Đề tài chiến tranh và hậu chiến trong dòng chảy của điện ảnh Việt Nam - Bài 2: Làn gió mới khơi mạch nguồn sáng tạo

Đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài hậu chiến vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ của văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Với cách thể hiện mới mẻ độc đáo, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng không còn mang tính tuyên truyền mà nó hấp dẫn cả về phương diện giải trí lẫn nghệ thuật.

Cảnh phim Đường xuyên rừng

Khai thác chất bi tráng mà nữ tính

Ở thời điểm này, các nhà làm phim cũng có những góc nhìn mới và khác về cuộc chiến, thể hiện qua những khía cạnh mà giai đoạn trước không có. Đó là khai thác những góc khuất trong cuộc chiến: những hy sinh, mất mát, đau thương trong số phận những con người đi qua cuộc chiến. Đó là những phim Những đứa con, Bình minh xôn xao, Địa chỉ để lại, Tình đất Củ Chi, Mùa gió chướng, Cha và con, Câu chuyện làng dừa, Huyền thoại về người mẹ… trong đó nổi bật nhất là bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Có thể nói trong bộ phim này, chiến tranh mang gương mặt phụ nữ, những khốc liệt của chiến tranh hiện lên qua những hy sinh lặng thầm của người phụ nữ nơi hậu phương. Người lính đã hy sinh, anh không hiện lên bằng xương bằng thịt, mà luôn phảng phất hiện hữu trong tâm tưởng người vợ. Trường đoạn họ gặp nhau ở chợ Âm dương cùng hội ngộ những người lính đã hy sinh là một trường đoạn xuất sắc, vừa độc đáo bản sắc phương Đông với những tín ngưỡng tâm linh, vừa khẳng định sự bất tử của những hồn thiêng sẽ sống mãi cùng non sông mà họ đã ngã xuống để bảo vệ. Mất mát, đau thương nhưng không bi lụy mà ngời sáng nhân cách, lòng tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng Cách mạng đến Bao giờ cho đến tháng Mười đã được nâng lên một tầm cao mới.

Nếu ở giai đoạn trước chủ yếu khai thác chất bi tráng của chiến tranh thì giai đoạn này, chất trữ tình cũng được đề cập với những bộ phim đi sâu vào nội tâm của các nhân vật, đặc biệt không chỉ nhân vật chính diện mà nhân vật phản diện cũng được nhìn nhận, qua đó âm hưởng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng lan tỏa qua những góc nhìn đa dạng đầy màu sắc và chiến tranh cũng hiện lên qua nhiều lăng kính. Kỷ niệm vùng ven, Mẹ vắng nhà, Mảnh trăng cuối rừng, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Khoảng khắc im lặng của chiến tranh, Hồi chuông màu da cam, Trừng phạt… là những bộ phim tiêu biểu nhất. Không còn xây dựng nhân vật một chiều, không chỉ là những bộ phim tuyên truyền cứng nhắc, phim truyện giai đoạn sau chiến tranh là những góc nhìn đa dạng vào thân phận con người, không mô tả trực diện chiến tranh nhưng sự khốc liệt của chiến tranh và sự chính nghĩa của bên thắng cuộc hiện lên qua những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ, những triết lý nhân văn sâu sắc.

Bước vào thời kỳ Đổi mới - giai đoạn sau năm 1986 đến những năm 1990, hòa chung vào dòng chảy đổi mới của văn học nghệ thuật, điện ảnh cũng cùng trào lưu “bước qua lời nguyền” cùng văn học. Như một luồng gió mới, trào lưu Đổi mới cũng giúp diện mạo của điện ảnh giai đoạn này có nhiều điểm độc đáo khác biệt từ cách tiếp cận đến thủ pháp nghệ thuật, ngay cả trong đề tài truyền thống như chiến tranh cách mạng. Khi ấy, chiến tranh đã kết thúc hơn một thập kỷ, độ lùi về thời gian đã giúp các nghệ sĩ chiêm nghiệm, khiến họ bộc lộ những cái nhìn thấu đáo, khách quan hơn. Chiến tranh không chỉ là tấm huân chương lấp lánh mà còn là những góc khuất đằng sau nó. Không có đường chân trời, Nữ thần Laksmi, Người đi tìm dĩ vãng, Cỏ lau, Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý… là những bộ phim tiêu biểu của giai đoạn này. Trong đó Cỏ lau, Lưỡi dao là bộ phim tiêu biểu nhất.

