Những hình thuyền trang trí trên đồ gốm thời Lê - Nguyễn (Phần 1)

Hình 01

Với cư dân Việt, gắn cuộc sống với nông nghiệp trồng lúa nước, gắn với sông nước đã trải qua hàng ngàn năm. Văn minh Đông Sơn cách ngày nay hơn 2000 năm đã xuất hiện nhiều hình thuyền cùng hoạt động của con người trên những chiếc rìu đồng, tấm che ngực, thạp đồng và trống đồng, như là phản ánh những lễ hội đua thuyền của cư dân Việt cổ. Nhưng đề tài trang trí hình thuyền xuất hiện trên đồ gốm từ khi nào ? Theo dõi lịch sử các dòng gốm men cổ Việt Nam chúng tôi thấy hình thuyền xuất hiện vào cuối thời Trần, thế kỷ 14. Đó là trên loại bát gốm men xanh lục trong một sưu tập tư nhân ở Hà Nội (1). Bát cao 5,6cm; đường kính miệng 16cm. Bát có miệng loe, gờ cắt khắc, thành cong, chân đế thấp và rộng. Giữa lòng bát có dấu khoanh lòng. Tâm bát in nổi một hình rùa. Thành trong bát chia đều 6 ô hình cánh hoa bằng các đường vạch song song. Cách đều trong 3 ô in nổi cành hoa lá xen hình người thuyền, người và cá (Hình 1). Nhưng đề tài này thấy phổ biến vào thời Lê Sơ và kéo dài đến thời Nguyễn. Đặc biệt, đề tài này xuất hiện nhiều trên đồ gốm hoa lam và hoa lam kết hợp vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2. Bài viết này chúng tôi giới thiệu một số trường hợp đồ gốm trang trí hình thuyền thuộc thời Lê- Nguyễn hiện lưu giữ tại các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở trong và ngoài Việt Nam.

Hình 2

Đồ gốm hoa lam (gọi tắt của đồ gốm men trắng vẽ lam) là dòng gốm hoa văn vẽ một màu xanh cobalt dưới men, nung một lần ở nhiệt độ cao trên 1200 độ C nên không bị bong hay biến màu. Người thợ dùng chất lam cobalt vẽ các hoa văn lên mặt phôi gốm, sau đó phủ lớp men trắng có các nguyên tố Paladi và Zirconi, mà sau khi nung bị thủy tinh hóa, hoa văn sẽ hiện lên. Dưới thời Lê sơ, thế kỷ 15-16, dòng gốm hoa lam này phát triển cực thịnh, mở ra một thời kỳ xuất khẩu đồ gốm sứ của nước ta ra nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Tây Á. 

Về chất liệu, gốm hoa lam được làm từ loại đất sét trắng, đôi khi còn pha thêm caolin. Trải qua các khâu sàng lọc tạp chất kỹ lưỡng, nguyên liệu trở nên đủ độ dẻo và có kết cấu thích hợp với các loại hình sản phẩm. Để tạo ra sản phẩm gốm hoa lam, người thợ phải lựa chọn loại khoáng cobalt tự nhiên giàu ôxist cobalt, ôxist sắt và ôxist măng gan. Cùng với đó là việc “chế ngự lửa” với nhiệt độ và thời gian nung đốt. Trong quá trình sản xuất gốm hoa lam dưới thời Lê Sơ, nhiều sản phẩm có màu lam khác nhau như xanh mực, xanh chì, xanh tím, xanh đen…có thể là do sử dụng pha chế các nguyên liệu men nội địa và nhập ngoại. Đối với khâu trang trí, gốm hoa lam thể hiện bằng nghệ thuật vẽ bút lông. Những người thợ gốm thời Lê Sơ trong các lò gốm của Ngự xưởng hay dân gian đều sử dụng triệt để các yếu tố của hội họa để thể hiện các đề tài trang trí. Với tâm hồn nghệ sĩ và đôi tay tà khéo của mình, người thợ gốm đã tạo ra những “bức tranh” gốm sinh động trên nhiều loại hình khác nhau. Nét bút lông khi đậm lúc nhạt tạo nên nét chấm phá xuất thần. Nét phóng bút rành mạch nhưng vẫn uyển chuyển bay bướm. Với 2 cách vận hành bút lông, khi phóng bút tạo ra nét đậm, khi công bút tạo ra nét nhỏ tỷ mỷ chi tiết. Chủ đề trang trí gốm hoa lam bao gồm hình ảnh diễn tả hoạt động của con người, phong cảnh sơn thủy, tứ linh, các loài động vật, các loài thủy sinh, cây cỏ, hoa lá vv.. Trên loại hình bát, đĩa các hoa văn trang trí được sắp xếp theo trung tâm, bao quanh trong lòng và thành ngoài là các băng hàng ngang theo bố cục truyền thống của nghệ thuật trang trí đồ gốm thời Lý- Trần. Băng trang trí chủ đạo được bố trí khoảng rộng hơn, bên cạnh là các băng hoa văn phù trợ. Nhiều sản phẩm gốm hoa lam, gốm hoa lam kết hợp vẽ men nhiều màu và vàng kim trên men của thời Lê Sơ hiện biết trong các con tàu đắm cổ, trong các bảo tàng, sưu tập riêng, cả trong và ngoài Việt Nam, đã chứng minh thời kỳ đỉnh cao của lịch sử nghề gốm nước ta. 

