thể coi như một cẩm nang tra cứu về lễ hội đặc sắc Việt Nam mà bình thường bạn đọc hoặc những người làm công tác văn hóa phải đi đến hàng chục thư viện cũng chưa chắc có đủ các thông tin. Tôi có trong tay một cuốn như thế do ông Trần Phù Tiêu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ tặng lại năm 2004. Cuốn sách này do Tạp chí chọn lọc, tập hợp, biên soạn một lần nữa khẳng định phương châm nghiên cứu và phổ biến khoa học văn hóa của Tạp chí. Đó là đi tìm bản sắc văn hóa Việt Nam, sắc thái các vùng văn hóa được thể hiện ở các đối tượng văn hóa cụ thể mà lễ hội cổ truyền là một trong những đối tượng đó. Đến nay có lẽ đây vẫn là một cuốn sách có tập hợp đầy đủ nhất về lễ hội cổ truyền Việt Nam. Một điều rất hay mà Tạp chí đưa đến cho độc giả là danh mục các bài đã đăng trong các số Tạp chí trong số cuối năm, đã giúp tra cứu nhanh những bài mà bạn đọc quan tâm. Điều này không phải tạp chí nào cũng thống kê đầy đủ, cẩn thận như Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Trở lại nội dung của Tạp chí ở thời điểm đã sáp nhập và phân kỳ xuất bản, cảm nhận của tôi và của nhiều bạn đọc khác là hài lòng vì nó cơ bản làm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu lĩnh vực nghiên cứu lý luận; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; thế giới nghệ thuật. Các chuyên mục, đề mục trong các kỳ xuất bản khá đa dạng, thông tin hay phân tích làm rõ vấn đề đều mềm mại, nhiều bài có cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá khá thuyết phục. Ví dụ, Kỳ 3 của Tạp chí về Thế giới nghệ thuật số 538 ra tháng 6-2023 chẳng hạn có bài: Cần cẩn trọng khi đưa trang phục truyền thống lên sàn diễn tác giả Phong Giang đã phân tích khá thấu đáo hiện tượng thể nghiệm một cách hơi quá đà gây phản cảm về trang phục biểu diễn dân tộc trên sàn diễn, dẫn đến sự việc bị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, biểu diễn của một công ty ở TP.HCM. Đó là những thông tin bạn đọc của Tạp chí, các nhà quản lý văn hóa rất quan tâm. Hay như khá nhiều số tạp chí kỳ 2 về Xây dựng đời sống văn hóa giới thiệu cách làm hay, kinh nghiệm tốt của nhiều địa phương trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các gương tập thể, cá nhân điển hình qua các phong trào, các cuộc vận động lớn do các cấp phát động. Ví dụ trong số 486 ra tháng
1-2022 có bài: Từ gia đình, văn hóa gia đình, giáo dục gia đình đến xây dựng chiến lược gia đình trong thời kỳ mới của tác giả Trần Văn Quang đã phân tích sâu về hiện trạng gia đình từ đó đưa ra những nội dung cần đưa vào xây dựng chiến lược gia đình. Có thể nói hiệu ứng của những bài viết đã lan tỏa rộng trong dư luận. Không thể kể hết ra đây những cái được của Tạp chí trong vài trang viết.

50 năm đã qua là một chặng đường dù không phải lúc nào cũng thuận lợi, song, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã vươn mình bằng nỗ lực trên chính đôi chân của mình, khẳng định sự trưởng thành bằng những sản phẩm có chất lượng. Lòng tin yêu của độc giả, coi Tạp chí như người bạn thân thiết, tin cậy chính là thước đo, là sự đánh giá chân xác nhất.

Xin được chúc mừng các thế hệ lãnh đạo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên Tạp chí qua các thời kỳ. Mong sao trong thời gian tới, Tạp chí luôn cải tiến, đầu tư về chất lượng, hấp dẫn về nội dung, hình thức, thu hút ngày càng nhiều bạn đọc trong nước và ngoài nước. 

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguyên cán bộ Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ

 

-----------------------

Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

 

 

;