Cảnh phim Hoa hồng giấy

Với thế mạnh chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Minh Châu, Cỏ lau đậm chất suy tưởng về sự sống và cái chết, về những hy sinh thầm lặng sau chiến tranh, những dằn vặt về được - mất ở đời giữa những con người từng kinh qua khói lửa chiến tranh, nay trở về đối mặt với những lựa chọn giằng xé. Khai thác những bi kịch của chiến tranh, Cỏ lau còn khơi gợi những suy tưởng về sự linh thiêng sức sống mãnh liệt của cỏ lau - tượng trưng cho những linh hồn liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Cũng khai thác đề tài chiến tranh cách mạng ở một góc nhìn khác lạ, độc đáo rất riêng, Lưỡi dao là một bộ phim có tính luận đề, nhằm lý giải nguồn gốc thắng lợi của cuộc chiến tranh. Thông qua những biểu tượng mang tính triết lý, bộ phim cũng cho thấy tiến trình hòa hợp dân tộc sau cuộc chiến thật cam go và kết cục, thù chỉ có thể hóa giải bằng yêu thương. Được coi là một bộ phim có tìm tòi thể nghiệm trong phương pháp biểu hiện, Lưỡi dao là một bộ phim độc đáo trong số những phim về đề tài chiến tranh cách mạng.

Cái nhìn đa chiều của thời hậu chiến

Hậu chiến là đề tài để lại dấu ấn rõ nét trong điện ảnh Việt Nam từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000 với số lượng phim áp đảo và chất lượng nổi trội. Khác với phim chiến tranh chủ yếu mang âm hưởng tụng ca, hậu chiến là những bè trầm trong bản nhạc, chủ yếu đi sâu vào những góc khuất của số phận, những khoảng lặng của chiến tranh với những nỗi đau giằng xé của người ở lại. Ai xuôi vạn lý, Hải Nguyệt, Chung cư, Đời cát Bến không chồng là những bộ phim tiêu biểu.

Ai xuôi vạn lý - bộ phim về đề tài hậu chiến mới chính là một trong những bộ phim điện ảnh được đánh giá là thành công nhất của Lê Hoàng và là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Hành trình dọc theo chiều dài của dải đất hình chữ S của Tấn và Miên với nhiều những bất ngờ, kịch tính đã ám ảnh người xem đến giây phút cuối. Chiến tranh đã qua đi nhưng quá khứ không ngủ yên. Những ai đã từng trở về sau cuộc chiến hẳn sẽ bàng hoàng sau khi xem xong phim bởi nỗi ám ảnh: Mình cũng trở về nhưng không phải “nằm trong balô” của đồng đội!. Những ai đã từng chứng kiến cuộc chiến sau khi xem xong phim sẽ nổi giận vì câu hỏi: ai đã gây ra cuộc chiến tàn khốc này?. Và ai có người thân hi sinh trong cuộc chiến hẳn sẽ thấy xót xa bởi những mất mát không gì bù đắp được.

Với Hải Nguyệt, đạo diễn Mỹ Hà khai thác bi kịch của một gia đình, rộng hơn là cả một dân tộc sau cuộc chiến tranh thông qua nhân vật chính là một cô gái trẻ. Những bi kịch chiến tranh âm ỉ trong lòng, để lại dư chấn trong suốt những năm hậu chiến qua diễn xuất nội tâm của Hồng Ánh và phần hình ảnh trau chuốt, đậm chất xi nê, giàu biểu cảm đã giúp bộ phim có một sức nặng truyền cảm trong dòng chảy phim về đề tài hậu chiến. 

Chung cư (đạo diễn Việt Linh) lại đưa người xem đến với những bi kịch khác của những số phận tình cờ bị đẩy đưa vào sống trong khu chung cư vốn là một khách sạn cũ. Nhiều chi tiết rất đời, với những số phận bình dị vẽ nên bức tranh sinh động của những phận người bé nhỏ nơi phố thị một thời. 

Cảnh phim Mùi cỏ cháy

Bến không chồng (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) là bi kịch hậu chiến không chỉ của những người phụ nữ làng Đông mòn mỏi đợi chờ chồng con trở về mà còn như nỗi đau của tất cả những người phụ nữ từng trải qua chiến tranh. Nghiệt ngã và vô cùng dữ dội, những mất mát đớn đau đã làm biến dạng trong tâm hồn những người ở lại, khiến họ trở nên bức bối, nghiệt ngã, tự đè nén lòng mình và trói buộc cả người khác trong những hủ tục lạc hậu.

Nhưng thành công hơn cả ở mảng đề tài này chính là bộ phim Đời cát (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) bộ phim từng tạo nên cơn sốt và trở thành “hiện tượng phòng vé” đầu những năm 2000. Chuyện phim chỉ đơn giản là câu chuyện giữa ba con người, một người đàn ông và hai bà vợ, những đạo diễn đã rất bộc lộ sự tinh tế và sâu sắc khi khai thác sự chịu đựng, giày vò, những hy sinh nhường nhịn và cả những khổ đau, hờn tủi trong tam giác ba người. Khơi gợi được mạch ngầm, những ngõ ngách tâm trạng trong mối quan hệ ấy, Đời cát cho thấy cái nhìn đầy cảm thông và nhen nhóm những hy vọng về tình người, tính nhân bản toát lên từ chính những cư xử tưởng như trần trụi nhất của những phận người bé nhỏ. Đời cát còn cho thấy một diện mạo mới của phim về đề tài hậu chiến, phù hợp với thực tế Việt Nam. Không cần đao to búa lớn, cũng không cần chi phí “khủng”, chỉ cần một kịch bản chạm đến trái tim và tài năng tỏa sáng, phim chiến tranh và hậu chiến vẫn có thể là những bộ phim hấp dẫn.

