Thưởng thức phim - Những ngã rẽ mới

Khi công nghệ, kỹ thuật can thiệp sâu vào việc sản xuất các chương trình nghệ thuật, giải trí thì các hình thức thưởng thức cũng được đa dạng, biến hóa theo sự phát triển. Đại dịch COVID-19 chỉ đẩy nhanh quá trình đó chứ không phải tác nhân tạo ra thay đổi.

Phim Squid Game

Ngay thời điểm các kênh truyền trực tuyến hướng đến thu phí của khán giả đối với các chương trình phát trên nền tảng của mình thì đó cũng là lúc họ tiến dần đến sự cạnh tranh với hình thức phim chiếu rạp. Cùng với sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn, những màn hình phẳng, màn hình cong với độ phân giải lớn hay những chiếc điện thoại, máy tính bảng thông minh đã giúp khán giả có thêm nhiều sự lựa chọn. Họ có thể chủ động về thời gian, địa điểm, thậm chí là lựa chọn các đầu phim hơn là việc có mặt tại rạp và xem một bộ phim cụ thể. 

Sự xuất hiện của các nền tảng trực tuyến như Netflix ngay lập tức tạo ra sự nghi ngại và những phản ứng với một bộ phận ưa thích cách thưởng thức truyền thống. Tuy nhiên, theo thời gian, các nền tảng mạng đã chứng minh các mặt vượt trội và phái ưa thích thưởng thức phim theo lối truyền thống đang phải nhượng bộ từng phần. Đỉnh điểm là những tranh cãi, bất đồng rồi dần thỏa hiệp tại các Liên hoan Phim lớn khi phim được sản xuất, trình chiếu bởi các nền tảng mạng được quyền cạnh tranh sòng phẳng với các phim phát hành theo phương thức truyền thống. Từ chỗ bị chối bỏ, Netflix đã cố gắng đầu tư và quyết tâm giành giải vàng Oscar ở hạng mục phim hay nhất trong bốn năm qua. Họ đã bắt đầu chiến dịch nghiêm túc với phim Roma trong năm 2018 với 10 đề cử giải Oscar và phim đã giành ba giải, trong đó có giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Alfonso Cuarón.

Là công ty tiên phong trong ngành công nghiệp phát trực tuyến (OTT) từ năm 2015, Netflix đã lựa chọn hợp tác với các đạo diễn gạo cội và tên tuổi như Martin Scorsese, David Fincher và Noah Baumbach. Hãng đã chi hàng chục triệu đô la cho các chiến dịch chạy đua tại lễ trao giải Oscar. Và Netflix cũng gặp không ít chỉ trích từ các đạo diễn nổi tiếng như Steven Spielberg vốn luôn cho rằng “phim truyền hình sẽ không đủ điều kiện để đạt giải Oscar”, dù rằng ông đã có một thỏa thuận làm phim với Netflix. 

Hai năm COVID-19 trôi qua thật sự là khoảng thời gian các nền tảng streaming được dịp phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các ông lớn trong ngành càng ngày càng cạnh tranh quyết liệt trong việc đầu tư vào các nội dung giải trí trực tuyến khi mọi người buộc phải ở nhà nhiều hơn do các biện pháp phong tỏa, phòng chống dịch.

Nhiều ông lớn đã tham gia vào mảng này như Netflix, Apple, Disney+… Netflix hiện có mặt ở trên 190 quốc gia và lãnh thổ với 203 triệu người đăng ký trên toàn cầu. Apple hiện diện ở trên 100 nước với ước tính khoảng 40 triệu thuê bao. Disney+ thì có lượng đăng ký gần gấp đôi Apple.

Một sự đầu tư có định hướng lâu dài và thông minh của Netflix đã giúp số người đăng ký tăng vọt, tạo doanh số và lợi nhuận khủng cho nền tảng này trong năm năm qua. Netflix bắt tay với các hãng phim địa phương để làm phim độc quyền cho hãng. Netflix có nhiều series độc quyền dù phim không nói tiếng Anh nhưng rất được yêu thích như Money Heist (Tây Ban Nha), Alice in Borderland (Nhật Bản), Lupin (Pháp), Sweet Home hay Squid Game (Hàn Quốc)…

Netflix luôn có kết quả kinh doanh đáng khích lệ thời gian qua. Doanh số tăng từ 11,7 tỉ đô la trong năm 2017 lên 29,7 tỉ đô la trong năm 2021. Chỉ trong năm năm, doanh số của Netflix tăng hơn hai lần, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số lại giảm từ 35%/năm xuống còn 18% trong năm 2021 vì có nhiều đối thủ tham gia thị trường streaming. Đây là dấu hiệu cảnh báo Netflix đã mất dần sức hấp dẫn với một số đối tượng khán giả.

Trong quí 4-2021, số lượng người dùng chỉ tăng 8,3 triệu so với dự báo 8,5 triệu dù Netflix có series Squid Game là hiện tượng toàn cầu. Dự báo lượng thuê bao chỉ tăng 2,5 triệu trong quí 1-2022. Nhà phân tích truyền thông Michael Nathanson thuộc hãng MoffettNathanson nhận định: “Netflix liên tục tăng giá và bây giờ. Hãng duy trì lượng người đăng ký bằng cách có thêm ngày càng nhiều các nội dung mới”.

Ra mắt cùng thời điểm với Disney+ cuối năm 2019, Apple TV+ chọn hướng đi khác bằng cách tập trung vào việc hợp tác với dàn diễn viên nổi tiếng như Oprah Winfrey hay Jennifer Aniston và các đạo diễn cùng các nhà sản xuất danh tiếng. Apple mạnh tay đổ tiền làm các phim điện ảnh cùng các series phim độc quyền.

Cựu giám đốc điều hành Richard Plepler, người đã có gần 30 năm làm việc tại HBO và chịu trách nhiệm chính cho hàng loạt phim ăn khách như Game of Thrones đã ký hợp đồng làm việc 5 năm với Apple TV+ từ năm 2020 để cung cấp các chương trình truyền hình, phim truyền hình và phim tài liệu cho “nhà táo”.

Với kinh nghiệm dày dặn và tài chèo lái của mình, Plepler cùng Apple TV+ đã thay đổi chiến lược để cạnh tranh với Netflix và các nền tảng lớn hơn: tập trung vào chất lượng thay vì tăng số lượng. Những cái tên đình đám như The Sopranos, Six Feet Under, Westword, Boardwalk Empire… đều là những series được nhiều khán giả yêu thích và đón nhận.

Có thể nói, chính sự phát triển của công nghệ đã ảnh hưởng nhiều tới việc sản xuất và gia tăng các hình thức, phương tiện giải trí khác nhau. Và dịch bệnh chỉ khiến cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn, tập trung hơn. Về lâu dài, tự thị trường, khán giả và các hãng lớn sẽ phải tìm ra giải pháp để chung sống và phát triển hài hòa thay vì phản đối hay ngáng trở.

MY LAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;