Đẩy mạnh công tác xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống

Hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống - Ảnh: TTXVN

 

Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được hình thành từ lâu đời và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, thể hiện đặc trưng văn hóa của từng tộc người, từng khu vực. Là di sản văn hóa phi vật thể (Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO 2003 coi lễ hội là một bộ phận của di sản văn hóa phi vật thể) cũng có nghĩa lễ hội truyền thống “là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”...  Ở mỗi quốc gia, lễ hội là một loại hình tiêu biểu nhất, góp phần nhận dạng giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc của quốc gia đó. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc biệt, có tính tập thể, phản ánh tín ngưỡng và sinh hoạt của cộng đồng cư dân trong lao động sản xuất, đấu tranh chống ngoại xâm, tâm hồn, cốt cách, lịch sử dân tộc. Bởi thế, lễ hội giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và xã hội của con người.

Môi trường văn hóa trong lễ hội là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện về nhận thức khoa học cũng như quan sát, quản lý, tổ chức các hoạt động thực hành lễ hội ở các dạng thức, cấp độ quốc gia, địa phương… cũng như trong hoạch định chính sách phát triển. Ở những góc độ khác nhau, khái niệm “Môi trường văn hóa trong lễ hội” có được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo cách hiểu chung nhất, “môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên"... Từ khái niệm trên, có thể hiểu, môi trường văn hóa trong lễ hội là tổng hòa các yếu tố văn hóa tinh thần cũng như các yếu tố văn hóa vật thể, tồn tại xung quanh con người và tác động tới hoạt động của con người trong quá trình thực hành lễ hội... Những yếu tố này góp phần hình thành đặc trưng lễ hội truyền thống, đồng thời phản ánh đặc điểm tự nhiên, đời sống văn hóa vật chất và văn hóa ứng xử của con người trong môi trường văn hóa lễ hội đặc thù, nét riêng biệt của từng lễ hội truyền thống.

Trong những năm gần đây, từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống, do nhu cầu của xã hội, trên cơ sở đời sống kinh tế, văn hóa ngày một nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Theo số liệu thống kê, cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội truyền thống (chiếm tỷ lệ 88,36%), còn lại là lễ hội khác. Để tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng quản lý và tổ chức thực hiện. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, từ tư duy nhận thức của các cấp lãnh đạo đến toàn xã hội. Việc ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động lễ hội đã được thực hiện nghiêm và hiệu quả; việc tổ chức hoạt động lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng xã được tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân thực sự là chủ thể của hoạt động lễ hội; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng, đảm bảo hoạt động lễ hội phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những điều tích cực, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, trong bối cảnh nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội đang có những biến đổi sâu sắc, hoạt động lễ hội cũng còn không ít hạn chế, tồn tại. Đặc biệt, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống cũng ảnh hưởng làm giảm đi tính tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa trong lễ hội, như:

Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, chưa phù hợp với xu thế của thời đại; tình trạng bạo lực, phản cảm ở không ít các lễ hội vẫn còn diễn ra; công tác bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội còn yếu; vấn đề ùn tắc giao thông, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, đeo bám khách, cờ bạc trá hình còn phổ biến; việc nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức, giọt dầu tùy tiện không đúng nơi quy định vẫn còn.

Tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến thay đổi về mục tiêu, mục đích, chủ thể thể, không gian, quy mô, tính chất, thiết chế văn hóa gắn với lễ hội; thay đổi về về mục đích của người tham gia lễ hội.

Sự bùng nổ của truyền thông cũng như nhu cầu tham gia lễ hội của đông đảo người dân ngày một đông, trong khi các Ban Tổ chức chưa có dự báo tốt, xử lý những tình huống phát sinh còn lúng túng nên dẫn đến tình trạng lộn xộn, không kiểm soát được tại một số lễ hội.

Sự thay đổi về quy mô, các hoạt động hội và nhu cầu tham gia lễ hội của người dân ngày càng cao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tại di tích và địa điểm tổ chức lễ hội, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa lễ hội.  

Những bất cập, hạn chế trong một số lễ hội trong thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Song, nguyên nhân nào dẫn đến những bất cập này, cần có những giải pháp cấp bách và cụ thể gì để xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống ở nước ta hiện nay? Để có cơ sở triển khai các giải pháp về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đáp ứng yêu cầu phát triển biền vững đất nước trong thời gian tới, ngày 26/5/2022, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp với Sở VHTTDL Hà Nam và các cơ quan nghiên cứu, tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống - Thực trạng và giải pháp”, nhằm thảo luận và làm rõ lý luận và thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống hiện nay.

Tham dự Hội thảo có trên 100 đại biểu, gồm đại diện một số Bộ, ban, ngành, các nhà nghiên cứu và đại diện lãnh đạo một số Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Di sản văn hóa, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Viện nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ban Quản lý Khu di tích danh thắng Hương Sơn, Sở VHTTDL các tỉnh: An Giang, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình…

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 30 báo cáo khoa học từ các nhà nghiên cứu của Bộ, ngành Trung ương và 10 báo cáo của SởVHTTDL; Sở VHTT các tỉnh/thành về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống ở địa phương.

