Với những thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2023 và những bước đi quyết liệt trong năm 2024, ngành VHTTDL đã và đang góp phần quan trọng vào việc xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Qua việc triển khai đồng bộ các chính sách, pháp luật và các chương trình hành động, ngành đã tập trung vào việc xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, nhằm tạo ra một xã hội văn minh, tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Lễ hội Tam Chúc - Ảnh: Trần Huấn
Kế thừa những kết quả đạt được năm 2023, với sự quan tâm, ủng hộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, sâu sát, kịp thời, khoa học của Lãnh đạo Bộ VHTTDL; bám sát và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; các Nghị quyết của Chính phủ, thực hiện phương châm hành động “Tăng tốc, sáng tạo, về đích”, trong năm 2024, công tác xây dựng môi trường văn hóa đã được đẩy mạnh với mục tiêu tạo ra diện mạo mới cho đời sống văn hóa cơ sở, kiến tạo các quan hệ hợp tác lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Với chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, Bộ VHTTDL đã chủ trì xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quan trọng trong lĩnh vực văn hóa cơ sở như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024); Nghị định số 148/2024/NĐ-CP ngày 12-11-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Thông tư số 10/2024/TT-BVHTTDL ngày 6-11-2024 Quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ; hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng; tuyên truyền lưu động; cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 7-12-2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu (1); Kế hoạch thực hiện Hướng dẫn số 131-HD/BTGTW ngày
29-12-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 (2); Kế hoạch Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới (3); Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 thay thế Hướng dẫn số 1064/HD-BVHTTDL ngày 30-3-2022 (4); Hướng dẫn thực hiện đánh giá một số nội dung tại Tiêu chí số 7. Văn hóa, thể thao đô thị thuộc Quyết định số 4/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh (5); Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (6)…
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hủ tục lạc hậu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, dòng họ, khu dân cư; giới thiệu những tấm gương điển hình, mô hình điểm trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát huy giá trị văn hóa, vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan được tổ chức triển khai có hiệu quả, các địa phương đã thực hiện tốt việc trang trí khánh tiết, tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng trong năm 2024, góp phần cổ vũ tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tổ chức phát động các cuộc thi sáng tác, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng tại các địa phương... Triển khai xây dựng, ban hành Đề án/ Quy chế xây dựng môi trường văn hóa của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Bộ VHTTDL phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp năm 2024” và Lễ trao giải thưởng công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam”
Ảnh : Cục Văn hóa cơ sở cung cấp
Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm tại địa phương nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc gắn với phát triển du lịch; lồng ghép nội dung hương ước, quy ước trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với xây dựng nông thôn mới như: mô hình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình; mô hình Câu lạc bộ dân ca, dân vũ; hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Phú Thọ; mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại tỉnh Hà Giang; mô hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc M’Nông trên địa bàn huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông…
Cùng với các mô hình điểm, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu văn hóa, vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện thân thể có sức khỏe làm việc, lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp ngày càng được đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động, tổ chức, bộ máy quản lý. Đội tuyên truyền lưu động các tỉnh, thành phố tích cực tuyên truyền phục vụ nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất góp phần đưa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân.
Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái tổ chức triển khai mô hình điểm về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, huyện Trấn Yên
Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở cung cấp
Thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, ngay trước thềm mùa lễ hội 2024, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép. Vì vậy, các lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam; thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển…
Có thể nói, văn hóa là chất keo kết nối con người với con người, tạo ra sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, giúp xã hội ổn định và phát triển. Các giá trị văn hóa, từ truyền thống đến hiện đại chính là những nguyên tắc và chuẩn mực định hướng cho sự phát triển của dân tộc, giúp hình thành một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà trong đó, xây dựng môi trường văn hóa là tạo ra môi trường phát triển bền vững của đất nước. Với sự quan tâm, ủng hộ, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; sự vào cuộc chủ động của các địa phương, cùng với nỗ lực, cố gắng của toàn ngành VHTTDL, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế, tạo động lực cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc l
1. Quyết định số 180/QĐ-BVHTTDL ngày 23-1-2024 của Bộ VHTTDL.
2. Quyết định số 300/QĐ-BVHTTDL ngày 2-2-2024 của Bộ VHTTDL.
3. Kế hoạch số 2074/KH-BVHTTDL ngày 17-5-2024 của Bộ VHTTDL.
4. Hướng dẫn số 1807/HD-BVHTTDL ngày 26-4-2024 của Bộ VHTTDL.
5. Công văn số 2449/BVHTTDL-VHCS ngày 11-6-2024 của Bộ VHTTDL.
6. Kế hoạch số 2760/KH-BVHTTDL ngày 1-7-2024 của Bộ VHTTDL.
CỤC VĂN HÓA CƠ SỞ
Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"