Hình 3

Những chiếc đĩa gốm hoa lam trang trí hình thuyền thời Lê Sơ hiện biết tập trung trong sưu tập hiện vật độc bản tàu cổ Cù Lao Chàm, thế lỷ 15, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt nam. Những chiếc đĩa này đã được chúng tôi giới thiệu trong một số ấn phẩm và bài viết trước đây.

Chiếc đĩa thứ nhất, cao 5cm; đường kính miệng 22,6cm (Hình 2). Đĩa có miệng loe, gờ miệng lõm hình lòng máng, thành cong vát, chân đế thấp, đáy tô nâu. Trang trí trên đĩa theo kiểu vẽ phóng bút, diễn tả cảnh một chiếc thuyền nhỏ có mui ở giữa, bên phải một người đàn ông đang chèo, bên trái là một phụ nữ tóc búi cao đang ngồi, mắt nhìn ngang. Một vài nét bút diễn tả mặt nước gợn sóng. Phía trên là đám mây hình chiếc ô. Thành trong đĩa vẽ băng hoa sen dây. Thành ngoài đĩa vẽ băng cánh sen, trong có dải xoắn. Men vẽ màu xanh chì, men phủ màu trắng xám (2).

 Chiếc đĩa thứ hai, cao 5,4cm; đường kính miệng 23,5cm (Hình 3). Đĩa này có kiểu dáng , men vẽ và men phủ tương tự chiếc đĩa trên. Điểm khác duy nhất là giữa lòng đĩa vẽ một hình thuyền như chiếc lá có 2 người ngồi trong, dưới chiếc ô che như miêu tả cảnh “một đám cưới trên sông”. Xung quanh thuyền là các lớp sóng nước, mây dải và mặt trời. Dẫu nét vẽ thô phác theo kiểu phóng bút mà sao sinh động lạ thường (3). 

Hình 4

Chiếc đĩa thứ ba, cao 5,4cm; đường kính miệng 23,5 cm (Hình 4). Đĩa này cũng có kiểu dáng , men vẽ và men phủ tương tự như 2 chiếc đĩa trên. Điểm khác biệt là trang trí vẽ trong lòng đĩa, một hình thuyền nhỏ có mui và một lá cờ. Phía trên thuyền là hình mặt trời. Phía dưới thuyền là hình cá và rắn (4). 

Trong tàu cổ Cù Lao chàm còn thấy loại đĩa hoa lam và nhiều màu trang trí phong cảnh người thuyền (Hình 5). Đây là chiếc đĩa in trong Cataogue đấu giá (Butterfields 2000: 241). Chiếc đĩa này có đường kính miệng 35 cm, kết hợp 2 kiểu vẽ phóng bút và công bút. Men xanh cobalt vẽ giữa lòng đĩa, diễn tả phong cảnh con thuyền nhỏ trong không gian sông nước, có cây lá, mặt trời, ngôi nhà và 3 con chim dang cánh bay. Bao quanh lòng đĩa là băng hoa chanh liên hoàn. Thành trong đĩa vẽ băng cánh sen kép, bao quanh mỗi cánh vẽ men xanh cobalt, nét mảnh, bên trong là men màu nhẹ lửa, nét đậm. Qua thời gian ngâm trong nước biển, nay những men màu đã mòn mờ chỉ còn dấu vết. 

