Những khắc họa chân thực

Trong số các bộ phim làm về cuộc đời danh nhân, người nổi tiếng, có không ít êkip chọn phim truyện khi có thể đan cài giữa sự thực và hư cấu. Tuy có nét hấp dẫn của sự sáng tạo, thăng hoa trên nền sự thực nhưng phim truyện vẫn ít nhiều mang tính hư cấu và cả góc nhìn chủ quan của tác giả. Phim tài liệu chân dung khắc phục được những hạn chế đó khi mang lại góc nhìn chân thực hơn về nhân vật.

Phim có nhiều cảnh quay mới kết hợp các album, video cũ

Với khao khát dựng lại chân dung các nhạc sĩ, ca sĩ có nhiều cống hiến, thành tựu, sức ảnh hưởng… một cách chân thực nhất gần đây có một loạt các bộ phim tài liệu dài đã ra đời. Có thể kể ra một loạt những bộ phim tài liệu ra mắt gần đây như Chuyện ngày hôm qua (làm về cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập và Ban nhạc Bức tường), Mầu cỏ úa (làm về nhạc sĩ, ca sĩ Trần Tiến) và gần đây nhất là phim tài liệu Tri âm the movie: Người giữ thời gian của ca sĩ Mỹ Tâm. 

Nếu phim truyện về âm nhạc được nhắc đến với các phim Em còn nhớ hay em đã quên, Trịnh Công Sơn hay Em và Trịnh… thì phim tài liệu chân dung cũng nở rộ hàng loạt phim về các nhạc sĩ, ca sĩ như Trần Lập, Trần Tiến, Mỹ Tâm, Sơn Tùng… 

Sự “đổ bộ” của các phim tài liệu âm nhạc làm về chân dung các nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện sự nhanh nhậy của các êkip khi âm nhạc đang là môn nghệ thuật hấp dẫn của giới trẻ. Trên các mạng trực tuyến, khối lượng được tìm kiếm nhiều nhất cũng là các MV ca nhạc hay các clip của các nhạc sĩ, ca sĩ với nhiều bài hát, ca từ, vũ điệu đang hot. Không dừng lại ở việc làm các MV, các clip hay video, phim tài liệu dài (thường từ 90 - 150 phút) có đủ dung lượng, sự kỹ càng khi dựng lại một hành trình hay cả sự nghiệp của các ca sĩ, nhạc sĩ. 

Các show diễn thời trẻ của nhạc sĩ Trần Tiến xuất hiện trong phim

Sau khi nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập qua đời vì ung thư, nữ đạo diễn trẻ Đặng Linh đã tìm tới ban nhạc Bức tường và làm phim về cuộc đời Trần Lập cùng ban nhạc. Nói về dự án của mình, Đặng Linh cho biết Trần Lập với âm nhạc của anh là một phần tuổi trẻ của không ít thanh niên Hà Nội trong đó có cô. Mong muốn lưu giữ và truyền tải tình yêu, phong cách âm nhạc của Trần Lập đã thôi thúc tác giả phải làm phim về anh. Bộ phim đã dùng lại khá nhiều tư liệu cũ là những bức hình, ghi âm, các buổi biểu diễn, phỏng vấn cũ của Trần Lập và ban nhạc Bức Tường trong nhiều năm xen lẫn những hình ảnh mới. Xem phim, khán giả như được sống lại những khoảnh khắc, sự sôi nổi của Rock Việt những năm 90 và thập niên đầu 2000 mà Bức Tường là một trong những đại diện tiêu biểu. Anh Trần Nhất Hoàng - cựu thành viên ban nhạc Bức Tường, một người bạn thân của ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập chia sẻ: “Bộ phim đánh dấu sao vào sự ghi nhận những cống hiến và đóng góp của ban nhạc Bức Tường. Nhất là khi thủ lĩnh của ban nhạc - anh Trần Lập vừa qua đời thì sự ghi nhận này lại mang một giá trị đặc biệt hơn với ban nhạc và gia đình, nó giống một sự an ủi với chúng tôi”.

Phim có độ dài 75 phút kể về hành trình hơn 20 năm sống trọn với đam mê của ban nhạc Bức Tường, từ khi họ còn là những chàng trai giàu nhiệt huyết cho đến khi trở thành những người đàn ông trưởng thành đầy bản lĩnh. 

Sau Chuyện ngày hôm qua, bộ phim tài liệu Mầu cỏ úa khắc họa hành trình âm nhạc đầy mầu sắc của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Tiến khi ra rạp cũng tạo nên một hiện tượng với dòng phim tài liệu vốn kén khách. Được thực hiện trong 5 năm, từ 2015 đến 2020, Màu cỏ úa là dự án đầy tâm huyết của nữ đạo diễn Lan Nguyên.

 Phim tài liệu Tri âm the movie Người giữ thời gian của ca sĩ Mỹ Tâm

Với độ dài 80 phút Màu cỏ úa thuộc thể loại tài liệu âm nhạc. Phim khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến như người du ca đi qua hai thế kỷ với hình ảnh của chính nhạc sĩ, gia đình, bạn bè gắn bó với ông như: NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Dương Thụ, nghệ sĩ Hồng Ánh, ca sĩ Trần Thu Hà, ca sĩ - nhạc sĩ Vũ Đinh Trọng Thắng (ban nhạc Ngọt)... Phim chọn tông màu đen trắng nhằm khắc họa nét hoài cổ cũng như sự trôi chảy của dòng thời gian. Chân dung nhạc sĩ Trần Tiến trong Mầu cỏ úa lúc điềm đạm sâu sắc, lúc gần gũi bỗ bã. Bốn mảng âm nhạc chính trong sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến là du ca, chiến tranh, Hà Nội và biển được khắc họa qua các bài hát như những yếu tố sâu đậm nhất làm nên con người và âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến.