Những làn gió mới khơi mạch nguồn sáng tạo

Với những ký ức không thể phai mờ về chiến tranh, một lớp thế hệ những con người mới đang tiếp bước truyền thống cha ông để mang tới những thước phim sử ca vô cùng đẹp và hoành tráng về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Người trở về… là những bộ phim đã tạo được tiếng vang ít nhiều trong những năm trở lại đây. Tuy điều kiện làm phim còn khó khăn, thiếu thốn, kinh phí eo hẹp, cộng thêm sự cạnh tranh của những phim bom tấn nước ngoài, phim giải trí trong nước, nhưng những bộ phim này vẫn luôn có cách để chạm được đến trái tim của một bộ phận khán giả.

Với độ lùi thờ gian khá xa, thế hệ hậu sinh có những suy nghĩ và cách nhìn khác về phim chiến tranh. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nổi lên với tư cách là đạo diễn của dòng phim chiến tranh với hàng loạt phim được chú ý như: Đường thư, Những người viết huyền thoại… với mong muốn phim của mình sẽ là những câu chuyện nghệ thuật mang tính giải trí cao. Bởi vậy, trong tác phẩm của anh, chiến tranh chỉ là cái cớ để anh đi sâu vào số phận nhân vật. Nhờ vậy mà Bùi Tuấn Dũng đã thổi luồng gió mới vào đề tài phim chiến tranh, khi vừa mang đến hình ảnh rất thực về cuộc chiến tàn khốc, vừa hấp dẫn bởi những cảnh chiến đấu ác liệt, vừa xúc động với những đau thương mất mát, lại vừa lãng mạn với tình người ấm áp. 

Cảnh phim Sống cùng lịch sử

Cũng là một đạo diễn có duyên với những bộ phim chiến tranh và hậu chiến, Đặng Thái Huyền được kỳ vọng như một “làn gió mới” khơi mạch nguồn sáng tạo về đề tài tưởng như đã cũ này. Chị làm nhiều phim về chiến tranh nhưng thành công nhất là Người trở về khi bộ phim từng tạo nên một “cơn sốt” hâm mộ. Đặng Thái Huyền tâm sự, chị làm phim chiến tranh từ khi mới vào nghề và còn rất trẻ, chị muốn khán giả trẻ có cái nhìn hoàn toàn khác về phim chiến tranh cách mạng. Đó không phải những thước phim khô khan giáo điều, không phải là sự đau khổ thể xác và tinh thần của chiến tranh gây ra, mà đó chính là ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh. “Mọi người thường nghĩ đề tài về chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử hay hậu chiến khô khan, không gây cho người ta sự tò mò thích thú nhưng theo tôi, người làm phim phải tìm cách tiếp cận đề tài một cách tốt nhất. Hình tượng chiến sĩ không chỉ đẹp ở sự kiên cường nơi chiến trường mà khi bước ra khỏi cuộc chiến, cách họ đối diện với cuộc sống với tình yêu cũng thể hiện bản lĩnh của họ”. Mới đây, bộ phim dài 40 tập Hoa hồng giấy của Đặng Thái Huyền được Netflix lựa chọn phát sóng trên toàn Đông Nam Á cuối năm 2022 cũng thuyết phục khán giả bởi hình ảnh người lính trong phim rất hiện đại, trẻ trung.

Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn) - tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng sản xuất hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận. Khai thác đề tài chiến tranh cách mạng với một góc nhìn khác lạ, bộ phim tái hiện không khí hào hùng nhưng cũng rất lãng mạn của người dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu dài 60 ngày đêm, từ ngày 19-12-1946 đến ngày 17-2-1947. Không chỉ mang âm hưởng hào hùng mà tinh thần của những người con Hà Nội yêu thành phố của mình chính là điểm khác biệt của bộ phim trong dòng chảy của những bộ phim chiến tranh. 

Cảnh phim Những người viết huyền thoại

Có thể nói, với cách thể hiện mới mẻ độc đáo, những năm gần đây phim về đề tài chiến tranh cách mạng không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn hấp dẫn cả về phương diện giải trí lẫn nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, đề tài phim chiến tranh ở nước ta chỉ mới dừng ở mức đơn đặt hàng của Nhà nước trong các dịp lễ kỷ niệm, vì vậy để dòng phim này trở thành dòng phim ăn khách, có chỗ đứng trong thị trường phim ảnh nước nhà cũng cần rất nhiều thời gian và sự đầu tư công phu và quảng bá phim thật hiệu quả. Vượt qua biết bao thăng trầm đồng hành cùng dân tộc, dòng phim chiến tranh cách mạng và hậu chiến vẫn là một đề tài lớn cần được khai thác một cách hiệu quả hơn nữa để thế hệ trẻ thêm yêu quý và tự hào về những hy sinh của cha ông cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;