Hình 5

Ngoài loại đĩa, trong tàu cổ Cù Lao Chàm cò thấy loại hình hộp tròn có 2 phần thân và nắp tách rời nhau (5). Trang trí loại hộp này khá đặc biệt, thể hiện xung quanh thành ngoài vẽ băng cánh sen kép, bên trong vẽ dải xoắn ốc nhưng giữa nắp và thân khi lắp khớp lại mới thấy băng cánh sen hoàn chỉnh.Trên mặt nắp hộp tròn gốm hoa lam cao 6,8 cm; đường kính mặt 27,7cm (Hình 6) vẽ trang trí phong cảnh người thuyền. Mặt nắp hộp khá phẳng, giống như một chiếc gương tròn. Bao quanh vòng ngoài bổ 4 ô, vẽ dải mây xen kẽ bông hoa nhỏ 4 cánh tròn. Bên trong vẽ bức tranh phong cảnh sơn thủy, một con thuyền có mui và 2 người. Phía trên đỉnh là mặt trời trong mây. Men vẽ màu xanh mực, men phủ màu trắng xám rạn. Một chiếc nắp hộp khác (Hình 7), kiểu dáng tương tự, mặt nắp cũng thấy vẽ bao quanh vòng ngoài băng văn mây hình khánh. Bên trong vẽ phong cảnh sơn thủy, 2 chiếc thuyền có mui và người chèo thuyền, kéo lưới trên sông nước. Phía trên có 4 con chim bay. Trên đỉnh là mặt trời trong mây. Men vẽ màu xanh chì, men phủ màu trắng xám. 

Chiếc Mâm bồng gốm hoa lam vẽ men nhiều màu và vàng kim trên men (6). Đây là chiếc Mâm bồng thế kỷ 15, có kiểu dáng và hoa văn rất đặc biệt, xứng đáng là loại Bảo vật quốc gia.

Chiếc Mâm bồng này trong sưu tập của Nhà sưu tầm Nguyễn Văn Dòng (TP. HCM). Mâm bồng cao 26 cm; đường kính miệng 35 cm, có cấu tạo 2 phần ghép liền nhau, được trang trí men xanh cobalt kết hợp với men nhẹ lửa màu đỏ, xanh lơ và vàng kim vẽ trên lớp men phủ màu trắng (Hình 8a). 

Hình 6

Phần trên Mâm bồng tạo hình chiếc đĩa có miệng loe, thành cong, gờ miệng cắt khấc hình cánh hoa. Xung quanh viền đáy có xuyên một hàng lỗ nhỏ cách đều nhau (có thể để gắn thêm trang trí ?) tương tự như trên Mâm bồng ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia. Giữa lòng Mâm bồng vẽ những con thuyền lớn và nhỏ bên bến đậu. Trên bến có nhà cửa lâu đài, cờ lọng, nhiều cây lá, chim bay, thú chạy như mô tả về bến cảng Vân Đồn thời bấy giờ, với phong cảnh rất sầm uất và sống động (Hình 8 b,c). Thành trong Mâm bồng vẽ băng cánh sen kép kết hợp men xanh cobalt và vàng kim, với cấu trúc xen cài một cánh sen vẽ linh thú 4 chân với một cánh sen vẽ mạng kim quy. Gờ trong miệng Mâm bồng vẽ băng lá đề có dải tua bằng men xanh cobalt, điểm thêm men xanh lơ. Thành ngoài Mâm bồng vẽ 2 băng cánh sen kép, đặt so le, đầu cánh gần vuông, mỗi băng có cánh to và nhỏ xen nhau. Bên trong cánh sen to vẽ mây. Men vẽ xanh cobalt kết hợp men nhẹ lửa màu đỏ và xanh lơ nhưng nay chỉ còn dấu vết.

Hình 7

Phần dưới Mâm bồng là chân đế với cấu tạo 3 tầng giật cấp hình lục giác và tròn, viền chân đế tròn, tô men nâu: Tầng thứ nhất: trong 6 ô hình chữ nhật, vẽ 6 hình ngựa có cánh, tư thế đang phi, xen kẽ hình chim chích chòe đang bay, theo chiều thuận kim đồng hồ. Tầng thứ hai, thu vào nhỏ hơn: trong 6 ô gần hình chữ nhật vẽ đề tài Sừng tê- Ngọc báu. Tầng thứ ba: hình chuông thấp, với 6 mặt cong vẽ cánh sen, bên trong mỗi cánh sen vẽ một hình em bé đang chơi đùa, tay cầm hoa, bắt bướm bằng men xanh cobalt và xanh lơ. Xen kẽ giữa các cánh sen này vẽ hình lá đề và mây dải.

Hình 8a

Chiếc Mâm bồng này đã được Bảo tàng quốc gia Singapore mượn trưng bày năm 2008 (7). Không chỉ là một đại diện xuất sắc của dòng gốm men thời Lê Sơ, chiếc Mâm bồng còn có nhiều giá trị nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật, văn hóa và kiến trúc.

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;