Tuy Hội thảo diễn ra trong nửa ngày nhưng với tinh thần sôi nổi, khẩn trương, các nhà khoa học đã làm rõ những nội dung cơ bản về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống ở nước ta hiện nay, cụ thể:

 Thứ nhất, các nhà nghiên cứu thống nhất quan điểm, lễ hội là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phổ biến ở nhiều vùng, nhiều dân tộc, tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Từ thực trạng về xây dựng môi trường văn hóa nói chung và môi trường văn hóa trong lễ hội nói riêng ở nước ta đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với ngành VHTTDL, chính quyền, chủ thể lễ hội và người dân cần thực hiện.

Thứ hai, Hội thảo đã thảo luận, làm rõ về mặt khái niệm, nội hàm và các thành tố cơ bản của môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống như: Về không gian văn hóa lễ hội truyền thống; hệ thống cơ sở vật chất trong lễ hội truyền thống; các sản phẩm văn hóa trong lễ hội truyền thống; hành vi ứng xử trong lễ hội truyền thống và thực trạng một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống ở nước ta hiện nay như: vấn đề quy hoạch; một số tập tục, hiện tượng, hành vi ứng xử phản cảm, không phù hợp trong lễ hội truyền thống ( hiện tượng chen lấn, xô đẩy, cướp phết, cướp lộc, đốt vàng mã, đồ mã); không gian tổ chức lễ hội, không gian di tích ngày càng bị xâm lấn; sự thương mại hóa trong tổ chức lễ hội ngày càng rõ nét; những thay đổi về nhận thức, thái độ, hành vi và mục đích tham gia lễ hội của người dân và du khách cũng đang dần thay đổi. Những biến đổi đó dần làm mất đi tính linh thiêng, sự trang trọng và những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.

Thứ ba, trước thực trạng về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống ở nước ta, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn tới những hiện tượng trên, đó là: xu hướng toàn cầu hóa, giao lưu hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới đang có tác động mạnh mẽ đến nền văn hóa Việt Nam; những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường làm một số giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội bị biến đổi và mai một; do những thay đổi về nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về lễ hội; những nhu cầu, mục đích, hình thức và tâm thế của người tham gia lễ hội cũng có những thay đổi; công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn nhiều hạn chế.

Thứ tư, Hội thảo đã tập trung thảo luận về những thuận lợi và khó khăn trong trong công tác xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội văn minh, lành mạnh ở nước ta giai đoạn hiện nay, đặc biệt những vấn đề liên quan đến một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo ở một số vùng, đồng bào dân tộc thiểu số; những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường..., cần có một chiếc lược cụ thể, lâu dài và cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, cách ngành; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà nghiên cứu khoa học; phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong việc quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương.

Thứ năm, để đảm bảo xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống văn minh, lành mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là định hướng bộ khung tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống cần triển khai các nhiệm vụ trong tâm, cụ thể:

Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Cần phải đưa nội dung này vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và chính quyền, cơ quan, đoàn thể các cấp. Phải tạo được sự phối hợp chỉ đạo đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình vận động nhân dân thực hiện. Nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp quy, chỉ đạo, hướng dẫn mang tính chủ đề về “xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội, đặc biệt trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội, phổ biến ở sinh hoạt chi bộ, cơ quan đoàn thể... nhằm đề cao công tác xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội.

Xây dựng và ban hành tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và Việt Nam. Các tiêu chí không chỉ dựa trên những chuẩn mực cộng đồng, chuẩn mực pháp lý của Việt Nam mà còn phải dựa trên những quy ước, công ước quốc tế mà Việt Nam đã thừa nhận và ký cam kết. Theo đó, những lễ hội truyền thống gắn với những nghi thức, những màn trình diễn không phù hợp với những giá trị chuẩn mực của nhân loại, Nhà nước sẽ phải can thiệp bằng các công cụ quản lý của mình để điều chỉnh, định hướng cho việc sửa đổi. Điều này sẽ đưa các hoạt động trong lễ hội vào quy củ, tiết giảm những hành vi ứng xử thiếu văn minh, mang tính bạo lực, hoặc những hành vi lợi dụng lễ hội để tìm kiếm nguồn lợi trái phép.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà khoa học và chủ thể lễ hội về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Xây dựng môi trường văn hóa nói chung và môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Để phát huy vai trò của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân vào công tác xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đề nghị các cơ quan, đơn vị, báo, đài trung ương và địa phương tích cực đẩy mạnh công tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những quy định của Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các giá trị văn hóa truyền thống cần được gìn giữ, gạn lọc làm điểm tựa cho văn hóa đương đại - Nguồn: tuyengiao.vn

 

BÙI DUY CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;