Chia sẻ về bộ phim, nữ tác giả cho biết: “Tôi lớn lên với âm nhạc của chú Trần Tiến. Năm 2015, tôi gặp chú để làm phóng sự truyền hình. Nhưng sau khi gặp, tôi thấy không thể chỉ làm phóng sự 20 phút mà phải làm hẳn một bộ phim bởi chỉ có thế mới khắc họa được đầy đủ và chi tiết về người nhạc sĩ tài hoa này. Suốt 5 năm với 15 đợt đi quay và sử dụng cả các hình ảnh, các video cũ, có những khoảnh khắc đã được đưa vào phim nhưng cũng có những khoảnh khắc, chúng tôi giữ cho riêng mình như một kỷ niệm quý giá về nhạc sĩ”. Trong phim, nhạc sĩ Trần Tiến chiêm nghiệm: “Con người lớn lên trong chính nỗi cô đơn của mình. Tôi tự nhận mình là kẻ du ca. Những người du ca là những người tự do, dũng cảm nhất”.

Từ dòng phim tiềm năng do bắt được sức hút từ thị trường, phim tài liệu âm nhạc đang dần trở thành xu hướng khi nhiều nhạc sĩ, ca sĩ muốn ghi lại hành trình của mình như một cách tri âm người hâm mộ. Nếu phim truyện được cài cắm với những sáng tạo, hư cấu thì phim tài liệu có sức hấp dẫn khi ghi lại những câu chuyện bên lề, hậu kỳ, các show diễn thật với vinh quang và cả sức lực, những giọt mồ hôi phía sau hậu đài.

Phim Chuyện ngày hôm qua sử dụng nhiều bức ảnh, tư liệu, video cũ của nhóm kết hợp quay mới

Trên thế giới, đã có nhiều bộ phim tài liệu âm nhạc của các nhóm nhạc ghi lại những hành trình, các show biểu diễn hoành tráng của họ. Hàng loạt bộ phim như thế được săn lùng bởi các fan hâm mộ. Chỉ riêng nhóm nhạc BTS, có đến 5 bộ phim được ra mắt tại Việt Nam. Năm 2021, nhóm nhạc nữ đình đám Blackpink cũng cho ra mắt bộ phim Blackpink: The movie. Năm 2022, Seventeen Power Of Love: The Movie của nhóm nhạc Seventeen cũng ra mắt khán giả Việt.

Ngoài ra, một số tác phẩm gây chú ý thời gian gần đây có thể kể đến: All of That Voices về chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới năm 2022 của Louis Tomlinson, ca sĩ nhạc pop người Anh, thành viên nhóm nhạc nam One Direction. The Sum of It All, series phim tài liệu được phát hành trên Disney+ của Ed Sheeran. The Velvet Underground về ban nhạc psychedelic cùng tên của thập niên 60 của thế kỷ trước hay Miss Americana về công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift.

Với bộ phim tài liệu Tri âm the movie: Người giữ thời gian của ca sĩ Mỹ Tâm, mong muốn của cô là dành tặng sự tri ân tới khán giả. Sau liveshow Tri âm, cảm xúc của khán giả đã thôi thúc Mỹ Tâm dùng những thước phim tư liệu quay trong quá trình thực hiện liveshow để sản xuất bộ phim này. Với ca sĩ Sơn Tùng M-TP thì Sky Tour the Movie là bộ phim được làm ra chỉ đơn giản muốn viết lại những dòng hồi ức cho một cuốn nhật ký của tuổi trẻ. Sky Tour the Movie đã khắc họa hành trình đầy cảm xúc của Sơn Tùng M-TP, một trong những nghệ sĩ trẻ của nền âm nhạc Việt đương đại. Thông qua những thước phim, bộ phim ghi lại hành trình khổ luyện để tạo nên những phút giây tỏa sáng trên sân khấu. Bộ phim cũng mở ra các góc nhìn đa chiều về một ngôi sao V-pop và những đêm diễn tuyệt vời mà Sơn Tùng M-TP dành tặng cho người hâm mộ thay cho lời tri ân.

Sky Tour the movie ghi lại hành trình ca hát của Sơn Tùng

Chia sẻ về bộ phim Tri âm the movie: Người giữ thời gian, Mỹ Tâm cho biết: Nhìn bề nổi, phim tài liệu âm nhạc tưởng dễ thực hiện nhưng lại vô cùng khó khăn. Quá trình sản xuất, ngay cả với những bộ phim ghi lại quá trình thực hiện các liveshow, tour diễn cũng không hề đơn giản. Bộ phim không phải là bê nguyên liveshow đã diễn ra và chiếu trên màn ảnh rộng. Êkip đứng trước áp lực vừa có quá nhiều tư liệu đã được ghi lại suốt quá trình chuẩn bị cho liveshow, đồng thời có những tư liệu khi dựng lại thấy thiếu. Do đó, toàn bộ các khâu hậu kỳ khác, khối lượng công việc, sự đầu tư đều giống nhau, kỹ lưỡng từng khung hình.

Với sức hấp dẫn đến từ cuộc đời, những nỗ lực phấn đấu để vươn tới thành công, các bộ phim tài liệu ca nhạc còn thu hút bởi các giai điệu, vũ đạo và giọng hát đầy nội lực của các ca sĩ. Nó cũng làm nên thành công và sức hút cho dòng phim này.

THANH HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

;